Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 28/07/2021 20:34 |
Tác giả bài viết: Sr. Nguyễn Thắm O.P. |
1023
Một chút tâm tình của một nữ tu Đaminh trong những ngày Sài Gòn đau bệnh…
Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây
Sài Gòn có thể đang mệt mỏi rã rời. Sài Gòn có thể đang hụt hơi. Sài Gòn đang đầy những sợi dây giăng mắc khắp mọi nơi.... Sài Gòn đang tràn ngập những hình ảnh đau thương, nhưng Sài Gòn cũng đang không thiếu bao điều yêu thương. Một chút tâm tình của một nữ tu Đaminh trong những ngày Sài Gòn đau bệnh…
"Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi;
Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người.
Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời;
Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi.
Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường,
Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường,
Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương;
Quạnh vắng khi nhìn lá rơi đầy vấn vương.
Những dây giăng mắc khắp mọi nơi,
Như đang buộc trói tâm hồn tôi”… (Sài Gòn tôi sẽ - thầy Giáo Thái Dương).
Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây
Sài Gòn căng thẳng, Sài Gòn thương đau, Sài Gòn lo âu, Sài Gòn mệt mỏi… Những tâm tình này không chỉ thầy giáo Thái Dương, mà dường như ai cũng có thể cảm nhận được; nhưng khi những tiếng lòng ấy cất lên thành những vần thơ, điệu nhạc, ta lại càng cảm thấu hơn những mệt nhọc, kiệt quệ của Sài Gòn, một thành phố đang co mình trong những cơn đau kéo dài suốt gần 2 năm qua.
"Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?
Nước mắt, mồ hôi, nối giọt thành dòng.
Sông Sài Gòn bỗng dưng cuộn sóng
Nếu mệt rồi, ngủ chút nhé, Sài Gòn ơi..." (Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không– Cô giáo Ngọc Uyển (Đà Nẵng).
Đã 4 lần giãn cách, mỗi lần để lại một khúc đoạn của thời “không muốn nhớ nhưng lại không thể quên.” Hôm nay, Sài Gòn lại phải oằn mình chống chọi với cơn đại dịch Covid. Lại có những nỗi niềm sẽ vương vấn mãi, lại có những đau thương sẽ gợi nhớ hoài. Nhưng lại có những nét đẹp tồn tại mãi với thời gian.
Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây
Và trong những khoảng lặng tím sầu ấy, ta lại thấy Sài Gòn mang một nét đẹp rất khác trong mùa giãn cách, khi người người vẫn hăm hở sống, kết nối và trao ban tình yêu thương cho nhau cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Thật không sai khi ai đó nói rằng: “Thành phố giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây.” Bao nhiêu ngày giãn cách, là bấy nhiêu thời gian chúng ta chứng kiến nghĩa tình được vun đắp. Bởi nếu không, đâu ra nữ bác sĩ vắt sữa của mình hằng ngày nuôi bé gái 5 tháng tuổi mắc Covid-19 đang phải cách ly trong bệnh viện; đâu ra những quán cơm trưa và siêu thị 0 đồng, cây ATM gạo... xuất hiện khắp nơi, góp phần hỗ trợ người lao động nghèo bị mất thu nhập; đâu ra những chuyến xe chở hàng ngàn nhân viên y tế khắp cả nước tiến về Sài Gòn để cùng tham gia dập dịch; đâu ra những Linh mục, Tu sĩ và những người trẻ từ khắp các Giáo phận, các Dòng tu đang ngày đêm gom góp yêu thương qua những cọng rau, cái trứng, gói mì… gửi về Sài Gòn, cùng với lời nguyện cầu cho thành phố nghĩa tình sớm khỏe lại.
Sài Gòn lặng thật, đó là cái “lặng và đau” của những ngày “trọng bệnh.” Nhìn những con đường im lìm ẩn khuất dưới nắng hè oi ả, những hàng quán, chợ búa tịnh không bóng nguời, mà lòng dâng lên niềm thương xót vô cùng.
“Chiều Sài Gòn đôi mắt vẫn âu lo
Màu hoàng hôn giấu trong ngày hối hả
Khe khẽ thôi chân mẹ đã mỏi rồi...” (Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không– Cô giáo Ngọc Uyển (Đà Nẵng)
Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây
Một thành phố tự lực tự cường, mạnh mẽ là thế cũng có những cơn trở mình tê buốt. Sài Gòn giờ đây cũng giống như một con người, dù mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc yếu mềm, tổn thương nếu không nhận được những lời động viên, nâng đỡ. Và trong hoàn cảnh này, Sài Gòn sẽ cần hơn những lời cầu nguyện, hành động yêu thương sẻ chia, và chắc chắn đây sẽ là những liều “vắc-xin” tiếp thêm nguồn sinh khí mới để có thể vươn mình đứng dậy.
Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua khi tình người vẫn còn đó. Sau cơn trọng bệnh, Sài Gòn sẽ khỏe lại và trở về với sự hưng thịnh như vốn có. Việc của chúng ta bây giờ là hãy hướng về Sài Gòn với những lời cầu nguyện liên lỉ. Việc của chúng ta bây giờ là mỗi người đong cho nhau một chút tấm lòng. Việc của chúng ta bây giờ là hãy trở thành một tế bào khỏe mạnh; mạnh trong yêu thương, mạnh trong tình liên đới, mạnh trong tinh thần… để dìu nhau vượt qua giông bão, như thế chúng ta sẽ bình an và Sài Gòn sẽ tự tin chiến thắng cuộc chiến đấu này. Và sau tất cả,
“Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời,
Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui.
Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận.
Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng”. (Sài Gòn tôi sẽ - thầy Giáo Thái Dương).