Đi từ chủ đề của bài giảng “Hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy” (Mt 26, 26), Đức Hồng y mời gọi những ai có sứ vụ thực hiện bài giảng trong Thánh lễ dành thời gian “đầu tư chuẩn bị bài giảng”. Bởi vì, “Những người trẻ phải hiểu rằng, Lời Chúa chạm đến những vấn đề thực tế của cuộc sống và đó là điều duy nhất đưa ra câu trả lời đối với những câu hỏi nghiêm túc về sự hiện hữu”.
Để thực hiện được điều này, Đức Hồng y đưa ra chỉ dẫn chuẩn bị bài giảng: “Trước hết ngồi vào bàn, và sau khi chuẩn bị chủ đề, cầu xin Chúa chúc lành. Nhưng để trở thành ngôn sứ cần phải thực hiện bước ngược lại: đầu tiên cần phải quỳ gối hỏi Chúa đâu là Lời mà Người muốn vang lên cho dân Người. Thiên Chúa đều có lời cho mỗi trường hợp, và Người không thể không mạc khải cho thừa tác viên của Người, nếu họ khiêm tốn cầu xin. Sau đó, bạn có thể đưa văn hoá của bạn phục vụ Lời Chúa”.
Tuy nhiên, theo Giảng thuyết viên của Phủ Giáo hoàng, nếu chỉ tập trung vào Lời Chúa thì chưa đủ. Cần có sức mạnh của Thánh Thần. Cả người nói và người nghe đều cần Chúa Thánh Thần xức dầu. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ cần được xức dầu trong khi được thụ phong linh mục hoặc tấn phong giám mục, và hiệu quả là cho phép linh mục hoặc giám mục thực hiện một số hoạt động hoặc cử hành các bí tích. Đức Hồng y giải thích: “Xức dầu Thánh Thần giống như một lọ dầu thơm được đậy kín. Dầu sẽ không toả hương thơm nếu lọ chứa dầu không được vỡ ra. Xức dầu không thụ thuộc vào chúng ta, nhưng chúng ta cần phải loại bỏ các chướng ngại ngăn cản hương thơm lan toả”.
Để lọ dầu vỡ ra thì cần phải vượt qua lý trí khô cằn, đặt mình quy phục trước Chúa. Do đó cần phải xin được xức dầu trước khi chuẩn bị bài giảng. Hơn nữa, việc xức dầu không chỉ cần cho các giảng thuyết viên linh mục hoặc các thừa tác viên khác, nhưng cho cả người nghe để đón nhận Lời Chúa. Chính Vị Thầy nội tâm mới thực sự là người hướng dẫn.
Đức Hồng y kết luận trích lời thánh Augustinô: “Khi thiếu xức dầu, lời nói bên ngoài chỉ là những lời ồn ào vô ích”.
Ngọc Yến - Vatican News