TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin 15/12/2024

Thứ hai - 16/12/2024 03:11 |   125
Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Mẹ Lên trời để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.
Kinh Truyền Tin 15/12/2024

Kinh Truyền Tin 15/12: chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác

Sau buổi gặp gỡ các tham dự viên của Đại hội lòng đạo đức bình dân của khu vực Địa Trung Hải tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của thành phố Ajaccio, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Mẹ Lên trời để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.

Trong bài nói chuyện với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nói lời cảm ơn vì ơn gọi dâng hiến, vì công việc, dấn thân hằng ngày của họ; ngài cũng cảm ơn về dấu chỉ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa và là chứng nhân của Tin Mừng.

Kế đến, Đức Thánh Cha nói về ân sủng của Thiên Chúa, là nền tảng của đức tin Kitô giáo và mọi hình thức thánh hiến trong Giáo hội. Ngài nói rằng: Trong bối cảnh châu Âu mà chúng ta đang sống, không thiếu những thách thức và khó khăn trong việc truyền đạt đức tin, và mỗi ngày anh chị em đều đối diện với điều này, cảm thấy mình nhỏ bé và mong manh: số lượng anh chị em không nhiều, anh chị em không có những phương tiện mạnh mẽ, và môi trường mà anh chị em phục vụ không phải lúc nào cũng thuận lợi để đón nhận Tin Mừng. Thế nhưng, chính sự nghèo khó này lại là một phúc lành! Nó giúp chúng ta từ bỏ ảo tưởng rằng mình có thể tự sức làm được mọi sự và dạy chúng ta nhận ra rằng sứ mạng Kitô hữu không phụ thuộc vào sức mạnh của con người, nhưng trước hết vào công việc của Chúa, Đấng luôn hoạt động và làm việc với tất cả những gì ít ỏi mà chúng ta có thể dâng hiến.

Tầm nhìn: Trung tâm là Chúa

Chúng ta đừng quên điều này: trọng tâm luôn là Chúa. Không phải tôi ở trung tâm, mà là Thiên Chúa. Đây là điều mà có lẽ mỗi buổi sáng, khi mặt trời mọc, mỗi mục tử, mỗi tu sĩ nên lặp lại trong việc cầu nguyện: ngay hôm nay, trong sứ vụ của tôi, không phải tôi ở trung tâm, mà là Chúa.

Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta có thể ngủ yên mà không cần đảm nhận trách nhiệm của mình. Ngược lại, chúng ta luôn phải nghĩ mình như là “những cộng tác viên của ân sủng Thiên Chúa” (x. 1 Cr 3,9). Vì vậy, đồng hành với Chúa, mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi tự hỏi: tôi đang sống đời linh mục, đời thánh hiến, đời môn đệ của mình như thế nào?

Câu hỏi này rất quan trọng. Tôi xin anh chị em khắc ghi trong lòng và đừng coi thường nhu cầu phải phân định, phải nhìn vào nội tâm mình, để chúng ta không bị cuốn trôi trong những hoạt động bề ngoài mà đánh mất đời sống nội tâm. Về phần mình, tôi muốn gửi đến anh chị em hai lời mời gọi: chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác.

Chăm sóc chính mình. Vì đời sống linh mục hay tu sĩ không phải là một tiếng “xin vâng” được nói một lần cho mãi mãi. Chúng ta không thể sống với Chúa bằng “khoản tiết kiệm”! Ngược lại, mỗi ngày niềm vui gặp gỡ Người cần được làm mới lại, và trong mỗi khoảnh khắc chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa và quyết định theo Người một lần nữa.

Hãy nhớ rằng: cuộc đời của chúng ta được thể hiện trong việc dâng hiến chính mình, nhưng càng là một linh mục, tu sĩ dấn thân phục vụ Nước Chúa, thì càng cần phải chăm sóc chính mình. Một linh mục, tu sĩ hay phó tế bỏ bê chính mình rồi cũng sẽ bỏ bê những người được trao phó cho mình. Vì vậy, chúng ta cần có một “quy luật sống” nhỏ – các tu sĩ đã có sẵn rồi – bao gồm việc hằng ngày dành thời gian cầu nguyện, Thánh lễ, đối thoại với Chúa, mỗi người tùy theo linh đạo và phong cách riêng của mình. Tôi cũng muốn thêm: hãy dành những khoảnh khắc thinh lặng; có một người anh em, chị em để chia sẻ tự do những gì tôi mang trong lòng; nuôi dưỡng một niềm đam mê nào đó, không phải để giết thời gian, nhưng để nghỉ ngơi một cách lành mạnh sau những mệt nhọc của sứ vụ. Chúng ta cần sợ những người lúc nào cũng hoạt động, lúc nào cũng ở trung tâm, mà không bao giờ nghỉ ngơi. Điều này không tốt. Cần có không gian và thời gian để mỗi linh mục và tu sĩ chăm sóc chính mình.

Điều này bao gồm một điều khác: tình huynh đệ giữa anh chị em. Chúng ta hãy học cách chia sẻ không chỉ những khó khăn và thử thách, mà còn cả niềm vui và tình bạn với nhau. Đức Giám mục của anh chị em đã nói một điều tôi rất thích: điều quan trọng là phải chuyển từ “Sách Ai Ca” sang “Sách Diễm Ca.” Điều này cũng được nói trong Thánh Vịnh: “Chúa biến đổi lời than khóc của con thành vũ điệu” (Tv 30,12). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ niềm vui được làm tông đồ và môn đệ của Chúa!

Thứ hai: chăm sóc người khác. Sứ vụ mà mỗi anh chị em đã lãnh nhận luôn có một mục đích duy nhất: mang Chúa Giêsu đến cho tha nhân, trao cho trái tim họ niềm an ủi của Tin Mừng. Tôi muốn nhắc lại giây phút thánh tông đồ Phaolô sắp trở lại Corintô và viết cho cộng đoàn rằng: “Phần tôi, tôi vui lòng tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (2 Cr 12,15). Tiêu phí chính mình vì các linh hồn, tiêu phí trong việc hiến thân chính mình cho những người được trao phó.

Trung tâm của sứ vụ của anh chị em chính là những anh chị em xung quanh: thiện ích thiêng liêng của họ, niềm khao khát hy vọng, và nhu cầu được lắng nghe, được gần gũi của họ. Điều này mời gọi chúng ta tìm kiếm, trong bối cảnh ngày nay, những con đường mục vụ hiệu quả hơn để loan báo Tin Mừng. Đừng sợ thay đổi, xét duyệt lại cách thức cũ, làm mới lại những ngôn ngữ của đức tin, đồng thời học biết rằng sứ mạng không phải là vấn đề của những chiến lược con người. Đúng hơn, đó là vấn đề của đức tin, là niềm đam mê loan báo Tin Mừng và Vương quốc Thiên Chúa. Chăm sóc người khác: những ai đang chờ đợi Lời Chúa Giêsu, những ai đã xa cách Người, những ai cần được hướng dẫn hoặc an ủi cho những nỗi đau khổ của họ. Chăm sóc tất cả mọi người, trong đào tạo và trên hết trong các cuộc gặp gỡ. Gặp gỡ mọi người, nơi họ sống và làm việc, trong mọi hoàn cảnh.

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em và cầu chúc cho sứ vụ của anh chị em tràn đầy niềm vui và hy vọng. Đừng nản lòng trong những lúc mệt mỏi hay buồn chán. Hãy dâng con tim anh chị em cho Chúa: Người luôn tỏ mình và ban niềm vui nếu anh chị em chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác. Bằng cách này, Người ban niềm an ủi cho những ai được Người kêu mời. Hãy can đảm tiến bước, Người lấp đầy anh chị em bằng niềm vui!

Giờ đây, chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Trong Nhà thờ này, được đặt theo tên Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, mà các tín hữu tôn kính là Quan Thầy và Mẹ của Lòng Thương Xót, “Madunnuccia”. Từ hòn đảo Địa Trung Hải này, chúng ta dâng lên Mẹ lời cầu xin hòa bình: hòa bình cho tất cả các vùng đất nhìn ra Biển này, đặc biệt là cho Thánh Địa nơi Đức Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu. Hòa bình cho Palestine, cho Israel, cho Lebanon, cho Syria, và tất cả Trung Đông! Và xin Mẹ Thiên Chúa rất Thánh ban hòa bình đã mong đợi từ lâu cho dân tộc Ucraina và dân tộc Nga. Chiến tranh luôn là sự thất bại. Hòa bình cho toàn thế giới!

Nguồn tin Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây