TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng ĐTC – Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B

Thứ năm - 22/02/2024 06:37 |   466
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B.
Bài giảng ĐTC – Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B
 
WHĐ (22.02.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B.
 

Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18
Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

Phúc Âm: Mc 9, 2-10

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 28.02.2021 – Lên núi nhưng không quên thực tại
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa Nhật II Mùa Chay này mời gọi chúng ta chiêm ngắm việc Chúa Giêsu biến hình trên núi trước ba môn đệ (x. Mc 9,2-10). Trước đó không lâu, Chúa Giêsu đã loan báo rằng, tại Giêrusalem, Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị từ chối và bị giết chết. Chúng ta có thể hình dung những gì diễn ra trong lòng những người bạn thân, những môn đệ của Người: hình ảnh về một Mêsia mạnh mẽ và kiên cường bị rơi vào khủng hoảng, ước mơ của họ tan tành, và nỗi thống khổ hành hạ họ với suy nghĩ rằng vị Thầy mà họ tin sẽ bị giết như một kẻ xấu xa nhất. Chính lúc đó, với nỗi thống khổ trong lòng này, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan và dẫn họ lên núi.
Tin Mừng cho biết: “Người đã dẫn họ lên núi” (c. 2). Trong Kinh Thánh, núi luôn là nơi có ý nghĩa đặc biệt: ở trên cao, nơi giao nhau giữa trời và đất, nơi Môsê và các tiên tri đã có kinh nghiệm lạ thường về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Lên núi thì gần với Thiên Chúa hơn một chút. Chúa Giêsu cùng ba môn đệ đi lên và dừng lại ở đỉnh núi. Tại đây, Người biến hình trước mặt họ. Khuôn mặt rạng ngời và y phục sáng chói của Người, báo trước về hình ảnh Đấng Phục Sinh, mang lại cho những người sợ hãi ấy ánh sáng, ánh sáng của hy vọng, để vượt qua bóng tối: cái chết sẽ không phải là chấm hết của mọi sự, vì nó sẽ mở ra vinh quang Phục Sinh. Do đó, khi Chúa Giêsu loan báo cái chết của Người, Người đem họ lên núi để cho thấy điều gì sẽ xảy ra sau đó, sự Phục Sinh.
Như tông đồ Phêrô đã nói (x. câu 5), ở lại với Chúa trên núi thì thật tuyệt, để “nếm trước” ánh sáng giữa Mùa Chay. Đây là một lời mời để nhắc nhở chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đang trải qua một thử thách khó khăn, rằng Chúa đã Phục Sinh và không cho phép bóng tối có lời cuối.
Đôi khi phải trải qua những khoảnh khắc tăm tối trong đời sống cá nhân, gia đình hoặc xã hội, và sợ rằng không có lối thoát, chúng ta cảm thấy khiếp sợ khi đối mặt với những bí ẩn lớn như bệnh tật, nỗi đau của người vô tội hoặc mầu nhiệm của cái chết. Trong cùng hành trình đức tin, chúng ta thường vấp ngã khi gặp phải thử thách của thập giá và những đòi hỏi của Tin Mừng, vốn đòi chúng ta dành cả sự sống để phục vụ và dám mất nó cho tình yêu, thay vì giữ chặt cho riêng mình và bảo vệ nó. Vì vậy, chúng ta cần một cái nhìn khác, một ánh sáng soi rọi vào mầu nhiệm của cuộc sống và giúp chúng ta vượt ra khỏi những kế hoạch và tiêu chuẩn của chúng ta về thế giới này. Chúng ta cũng được mời gọi đi lên núi, chiêm ngắm vẻ đẹp của Đấng Phục Sinh, Đấng thắp lên ánh sáng trong mọi mảng mờ của cuộc sống chúng ta và giúp chúng ta giải thích lịch sử khởi đi từ chiến thắng Phục Sinh của Người.
Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận để cảm giác của Phêrô “chúng ta ở đây thật là hay” không trở thành một sự lười biếng thiêng liêng. Chúng ta không thể ở lại trên núi và một mình tận hưởng niềm hạnh phúc của cuộc gặp gỡ này. Chính Chúa Giêsu đưa chúng ta xuống núi, trở lại giữa anh em chúng ta và trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta phải đề phòng sự lười biếng thiêng liêng: chúng ta tốt rồi với việc cầu nguyện và phụng vụ, và điều này đủ đối với chúng ta. Không! Lên núi không phải quên thực tại; cầu nguyện không bao giờ là trốn tránh những khó khăn của cuộc sống; ánh sáng đức tin không phục vụ cho một cảm xúc thiêng liêng đẹp. Không, đây không phải là sứ điệp của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô bởi vì, được chiếu soi bởi ánh sáng của Người, chúng ta có thể mang nó đi và làm cho nó tỏa sáng khắp mọi nơi. Thắp lên những ánh sáng nhỏ trong lòng người; trở thành những ngọn đèn nhỏ của Tin Mừng để mang lại một chút tình yêu và hy vọng: đây là sứ mạng của người Kitô hữu.
Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta, với sự ngạc nhiên, đón nhận, bảo vệ và chia sẻ ánh sáng của Chúa Kitô. 
Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 25.02.2018 – Biến hình giúp hiểu mầu nhiệm Phục sinh
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay, chúa nhật thứ hai Mùa Chay, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng cuộc hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mc 9,2-10). Giai thoại này cần được nối với những gì xảy ra 6 ngày trước đó, khi Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ biết tại Jerusalem Ngài sẽ phải “chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ lão, các trưởng tế và các luật sĩ phủ nhận, bị giết và ngày thứ 3 sẽ sống lại” (Mc 8,31). Lời loan báo này đã làm cho Phêrô và toàn nhóm môn đệ bị khủng hoảng, Phêrô đã phủ nhận ý tưởng theo đó Chúa Giêsu bị các thủ lãnh của dân phủ nhận và rồi bị giết. Thực vậy, các môn đệ trông đợi một Đức Messia quyền năng, mạnh mẽ, thống trị, thế mà Chúa Giêsu lại tự giới thiệu mình như một người đầy tớ khiêm hạ, hiền lành của Thiên Chúa, đầy tớ của con người, sẽ phải hy sinh mạng sống, tiến qua con đường bách hại, đau khổ và cái chết. Làm sao có thể theo Một Bậc Thầy và một Đức Messia mà cuộc sống trần thế của Người kết thúc như thế? Các môn đệ nghĩ như vậy. Và câu trả lời đến từ cuộc hiển dung. Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là gì? Đó là một sự hiện ra phục sinh được xảy ra trước.
Chúa Giêsu mang 3 môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo, lên “một núi cao” (Mc 9,2) và tại đó, Ngài tỏ cho họ thấy vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Thiên Chúa. Biến cố này giúp các môn đệ đương đầu vững hơn với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu một cách tích cực, không bị đảo lộn. Các môn đệ đã thấy điều mà sau cuộc khổ nạn sẽ xảy ra, và qua đó Chúa chuẩn bị các môn đệ. Cuộc hiển dung của Chúa giúp các môn đệ vả cả chúng ta hiểu rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là một mầu nhiệm về sự đau khổ, nhưng nhất là một hồng ân tình thương vô biên của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi làm cho chúng ta hiểu rõ hơn sự phục sinh của Ngài. Thực vậy, để hiểu các biến cố ấy, cần biết trước rằng Đấng đang chịu đau khổ và được vinh quang không phải chỉ là một người, nhưng là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta qua tình yêu trung tín của Ngài cho đến chết. Qua đó Chúa Cha lập lại lời tuyên bố về Chúa Con, đã xảy ra bên bờ sông Giordan sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và Chúa Cha nhắn nhủ: “Các ngươi hãy nghe lời Ngài!” (v.7). Các môn đệ được kêu gọi theo Thầy trong niềm tín thác và hy vọng, dù cái chết của Chúa; thiên tính của Chúa Giêsu phải được biểu lộ trên thập giá, chính trong cái chết của Ngài theo thể thức ấy, đến độ thánh sử Marco đặt trong miệng viên bách quân quan lời tuyên xưng đức tin: “Quả thực người này là Con Thiên Chúa”! (15,39)
Giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, một thụ tạo nhân trần được hiển dung trong nội tâm nhờ ơn Thánh của Chúa Kitô,. Chúng ta hãy tín thác cho sự phù giúp của Mẹ để tiếp tục hành trình mùa chay trong tin tưởng và quảng đại.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 01.03.2015 – Chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Chúa nhật tuần trước phụng vụ đã trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ trong hoang địa, nhưng Chúa chiến thắng cám dỗ này. Dưới ánh sáng Tin Mừng ấy, chúng ta tái ý thức về thân phận tội nhân của chúng ta, và cả chiến thắng trên sự ác được ban cho những người tiến bước trên con đường hoán cải, và cũng như Chúa Giêsu, họ muốn thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong Chúa nhật thứ hai mùa Chay này, Giáo Hội chỉ cho chúng ta mục tiêu của hành trình hoán cải ấy, nghĩa là được tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô, vinh quang chiếu tỏa trên khuôn mặt của Người là Tôi Tớ vâng phục, chịu chết và sống lại vì chúng ta.
Trang Phúc Âm thuật lại biến cố hiển dung, được đặt nơi cao điểm sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Người đang trên đường tiến về Giêrusalem, nơi mà các lời tiên trì về "Người Tôi Tớ" Thiên Chúa sẽ được ứng nghiệm viên mãn và hy tế cứu chuộc của Người sẽ được hoàn thành. Ðứng trước viễn tượng một Ðấng Messia trái ngược với mong đợi trần tục của mình, đám đông rời bỏ Người. Họ nghĩ rằng Ðấng Messia là vị giải thoát quê hương họ khỏi sự thống trị của người Roma; nhưng viễn tượng này của Chúa Giêsu không làm cho họ hài lòng và họ bỏ Người. Cả các Tông Ðồ cũng không hiểu những lời Chúa Giêsu loan báo sự kết thúc sứ mạng của Người trong cuộc khổ nạn vinh hiển. Họ không hiểu, vì thế Chúa Giêsu tỏ cho Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy trước vinh quang của Người, sẽ diễn ra sau khi Người sống lại, để củng cố họ trong đức tin và khích lệ họ theo Người trên con đường Thập Giá. Trên núi cao ấy, chìm đắm trong kinh nguyện, Chúa hiển dung trước mặt họ: Mặt Người và toàn thân tỏa sáng chói lòa. Cả 3 môn đệ kinh hãi, trong khi một đám mây bao phủ các vị và từ trên cao vang vọng tiếng Chúa Cha - giống như khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giordan-: "Ðây là Con yêu dấu của Ta: Hãy nghe lời Người!" (Mc 9,7). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trở thành Tôi Tớ, được sai xuống trần thế để thực thi dự án cứu độ qua Thập Giá. Sự hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Chúa Cha làm cho nhân tính của Người chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa là Tình Thương.
Thế là Chúa Giêsu tỏ mình ra như một hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, tỏa lan vinh quang Thiên Chúa. Ðó là sự viên mãn mạc khải, vì thế ở cạnh Người lúc hiển dung có Môisê và Elia xuất hiện, tượng trưng cho Lề Luật và các Ngôn Sứ. Như thể cho thấy rằng tất cả đều bắt đầu và kết thúc trong Chúa Giêsu.
Mệnh lệnh được truyền cho các môn đệ và chúng ta là: "Các con hãy nghe Người!” Hãy lắng nghe Chúa Giêsu. Chính Người là Ðấng Cứu Thế, hãy bước theo Người. Thực vậy, lắng nghe Chúa Kitô bao hàm sự đón nhận con đường mầu nhiệm phục sinh của Chúa, lên đường đồng hành với Chúa để biến cuộc sống của mình thành một món quà tình thương cho tha nhân, trong sự ngoan ngoãn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, với thái độ không dính bén những sự trần thế và tự do trong nội tâm. Nói khác đi, cần phải sẵn sàng "mất mạng sống mình" (Xc Mc 89,35), hiến mạng sống của mình, để mọi người được cứu thoát và như thế chúng ta gặp lại nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường của Chúa Giêsu luôn mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Trên con đường ấy có thánh giá, thử thách, nhưng luôn có hạnh phúc. Chúa Giêsu không đánh lừa chúng ta: Người hứa cho chúng ta được hạnh phúc và Người sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta tiến bước trên con đường của Người.
Cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, cả chúng ta cũng lên núi Hiển Dung và dừng lại chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu, để đón nhận từ đó sứ điệp và diễn tả sứ điệp đó trong cuộc sống của chúng ta; để cả chúng ta cũng có thể được Ðấng Là Tình thương biến đổi. Trong thực tế, Tình Thương biến đổi mọi sự. Anh chị em có tin điều đó hay không?...
Xin Ðức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong hành trình này, và giờ đây chúng ta cầu khẩn Mẹ qua kinh Truyền tin.
Nguồn: vntaiwan.catholic.org.tw

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 04.03.2012 – Chúa Giêsu là đèn không bao giờ tắt
Anh chị em thân mến,
Chúa Nhật thứ hai mùa Chay hôm nay được gọi là Chúa Nhật hiển dung của Chúa Kitô. Thật thế trong lộ trình mùa chay, sau khi mời gọi chúng ta theo Chúa Giêsu để cùng Người đương đầu và chiến thắng các cám dỗ, phụng vụ đề nghị với chúng ta cùng Người lên núi cầu nguyện, để chiêm ngưỡng ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa trên gương mặt phàm nhân của Người. Câu chuyện Chúa Kitô biến hình được các thánh sử Mátthêu, Marcô và Luca kể lại. Có hai yếu tố nòng cốt: trước hết Chúa Giêsu cùng các môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao, và ở đó Người biến hình trước các ông (Mc 9,2), mặt Người và áo Người dãi tỏa ra một ánh sáng rạng ngời, trong khi xuát hiện bên cạnh Người hai ông Môshê và Elia; thứ hai, có một đám mây bao phủ đỉnh núi và từ đó phát xuất ra một tiếng nói rằng: “Này là Con yêu dấu Ta; hãy lắng nghe lời Người!” (Mc 9,7). Như thế, ánh sáng và tiếng nói: ánh sáng thiên linh rạng ngời trên gương mặt của Chúa Giêsu, và tiếng nói của Thiên Chúa Cha trên trời chứng thực cho Người và truyền lệnh phải lắng nghe Người.
Mầu nhiệm sự Hiển dung không tách rời khỏi bối cảnh con đường mà Chúa Giêsu đang đi. Người đã quyết định hướng tới việc thành toàn sứ mệnh của Người, biết rõ rằng để dạt sự phục sinh phải đi ngang qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá. Người đã công khai nói lên điều này với các môn đệ; nhưng các ông không hiểu, trái lại, còn khước từ viễn tượng ấy, bởi vì các ông không lý luận theo Thiên Chúa nhưng theo loài người (x. Mt 16,23).
Vì thế Chúa Giêsu đem ba người trong các ông lên núi với Người, và vén mở cho họ vinh quang thiên tính của Người, ánh quang của Chân Lý và Tình Yêu. Chúa Giêsu muốn rằng ánh sáng đó có thể soi chiếu con tim họ, khi họ đi qua đêm đen dầy đặc của cuộc khổ nạn và cái chết của Người, khi việc gây vấp phạm của thập giá sẽ là điều không thể chịu đựng nổi đối với họ. Thiên Chúa là ánh sáng và Chúa Giêsu muốn ban cho các bạn thân nhất của Người kinh nghiêm về ánh sáng đó, ở nơi Người.
Như vậy, sau biến cố này, Người sẽ là ánh sáng nội tâm cho họ, có khả năng che chở họ khỏi các tấn công của đêm tối. Cả trong đêm tăm tối nhất, Chúa Giêsu là đèn không bao giờ tắt. Thánh Agostino tóm tắt mầu nhiệm này với một kiểu diễn tả rất đẹp, ngài nói: “Điều đối với con mắt của thân xác là mặt trời chúng ta thấy, thì đó là Chúa Kitô đối với con mắt của trái tim” (Sermo 78,2; PL 38.490).
Anh chị em thân mến, chúng ta tất cả đều cần tới ánh sáng nội tâm để thắng vượt các thử thách của cuộc sống. Ánh sáng ấy đến từ Thiên Chúa, và chính Chúa Kitô ban nó cho chúng ta, nơi Người có sự tràn đầy thiên tính cư ngụ (x. Cl 2,9). Chúng ta hãy cùng lên núi cầu nguyện với Chúa Giêsu, và khi chiêm ngắm gương mặt tràn đầy tính yêu và chân lý của Người, chúng ta hãy để cho lòng mình được tràn đầy ánh sáng của Người. Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, vị hướng đạo của chúng ta trên con đường lòng tin, trợ giúp chúng ta sống kinh nghiệm mùa Chay này, bằng cách mỗi ngày tìm ra một chút thời giờ để cầu nguyện trong thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 08.03.2009 – Biến hình là một cảm nghiệm cầu nguyện
Anh chị em thân mến,
Như đã biết, trong những ngày vừa rồi, cùng với các cộng sự viên của giáo triều tôi đã làm tuần tĩnh tâm. Đó là một tuần lễ thinh lặng và cầu nguyện: dành tâm trí hoàn toàn cho Chúa, cho việc lắng nghe lời Chúa, suy ngắm những mầu nhiệm của đức Kitô. Một cách nào đó, có thể so sánh như các tông đồ Phêrô, Giacobê và Gioan khi được Chúa Giêsu đem lên núi, vào nơi thanh vắng, ở một mình với Chúa. Đang khi cầu nguyện, thì Người biến hình: dung nhan và bản thân của Người tỏ ra sáng chói rực rỡ. Hôm nay Chúa nhật thứ hai mùa Chay, phụng vụ trưng bày quang cảnh này (Mc 9,2-10). Đức Giêsu đã muốn cho các môn đệ, cách riêng những người sẽ mang trách nhiệm hướng dẫn Giáo hội sơ khai, được cảm nghiệm trực tiếp vinh quang thiên tính của Người, để đương đầu với sự vấp phạm của thập giá. Thực vậy, khi tới giờ chiụ trao nộp, đức Giêsu sẽ rút lui vào vườn Getsemani để cầu nguyện, và Người mang theo các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan, yêu cầu họ hãy tỉnh thức và cầu nguyện với mình (xc Mt 26,38). Họ sẽ không đủ sức, nhưng ân sủng của Chúa Kitô sẽ nâng đỡ và giúp họ vững tin vào sự Phục sinh.
Tôi muốn nêu bật rằng việc Đức Giêsu biến hình chung quy là một cảm nghiệm cầu nguyện (xc. Lc 9,28-29). Thực vậy, sự cầu nguyện đạt tới cao điểm, và như thế trở nên nguồn ánh sáng nội tâm, khi tinh thần của con người kết hiệp với thần trí của Chúa, và hai ý chí kết hợp với nhau, hầu như trở thành một. Khi đức Giêsu đi lên núi, Người chìm đắm trong sự chiêm niệm kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến thế gian để cứu chuộc nhân loại. Bên cạnh Chúa Giêsu, hai ông Mosê và Elia hiện đến, nhằm cho thấy rằng toàn bộ Kinh thánh nhất trí với nhau trong sự loan báo cuộc Vượt qua của Người, nghĩa là đức Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết để bưóc vào vinh quang (xc. Lc 24,26.46). Kể từ lúc ấy, đức Giêsu đã thấy thập giá hiển hiện trước mặt mình, như là hy tế cần thiết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Và trong con tim của mình, Người đáp lại “Amen”, xin vâng, lạy Cha, xin ý muốn tình thương của Cha được thực hiện. Thế rồi, cũng như đã diễn ra bên bờ sông Giorđanô, từ trời cao tỏ ra những dấu hiệu Chúa Cha hài lòng chấp nhận: ánh sáng làm biến dạng đức Giêsu, tiếng nói tuyên dương Người là “Con yêu dấu” (Mc 9,7).
Anh chị em thân mến,
Cùng với việc giữ chay và các công tác từ thiện, sự cầu nguyện họp nên rường cột của đời sống tâm linh của chúng ta. Tôi xin anh chị em trong mùa Chay này, hãy tìm những thời khác thinh lặng, tĩnh tâm nếu được, để nhìn lại cuộc đời dưới ánh sáng của kế hoạch tình thương của Cha trên trời. Trong cuộc chú tâm lắng nghe Chúa, hãy nhờ đức Maria hướng dẫn, Người là mẫu gương và thầy dạy sự cầu nguyện. Trong cảnh đen tối của cuộc Tử nạn của Đức Kitô, Mẹ đã không đánh mất, nhưng đã duy trì trong tâm hồn ánh sáng của Con mình là Thiên Chúa. Chúng ta hãy khẩn nài người mẹ của tín thác và hy vọng ban cho điều ấy.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 12.03.2006 – Hãy lắng nghe Lời Người
Anh chị em thân mến,
Sáng hôm qua đã bế mạc tuần tĩnh tâm do hồng y Marco Cé, cựu thượng phụ Venezia giảng cho giáo triều. Đó là những ngày dành hoàn toàn vào việc lắng nghe tiếng Chúa, Đấng luôn luôn nói với chúng ta, nhưng mong đợi chúng ta hãy chú ý, cách riêng trong mùa Chay này. Đó cũng là điều được nhắc nhở trong bài Tin mừng chúa nhựt hôm nay, thuật lại quang cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Đang khi còn ngây ngất vì thấy dung nhan của Chúa biến dạng và đàm đạo với ông Mose và ông Elia, thì bỗng nhiên các tông đồ Phêrô, Giacobê và Gioan được cuốn bởi một đám mây, rồi từ đó phát ra một tiếng nói rằng: “Đây là người Con yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe Người” (Mc 9,7).
Khi người nào được diễm phúc hưởng được một cảm nghiệm sâu đậm về Thiên Chúa, thì dường như họ cũng được trải qua một điều tương tự như các môn đệ trong cảnh Biến hình: trong phút chốc, họ được nếm thử một điều mà mai sau sẽ là hạnh phúc trên Thiên đàng. Nói chung đó là cảm nghiệm chớp nhoáng mà thỉnh thoảng Chúa ban cho ai đó, đặc biệt để chuẩn bị cho những cuộc thử thách cam go. Tuy nhiên, chẳng ai được phước sống trên núi Tabor đang khi còn ở trên đời này. Thực vậy, đời người là một hành trình đức tin, tiến bước giữa cảnh lờ mờ hơn là ánh sáng rực rỡ, và không thiếu những lúc tối tăm, kể cả đêm đen dày đặc. Bao lâu chúng ta còn ở dưới thế, thì mối tương quan với Thiên Chúa diễn ra qua việc lắng nghe hơn là qua thị kiến. Ngay cả việc chiêm niệm cũng diễn ra bằng việc nhắm mắt lại, để cho ánh sáng nội tại được thắp lên nhờ Lời của Chúa.
Chính Đức Trinh nữ Maria, tuy là một thụ tạo gần gũi với Thiên Chúa hơn hết, nhưng cũng đã bước đi như trong cuộc lữ hành đức tin (xc. Lumen gentium, 58), bằng việc bảo tồn và gẫm suy trong lòng Lời của Chúa nói qua Sách Thánh hoặc qua những biến cố cuộc đời của Con mình, mà Mẹ nhìn nhận và đón tiếp như là tiếng Chúa.
Đây cũng là điều quyết tâm của chúng ta trong mùa Chay: “Lắng nghe Chúa Kitô, theo gương Mẹ Maria”. Chúng ta hãy lắng Chúa, qua Lời được ghi lại trong Sách thánh. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa qua những diễn biến của cuộc đời, bằng cách đọc thấy qua đó những sứ điệp của Đấng quan phòng. Sau cùng, chúng ta hãy lắng nghe Chúa nơi các anh chị em, cách riêng những người bé nhỏ và nghèo khổ: qua họ Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thực hiện những hành động yêu thương cụ thể. Lắng nghe Chúa Kitô và tuân theo tiếng của Ngài, đó là quan lộ, con đường duy nhất dẫn đến niềm vui và tình thương dạt dào.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây