TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyện dài “Con đường công nghị”

Chủ nhật - 30/05/2021 19:03 | Tác giả bài viết: |   751
Hành trình công nghị dài 3 năm, có một số phản ứng và cũng có những người lầm lẫn hoặc thấy giống ”Con đường Công Nghị” của Công Giáo Đức.

Chuyện dài “Con đường công nghị”


 

Hành trình công nghị dài 3 năm, do Đức Thánh Cha tuyên bố để tiến đến Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới vào năm 2023, có một số phản ứng và cũng có những người lầm lẫn hoặc thấy giống ”Con đường Công Nghị” của Công Giáo Đức.

Tuyên bố hành trình công nghị

Cách đây 10 ngày, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thông báo: trong vòng 4 tháng rưỡi nữa, vào ngày 8-9/10 năm nay, Đức Thánh Cha sẽ long trọng khai mạc hành trình Thượng Hội đồng dài 3 năm, qua 3 giai đoạn: giáo phận, đại lục và hoàn vũ, với các cuộc tham khảo ý kiến và phân định, để đi tới giai đoạn chót là Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới vào tháng 10/2023 ở Roma. Công nghị Giám Mục thế giới này có chủ đề là “Tiến tới một Giáo Hội công nghị: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Khẩu hiệu của hành trình này là “mỗi người lắng nghe nhau và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Linh”.

Quyết định trên đây của Đức Thánh Cha gây ngạc nhiên đối với phần lớn các nơi trên thế giới, và tương đối cũng còn khá xa cho tới ngày khai mạc tiến trình công nghị, nên người ta chưa thấy các phản ứng từ phía đa số các Giáo Hội địa phương.

Phản ứng từ phía Công Giáo Đức

Tuy nhiên, người ta ghi nhận phản ứng “phấn khởi” nhất từ phía Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, người từ lâu vẫn hãnh diện, cổ võ và bênh vực cái gọi là “Con đường công nghị’ của Giáo Hội Công Giáo Đức. Cùng phản ứng như thế có giới lãnh đạo Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, là cơ quan cùng khởi xướng và điều hành “Con đường công nghị”.

- Thực vậy, ngay ngày 21/5/2021, Đức Cha Chủ tịch Baetzing hân hoan tuyên bố rằng hành trình 3 năm tiến tới Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023 chia sẻ cùng một đích chung với “Con đường công nghị” của Công Giáo Đức, và Đức Cha xác tín rằng hành trình của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ sẽ được bổ túc nhờ “Con đường công nghị” ở Đức. Ngài nói: “Như thế chúng tôi sẽ đóng góp kinh nghiệm trong việc chuẩn bị và tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục Roma... Đây là hai con đường khác nhau nhưng có cùng một mục đích, nghĩa là làm cho Tin Mừng trở nên cụ thể và có thể sống được ngày nay dưới những dấu chỉ thời đại”.

Trong thực tế, “Con đường công nghị” của Công Giáo Đức - bắt đầu ngày 1/12/2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2/2022, - nhắm cải tổ cơ cấu và đạo lý Giáo Hội trong 4 lãnh vực: việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội và cổ võ những biện pháp dân chủ hóa; tiếp đến là cải tổ luân lý tính dục cho hợp thời; thứ ba là cải tổ độc thân linh mục, bị coi là một nguyên do gây nên nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục; sau cùng là vai trò phụ nữ, cổ võ truyền chức cho nữ giới. Ban đầu các Giám Mục Đức tuyên bố những nghị quyết của công nghị này, khi được thông qua, sẽ có tính chất bó buộc đối với các Giáo phận, nhưng Tòa Thánh đã cảnh giác về vấn đề này, vì những nghị quyết đó có thể đi ngược giáo huấn của Giáo Hội, vì thế kế hoạch ấy không có giá trị về phương diện thần học và giáo luật đối với Giáo Hội.

- Về phần Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giáo phận Koeln, người vốn tỏ ra dè dặt đối với “Con đường công nghị”, thì tuyên bố rằng “đối thoại, lắng nghe nhau là điều tốt”.

Hội Đồng Giám Mục Italia

Về phía Hội Đồng Giám Mục Ý, tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, đã khởi sự hành trình công nghị trong khóa họp toàn thể thứ 74 từ ngày 24-27/5 vừa qua ở Roma. Tuy nhiên, ý thức về sự lẫn lộn có thể nơi nhiều tín hữu, nên Đức Hồng Y Chủ tịch Gualtiero Bassetti đã thanh minh rằng “hành trình công nghị của chúng ta sẽ không như ‘Con đường công nghị’ Đức. Hành trình của chúng ta không phải là một công nghị, nhưng là một hành trình công nghị đi từ những hoàn cảnh rất khác với hoàn cảnh của Đức”.

Nam Mỹ và Australia

Từ Nam Mỹ, Liên Hội Đồng Giám Mục miền này, gọi tắt là Celam, cũng tuyên bố hoàn toàn sẽ tiến hành theo đường hướng như Tòa Thánh đề nghị. Cả Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia, cũng mạnh mẽ ủng hộ tiến trình công nghị vì Giáo Hội này đã chính thức đi vào hành trình “Công đồng toàn quốc” với sắc lệnh của Đức Tổng Giám Mục ký hôm lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 23/5 vừa qua.

Thư ngỏ của Đức Tổng Giám Mục giáo phận Denver

Trong những ngày qua, đã có thêm phản ứng của một số Giám Mục về “Con đường công nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức.

Trong một thư ngỏ dài 15 trang công bố ngày 26/5 vừa qua, Đức Cha Samuel Aquila, Tổng giáo phận Denver, bang Colorado, nhận xét rằng văn kiện đầu tiên của công nghị Đức đưa ra những lập trường trái ngược với lập trường của Giáo Hội Công Giáo, coi nhẹ Giáo Hội như dụng cụ cứu độ của Thiên Chúa, cố tình không biết đến những căng thẳng giữa sứ mạng của Giáo Hội và những thái độ trần thế. Đức Tổng Giám Mục Aquila viết “Hầu hết chúng tôi ở ngoài nước Đức, được biết qua các cơ quan truyền thông về ‘Con đường công nghị’ và sự tuyên bố thẳng thừng của một vài Giám Mục kêu gọi quyết liệt thay đổi tận căn giáo huấn và thực hành của Giáo Hội... tài liệu cơ bản đầu tiên của ‘Con đường công nghị’ trình bày ‘những giải thích lựa lọc và đánh lạc hướng’ về giáo huấn của Giáo Hội.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, “Con đường công nghị” Đức có quyền nói lên sự đau buồn về những gương mù giáo sĩ lạm dụng tính dụng và những vụ che đậy. Tài liệu cơ bản của công nghị có lý khi nói rằng những gương mù ấy đã tạo nên sự khủng hoảng thực sự về uy tín của Giáo Hội. Con đường đúng là chấp nhận những hậu quả đích thực của những sai lầm thiếu sót ấy, và làm việc để tái tạo sự tín nhiệm, săn sóc các nạn nhân bị lạm dụng. Các vị lãnh đạo Giáo Hội phải công khai thống hối và quyết tâm giữ sự minh bạch. Nhưng sự minh bạch ấy cũng phải bao gồm cả sự rõ ràng về những gì Giáo Hội tin tưởng.

Vài phản ứng khác

Cả Đức Hồng Y George Pell, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Sydney, Australia, và nguyên bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh, cũng phê bình Con đường công nghị ở Đức và một số lập trường trong Giáo Hội Công Giáo tại Australia.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 27/5 vừa qua dành cho hãng tin Công Giáo Đức, Đức Hồng Y Pell nói rằng những vụ xì căng đan lạm dụng tính dục trong Giáo Hội cần phải được làm sáng tỏ và rút ra những bài học, nhưng chúng không thể là cơ hội để từ bỏ những giáo huấn nòng cốt của Giáo Hội Công Giáo. Đức Hồng Y nói: “Thật là một sự giải thích sai trái hoàn toàn khi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng kinh khủng này đòi phải hoàn toàn xét lại các cơ cấu cũng như lối sống của chúng ta”, như những người chủ trương “Con đường công nghị” ở Đức hoặc ở Australia... Chúng ta không cần một Giáo Hội Tin Lành thứ hai; những Giáo Hội Tin Lành cấp tiến đang mất các tín hữu nhiều và mau lẹ hơn Giáo Hội Công Giáo. Một vấn đề cơ bản mà các tín hữu Công Giáo tại Australia cũng như tại Đức phải đặt ra là: “Chúng ta có phải là những người phục vụ và bênh vực tông truyền, đức tin, mạc khải - hay chúng ta là những chủ nhân ông, đến độ chúng ta có thể thay đổi những điều ấy tận gốc rễ? Những người ở trong Giáo Hội không phạm tội hoặc có lỗi lớn khi họ tuân theo giáo huấn của Hội Thánh. Những ai sống theo giáo huấn của Giáo Hội thì họ không phạm các tội lạm dụng”.

Đức Hồng Y Vinko Puljic

Tại Cộng hòa Bosnia, Đức Hồng Y Vinko Puljic, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Sarajevo, tuyên bố hôm 6-5 vừa qua trong một cuộc phỏng vấn rằng “những ý tưởng kỳ lạ của ‘Con đường công nghị’ ở Đức là điều xa lạ đối với một Giáo Hội đã sống sót sau chế độ cộng sản như chúng tôi. Những thái độ như đòi truyền chức cho phụ nữ và bãi bỏ độc thân giáo sĩ gây thương tổn và ngạc nhiên cho các tín hữu chúng tôi. Chúng tôi không thể hiểu một Giáo Hội trong đó hy sinh là một từ xa lạ và có Chúa Giêsu không có thập giá”.

 Giuse Trần Đức Anh OP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây