Giáo hội Công giáo là Giáo hội Ki-tô lớn nhất tại Slovakia. Trong tổng số gần 5,5 triệu dân Slovakia, tín hữu Công giáo chiếm 65,8%, trong đó 62% thuộc Giáo hội Công giáo Latinh, tương đương với khoảng 3 triệu 345 ngàn người, và 3,8% thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp, tương đương với khoảng 207 ngàn người.
Lịch sử Giáo hội Công giáo Slovakia
Công giáo đã hiện diện tại Slovakia hơn 1.100 năm. Năm 880, Đức Giáo hoàng Gioan VIII, theo lời thỉnh cầu của hoàng tử Svätopluk, đã thành lập một Giáo phận ở Nitra, Slovakia ngày nay. Giáo phận được đặt dưới sự lãnh đạo của thánh Metodio, tổng giám mục. Sau khi thánh Metodio qua đời, thánh Gorazd kế vị ngài. Trong hơn một ngàn năm phụ thuộc vào các giám mục cư trú trên lãnh thổ của Hungary ngày nay, Slovakia vẫn có nhiều giám mục là người gốc Slovakia.
Sau khi Chế độ quân chủ Áo-Hung tan rã và các quốc gia mới ra đời vào năm 1918, một số thay đổi đã xảy ra trong quyền tài phán về lãnh thổ của Giáo hội. Các ứng viên giám mục được chọn từ các linh mục Slovakia. Một số giáo phận Slovakia đã tách khỏi thẩm quyền của các giám mục của tổng giáo phận ở Esztergom và Eger: họ bắt đầu liên lạc trực tiếp với Roma. Vì thế, trên thực tế, giáo tỉnh Slovakia đã được thành lập: các giám mục tự hợp nhất thành Hội đồng Giám mục Slovakia.
Dưới chế độ cộng sản
Năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mang lại sự giải phóng cho nhiều quốc gia. Tiếc rằng, Slovakia tiếp tục đau khổ. Chiến tranh kết thúc mang lại một số khó khăn mới. Năm 1948, người dân Slovakia trở thành nạn nhân của cuộc “cách mạng cung điện” của cộng sản. Các cuộc tấn công nhằm vào Giáo hội Công giáo, hàng giáo phẩm và các tín hữu Slovakia. Tình hình bất lợi này tiếp tục cho đến năm 1989. Giáo hội đã bị tước đoạt các tổ chức quan trọng nhất. Một số giám mục bị bỏ tù và những người còn lại bị cô lập tại nơi cư trú, bị hạn chế tiếp cận với thế giới. Hơn 300 linh mục giáo phận bị cấm thi hành công việc mục vụ của họ (nhiều người trong số họ đã bị cách ly hoặc bị đưa đến các trại tập trung và nhà tù). Vào năm 1950, Slovakia có 16 dòng nam với 1.019 tu sĩ sinh hoạt trong 96 tu viện và 24 dòng nữ với 4.253 thành viên tại 168 tu viện. Tuy nhiên, mọi hoạt động của họ đều bị chính quyền cấm: các tu sĩ bị đưa đến các đan viện tập trung và các dòng tu bị cấm nhận tập sinh. Trong thời kỳ bách hại của chủ nghĩa vô thần, một số giám mục, linh mục và giáo dân đã làm chứng cách anh hùng cho đức tin của họ.
Cộng sản sụp đổ
Chế độ cộng sản sụp đổ đã có những ảnh hưởng đến quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước theo một số cách. Một trong những dấu hiệu tích cực đầu tiên là việc bổ nhiệm các giám mục mới cho tất cả các giáo phận còn trống không bị cản trở. Cho đến cuối thế kỷ 20, Giáo hội Slovakia có 2 Hồng y, 4 tổng giám mục và 16 giám mục, nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử trước đây của Giáo hội.
Thành lập Hội đồng giám mục Slovakia
Vào tháng 3 năm 1990, Hội đồng Giám mục của Cộng hòa Liên bang Séc và Slovakia (Tiệp Khắc) được thành lập. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, nước Cộng hòa Slovakia độc lập được thành lập. Sau đó, các giám mục Slovakia, dẫn đầu là Đức Hồng y Korec, đã yêu cầu Tòa Thánh phê chuẩn một Hội đồng Giám mục Slovakia độc lập. Các giám mục đã nhìn thấy sự khác biệt trong các vấn đề mục vụ và cảm thấy rằng Slovakia có những ưu tiên khác với Cộng hòa Séc.
Tòa thánh đã chấp thuận đơn thỉnh cầu này: vào ngày 23 tháng 3 năm 1993, Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đức Hồng y Bernardinus Gantin, đã thành lập Hội đồng Giám mục Slovakia. Sứ thần Tòa thánh, Đức tổng giám mục Giovanni Coppa, đã thông báo điều đó với Đức Hồng y Korec trong thư của ngài vào ngày 2 tháng 4 năm 1993. Trong lời giải thích về lý do của việc thành lập hội đồng giám mục mới, Đức Sứ thần nói: “Đó là vì lợi ích của Giáo hội tại Quốc gia Slovakia yêu quý của chúng ta... và vì sự phát triển hơn nữa của Giáo hội”. Đức cha František Tondra được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng giám mục Slovakia.
Trong 20 năm tiếp theo, Hội đồng Giám mục Slovakia đã hoạt động hết sức tích cực. Các giám mục và những cộng tác viên phải giải quyết một số khó khăn, hậu quả kéo dài 40 năm của chế độ cộng sản khi chế độ muốn giải thể Giáo hội và đàn áp đời sống tôn giáo. Hội đồng Giám mục đã thành lập một số ủy ban và hội đồng; các ủy ban này phụ trách về việc tăng cường đời sống Giáo hội, thúc đẩy sự hiểu biết giữa Giáo hội và xã hội dân sự và về việc phổ biến các giá trị Kitô giáo trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hiện nay Slovakia có 22 giám mục.
Mối quan hệ của nước cộng hòa Slovakia với Tòa thánh đã được phân định bằng Thỏa thuận cơ bản ký ngày 24 tháng 11 năm 2000 và bằng hai thỏa thuận từng phần liên tiếp.
Cơ cấu của Giáo hội Công giáo ở Slovakia
Giáo hội Công giáo Slovakia gồm hai nghi lễ Latinh và Byzantine. Giáo hội Công giáo Latinh có hai tỉnh - tỉnh phía Tây có trụ sở chính tại Bratislava, bao gồm Tổng giáo phận Bratislava, Tổng giáo phận Trnava, Giáo phận Banská Bystrica, Giáo phận Nitra và Giáo phận Žilina. Tỉnh phía Đông bao gồm Tổng giáo phận Košice, Giáo phận Rožňava và Giáo phận Spiš. Giáo hội Slovakia có một Giáo tỉnh Công giáo Hy Lạp tự quản, đặt trụ sở tại Prešov, bao gồm tổng giáo phận Prešov, giáo phận Bratislava và giáo phận Košice.
Ngoài ra Slovakia còn có một giáo phận tòng nhân, trải rộng toàn bộ lãnh thổ và bao gồm các tín hữu của cả hai nghi lễ: đó là Giáo hạt Quân đội.
Giáo hội Slovakia hiện có 1560 giáo xứ với 3064 linh mục (2425 linh mục triều và 639 linh mục dòng), 28 phó tế vĩnh viễn, 9 tiểu chủng sinh và 311 đại chủng sinh.
Đời sống thánh hiến
Tại Slovakia có rất nhiều dòng tu, đặc biệt là các dòng tiếp tục phát triển đặc sủng của các đấng sáng lập của họ. Đa số là các dòng tại Slovakia là dòng hoạt động, với 103 nam tu sĩ không phải là linh mục (bên cạnh 639 linh mục dòng), 1.905 nữ tu. Các dòng này hoạt động trong các lĩnh vực giáo lý, truyền giáo, giáo dục và đào tạo, y tế sức khỏe, chăm sóc xã hội, hoạt động giới trẻ, hoạt động gia đình, vv. Ngoài ra cũng có 6 hiệp hội đời sống tông đồ, gồm 3 hiệp hội nam và 3 hiệp hội nữ. Bên cạnh đó còn có 4 dòng nữ đan tu hiện diện tại 6 đan viện. Tại Slovakia cũng có 10 tu hội đời với khoảng 350 thành viên nam nữ.
Sứ vụ của Giáo hội Slovakia
Giáo hội Slovakia tham gia vào các sứ vụ dạy giáo lý, bác ái, chăm sóc mục vụ giới trẻ, mục vụ ơn gọi, mục vụ gia đình, chăm sóc người bệnh. Đây là những hoạt động mục vụ đang được chú ý cả trong phạm vi giáo phận / giáo xứ và cấp quốc gia, với sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân). Thông thường, đây là những lĩnh vực mục vụ có liên quan và cần sự phối hợp (ví dụ giữa mục vụ giới trẻ, mục vụ đại học và mục vụ ơn gọi).
Mục vụ giáo dục
Giáo hội Công giáo ở Slovakia tích cực tham gia vào tiến trình giáo dục ở tất cả các cấp và với các trọng tâm khác nhau. Các trường Công giáo mở cửa cho tất cả những ai muốn học tập. Với giá trị và cách tiếp cận chuyên nghiệp của mình, họ góp phần giáo dục thế hệ tương lai, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Giáo hội là người thành lập 78 trường mẫu giáo và 100 trường tiểu học, hơn 50 trường trung học, 12 trường dạy nghề trung cấp, 6 trường trung cấp y tế, 11 trường sơ cấp nghệ thuật. Bên cạnh đó Giáo hội có 269 cơ sở trường học bao gồm câu lạc bộ trẻ em học đường, căng tin trường học, trung tâm giải trí, trường học tự nhiên và trường nội trú. Chất lượng giáo dục của Giáo hội được chứng minh bằng thực tế là mỗi năm số học sinh và sinh viên đăng ký vượt quá sức chứa của các trường.
Giáo hội Công giáo Slovakia có một đại học Công giáo với các khoa sư phạm, triết học, thần học và y khoa. Ngoài ra còn có các khoa thần học liên kết với các trường đại học khác ở Slovakia, tất cả đều nằm dưới sự giám sát của Giáo hội Công giáo.
Mục vụ gia đình
Gia đình và việc chăm sóc gia đình là ưu tiên mục vụ của Giáo hội Công giáo ở Slovakia. Ủy ban Gia đình của Hội đồng Giám mục Slovakia đưa ra những cách thức đổi mới việc chăm sóc mục vụ của các gia đình theo tinh thần tái truyền giảng Tin Mừng, thông qua các trung tâm gia đình, các phong trào ủng hộ gia đình, các hiệp hội và các sáng kiến. Đây là các chương trình dành cho các nhóm gia đình khác nhau theo nhu cầu của họ.
Đối với những gia đình yêu cầu cử hành các bí tích, Giáo hội chuẩn bị kỹ hơn trước khi ban các bí tích đó. Ví dụ các khóa học chuẩn bị hôn nhân và cả các cuộc gặp gỡ của cha mẹ trước khi cho con cái họ được rửa tội hoặc rước lễ lần đầu. Đối với sự phát triển thiêng liêng của vợ chồng, Giáo hội có những chương trình về linh đạo hôn nhân và gia đình nhằm khuyến khích việc tạo ra các cộng đoàn gia đình nhỏ trong giáo xứ. Phối hợp với mạng lưới các chuyên gia, các cộng đoàn này cũng đồng hành với vợ / chồng và gia đình gặp khó khăn trong các mối quan hệ, nuôi dạy và các tình huống khó khăn khác.
Mục vụ Giới trẻ
Ủy ban Chăm sóc mục vụ giới trẻ tìm cách sử dụng những cách thức thích hợp để tiếp cận người trẻ, giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ họ hiểu, làm chứng tá hơn là lời nói, và cho họ không gian để tự lựa chọn. Các hình thức chăm sóc mục vụ cơ bản cho giới trẻ là các cộng đoàn nhỏ, với các môi trường gần gũi và đón nhận, tạo nên các mối quan hệ cá nhân, là những yếu tố quan trọng trong cuộc sống của một người trẻ.
Ngoài các cộng đoàn giới trẻ giáo xứ do các trung tâm giới trẻ giáo phận điều phối và hiện diện trong tất cả các giáo phận, còn có các cộng đoàn nhỏ giữa giới trẻ giáo xứ tại các trung tâm mục vụ đại học. Để hỗ trợ đời sống thiêng liêng của những người trẻ, Giáo hội tổ chức các sự kiện ở cấp giáo hạt, giáo phận, quốc gia và quốc tế, nơi họ có thể trải nghiệm chứng tá đức tin. Chúng bao gồm các lễ hội, buổi hòa nhạc, hội thảo, bài giảng, dạy giáo lý, hành hương, các buổi cầu nguyện nhóm được tổ chức bởi các phong trào tâm linh, các dòng tu, các cộng đoàn và hiệp hội mới của người trẻ. Bằng cách đó, họ có thể gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống trong sự hiệp thông của Giáo hội và mở lòng ra để phục vụ trong các lãnh vực loan báo Tin Mừng khác nhau. Mục đích của một số dự án là khuyến khích những người trẻ phục vụ và tham gia vào cuộc sống của cộng đoàn cụ thể của họ như giáo xứ, thành phố, thị trấn và xã hội.
Hoạt động Bác ái
Liên đới và giúp đỡ những người gặp khó khăn là một phần thiết yếu của đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Giáo hội Slovakia cung cấp sự hỗ trợ này thông qua các cơ sở của các tổ chức bác ái cấp giáo phận và giáo xứ. Tất cả các tổ chức bác ái cấp giáo phận ở Slovakia đều được hợp nhất trong Tổ chức Bác ái Công giáo Slovakia, trực thuộc Tổ chức Bác ái Quốc tế.
Tổ chức Bác ái Công giáo Slovakia do Hội đồng Giám mục Slovakia thành lập và nhằm mục đích hỗ trợ những người sống ở các quốc gia khác, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng hoặc thiên tai. Sự hỗ trợ này về cơ bản được cung cấp thông qua các cuộc lạc quyên tài chính để thực hiện các dự án đặc biệt được dành cho người nghèo và cung cấp vật liệu cần thiết; ví dụ như Gói Mùa Chay cho Châu Phi vào cuối tháng 5 - 34.000 euro, dự án nhận con nuôi từ xa - thêm hơn 6.187 trẻ em, 21 dự án nhân đạo đã được thực hiện từ năm 2015 và 19 dự án đang tiếp tục.
Hàng năm, các tổ chức bác ái đã giúp đỡ hơn 60 ngàn người - cả ở Slovakia và nước ngoài. Họ điều hành 318 cơ sở và nhà ở (nơi ở, ký túc xá, nhà chăm sóc xã hội, căng tin, trung tâm vệ sinh, tiệm giặt là, v.v.), cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội và điều dưỡng tại nhà của người dân, trợ giúp các viện dưỡng lão cũng như các nhà nuôi dưỡng và các trung tâm xã hội hóa. Các tổ chức bác ái của giáo xứ cũng đóng một vai trò quan trọng: họ giúp đỡ mọi người trong những khó khăn và đau khổ hàng ngày của họ thông qua tư vấn và hỗ trợ những người yếu đuối, bệnh tật và cao niên.
Thông qua các dòng tu hoặc nhiều tổ chức khác của mình, Giáo hội cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và giảm đau. Giáo hội điều hành 7 bệnh viện, 37 phòng khám, 69 nhà cho người già, người khuyết tật và trẻ vị thành niên, 10 nhà trẻ mồ côi.
Trong số các hoạt động bác ái khác, sáng kiến “Tin Mừng” của Phong trào Cộng đoàn Trẻ em Ki-tô giáo, mỗi dịp Giáng sinh, lạc quyên được một số tiền đáng kể cho các dự án phát triển ở Châu Phi. Trong lần thứ 26 phong trào đã thu được 569.445,50 euro.
Hoạt động Truyền thông
Giáo hội Công giáo ở Slovakia cũng thực hiện lệnh truyền rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí, internet và các hình thức truyền thông mới. Hội đồng Giám mục Slovakia có văn phòng báo chí riêng, mục đích là cung cấp thông tin cập nhật về đời sống của Giáo hội Công giáo ở Slovakia và trên thế giới.
Giáo hội Slovakia cũng là đồng sở hữu của đài truyền hình LUX, đài truyền hình Công giáo đầu tiên ở Slovakia. Truyền thông Công giáo Slovakia còn có đài phát thanh Radio Lumen, Radio Maria, hai tuần báo, và cả chương trình truyền hình internet.
Hồng Thủy - Vatican News