TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo Hội quan niệm về tôn giáo

Chủ nhật - 03/04/2022 19:34 | Tác giả bài viết: Gm Phêrô Huỳnh Văn Hai |   1222
Giáo Hội quan niệm về tôn giáo trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes), Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate).
Giáo Hội quan niệm về tôn giáo

THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN VĨNH LONG
THÁNG 04/2022

GIÁO HỘI QUAN NIỆM VỀ TÔN GIÁO

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần III, sẽ nói về Giáo Hội quan niệm về tôn giáo trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes), Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate).

Vấn nạn đời người

Trước hết, con người chúng ta có nhiều câu hỏi về thân phận của mình và muốn biết câu trả lời: “Con người là gì? Đời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Đâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống của chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?” (NK số 1). Từ những vấn nạn đó đưa dẫn con người đến niềm tin tôn giáo.

Ý nghĩa Tôn giáo

Chúng ta tìm hiểu sơ lược về từ ngữ “tôn giáo”. Tùy theo quan điểm của mỗi người mà từ ngữ “tôn giáo” gợi lên những ý tưởng khác nhau. Một số xem tôn giáo là niềm tin vào Thiên Chúa, việc cầu nguyện hoặc tham gia vào một nghi thức. Những người khác thì hiểu tôn giáo như là một việc suy gẫm về một chủ đề thần linh; vẫn còn những người khác tin rằng tôn giáo đề cập đến một thái độ cảm xúc và mang tính cá nhân đối với một điều gì đó, vượt trên con người, ở bên ngoài thế giới này; và có những người chỉ đơn giản đồng nhất tôn giáo với các việc đạo đức.

Dĩ nhiên, trong xã hội hiện nay, con người chúng ta phần đông thừa nhận quyền bính hoặc nguyên lý cao hơn mà định mệnh của con người phụ thuộc vào đó. Đối với quyền bính đó, con người vâng phục và tôn trọng. Từ niềm tin này phát xuất thái độ ngưỡng mộ, tôn thờ và lòng đạo đức, phù hợp với mô hình xã hội và có thể tạo thành quy tắc của cuộc sống: tôn giáo (x. Tự điển Thần học căn bản).

Qua các ý tưởng trên, chúng ta thuộc Kitô giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta có một đời sống liên kết mật thiết với Ngài qua các việc thờ phượng, tham dự các nghi lễ, các việc đạo đức bình dân khác.

Giáo Hội và Tôn giáo

Giáo Hội Công Giáo là một tôn giáo, luôn tin tưởng rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người, chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thích được ý nghĩa tối hậu, những vấn nạn của đời sống con người: “Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề trên. Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Chúa Kitô, Đấng đã hóa thân làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn” (GS số 41).

Nhưng ngược lại, ngày nay, chúng ta thấy nhan nhản những phong trào, đoàn hội, những mê tín lan tràn. Điều đó dẫn đến một số người đã từ chối tôn giáo, từ chối tin tưởng vào Thiên Chúa, tin tưởng vào khoa học nhiều hơn, đánh mất nguồn gốc tôn giáo, đánh mất khái niệm và những thực hành tôn giáo, tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay  tôn  giáo: “Tại  nhiều nơi, quan  niệm  nầy  không những được diễn tả trong các trường phái triết học, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương, nghệ thuật, các giải thích của các khoa học nhân văn và sử học, cũng như ảnh hưởng tới dân luật khiến cho nhiều người hoang mang” (GS số 7). Thật sự gây hoang mang cho nhiều người, nhưng với niềm tin vững mạnh, là những Kitô hữu, chúng ta cần có một ý thức sống động hiện hành hơn về Thiên Chúa chúng ta, chúng ta chấp nhận có tôn giáo.

Tôn giáo không đối lập với phát triển kinh tế, xã hội

Nhiều người nghĩ rằng tôn giáo sẽ ngăn cản bước tiến kinh tế và xã hội. Tin Thiên Chúa, tuân giữ các giới răn sẽ ảnh hưởng đến phẩm giá con người, kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong thời đại mà khoa học tự cho là đang phát triển về nhiều lãnh vực khác nhau: y tế, kinh tế, xã hội nhân văn,… Họ cho rằng mục đích của đời người là tại thế giới vật chất hiện tại này, con người tự quyết định vận mệnh của mình, sống hay chết là do mình, không có thế giới ngày sau. Lập trường này khó chấp nhận việc lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội cho rằng: “Nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa… Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng hy vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này… Trong khi đó, mỗi người vẫn còn là một câu hỏi chưa giải đáp cho chính mình, một câu hỏi chỉ thấy lờ mờ… Chỉ một mình Thiên Chúa là Ðấng kêu gọi con người suy nghĩ sâu xa hơn và tìm hiểu khiêm tốn hơn mới đem lại được câu giải đáp hoàn toàn và hết sức chắc chắn” (GS số 20).

Đức tin và khoa học hòa hợp

Chúng ta có nên xem xét khoa học như là một hệ thống khép kín, và giả định rằng tất cả thực tại là trong tầm tay của nó hay không? Chưa phải là một hệ thống độc lập và sử dụng phương pháp hoàn toàn hợp lý, khoa học chính nó cũng dựa trên những giả thuyết. Con người của chúng ta có thể dùng tâm trí, dùng phương pháp khoa học để tìm hiểu về trật tự của thế giới vật lý, nhưng con người phải dừng lại trước những kỳ quang của vũ trụ. Đứng trước những kỳ quang nầy, con người phải công nhận có một Đấng sáng tạo và điều khiển những kỳ quang đó: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra” (GS số 36).

Đối thoại và cộng tác với các tôn giáo khác

Mỗi một tôn giáo có những nét đặc trưng khác nhau, dạy điều lành điều tốt, tránh điều dữ. Giáo Hội luôn tôn trọng những ý niệm và ngôn ngữ tinh tế của các tôn giáo khác: “Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng ta của đức tin và đời sống Kitô giáo” (NK số 2). Cộng tác và đối thoại với nhau để mang lại hạnh phúc cho con người, cho tất cả mọi người chớ không riêng gì một số người được ưu đãi.

Giáo Hội Công Giáo có cái nhìn tốt về tôn giáo. Tôn giáo dẫn con người đến sự hoàn thiện. Giáo Hội luôn tránh những mê tín dị đoan, tôn trọng những chiều kích hợp với lý trí, với nhận thức, tập quán của các tôn giáo khác nhau. Chúng ta hợp lực để mang đến sự giải thoát khỏi đau khổ và bất hạnh, chỉ ước mong hạnh phúc đời nầy và đời sau.

 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Gp. Vĩnh Long
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây