Phần Phụng vụ Lời Chúa được cử hành với ba bài đọc Cựu Ước, thư gởi tín hữu Roma và Tin Mừng Phục Sinh theo thánh Marcô được một phó tế công bố bằng tiếng Ý.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói đến ba Tin Mừng Phục Sinh: (1) trước hết, chúng ta luôn có thể bắt đầu lại, (2) kế đến, Đức tin không phải là một tiết mục thuộc về quá khứ, và (3) cuối cùng, Đấng Phục Sinh yêu chúng ta vượt qua những biên cương.
Bài giảng của Đức Thánh Cha:
Các phụ nữ nghĩ rằng mình tìm đến để xức dầu cho một xác chết. Nhưng họ lại tìm thấy một ngôi mộ trống. Họ đến để khóc cho một người đã chết. Nhưng họ lại được nghe loan báo về sự sống. Bởi thế, Tin Mừng kể rằng: “họ sợ hãi và lòng đầy kinh ngạc” (Mc 16,8). Kinh ngạc trong trường hợp này là một nỗi kinh sợ trộn lẫn với niềm vui. Lòng họ đầy ngạc nhiên khi nhìn thấy tảng đá lớn trên cửa mộ đã được lăn ra ngoài, và bên trong mộ là một người thanh niên mặc áo trắng tinh. Ấy là nỗi niềm kinh ngạc khi nghe những lời này: “Các bà Đừng hoảng sợ. Đức Giêsu Na-gia-rét, Đấng bị đóng đinh, Người đã sống lại!” (c.6). Và sau đó là lời mời gọi: “Người đã đến Ga-li-lê trước các ông. Các ông sẽ gặp Người ở đó” (c.7). Chúng ta cũng hãy đón nhận lời mời gọi này, lời mời gọi Vượt Qua: Chúng ta hãy cùng đến Ga-li-lê, nơi Chúa Phục Sinh đã đến trước chúng ta.
Nhưng “đến Ga-li-lê” có nghĩa là gì?
Đến Ga-li-lê có nghĩa là bắt đầu lại. Với các môn đệ, đó là việc trở lại chính nơi mà lần đầu tiên Đức Giêsu đã đến tìm họ và đã gọi họ bước theo Người. Ấy là nơi của cuộc gặp gỡ đầu tiên, là chốn của mối tình đầu. Từ giây phút ấy, họ đã bỏ lưới mà bước theo Đức Giêsu, khi được nghe những lời rao giảng của Người và được chứng kiến những dấu lạ Người làm. Dẫu vậy, dù luôn được ở với Người, họ đã không thật sự hiểu rõ, và thậm chí là nhiều lần hiểu sai, Lời của Người. Trước Thập Giá của Người, tất cả đã trốn chạy, bỏ Người lại một mình. Bất chấp những thất bại ấy, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn thể hiện với họ như là Đấng đi trước họ đến Ga-li-lê. Người đi trước họ, nghĩa là Người vẫn luôn ở ngay phía trước họ. Người gọi, và Người không hề mệt mỏi khi lại gọi họ bước theo Người. Đấng Phục Sinh như đang nói với họ: “Chúng ta hãy khởi đầu lại, tại nơi mà chúng ta đã khởi đầu. Chúng ta hãy bắt đầu lại. Dù sao đi nữa Thầy vẫn muốn anh em ở với Thầy, bất chấp và vượt trên cả những thất bại”. Tại điểm hẹn Ga-li-lê này, chúng ta chúng ta học về nỗi niềm kinh ngạc trước tình yêu vô hạn của Chúa. Tình yêu ấy mở ra những con đường mới trên chính những nẻo đường đã thất bại của chúng ta. Ngài mời chúng ta đến Ga-li-lê để làm điều này.
Đây chính là Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên mà tôi muốn gởi đến anh chị em: chúng ta luôn có thể bắt đầu lại, bởi lẽ Thiên Chúa luôn có thể tái khởi động một đời sống mới trong chúng ta, vượt qua mọi thất bại của chúng ta. Thậm chí từ những đống đổ nát trong trái tim chúng ta – mỗi người chúng ta đều biết những đống đổ nát của trái tim chúng ta, Thiên Chúa vẫn có thể xây nên một tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí từ những mảnh vụn vỡ của nhân loại chúng ta, Thiên Chúa có thể mở ra một trang sử mới. Người luôn đi trước chúng ta: trong Thập Giá của khổ đau, của cô đơn, của cái chết. Cũng thế, Người đi trước chúng ta trong vinh quang của một cuộc đời được tái sinh, của một lịch sử được biến đổi, của một niềm hy vọng được hồi sinh. Trong những ngày tháng tối tăm của cơn đại dịch này, chúng ta hãy lắng nghe Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta bắt đầu lại, và đừng bao giờ để vuột mất niềm hy vọng của mình.
Điều thứ hai, đến Ga-li-lê có nghĩa là bước đi trên những nẻo đường mới. Ấy là chuyển động ngược với đường dẫn đến chốn mộ địa. Những người phụ nữ trong Tin Mừng đi tìm Đức Giêsu nơi ngôi mộ. Nghĩa là họ đến để tưởng nhớ về những điều họ đã từng có với Người, mà nay đã vĩnh viễn vuột mất. Họ đến để khuấy động lại nỗi buồn của chính họ. Ấy là hình ảnh của một đức tin đã trở thành một cuộc tưởng niệm về một điều đẹp đẽ nhưng đã chẳng còn nữa, chỉ để mà hoài niệm. Rất nhiều người đang sống một “niềm tin thuộc về ký ức”, như thể Đức Giêsu đã là một nhân vật thuộc về quá khứ, một người đã từng là bạn trong thời thanh xuân đã xa xưa, một sự kiện đã xảy ra từ thưở nào xa lắc, khi họ còn con nít và còn làm quen với những bài giáo lý. Ấy là một đức tin theo thói quen, thuộc về dĩ vãng, thuộc về miền ký ức tuổi thơ, và đã chẳng còn đụng chạm gì đến tôi bây giờ, chẳng còn đòi hỏi gì nơi tôi lúc này. Không phải như vậy. “Đến Ga-li-lê” nghĩa là học lại rằng: một đức tin muốn sống động là một đức tin phải đặt mình trên đường. Đức tin ấy phải tái khởi động mỗi ngày chuyến hành trình của mình, cùng với nỗi niềm kinh ngạc của buổi gặp gỡ ban đầu. Đức tin ấy phải trọn niềm phó thác, không tự cho rằng mình đã biết tất cả, nhưng với sự khiêm hạ của một người biết để cho mình ngạc nhiên bởi những nẻo đường của Thiên Chúa. Chúng ta thường sợ để Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Hôm nay Chúa mời chúng ta để mình được ngạc nhiên. Chúng ta hãy đến Ga-li-lê, để khám phá rằng Thiên Chúa không thể nào bị hệ thống hoá trong những ký ức chúng ta đã có trong thời thơ ấu. Thiên Chúa ấy luôn sống động và luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Đấng Phục Sinh không bao giờ thôi làm chúng ta ngạc nhiên.
Như thế, đây là Tin Mừng Phục Sinh thứ hai: Đức tin không phải là một tiết mục thuộc về quá khứ. Đức Giêsu không phải là một nhân vật đã lỗi thời. Người vẫn sống, ở đây và ngay lúc này. Người bước đi cùng bạn mỗi ngày, trong chính hoàn cảnh cuộc đời mà bạn đang sống, trong những thử thách mà bạn đang phải trải qua, trong những ước mơ mà bạn đang ấp ủ. Người mở ra những nẻo đường mới ở nơi mà bạn cho rằng chẳng còn con đường nào. Người thôi thúc bạn lội ngược dòng, trước những nỗi niềm tiếc nuối hay trước tâm trạng thờ ơ cho rằng mình đã biết rồi. Thậm chí cả khi bạn như mất tất cả, hãy mở lòng ra với sự kinh ngạc trước những điều mới mẻ của Người. Người sẽ làm bạn ngạc nhiên.
“Đến Ga-li-lê” có nghĩa là bước đến với những vùng biên cương. Ga-li-lê là chốn xa xôi. Những người sống trên vùng đất hỗn hợp và đa dạng ấy là những người xa lạ với sự thanh sạch theo tiêu chuẩn nghi lễ của Giê-ru-sa-lem. Dẫu vậy, chính Đức Giêsu đã khởi đầu sứ mạng của mình nơi vùng đất ấy. Tin Mừng của Người hướng đến những ai vất vả với cuộc mưu sinh hằng ngày, với những người bị loại trừ, những người yếu đuối mỏng manh, những người nghèo khổ. Chính Người là gương mặt của Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi đi tìm những ai nản lòng và lạc mất. Chính Người bước đến những vùng biên cương xa xôi của cuộc đời, bởi dưới mắt Người không một ai là thấp hèn hay đáng bị loại trừ. Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục gọi mời các môn đệ của mình đến với những vùng biên cương ấy. Chính trong cuộc sống hằng ngày, trên những con đường mà chúng ta đi mỗi ngày, nơi những ngóc ngách trong thành phố của chúng ta, Thiên Chúa đi trước chúng ta và hiện diện nơi đó. Người hiện diện nơi những anh chị em đi bên cạnh chúng ta, cùng chia sẻ thời giờ với chúng ta, cùng sống cùng làm việc với chúng ta, cùng lao tác và cùng hy vọng với chúng ta. Tại Ga-li-lê, chúng ta học được rằng chúng ta có thể nhìn thấy Đấng Phục Sinh trên gương mặt của những người anh chị em, nơi sự hăng hái nhiệt tâm của những người đầy khát vọng hay nơi sự buông xuôi bỏ cuộc của những người chán nản, trong tiếng cười của những người đang vui hay trong tiếng khóc của những người đang đau khổ, nhất là nơi những người nghèo khó và những kẻ bị loại trừ. Chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi thấy sự vĩ đại của Thiên Chúa lại được mạc khải nơi những điều bé mọn, khi nhận ra cái đẹp của Người toả chiếu nơi những kẻ đơn sơ nghèo nàn.
Như thế, đây là Tin Mừng Phục Sinh thứ ba: Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, yêu chúng ta vượt qua những biên cương. Người đến thăm viếng mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Người đã vun trồng sự hiện diện của Người ngay giữa lòng thế giới. Người mời gọi chúng ta vượt qua những rào cản, vượt thắng những thành kiến, đến gần với những ai bên cạnh chúng ta mỗi ngày, để tái khám phá ân sủng của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy nhận ra sự hiện diện của Người nơi vùng đất Ga-li-lê của chính chúng ta, trong mọi ngày sống của chúng ta. Với Người, cuộc sống sẽ biến đổi. Bởi lẽ Đấng Phục Sinh hằng sống và dẫn đưa lịch sử vượt qua mọi thất bại, vượt trên sự dữ và bạo lực, vượt qua mọi khổ đau, và vượt qua cả cái chết.
Anh chị em thân mến,
Nếu trong đêm nay, anh chị em còn mang nơi mình một thời khắc của bóng tối, một ngày mới chưa ló rạng, một ánh sáng đã bị chôn vùi, một ước mơ đã vụn vỡ… hãy mở lòng mình ra với sự kinh ngạc trước Tin Mừng Phục Sinh: “Đừng sợ! Người đã sống lại. Người đang đợi bạn tại Ga-li-lê”. Những mong đợi của bạn sẽ không mãi dang dở. Những giọt nước mắt của bạn sẽ được lau khô. Những nỗi sợ hãi của bạn sẽ được vượt qua bởi niềm hy vọng. Bởi vì Thiên Chúa đi luôn trước bạn. Người luôn đi trước mặt bạn. Với Người, cuộc sống luôn lại khởi đầu.
Sau bài giảng và một lát thinh lặng, Đức Thánh Cha cử hành phụng vụ Thánh Tẩy với việc làm phép nước và lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Bình thường, vào Lễ Vọng Phục Sinh của những năm trước đại dịch, Đức Thánh Cha rửa tội cho một số em bé và người lớn dự tòng, nhưng năm nay do đại dịch, điều này không được cử hành.
Thánh Lễ được tiếp diễn với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Vatican News Tiếng Việt