Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 24/07/2021 22:51 |
Tác giả bài viết: |
1050
“Người Công giáo lan toả yêu thương trong đại dịch!”.
Giáo phận Xuân Lộc lan tỏa yêu thương trong đại dịch
“Người Công giáo lan toả yêu thương trong đại dịch!”. Đây là châm ngôn của mọi người Công giáo và các tín hữu Giáo phận Xuân Lộc đang thực hiện châm ngôn này cách rất cụ thể, bằng chính những gì mình có và với óc sáng tạo và con tim đồng cảm. Những hy sinh của các tu sĩ, những chia sẻ của giáo dân, những nỗ lực của các cha xứ... tất cả đang dìu dắt nhau trong những ngày đại dịch...
Không lâu sau khi Sài Gòn xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 thì Đồng Nai cũng bị “dính”. Đức cha Gioan của giáo phận Xuân Lộc đã gửi thư kêu gọi các tín hữu tuân giữ các biện pháp để ngăn chặn đại dịch, trong đó có việc giãn cách, nhưng không “xa mặt cách lòng”; ngài kêu gọi thực thi tình liên đới bác ái.
Đức cha viết: “Chúng ta cảm nhận trong những ngày này, giữa những nhu cầu lương thực không thể thiếu, đã trổi lên như điểm son tình thương, lá lành đùm lá rách… cung cách trao bằng cả con tim, ‘một miếng khi đói bằng gói khi no’, cái no ‘tình làng nghĩa xóm, bất kể lương giáo, xóm đạo’ mới thật sự làm cho ta sống…”. Và theo lời vị chủ chăn, các tín hữu Giáo phận Xuân Lộc đang lan toả yêu thương giữa đại dịch!
Một vài mẩu chuyện nho nhỏ nhưng chuyển tải một ý nghĩa yêu thương to lớn được sưu tầm từ trang web của giáo phận Xuân Lộc với ước mong là niềm khích lệ chúng ta vững tin vào tình yêu Chúa quan phòng và vững bước cùng nhau thoát qua cơn đại dịch.
Giáo phận Xuân Lộc lan tỏa yêu thương trong đại dịch
Bệnh nhân ở đâu, chúng con cũng ở đó
Đây là lời khẳng định của các tu sĩ Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa. Với sứ vụ trợ giúp các bệnh nhân và với trái tim của người thầy thuốc, các tu sĩ không thể im lặng đứng nhìn bao người đang đau khổ vì dịch bệnh trong khi số nhân viên y tế không đủ để phục vụ.
Sáng 20/7, đáp lại lời mời gọi của Sở Y tế Tỉnh Đồng Nai và các Đức giám mục tại các Giáo phận Sài Gòn và Xuân lộc, 17 tu sĩ Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, với trình độ chuyên môn bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng và kỹ thuật viên, và đặc biệt có một linh mục, đã lên đường phục vụ chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện và trung tâm cách ly. Để tiện cho việc di chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, Nhà Dòng đã sử dụng 3 chiếc xe cứu thương.
Kể từ khi Dòng hiện diện 1952 tại vùng đất Hố Nai, Biên Hoà, anh em tu sĩ, linh mục của Dòng đã đảm trách phục vụ chăm sóc thể xác và ban các Bí tích sau cùng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai (Thánh Tâm). Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các tu sĩ luôn nêu cao tinh thần phục vụ âm thầm, không quản ngại khó khăn thử thách.
Đặc biệt, trước thực trạng của dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm như hiện nay, Dòng đang cộng tác với Bệnh viện Thống Nhất di chuyển toàn bộ bệnh nhân chạy thận nhân tạo vào trong cơ sở nội trú của Nhà Dòng, để giúp nơi ăn, nơi ở và đưa đón bệnh nhân đi chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 ngày với gần 100 bệnh nhân, nhằm giúp giảm tải cho Bệnh viện, đồng thời, giảm thiểu sự đi lại phòng tránh lây lan và giảm bớt gánh nặng tài chánh cho bệnh nhân; cụ thể hơn, để chuẩn bị khoa phòng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Bệnh viện Thống Nhất này.
