TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5/9/2021

Chủ nhật - 05/09/2021 19:30 | Tác giả bài viết: |   1162
“Mỗi ngày hãy im lặng một chút và lắng nghe, bớt nghe những lời vô ích và nghe Lời Chúa nhiều hơn”.
Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5/9/2021

ĐTC Phanxicô: Bớt nghe những lời vô ích và nghe Lời Chúa nhiều hơn

“Mỗi ngày hãy im lặng một chút và lắng nghe, bớt nghe những lời vô ích và nghe Lời Chúa nhiều hơn”. Đây là lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu trong buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật 5/9/2021.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường niên năm B, thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị điếc. Từ tật điếc thể lý, Đức Thánh Cha nói đến tật điếc nguy hiểm hơn, đó là bệnh điếc của trái tim, của nội tâm, khiến chúng ta không lắng nghe Chúa và tha nhân. Bởi vì chúng ta có quá nhiều điều để nói, nhiều việc để làm, nên luôn vội vàng, không có thời gian để lắng nghe tha nhân, nghe những nhu cầu của họ. Với Chúa cũng thế. Chúng ta cầu xin Chúa nhiều điều là điều tốt, nhưng sẽ là tốt hơn nếu chúng ta lắng nghe Người. Đây là điều Chúa yêu cầu chúng ta.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Phúc âm của phụng vụ hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su chữa một người bị điếc. Điều đánh động trong câu chuyện chính là cách Chúa đã thực hiện dấu lạ. Người dẫn anh ta ra một bên, đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, dùng nước miếng bôi lên lưỡi anh ta, rồi ngước lên trời, kêu lên một tiếng và nói với anh ta: “Ép-pha-tha!”, nghĩa là: “Hãy mở ra!”

Trong những lần chữa lành khác, đối với các bệnh tật trầm trọng như bại liệt hay phong cùi, Chúa Giê-su không thực hiện nhiều cử chỉ như vậy. Vậy tại sao Chúa làm tất cả những điều này, ngay cả khi họ chỉ yêu cầu Người đặt tay trên người bệnh (xem c.32)? Có lẽ vì tình trạng của người đó có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt và có điều gì đó để nói với tất cả chúng ta. Điều đó là gì? Tật điếc. Người này không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe thấy. Chúa Giê-su đặt ngón tay vào tai anh để chữa lành nguyên nhân khiến anh ta gặp khó khăn.

Chứng điếc nội tâm

Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng rất thường xuyên chúng ta không thể nghe thấy. Có một chứng điếc nội tâm mà hôm nay chúng ta có thể xin Chúa Giê-su chạm vào và chữa lành. Nó còn tồi tệ hơn tật điếc thể lý, đó là tật điếc của trái tim. Bởi vì vội vã, vì có quá nhiều điều để nói và làm, chúng ta không thể tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người nói với mình. Chúng ta có nguy cơ trở nên không thể tiếp nhận mọi thứ và không dành chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi nghĩ đến những đứa con, những người trẻ, những người già, đến rất nhiều người không cần đến lời nói và những lời giảng dạy, nhưng cần được lắng nghe.

 

Cần lắng nghe trước hết

Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi như thế nào? Tôi có xúc động vì cuộc sống của dân chúng không, tôi có biết cách dành thời gian cho những người thân thiết với mình không? Đây là điều tất cả cần làm, nhưng cách đặc biệt là các linh mục. Linh mục phải lắng nghe dân chúng, không vội vã bỏ đi. Lắng nghe và xem có thể giúp họ thế nào, nhưng chỉ sau khi lắng nghe. Tất cả chúng ta lắng nghe trước rồi trả lời. Hãy suy nghĩ về cuộc sống gia đình: bao nhiêu lần chúng ta nói trước khi lắng nghe, lặp lại những điệp khúc y chang nhau! Không biết lắng nghe nên chúng ta luôn nói cùng những điều giống nhau. Nhưng bắt đầu đối thoại không phải bằng lời nói mà bằng sự im lặng; không bằng sự khăng khăng, nhưng bằng cách kiên nhẫn bắt đầu lại để lắng nghe người khác, nghe những mệt nhọc khó khăn của họ và những gì họ mang trong lòng. Chữa lành trái tim bắt đầu bằng việc lắng nghe.

Lắng nghe Chúa

Điều này cũng đúng với Chúa. Đặt ra với Chúa hàng đống yêu cầu của chúng ta là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu trước hết chúng ta biết lắng nghe Người. Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta điều này. Trong Phúc âm, khi người ta hỏi Chúa điều răn thứ nhất là gì, Người trả lời: “Nghe đây, hỡi Israel”. Rồi Người nói thêm: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng… và yêu thương người thân cận như chính mình” (Mc 12, 28-31). Nhưng trên hết Chúa nói: “Hãy lắng nghe”.

Chúng ta có nhớ lắng nghe Chúa không? Là các Ki-tô hữu, nhưng đôi khi với hàng ngàn lời nói chúng ta nghe hàng ngày, chúng ta không thể tìm thấy một vài giây để cho một vài lời của Tin Mừng vang lên trong lòng chúng ta. Chúa Giê-su là Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Người, thì Người sẽ đi qua. Thánh Augustino đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi vuột qua”. Đó là nỗi lo sợ để Người đi vuột qua mà không lắng nghe Người. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian cho Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy bí quyết cho sức khỏe tâm linh của chúng ta. Đây là liều thuốc: mỗi ngày hãy im lặng một chút và lắng nghe, bớt nghe những lời vô ích và nghe thêm Lời Chúa. Chúng ta hãy nghe những lời của Chúa Giê-su nói với chúng ta hôm nay, như trong ngày chịu lãnh nhận bí tích rửa tội: “Ép-pha-tha!”, “Hãy mở ra!” Chúa Giê-su ơi, con ao ước mở lòng đón nhận Lời Chúa. Lạy Chúa Giê-su, xin mở lòng con lắng nghe Chúa. Xin chữa lành trái tim con khỏi sự khép kín, khỏi sự vội vàng và thiếu kiên nhẫn.

Xin Đức Thánh Trinh nữ Maria, Đấng đã mở lòng nghe Lời đã làm người trong cung lòng Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày biết ngoan ngoãn, kiên nhẫn và chú ý lắng nghe lời Con của Mẹ trong Tin Mừng và nơi các anh chị em của chúng ta.

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây