Suy tư đầu tiên được Đức Thánh Cha chia sẻ liên quan đến tiến trình hiệp hành đang diễn ra trong Giáo hội. Hiệp hành trên hết có nghĩa là bước đi cùng nhau. Những người tham gia vào tiến trình xét xử, dù có những vai trò và lợi ích khác nhau, đều được kêu gọi đóng góp vào việc xác minh sự thật thông qua đối chiếu, so sánh lập luận và xem xét cẩn thận chứng cứ.
Lắng nghe, kiên nhẫn
Tiến trình này đòi sự lắng nghe nhau. Đức Thánh Cha nói: “Trong hoạt động xét xử, các thẩm phán được yêu cầu liên tục lắng nghe những gì các bên tranh luận và chứng minh, không có định kiến hoặc đoán trước về những điều này. Với tinh thần sẵn sàng lắng nghe, điều đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, mỗi thành viên trong hội đồng giám khảo phải cởi mở với những lý do mà các thành viên khác trình bày để đi đến một nhận định về những gì đã được suy tư và chia sẻ.”
Sự hoán cải và sự tha thứ; công lý và lòng thương xót
Đức Thánh Cha lưu ý rằng mục đích của phiên toà là đưa ra được bản án công bằng và thực hiện công lý đối với những người liên quan và phục hồi sự hài hoà xã hội. Do đó, “đòi hỏi của công lý bao hàm sự đánh giá so sánh giữa các quan điểm và lợi ích đối lập và đòi hỏi sự sửa chữa.” Đặc biệt, Đức Thánh Cha lưu ý, “trong các phiên tòa hình sự, công lý luôn phải được kết hợp với các trường hợp của lòng thương xót, điều nhắm mời gọi sự hoán cải và sự tha thứ. Giữa hai cực này cần có sự bổ sung cho nhau và cần phải tìm kiếm một sự cân bằng, với nhận thức rằng, nếu đúng rằng nhân từ mà không có công lý sẽ dẫn đến sự tan rã của trật tự xã hội, thì cũng đúng khi “lòng thương xót là sự viên mãn của công lý và là sự thể hiện sáng chói nhất của chân lý của Thiên Chúa.”
Những đổi mới về luật và việc cải cách
Trong bài diễn văn Đức Thánh Cha cũng đề cập đến quy chế chọn các thẩm phán để bảo đảm họ có kiến thức tốt nhất về một hệ thống các nguồn đặc biệt và phức tạp như Vatican và khả năng đưa ra các quyết định có thẩm quyền và đáng tin cậy. Đức Thánh Cha báo rằng công việc của họ sẽ tăng lên trong một giai đoạn cải cách, chẳng hạn như công việc đã được tiến hành một thời gian, cũng đã tiếp tục trong năm ngoái, với một số đổi mới có liên quan cả trong lĩnh vực kinh tế và tài chính và trong lĩnh vực tư pháp.
Về vấn đề kinh tế, các điều khoản được đưa ra nhằm hỗ trợ quá trình kiềm chế chi tiêu và để tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong quản lý tài chính công. Đối với lĩnh vực tư pháp, các biện pháp sửa đổi và bổ sung nhắm đáp ứng một số yêu cầu cập nhật khung pháp lý, những điều đòi hỏi phải khắc phục các cấu trúc hiện nay còn thiếu sót.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự sửa đổi trong hệ thống tư pháp khi thiết lập văn phòng Chưởng tín và cách thức cơ quan này thực hiện vai trò của mình trong ba cấp độ xét xử nhằm thể hiện sự bình đẳng của tất cả các thành viên của Giáo hội cũng như phẩm giá và địa vị bình đẳng của họ. Ngài cũng lưu ý rằng cần phải làm việc nhiều hơn nữa trong việc cập nhật luật pháp của Vatican, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự và hợp tác quốc tế, có thể được giải quyết trong các cải cách có mục tiêu hiện đang được nghiên cứu.
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng luật pháp và các phán quyết phải luôn luôn phục vụ cho sự thật và công lý, cũng như cho đức bác ái của Phúc Âm. (CSR_987_2022).
Hồng Thủy - Vatican News