Tu sĩ dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa lên đường đến các bệnh viện giúp bệnh nhân
Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm: tiếng gọi yêu thương và lời đáp trả
Trụ sở dòng nữ Đaminh Thánh Tâm nằm ở phường Tân Biên, Biên Hòa, và các sơ chia sẻ số phận của người dân khi địa bàn bị cách ly. Đường vào Hội dòng và tất cả các con đường giao thông chính trong phường Tân Biên đã bị khóa lại bởi những làn dây và rào chắn! Nhưng, các sơ "tạ ơn Chúa, bởi vẫn còn đó những con đường của trái tim, đường của yêu thương, để đến với mọi người, nhất là những người khổ đau thời đại dịch".
Các nữ tu xác định: Chính nhờ tình hiệp thông, liên kết trong Đức Ái, mà các chị đã nghe được tiếng thổn thức, lắng lo, kêu gọi cấp cứu qua điện thoại từ các nữ sinh viên ngành y đang trú ngụ tại 44 phòng trọ khi bị cách ly mà không có lương thực. Sau những lời kêu cứu đó, những thùng lương thực từ kho của dòng đã được vận chuyển qua cổng nhà dòng đến khu vực nhà trọ cho từng sinh viên, đúng quy định giãn cách xã hội.
Các sơ cũng đã nghe và cảm thấu được tiếng kêu nấc nghẹn của các nhân viên y tế đang trực tại những tuyến đầu phục vụ bệnh nhân tại khu cách ly và bệnh viện. Thông qua những món quà gửi đến các nhân viên trạm y tế khu vực, những khoản tiền hỗ trợ dụng cụ bảo hộ y tế cá nhân, các chị muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các "thiên thần áo trắng" đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch.
Các nữ tu đã nghe được tiếng kêu sầu khổ cùng những lời than thấm nước mắt của các anh chị em công nhân thất nghiệp vì luật Phong tỏa Y tế, đang trú ngụ tại 831 phòng trọ thuộc khu phố 9, phường Tân Biên, Biên Hòa. Và, để thể hiện tình liên đới, các chị đã chia sẻ 831 phần quà yêu thương đến từng gia đình các công nhân tại khu nhà trọ, qua sự hỗ trợ của các cán bộ thuộc Khu phố 9, phường Tân Biên, Biên Hòa.
Các chị cầu nguyện: Tạ ơn Chúa, đã soi sáng và trợ giúp chúng con, để trong hoàn cảnh khó khăn của xã hội hôm nay, chúng con vẫn nghe được tiếng gọi Yêu Thương của Chúa nơi anh chị em chúng con, và cất lên tiếng gọi Yêu Thương, để rồi cũng nhận được rất nhiều lời đáp trả Yêu Thương từ những nhà hảo tâm và cả cơ quan chính quyền địa phương; để nhờ đó những món quà thay Lời Yêu thương được chuyển trao đến những người đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 này.
Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm: tiếng gọi yêu thương và lời đáp trả
Ngay từ những ngày bước vào dịch, giáo xứ Võ Dõng, Gia Kiệm, đã có những mô hình hết sức thiện chí và sáng tạo, tận dụng mọi nguồn để tiếp tế giáo dân. Giáo xứ vốn dĩ nhiều loại hình kinh tế: Chăn nuôi, dịch vụ, buôn bán, trồng rau cần, trồng chuối... Mùa dịch, nguồn rau, chuối không tiêu thụ được. Cha xứ và các cộng sự tiếp nhận những cánh đồng rau cần, chuối được giáo dân ủng hộ.
Mọi nguồn nhân lực: giới trẻ, Ban Điều Hành giáo họ, giáo xứ ngâm mình dưới nước nhổ rau, nhặt rễ, bó lại, chất lên xe chuyên chở về nhà xứ phân loại. Họ rất sáng tạo, đem rau cần, chuối đi "đổi" rau cho các giáo xứ lân cận để nhận lại các loại rau khác về tiếp tế cho giáo dân mình. Giáo xứ dùng nguồn ủng hộ mua thêm rau, củ, quả Dalat cho giáo dân “đổi món”.
Đến hôm nay, hơn 2 tuần lễ Gia Kiệm bị phong tỏa, cách ly, thật sự lúc này khắp nơi đã cạn kiệt nguồn lương thực, một số nhóm thiện nguyện đã phải dừng tiếp tế do chợ đầu mối Dầu Giây có lệnh ngừng hoạt động vì dịch, nhưng giáo xứ Võ Dõng rau vẫn về mỗi ngày.
Trong những ngày này, các vị mục tử thực sự là người chăm lo cho đàn chiên của mình. Các ngài không lo sợ dịch bệnh, nhưng hòa mình chia sẻ sự khốn khổ của tín hữu. Cha xứ Võ Dõng luôn đồng hành khích lệ giáo dân. Cha xứ, Thầy xứ, Ban hành giáo của giáo xứ Suối Nho đích thân mang rau củ đến tặng cho giáo xứ Võ Dõng.
Một giáo dân viết: "Có thể con chiên giáo xứ Võ Dõng, không phải ai cũng cần cứu trợ. Con cá, cân thịt hay bó rau không thể nuôi sống một gia đình nghèo suốt mùa dịch, nhưng sự khích lệ thiết thực của vị linh mục quản xứ sẽ là tấm gương rất sáng, là sự ấm áp lạ thường trong cộng đoàn giáo xứ và lan tỏa yêu thương đi khắp nơi".
Là một giáo xứ nằm ở trung tâm thành phố Long Khánh, “hàng xóm” của Toà Giám mục Xuân Lộc, nhưng nhiều gia đình giáo dân Xuân Khánh lại quen với rẫy vườn. Đại dịch đến, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bơ… vẫn còn đó, nhưng không thể thay thế mặt hàng người dân cần hàng ngày là rau xanh. Chợ búa đóng cửa, người dân không được ra ngoài đường khi không có lý do cần thiết, tìm đâu ra rau?!. Thế là chương trình "túi rau lủng lẳng ở cổng" đã ra đời!
Sáng Chúa Nhật 18/7, nhiều gia đình trên địa bàn giáo xứ Xuân Khánh, cả Công giáo lẫn không Công giáo, đã rất ngạc nhiên khi mở cửa ra, nhìn thấy trên cổng nhà có bịch rau xanh treo lủng lẳng. Ai cho rau vậy ta? Người dân đứng trước nhà hỏi nhau. Có mấy người bảo, có mấy bạn trẻ mang đến treo trước cổng mọi nhà từ sớm, nhưng không biết là của ai!
Có người hiểu chuyện hơn cho biết: đó là rau của nhà thờ Xuân Khánh đó! Mọi nhà, không kể lương giáo, đều được hết! Bó rau khoảng 1 ký, ngày thường vài ngàn bạc, nhưng trong đại dịch sao quý thế. Mà quý hơn là tấm lòng của người tặng. Mồng tơi xanh nấu với tôm khô, ngọt ngào biết bao. Thế là mấy cái hẻm nho nhỏ ở các phường Xuân Hòa và Xuân Bình, cả Phú Bình nữa, được những bữa canh mồng tơi, rau bồ ngót, rau muống, rau dền thơm ngon.
Giáo xứ Xuân Khánh
Sáng 22/7, liên lạc với thầy phó tế đang giúp tại giáo xứ Xuân Khánh, Vatican News Tiếng Việt được biết đó là chương trình của giới trẻ do cha xứ và thầy xứ hướng dẫn. Mà thật ra cũng chẳng phải là chương trình gì to tát. Ban đầu chỉ là “do” những người bán vé số trên địa bàn thành phố mất việc nên đến nhà thờ xin gạo. Cha xứ kêu gọi giáo dân giúp đỡ. Thế là chỉ trong một buổi, phát cho mỗi người 5 ký gạo, mà hơn tấn gạo hết sạch. Thật ra không chỉ người bán vé số hay nhặt ve chai, nhưng cả những gia đình gặp khó khăn, ai cũng có thể đến nhận gạo.
Từ cái duyên phát gạo này, cha xứ đã thấu hiểu được nỗi khổ của người dân trong những ngày cách ly. Ở thành phố thiếu rau xanh, trong khi những ruộng rau ở các xứ "quê em trồng rau xanh" thì lại đang đợi người hái. Cha xứ đã liên lạc được với giáo xứ cũ của ngài, nơi trồng rau, để mang rau xanh về thành phố đang trong thời gian cách ly phải mua rau với giá “kim cương hột xoàn”!
Giáo xứ Xuân Khánh có gần 2.000 hộ gia đình Công giáo, nhưng kể cả hộ gia đình không Công giáo thì phải gấp 3 gấp 4, nên cần đến 4 tấn rau mỗi lần để cho được một vòng mỗi gia đình một ký rau. Thế mà trong một tuần lễ, giáo xứ đã phát rau đến lượt thứ 3.
Các bạn trẻ trong giáo xứ, với sự giúp đỡ của các vị trong ban hành giáo, trong giới hiền mẫu, nhận rau về đã chia thành từng bịch và chở xe “cải tiến” – nôm na là xe máy cày – đi treo ở cổng từng nhà, để giữ giãn cách xã hội. Đến lần phát rau thứ 3, chính quyền phường Xuân Hòa đã mang xe đến chở rau và cùng với các bạn trẻ Xuân Khánh đi phát rau. Tình yêu thương nối kết nhau và có sức lôi kéo như thế.
Chưa hết! Cây nhà lá vườn của Xuân Khánh là chôm chôm, nên cha xứ "giải cứu" chôm chôm cho nhà vườn gặp khó khăn. Ngài thu số chôm chôm này đem đi đổi rau ở bên Suối Nho, hay Định Quán.
Những bó rau càng thêm thơm ngon bởi tình người chan chứa, bởi tình cảm của vị chủ chăn!!!
Giáo xứ Xuân Khánh
Xin lỗi, cha đang “đau mắt”
Điểm tích cực của tình trạng đại dịch hiện nay đó là nêu bật lòng bác ái yêu thương, tình tương thân tương ái. Tuy phải giãn cách nhưng người dân không xa cách nhau. Các linh mục gần gũi nhau hơn, gần gũi dân chúng hơn, hiểu được tín hữu của mình hơn; mọi người hiểu rằng mình cần người khác hơn...
Cha xứ giáo xứ Lộ Đức, Hố Nai, đã chia sẻ những tâm tình cảm động với những cung bậc cảm xúc, từ cảm giác bị cách ly, đến hiểu được tình người và nhận ra tình Chúa luôn chan hòa.
Cha viết: Mấy ngày qua, khi dịch Covid, mọi sinh hoạt bị dừng lại vì giãn cách, nhìn sân nhà thờ một khoảng trống như vô tận, không một bóng người làm mắt tôi cay cay và đo đỏ.
Rồi sau đó, khi cổng giáo xứ, những tấm tôn che kín, vừa nhìn thấy, nước mắt tự nhiên chảy ra, mắt tôi như nhoè đi. Những tin nhắn, những cuộc điện thoại từ xa hỏi: sao thế? Mắt lại đỏ đau và giọng nói cũng lạc. Tôi có cảm giác như mình ở trong một trại tạm giam, dù mình chẳng có tội gì!
Những ngày sau đó, nhiều người đưa tiền cho cha để mua gạo mua thực phẩm cho người nghèo… Rất nhiều người chung tay để lo cho người nghèo. Trong số đó, tôi chợt nhận ra một người mà giáo xứ vẫn giúp gạo hàng tháng, dúi vào tay tôi một sấp tiền lẻ: “con chung tay với cha để lo cho người nghèo”, mắt tôi lại đau và giàn giụa nước mắt…
Những chuyến hàng đong đầy yêu thương… của nhiều người mà tôi chưa hề quen biết… nhìn những người đang đón nhận trong niềm vui, tôi đoán được niềm vui sâu xa của người ban tặng: tôi lại đau và mắt đỏ lên.
Tôi lại nhận được tin giáo xứ Thọ Lâm, nơi tôi nặng nghĩa tình, đang chuẩn bị rau, củ, quả, tặng Lộ Đức. Họ mang đến vào buổi sáng sơm, nhà xứ rộn rã niềm vui, mọi người trầm trồ: chưa có ngày nào mà nhiều như vậy, hội trường như một siêu thị… Tôi còn biết được, giáo xứ đã chuẩn bị mấy ngày, và đêm thứ ba, rất nhiều người thức đêm để chuẩn bị… mắt tôi lại đau đến nỗi trốn vào trong phòng để tránh sự ngại ngùng.
Tôi chỉ còn biết hướng lên trời để dâng lời cảm tạ vì những ngày tưởng chừng như Covid đè bẹp thì lại là lúc tôi cảm nhận được nhiều điều, chỉ còn biết tạ ơn Chúa, cảm ơn mọi người. Tôi nguyện sẽ mãi để “mắt đau” vì hạnh phúc.