TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

400 năm thánh I-nhã được tuyên thánh

Thứ bảy - 12/03/2022 19:47 | Tác giả bài viết: |   1264
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha phân tích 4 hành động của Chúa Giêsu trong trình thuật Chúa biến hình (Lc 9,28-36)
400 năm thánh I-nhã được tuyên thánh

ĐTC tham dự và giảng lễ kỷ niệm 400 năm thánh I-nhã được tuyên thánh

Trong bài giảng Thánh lễ kỷ niệm 400 năm lần tuyên thánh tập thể đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, trong đó có thánh I-nhã, đấng sáng lập dòng Tên, Đức Thánh Cha phân tích 4 hành động của Chúa Giêsu trong trình thuật Chúa biến hình (Lc 9,28-36).

Ngày 12/3/1622, trong Thánh lễ được cử hành tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV đã tuyên thánh tập thể lần đầu tiên cho 5 chân phước. Đó là các thánh: Têrêsa Avila (1515-1582), đấng sáng lập dòng Cát Minh nhặt phép; Philípphê Nêri, đấng sáng lập dòng Ôratoa (Giảng thuyết) (1515-1595); thánh I-nhã (1491-1556), đấng sáng lập dòng Tên; thánh Phanxicô Xaviê (1506_1552), nhà truyền giáo và là một trong những bạn đồng hành đầu tiên của thánh I-nhã; và thánh Isiđôrô (1079-1172), giáo dân duy nhất trong số 5 vị được tuyên thánh, bổn mạng của Madrid.

Thánh lễ do cha Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền chủ sự vào lúc 5 giờ chiều thứ Bảy 12/3 tại nhà thờ Giêsu ở Roma. Trong số các vị đồng tế đặc biệt có các bề trên của các dòng liên quan và Đức Hồng y Carlos Osoro Sierra, tổng giám mục của Madrid. Hiện diện tham dự Thánh lễ có rất nhiều tu sĩ dòng Tên.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha phân tích 4 hành động của Chúa Giêsu trong trình thuật Chúa biến hình (Lc 9,28-36), để tìm ra những hướng dẫn hữu ích cho hành trình của các Kitô hữu.

Những tiếc nuối và hoài niệm làm tê liệt hành trình

Trước hết là Chúa Giêsu đem các tông đồ theo Chúa. Chúa Giêsu mang theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê (c.28). Chính Chúa mang chúng ta đến gần Người, vì Người yêu thương, tuyển chọn chúng ta. Đây là mầu nhiệm của ân sủng, của việc tuyển chọn. Trước khi trở thành quà tặng của cuộc sống, chúng ta là những người được nhận ân sủng cách nhưng không, không do công trạng của chúng ta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “hành trình của chúng ta cần bắt đầu mỗi ngày từ đây, từ ân sủng nguyên thuỷ... Chúa gọi đích danh chúng ta và đem chúng ta theo Người.” Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tu sĩ dòng Tên: “Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy cay đắng và thất vọng, khi chúng ta cảm thấy bị coi thường hoặc bị hiểu lầm, chúng ta đừng chìm trong những tiếc nuối và hoài niệm. Chúng là những cám dỗ làm tê liệt hành trình, những con đường chẳng dẫn đến đâu. Thay vào đó, chúng ta hãy nắm lấy cuộc sống của chúng ta, bắt đầu từ ân sủng. Và chúng ta đón nhận món quà được sống mỗi ngày như một con đường dẫn đến mục tiêu.”

Cảm nhận với Giáo hội, như men của tình huynh đệ

Chúa mang theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đức Thánh Cha nhắc rằng ơn gọi của chúng ta được đâm rễ trong sự hiệp thông. Do đó, “để bắt đầu lại mỗi ngày, ngoài mầu nhiệm chúng ta được tuyển chọn, cần phải làm sống lại ân sủng nhận được trong Giáo hội và cho Giáo hội.” Đức Thánh Cha mời gọi “đừng mệt mỏi xin ơn xây dựng và gìn giữ sự hiệp thông, là men của tình huynh đệ cho Giáo hội và cho thế giới... Chúng ta cảm nhận cùng với Giáo hội, chúng ta từ chối cám dỗ theo đuổi những thành công cá nhân và tạo ra những nhóm nhỏ. Chúng ta đừng để mình bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa giáo sĩ trị khiến mình cứng ngắc và bởi những hệ tư tưởng gây chia rẽ. Các vị Thánh mà chúng ta nhớ đến ngày nay là trụ cột của sự hiệp thông. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng trên Thiên đàng, bất chấp sự đa dạng về tính cách và quan điểm của chúng ta, chúng ta vẫn được kêu gọi ở bên nhau. Và nếu chúng ta sẽ mãi mãi hiệp nhất ở đó, tại sao không bắt đầu ngay bây giờ ở dưới đây?”

Rời bỏ mọi thói quen được bảo đảm

Hành động thứ hai của Chúa Giêsu là đi lên, Chúa Giêsu “lên núi” (c.28). Ánh sáng biến hình đến sau một hành trình cam go. Do đó, “để theo Chúa Giêsu, cần phải rời xa những đồng bằng tầm thường và những sườn dốc của sự thoải mái; người ta phải bỏ thói quen được bảo đảm của mình để thực hiện một cuộc xuất hành.” Bởi vì, “cám dỗ của thế gian là tìm kiếm vinh quang mà không cần đi qua thập giá. Chúng ta muốn biết những con đường thẳng và bằng phẳng, nhưng để tìm thấy ánh sáng của Chúa Giêsu, chúng ta phải liên tục đi ra khỏi chính mình và bước lên, đi theo Người.”

Chia sẻ sự vất vả của con người trong việc tìm kiếm Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nói rằng các tu sĩ dòng Tên được mời gọi đi ra để đi đến đỉnh núi, là giới hạn, ranh giới giữa trời và đất, nơi con người vất vả “gặp” Thiên Chúa; được mời gọi chia sẻ cuộc tìm kiếm khó khăn và nghi ngờ về tôn giáo của họ. “Trong khi kẻ thù của bản chất con người muốn thuyết phục chúng ta luôn luôn quay lại những bước cũ, những bước lặp đi lặp lại vô ích, của sự thoải mái, của những gì đã thấy, thì Thánh Thần đề nghị mở ra, mang lại bình an nhưng không bao giờ ở lại trong sự bình an, để đưa các môn đệ đến tận cùng các biên cương. Hãy nghĩ về thánh Phanxicô Xaviê.”

Bị bất an bởi tiếng kêu đau khổ của thế giới

Hành động thứ ba của Chúa Giêsu là cầu nguyện. Đức Thánh Cha khẳng định: “Cầu nguyện biến đổi thực tại. Nó là một sứ vụ linh hoạt, một sự khẩn cầu không ngừng. Không phải là tách biệt thế gian, nhưng là biến đổi thế giới”. Nếu việc cầu nguyện sống động, “đánh động từ bên trong”, thì nó thắp lại ngọn lửa sứ mạng, nhen nhóm niềm vui, không ngừng khiến chúng ta bị đánh động bởi tiếng kêu đau khổ của thế giới. Do đó Đức Thánh Cha mời gọi tự hỏi xem “chúng ta có đang mang cuộc chiến đang diễn ra vào trong lời cầu nguyện. Và chúng ta hãy nghĩ đến lời cầu nguyện của Thánh Philipphê Nêri, điều đã mở rộng tấm lòng ngài và khiến ngài mở rộng cửa cho trẻ em đường phố. Hãy nghĩ đến thánh Isidoro, người đã cầu nguyện trên cánh đồng và đưa công việc nông nghiệp vào cầu nguyện.”

Tập trung vào điều thiết yếu

Cuối cùng, chỉ còn mình Chúa Giêsu (c.36), Đức Thánh Cha lưu ý rằng chúng ta thường bị cám dỗ đưa những điều thứ yếu thành ưu tiên. Chúng ta có nguy cơ chú trọng đến việc sử dụng, thói quen và truyền thống, chú trọng đến những thứ sẽ qua đi mà lãng quên điều sẽ tồn tại. Cần biết phân định những gì thuộc về Thiên Chúa và sẽ tồn tại, với những gì thuộc về thế gian và sẽ qua đi.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha xin cha thánh I-nhã giúp các tu sĩ dòng Tên gìn giữ sự phân định, gia sản quý giá, kho tàng luôn hiện thực được ban cho Giáo hội và thế giới. Đây là điều cốt yếu, bởi vì như thánh Phêrô Favre viết: “tất cả điều tốt đẹp mà người ta có thể thực hiện, suy nghĩ hay tổ chức, đều được làm với thần lành chứ không phải với thần dữ.” (Memorial Paris 1959, số 51).

Chúc mừng Đức Thánh Cha nhân 9 năm Giáo hoàng

Cuối Thánh lễ, Bề trên Tổng quyền dòng Tên đã thay mặt gia đình dòng Tên cảm ơn Đức Thánh Cha hiện diện trong Thánh lễ và cầu chúc ngài nhiều ơn Chúa để thi hành sứ vụ thánh Phêrô.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây