TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mất tất cả nhưng không mất hy vọng

Thứ hai - 20/12/2021 19:52 | Tác giả bài viết: |   765
Vào lúc 8 giờ 40 tối Chúa nhật 19/12, trên đài truyền hình TG5 của Ý, Đức Thánh Cha đã có buổi trò chuyện với những người được cho là đã mất tất cả nhưng không mất niềm hy vọng.
Mất tất cả nhưng không mất hy vọng

ĐTC trò chuyện với những người mất tất cả nhưng không mất hy vọng

Vào lúc 8 giờ 40 tối Chúa nhật 19/12, trên đài truyền hình TG5 của Ý, Đức Thánh Cha đã có buổi trò chuyện với những người được cho là đã mất tất cả nhưng không mất niềm hy vọng. Trong lúc trò chuyện, Đức Thánh Cha đã chỉ cho họ cách sống lễ Giáng sinh với niềm vui và hy vọng, đồng thời khuyến khích họ luôn hướng cái nhìn lên trên.

Người đầu tiên là chị Giovanna, nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong thời điểm đại dịch, chị bị mất việc và không có nơi trú ẩn. Chị Giovanna hỏi Đức Thánh Cha, làm cách nào để chị lấy lại được nhân phẩm. Sau khi định nghĩa bạo lực “như satan”, Đức Thánh Cha nói: “Thật là nhục nhã khi sử dụng bạo lực, như tát vào má một em bé. Khuôn mặt là nơi biểu hiện nhân phẩm, vậy tát vào mặt người khác là một sự sỉ nhục”. Đức Thánh Cha nói hình ảnh một phụ nữ bị bạo lực làm cho ngài nhớ đến tượng Đức Mẹ Sầu Bi được đặt trong đền thờ thánh Phêrô. Đức Mẹ bị sỉ nhục trước người con bị lột trần, đóng đinh, bị coi như một tội nhân. Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, vì vậy Mẹ bị sỉ nhục. Nhưng Mẹ không bị mất nhân phẩm. Và chiêm ngắm hình ảnh này trong những lúc gặp khó khăn, khi bị sỉ nhục hay cảm thấy bị mất nhân phẩm, sẽ cho chúng ta sức mạnh”.

Người thứ hai trò chuyện với Đức Thánh Cha là bà Maria, một người vô gia cư. Trước khi được chào đón tại một trung tâm đón tiếp người vô gia cư ở quảng trường Migliori ở Roma, bà từng sống trên đường phố trong nhiều năm. Trả lời câu hỏi của Maria “Tại sao xã hội lại đối xử tàn nhẫn với người nghèo?”, Đức Thánh Cha nói: “Hiện nay chúng ta đang bước vào một văn hoá dửng dưng. Trong văn hoá này chúng ta cố gắng tránh xa những vấn đề thực tế, như nỗi đau do thiếu nhà ở, thiếu việc làm. Đại dịch đã làm cho tình trạng này càng gia tăng, vì người nghèo phải gõ cửa những người cho vay nặng lãi. Người nghèo rơi vào tay những kẻ lợi dụng và mất tất cả. Đây là sự tàn nhẫn hơn cả. Cho vay nặng lãi không phải là cách để thoát khỏi vấn đề, trái lại nó tạo ra vấn đề mới”.

Sau đó, Đức Thánh Cha hỏi bà rằng liệu bà có giúp một người có hoàn cảnh tồi tệ hơn bà không. Và khi bà Maria khẳng định là có, Đức Thánh Cha nói thêm: “Khi đau khổ, người ta mới hiểu được tận cùng của nỗi đau. Hãy luôn cố gắng nhìn thẳng vào vấn đề vì sẽ có người khác đau khổ hơn bà, cần nhìn để giúp họ tiến lên”.

Người thứ ba trò chuyện với Đức Thánh Cha là Pierdonato, một người đang thụ án tù chung thân, và cho tới nay đã trải qua 25 năm tù. Nhờ học hành và cầu nguyện, Pierdonato đã nhận ra những sai lầm của mình. Anh hỏi Đức Thánh Cha rằng có hy vọng cho người muốn thay đổi không? Dựa vào Kinh Thánh, Đức Thánh Cha nói: “Hy vọng không bao giờ làm chúng ta nản lòng. Có Chúa ở bên cạnh, Người luôn gần gũi, đầy lòng trắc ẩn và dịu dàng. Chúa ở với mỗi tù nhân. Sức mạnh của chúng ta ở trong niềm hy vọng rằng Chúa ở gần bên chúng ta, luôn nhân từ và dịu dàng như một người mẹ”.

Ông Pierdonato hỏi tiếp: “Làm thế nào có thể chữa lành những vết thương cho các tù nhân?”. Đức Thánh Cha trả lời: “Mọi bản án đưa ra phải có một hy vọng, một cửa sổ. Nhà tù không có cửa sổ thì không ổn vì đó là một bức tường. Không nhất thiết phải là cửa sổ vật chất, mà còn là cửa sổ hiện sinh, cửa sổ tâm linh. Làm sao để tù nhân có thể nói: ‘Tôi biết tôi sẽ đi ra ngoài, tôi biết tôi có thể làm điều gì đó’. Đây là lý do tại sao Giáo hội chống án tử hình, bởi vì trong cái chết không có cửa sổ, không có hy vọng, một cuộc sống bị đóng lại. Đây là lý do tại sao nhà tù phải có cửa sổ”.

Người cuối cùng trò chuyện với Đức Thánh Cha là một hướng đạo sinh, 18 tuổi. Maristella, đại diện cho tất cả thanh thiếu niên cảm thấy bị bỏ rơi và mất kết nối với bạn bè trong thời điểm đại dịch. Maristella đề cập đến hậu quả của đại dịch đối với người trẻ, và hỏi Đức Thánh Cha làm cách nào để có thể tạo dựng một tương quan lành mạnh từ sự tiếp xúc và trải nghiệm. Đức Thánh Cha nói, đại dịch đã làm cho chúng ta hiểu rằng đối thoại cụ thể không thể bù đắp bằng những cuộc trò chuyện qua điện thoại, chúng ta cần một điều gì đó hơn thế nữa.

Về thói quen sử dụng điện thoại của giới trẻ, Đức Thánh Cha nói thêm: “Nếu con muốn sử dụng điện thoại, hãy sử dụng nó, nhưng điều này không được phép làm mất đi khả năng tiếp xúc với mọi người, tiếp xúc trực tiếp, cùng nhau đi học, đi dạo, đi uống cà phê, tiếp xúc thật chứ không ảo. Bởi vì nếu chúng ta bỏ qua liên hệ thực tế, chúng ta cũng sẽ kết thúc ở thể lỏng hoặc thể khí, đối với người sống trực tuyến là người thiếu sự dịu dàng”.

Kết thúc buổi trò chuyện, Đức Thánh Cha hướng trực tiếp đến khán giả truyền hình và hỏi: Anh chị em nghĩ gì về Giáng sinh? Tôi phải đi mua cái này cái kia... Tốt thôi, nhưng Giáng sinh là gì? Giáng sinh có phải là một cây thông? Một tượng trẻ thơ, người mẹ và người cha? Đúng, đó là Chúa Giêsu, đó là sự ra đời của Chúa Giêsu, hãy dừng lại một chút và nghĩ về Giáng sinh như một thông điệp của hòa bình. Chúc anh chị em một Giáng sinh với Chúa Giêsu, một Giáng sinh đúng nghĩa. Nhưng như vậy có nghĩa là chúng ta không thể ăn mừng ư? Không, anh chị em hãy ăn mừng, nhưng hãy làm điều đó với Chúa Giêsu, nghĩa là, với bình an trong tâm hồn. Chúc anh chị em một Giáng sinh vui vẻ. Hãy ăn mừng, tặng quà, nhưng đừng quên Chúa Giêsu. Giáng sinh là Chúa Giêsu đến, Chúa Giêsu đến để chạm vào tâm hồn, Chúa Giêsu đến để chạm vào gia đình anh chị em”.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây