TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ba đối tượng của sứ vụ loan báo Tin Mừng

Thứ tư - 31/03/2021 19:07 |   874
Giáo phận Long Xuyên thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng – Ba đối tượng của sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
vn010421a

THƯ MỤC VỤ THÁNG 4 – 2021

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
BA ĐỐI TƯỢNG CỦA SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Anh chị em thân mến,

Trong bầu khí cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, với ý thức loan báo Tin Mừng là loan báo Chúa Kitô phục sinh, chúng ta cùng suy tư, cầu nguyện, tìm ý Chúa để thực hiện qua thư mục vụ tháng 4 có chủ đề “Giáo phận Long Xuyên thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng – Ba đối tượng của sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

Trước hết chúng ta dùng ánh sáng của Lời Chúa về ba (03) đối tượng điển hình loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, để chiếu dọi vào chủ đề của Thư Mục vụ:

Đối tượng điển hình thứ nhất là ngư phủ Phêrô. Phêrô thực hiện cuộc hành trình theo Thầy Chí Thánh. Đây chính là cuộc hành trình thăng tiến nhờ hoán cải do Tin Mừng Chúa Giêsu loan báo. Tin Mừng này chiếu dọi vào cuộc đời có nhiều ưu điểm và khuyết điểm của Phêrô, kể cả việc Phêrô chối Chúa. Cuộc hành trình thăng tiến này được mô tả đặc sắc trong cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh với Tin Mừng được loan báo: “Khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Ga 21, 18). Đó là Tin Mừng - thăng tiến để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống và cả cái chết.

Đối tượng điển hình thứ hai là nhân viên thu thuế Matthêu. Matthêu trong tình trạng tội lỗi của một người thu thuế đã được Chúa rao giảng Tin Mừng. Chúa đã đến tận bàn thu thuế tội lỗi của ông, mời gọi ông theo Ngài, thăm nhà ông, đồng bàn với ông. Matthêu đã hoán cải và ông trở thành tông đồ của Chúa (Mt 9, 9-10). Cũng như ngư phủ Phêrô, nhân viên thu thuế Matthêu, một khi đã được loan báo Tin Mừng, đã dùng cuộc sống và cái chết của mình để làm chứng cho Tin Mừng, đặc biệt là bằng ngòi viết để viết sách Tin Mừng Chúa Giêsu. 

Đối tượng điển hình thứ ba là phụ nữ Samaria. Bà bị coi là người ngoại giáo, nhưng Chúa Giêsu đã đến gặp người phụ nữ này bên bờ giếng và vì thế bà đã được gặp Chúa, đối thoại với Chúa (Ga 4, 11-42). Nhờ đối thoại với Chính Chúa Giêsu, bà được Tin Mừng của Chúa khơi lòng mở trí về Tin Mừng Đấng Cứu Thế, và bà đã tin Chúa Giêsu là chính Đấng Cứu Thế. Ngay lập tức, dù là ngoại giáo nhưng khi được loan báo Tin Mừng, bà đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho đồng hương, và cùng với đồng hương, Bà đón Chúa hiện diện trong cộng đoàn của mình. 

Như vậy, cả ba (03) đối tượng, ngư phủ Phêrô, người thu thuế Matthêu, và phụ nữ ngoại giáo Samaria đều được loan báo Tin Mừng và điều quan trọng chung cho cả 3 trình thuật về trong Tin Mừng là họ gặp được Chúa Giêsu, họ đối thoại với Chúa Giêsu, họ đón nhận Chúa Giêsu chính là Tin Mừng, họ sống theo Tin Mừng, và trở thành người loan báo Tin Mừng.

Áp dụng vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của giáo phận, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận ý thức trách nhiệm của mình phải loan báo Tin mừng cho 3 đối tượng trong giáo phận:

Đối tượng thứ nhất là như trường hợp của ngư phủ Phêrô. Trong giáo phận, đây là những người đã được rửa tội, và đang nỗ lực sống đức tin sâu xa và chân thành, biểu lộ đức tin bằng các cách khác nhau. Họ là những Kitô hữu đang tích cực tham dự các sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, giáo điểm…Với đối tượng này, giáo phận thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng dưới hình thức chăm sóc mục vụ. Chăm sóc mục vụ là bằng Lời Chúa, Bí tích, và sinh hoạt Cộng đoàn, họ được củng cố và nuôi dưỡng đức tin, đức cậy, và đức mến. Kết quả là họ ngày càng ý thức hơn trách nhiệm tông đồ của mình và nhiệt tâm hơn tham gia vào sinh hoạt Loan Báo Tin Mừng của giáo phận.

Đối tượng thứ hai là như trường hợp của nhân viên thu thuế Matthêu. Trong giáo phận, đây là những người đã rửa tội nhưng không còn thiết tha thực hành các sinh hoạt của Hội Thánh, thường được gọi là những Kitô hữu khô khan, nguội lạnh, trễ nải…. Với đối tượng này, sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo phận được thực hiện dưới hình thức Tái Rao Giảng Tin Mừng. Ở đây, Giáo phận đóng vai trò của người mục tử đi tìm những con chiên lạc, tìm cách giúp họ hoán cải và mời gọi họ tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn, đồng thời khơi dậy nơi họ một sự dấn thân làm chứng cho Tin Mừng cùng với cộng đoàn giáo phận.

Đối tượng thứ ba là như trường hợp của người phụ nữ Samaria. Đây là những người không biết Đức Giêsu Kitô. Trong giáo phận, đây là các anh chị em đang sống niềm tin của các tôn giáo khác, đang theo đuổi một triết lý sống khác nhau, hay là những người vô thần… Với đối tượng này, Giáo phận có sứ vụ Loan báo Tin Mừng với ước ao được chia sẻ niềm vui của mình, và làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng Đức Kitô, với ước mong cùng họ tham dự vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. 

Thực tế là, trong một cộng đoàn giáo xứ giáo họ tại Giáo phận, luôn có sự hiện diện của cả ba (03) đối tượng trên. Đó là đối tượng của giáo phận có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Với ý thức trên, năm (05) sinh hoạt được đề nghị cho toàn thể Giáo phận thực hiện, đặc biệt trong mùa Phục Sinh: 

1. Khởi đầu của loan báo Tin Mừng phải là gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Vì thế, Giáo phận cổ vũ việc tham dự Thánh Lễ, là cơ hội tốt nhất để mọi thành phần dân Chúa gặp được Chúa Phục Sinh trong Lời Chúa, Thánh Thể và Cộng đoàn, và để được biến đổi thành người được sai đi loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

2. Để đặc biệt loan báo Tin Mừng bằng chăm sóc mục vụ, từng cộng đoàn giáo xứ giáo họ… trong giáo phận được khích lệ tổ chức cộng đoàn của mình thành gia đình của Thiên Chúa, với ý thức Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong cộng đoàn. Trong bầu khí yêu thương, bình an, hiệp nhất của gia đình Thiên Chúa, mọi thành viên cảm nhận được sự hiện diện đầy quyền năng và tình yêu của Chúa Kitô phục sinh như giáo hội sơ khai, nhờ đó “họ được toàn dân quý mến, và Chúa cho số người được cứu độ gia tăng” (Cv 2, 47). 

3. Để loan báo Tin Mừng bằng tái rao giảng Tin Mừng, giáo phận khích lệ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và tông đồ giáo dân thực hiện việc thăm viếng anh chị em khô khan, nguội lạnh, trễ nải trong cộng đoàn, để đồng hành theo gương mẫu của Chúa Kitô phục sinh đã đồng hành với hai môn đệ Emmaus. Đồng thời, cộng đoàn là gia đình của Thiên Chúa phải luôn mở rộng cửa, niềm nở tiếp đón sự trở về của anh chị em trong vui mừng và hy vọng, và cùng họ làm chứng cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.

4. Để loan báo Tin Mừng cho các anh chị em khác niềm tin, mỗi người và mọi người trong giáo phận đều được khích lệ nắm bắt mọi cơ hội tiếp xúc, để giới thiệu khuôn mặt đáng yêu của Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhường. Chính trong tương quan chân thành, thân thiết, cảm thông, và tôn trọng này, chúng ta đang là dụng cụ của Chúa thánh Thần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của giáo phận. 

5. Trong mùa Phục Sinh năm nay, giáo phận quan tâm đặc biệt đến những Kitô hữu, vì không có điều kiện thường xuyên đến tham dự Thánh lễ với công đoàn, hoặc vì quá xa nhà thờ, hoặc vì đau bệnh liệt lào, vì già yếu. Đối với thành phần này, giáo phận khích lệ các linh mục dâng lễ tại gia cho những người đau yếu liệt lào lâu năm. Thêm nữa, các linh mục được ủy nhiệm, sẽ dâng lễ cho giáo dân vùng sâu vùng xa tại các điểm được tổ chức “sinh hoạt tôn giáo tập trung”.

Xin Chúa Kitô phục sinh, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình cùng hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng, liên kết mọi người đang chung sống trên phần đất của giáo phận, thành đoàn chiên trong Nước Ngài.

+ Giuse Trần Văn Toản
Giám Mục giáo phận Long Xuyên

Nguồn: giaophanlongxuyen.org (31.03.2021) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây