TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN -2015

Thứ năm - 06/05/2021 04:32 |   838
THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN -2015

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT (1)

Từ ngày 12/01/2015 đến 16/01/2015, tại Tòa Giám Mục Giáo phận Banmêthuột, đã tổ chức khóa thường huấn cho các linh mục trong giáo phận học hỏi về “Đời sống giáo xứ và cộng đoàn”, dựa theo Thư  chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 01/11/2014. Trong khóa học này, quý cha giảng huấn sẽ giúp các linh mục trong giáo phận có những kiến thức thực tế hơn về công tác mục vụ, để các ngài có điều kiện giúp cho các thành phần dân Chúa thực hiện việc Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến tại các giáo xứ nơi mình phụ trách.

Khóa thường huấn này do quý cha dòng Tên và cha Tổng đại diện giáo phận Hải Phòng phụ trách. Sau đây là tóm lược nội dung các tiết học:
Tìm hiểu việc tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến
qua cấu trúc thư chung của HĐGMVN

Năm 2014, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã có thư chung kêu gọi tân Phúc-âm-hóa các gia đình. Năm 2015, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiếp tục ra thư chung mời gọi mọi người hướng tới một gia đình rộng lớn hơn đó là Giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến.
Trong lá thư mục vụ năm 2015: ngoài phần dẫn nhập và kết luận (số 1 và số 8), thư mục vụ có:
- 04 số nói về giáo xứ (từ số 2 đến số 5)
- 01số nói về đời sống người linh mục trong việc tân Phúc-âm-hóa (số 6)
- 01 số nói về đời sống của các cộng đoàn sống đời thánh hiến (số 7)
Cộng đoàn giáo xứ là cộng đoàn mô phỏng lại cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên. Một cộng đoàn siêng năng cầu nguyện, hiệp thông với nhau, chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy và tham dự lễ bẻ bánh. Đây chính là mô hình lý tưởng giúp chúng ta xây dựng chương trình tân Phúc-âm-hóa năm 2015.
Tân Phúc-âm-hóa là gì?
Đây là một thuật ngữ chúng ta được nghe nói nhiều trong những năm gần đây, nhưng từ ngữ này có từ bao giờ và được sử dụng như thế nào?
Người đưa ra thuật ngữ này chính là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Theo ngài, ta cần phải hiểu: Tân Phúc-âm-hóa không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ, hay không đạt được mục đích như thể một hoạt động mới phát xuất từ sự thất bại của cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất. Tân Phúc-âm-hóa cũng không phải là tiếp tục cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất hay đơn giản là lập lại quá khứ. Tân Phúc-âm-hóa là một sự dũng cảm mở ra những con đường mới, để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện xã hội đang thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay.
Thời đại ngày hôm nay không chỉ còn là thời đại của “@” nhưng còn là thời đại của “chạm” và “lướt”. Ngày nay nếu không đồng hành với giới trẻ, không chơi với giới trẻ, thì khi tiếp xúc với các em, chúng ta không hiểu được ngôn ngữ của các em.
Chính vì thế, Tân Phúc-âm-hóa là thuật ngữ chỉ những nỗ lực canh tân của Hội Thánh để đáp ứng những thách đố mà xã hội và nền văn hóa hôm nay, với những thay đổi nhanh chóng, đang đặt ra cho đức tin Kitô giáo, cho việc loan báo và làm chứng cho đức tin ấy. (x. Lineamenta số 5)
Trong việc dạy giáo lý trước đây, chúng ta mới chỉ giúp các em những kiến thức về đời sống đức tin qua các lớp giáo lý cơ bản theo kiểu thuộc lòng, đoàn lũ. Bên cạnh đó, sau khi các em được chịu Bí tích Thêm sức, các bậc cha mẹ xem như đã đủ kiến thức để có thể sống đạo, không cần phải học hỏi thêm nữa. Điều này đặt ra câu hỏi: khi các em bước vào đời, các em sẽ sống thế nào? phải thích nghi như thế nào? khi đời sống đức tin của các em không đưa đến một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô và không trở nên cuộc sống đức tin cá vị của mỗi em.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Sắc Lệnh AD GENTES của Công Đồng Vaticanô II ra đời, Hội Thánh Việt Nam mời gọi cộng đồng Dân Chúa canh tân đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến bằng cách làm cho các cộng đoàn này thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. (x. Thư Mục Vụ, số 1)

Bốn yếu tố của cộng đoàn Giáo xứ theo mô hình
của Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi
Mô hình cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được để cập rõ ràng trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,42):
- Chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,
- Luôn luôn hiệp thông với nhau,
-  Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh,
-  Cầu nguyện không ngừng.
a. Yếu tố thứ nhất: Chuyên cần nghe giảng dạy.
Các Tông đồ đã hăng say giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế cuộc sống. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến tác vụ của người linh mục. Nhiệm vụ của người linh mục trước tiên là giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn. Để làm tốt nhiệm vụ này, người linh mục cần:
- Lắng nghe Chúa trong cầu nguyện: chỉ trong thinh lặng và cầu nguyện, người linh mục mới nghe được tiếng Chúa nói với mình điều gì, muốn mình làm những gì.  Khi cầu nguyện trở nên khó khăn, thì chúng ta cần phải giúp mình cầu nguyện. Phương thế đầu tiên mà chúng ta phải sử dụng là sự thinh lặng, bởi vì những tâm hồn cầu nguyện là những tâm hồn sống trong thinh lặng sâu xa. Chúng ta không thể nào đặt mình trong sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa, nếu chúng ta không có thói quen giữ thinh lặng trong tâm hồn và bên ngoài quanh chúng ta. Ngày nay, người linh mục đã để quá nhiều điều bên ngoài chi phối tâm hồn và thể xác của mình, không còn thời gian và không gian dành cho Chúa, đến nỗi nhiều người được mệnh danh là “linh mục phi trường”, “linh mục 27”, linh mục với nụ cười của tiếp viên hàng không.
- Chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng: nếu người giáo dân không hài lòng về bài giảng của linh mục, thì đó không phải là họ không muốn nghe giảng trong Thánh lễ, mà vì họ cảm thấy việc giảng ấy không đem lại hứng thú và lợi ích gì. Nhìn chung giáo dân rất trân trọng những gì linh mục nói, nhất là lúc các ngài bước lên tòa giảng. Với lòng tin, giáo dân theo dõi, lắng nghe vị linh mục giảng như là đang nghe Chúa nói vậy. Lời nói, dung mạo, cử chỉ, cung cách của ngài sẽ có sức hút đặc biệt nếu ngài đam mê rao giảng Lời Chúa và coi đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nghiêm túc.
- Nội tâm hóa Lời Chúa: Lời Chúa không chỉ nói cho người khác, nhưng Lời Chúa trước tiên nói cho người mục tử, để làm sao Lời Chúa chất vấn tâm tư, tình cảm củ chính người mục tử, để người mục tử là người đầu tiên sống Lời Chúa, sau đó  Lời Chúa mới được người mục tử loan báo cho anh chị em giáo dân. 
- Lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Lắng nghe tâm tư của người giáo dân là lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Những gì mình giảng là những gì mình sống. Lời giảng của linh mục phải là lời giảng phát xuất từ trái tim của mình. Nếu trái tim của người mục tử rung lên trước những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm rung lên nơi trái tim người nghe. Cần phải nối kết những gì mình nói với sự hướng dãn của Chúa Thánh Thần. Cần phải nghiệm ra rằng tiếng mình nói không phải là mình nói, nhưng là Chúa Thánh Thần nói, để qua đó Chúa Thánh Thần tác động đến người nghe.
Ngày nay, khi chu toàn việc giảng dạy và hướng dẫn áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống là người linh mục đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Liên quan đến vấn đề này, người linh mục cần quan tâm giảng dạy giáo lý cho mọi tín hữu, đặc biệt cho thiếu nhi và giới trẻ. Linh mục cần nâng cao trình độ hiểu biết cho giáo lý viên giáo dân, để họ cộng tác với mình trong việc thi hành sứ vụ cách mới mẻ, với sự nhiệt tình, năng lực và phương pháp mới (x Thư Mục Vụ, số 3)
b. Yếu tố thứ hai: Kiến tạo cộng đoàn hiệp thông
Việc kiến tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn xuất phát từ sự hiệp thông của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sự hiệp thông trong cộng đoàn giáo xứ là sự hiệp thông giữa linh mục với giáo dân, hiệp thông giữa giáo dân với nhau được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ, để xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Cần tránh mọi hình thức phân biệt đối xử.
Các thành viên trong Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của cáclinh mục trong việc điều hành giáo xứ. Chính vì thế, các linh mục quản xứ cần giúp các thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ biết nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cộng tác với linh mục trong tinh thần phục vụ.
Cộng đoàn Ba Ngôi là một cộng đoàn mở, cho nên cũng cộng đoàn hiệp thông nơi giáo xứ cũng phải là một cộng đoàn mở. Tình hiệp thông cần mở rộng vượt khỏi ranh giới của giáo xứ để cộng tác với mọi người thiện chí, chăm lo những công ích chung của cuộc sống xã hội.
Việc mở rộng tình hiệp thông ra khỏi ranh giới giáo xứ cũng cho thấy người linh mục và cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. Họ là những người cần quan tâm đặc biệt trong việc chăm sóc mục vụ. Nhiều giáo xứ tại nông thôn không đủ nhân lực cho sinh hoạt cộng đoàn, nhưng ngược lại, nhiều giáo xứ tị thành thị lại quá tải trong công tác mục vụ, phần lớn là việc mục vụ cho các anh chị em di dân. Nếu cứ căn cứ vào luật, thì họ sẽ dễ dàng bị loại ra khỏi cộng đoàn. Vì thế, Cần mở rộng vòng tay đón tiếp họ. Tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt trong giáo xứ. Giúp họ không rơi vào tâm trạng lạc lõng trong đời sống đức tin. Nhờ được nâng đỡ, họ có thể trở nên các nhân tố tích cực trong việc Phúc Âm hóa. (x.Thư Mục Vụ, số 4)

Câu hỏi gợi ý thảo luận
1. Mối tương quan giữa Cha và HĐMVGX có gặp khó khăn không? Nếu có, vì sao? Cha có cách giải quyết thế nào để việc cộng tác và chia sẻ trách nhiệm mục vụ của HĐMVGX đem lại kết quả tốt đẹp hơn cho mọi người?
2. Giáo xứ của Cha có anh chị em di dân không? Nếu có, Cha có đề ra chương trình m,ục vụ cụ thể nào để nâng đỡ và giúp họ tha, gia các sinh họat giáo xứ không?
3. Theo nhận xét của Cha về hiện trạng giáo xứ của mình, đâu là yếu tố đầu tiên trong 4 yếu tố căn bản của cộng đoàn giáo xứ cần phải được canh tân trước hết? Tại sao? Và nên làm bằng cách nào?
Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn OP. ghi

(phần tiếp theo)
c. Yếu tố thứ ba và thứ tư: Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng
Để trở thành một “cộng đoàn siêng năng tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ”, trong vai trò là linh mục, chúng ta cần lưu ý hai điều:

- Giúp giáo dân tham dự Thánh lễ cách ý thức và sống động hơn.

- Giúp họ không những chu toàn lề luật mà còn giúp họ gặp gỡ Chúa và sống với Chúa sâu xa hơn. Đồng thời, biết cách đem Tin Mừng vào môi trường sống hàng ngày. (x.Thư Mục Vụ, số 2)

Có lẽ đối với các thế hệ trước đây, ông bà cha mẹ chúng ta, đã quen với nếp sống đạo là đọc kinh, đi lễ, và họ đã giữ truyền thống đó rất tốt. Thế nhưng, đối với các bạn trẻ ngày nay, truyền thống tốt đẹp đó đang bị phá vỡ rất nhiều, nếu họ không có xác tín về đức tin cá vị và cuộc gặp gỡ riêng tư với chính Đức Giêsu Kitô bằng đời sống cầu nguyện cá nhân, và cách đặc biệt là giúp họ tiếp xúc với Lời Chúa. Thực tế, các bạn trẻ ngày nay, khi đối diện với những khó khăn trong đời sống, thì đức tin của họ rất dễ bị khủng hoảng. Nhiều bạn trẻ có sự chênh lệch về sự hiểu biết giữa một bên là những kiến thức chuyên môn, kiến thức khoa học thì rất cao, một bên là kiến thức về đạo, về giáo lý, về Tin Mừng thì lại rất thấp. 

Chính hai yếu tố này không cân xứng với nhau, nên đời sống đức tin của các bạn không phát triển được; và nó không hài hòa được, nhất là khi các bạn học cao hơn thì rất nhiều vấn nạn được đặt ra cho đức tin mà với vốn giáo lý chỉ để chịu phép thêm sức thôi thì không đủ. Chính vì thế, càng lớn lên, giới trẻ càng phải khám phá ra một đức tin sâu xa hơn bằng đời sống cầu nguyện, đời sống tiếp xúc gặp gỡ trực tiếp với Chúa. Công việc này chúng ta không thể làm đại trà được, mà chỉ có thể bắt đầu thực hiện từ những nhóm nhỏ, để ngang qua đó có thể đào tạo được những tác nhân Tin Mừng.

Sức hấp dẫn và thu hút người khác đến với Chúa của cộng đoàn giáo xứ không phải ở việc nhà thờ xây hoành tráng đến đâu, đẹp đẽ thế nào mà chỉ có thể có được khi cộng đoàn giáo xứ là một cộng đoàn thờ phượng, yêu thương, hiệp nhất, làm bừng sáng vẻ đẹp Phúc Âm và lan tỏa niềm vui Tin Mừng. (x.Thư Mục Vụ, số 5).

Việc Phúc-âm-hóa cộng đoàn giáo xứ phải bắt đầu từ chính anh em linh mục.

Đây là điều nhắn nhủ đặc biệt đối với anh em linh mục. Việc phúc âm hóa được thực hiện bằng cách:
- Phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục.
- Cùng với hàng giám mục, các linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới.” (ĐTC Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, số 31)

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói về trách nhiệm của hàng giám mục, nhưng trong lá thư mục vụ, HĐGMVN cũng mời gọi và nhắn nhủ anh em linh mục sống và chia sẻ trách nhiệm cùng với hàng giám mục:
Trách nhiệm thứ nhất là làm thế nào để có thể nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình. Bởi lẽ trong nhiều giáo xứ, các linh mục ít khi nhấn mạnh đến khía cạnh truyền giáo, mà chỉ lo chăm sóc cho đoàn chiên được trao phó cho mình thôi, nghĩa là cộng đoàn của chúng ta không có mở rộng ra bên ngoài, ra khỏi biên cương của giáo xứ. Có rất nhiều anh chị em bênh cạnh và xung quanh chúng ta, những con người mà ta gặp gỡ hàng ngày, những người chẳng hề biết Chúa, thế nhưng tự sâu thẳm lòng họ vẫn có một khao khát và họ đang đi tìm kiếm ở chỗ nào đó chân lý của Tin Mừng, trong khi chúng ta là những người được Chúa trao cho sứ mạng đem chân lý Tin Mừng đó đến cho họ. Nếu chúng ta không để ý đến điều này để mở ra và vượt qua biên cương của giáo xứ, thì đây là một thiếu xót rất lớn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chính vì vậy, người linh mục phải làm cho cộng đoàn giáo xứ không phải sống cho mình mà phải trở thành một giáo xứ sống cho người khác.

Cũng giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Giáo xứ của chúng ta là một giáo xứ được quy tụ, nhưng quy tụ là để được sai đi. Người linh mục phải làm cho anh chị em tín hữu ý thức điều này, không phải chỉ đến nhà thờ để lo chu toàn bổn phận tham dự thánh lễ và đón nhận các bí tích là đủ, mà còn có bổn phẩn trở nên ánh sáng, trở nên muốn men cho thế giới này.

Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến 3 vị trí của người linh mục trong sự hiệp thông truyền giáo cho cộng đoàn, để nói lên ba tính cách của người mục tử:
- Đi trước: như là người dẫn đường, trong vai trò là người thầy, người hướng dẫn, người lãnh đạo, có trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên đi theo con đường của chính Chúa Kitô. Người giáo dân bị đánh động không phải chỉ qua bài giảng mà là qua gương sống, thái độ yêu thương của người mục tử
- Đi giữa: không phải để được đoàn chiên bảo vệ, nhưng là để cùng đồng hành, trở nên bạn của những người bạn, để lắng nghe, để chia sẻ những đau khổ, những vui mừng, những thất vọng và những hy vọng.
- Đi sau: ngoài những anh chị em rất tích cực trong những công việc của giáo xứ, thì cũng có những anh chị em ít có mặt trong những sinh hoạt của giáo xứ, các anh chị em đó là những anh chị em có vấn đề. Họ không dám đến với các linh mục, vì họ sợ. Đây chính là những con chiên bị bỏ rơi lại đàng sau, họ cần sự quan tâm đặc biệt của người mục tử. Cho nên, thay vì đợi họ đến với mình, người linh mục hãy đến với họ trước, để nâng đỡ, ủi an, khích lệ, nhất là để vực họ lên. 

Một điều quan trong mà các linh mục cần lưu tâm là phải lưu ý đó là phải để cho người giáo dân tự mở ra hướng đi, tức là khuyến khích vai trò của người giáo dân trong đời sống đức tin và khả năng truyền giáo. Đây chính là lời mời gọi và sự trân trọng của người linh mục đối với anh chị em giáo dân, để cho họ có một vai trò năng động sáng tạo trong giáo xứ. Khi đã trao cho người giáo dân một trách nhiệm nào đó, hãy cố gắng để cho họ có sáng kiến, nhiều khi những sáng kiến đó là những sáng kiến khởi đi từ chính cuộc sống của họ. Nếu người linh mục không biết lắng nghe và trở nên những người bạn của những anh chị em này, thì họ sẽ rất khó để thổ lộ và tỏ bày với chúng ta. Đây là một chiều kích rất năng động và sáng tạo của cộng đoàn giáo xứ. Chính vì thế, các vị linh mục quản xứ cần khơi dậy những khả năng của người giáo dân và để cho họ có một khoảng tự do lớn hơn, để người giáo dân có khả năng đóng góp nhiều hơn vào trong đời sống của giáo xứ. Đây chính là điều mà Công Đồng Vaticanô II đề cập đến khi nói về vai trò của người giáo dân trong giáo hội. Bởi vậy, tùy theo cách thức và hoàn cảnh, người linh mục hãy mở lối và gợi ý để anh chị em giáo dân cố gắng đáp lời.

Đối với các anh chị em sống đời thánh hiến.
Năm 2015, năm đời sống thánh hiến là cơ hội thuận lợi để anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính của mình, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô.” (Niềm Vui Tin Mừng, số 264) Chính trải nghiệm này thúc giục anh chị em sống đời thánh hiến ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-âm-hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa phương, để mang lại hoa trái dồi dào cho cánh đồng truyền giáo còn mênh mông trên quê hương Việt Nam thân yêu. (x.Thư Mục Vụ, số 7)

Đây là một cơ hội thuận lợi cho tất cả những anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính của mình. Trong thời đại ngày nay, rất nhiều tu sĩ bị khủng hoảng về căn tính đời tu cua mình. Nhiều lúc họ không biết mình là ai? Họ sống ba lời khuyên Phúc Âm để làm gì trong khi họ cảm thấy tù túng, gò bó,… và nhiều khi họ không còn phân biệt được những khác biệt của bản thân với những người khác.

Mặc dù trong lá thư mục vụ đề cập rất ít đến đối tượng là những anh chị em sống đời thánh hiến, nhưng lại nói đến một điểm rất sâu xa, chạm đến con tim của những người sống đời thánh hiến. Nếu con tim của họ không có được sức sống được kín múc từ tình yêu của Chúa Kitô thì họ sẽ dễ dàng đánh mất căn tính của họ. Khi tất cả những gì họ làm là vì công việc, họ sẽ không còn thời gian để dành cho Chúa, thì ý nghĩa của đời sống tu trì sẽ bị đánh mất.

Những trải nghiệm về việc gặp gỡ Đức Kitô sẽ là động lực thúc đẩy anh chị em sống đời thánh hiến yêu mến Đức Kitô nhiều hơn, từ đó thực thi lời mời gọi của Đức Kitô hãy chia sẻ tình yêu ấy cho người khác. Nghĩa là chính tình yêu ấy thúc giục họ lên đường dấn thân bằng chính ngọn lửa của Chúa Giêsu, ngọn lửa mà Chúa Giêsu ước ao được ném vào thế gian và hằng ước mong ngọn lửa ấy được bùng lên, đấy là ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của thánh thần đốt cháy tâm hồn của những người sống thuộc về Đức Kitô và sống trọn vẹn cho Đức Kitô. Và họ cũng chỉ sống trọn vẹn sứ mạng ấy khi được tình yêu thúc đẩy như lời thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô đã thúc bách tôi”.

Câu hỏi thảo luận
4. Giáo xứ của Cha hiện nay có sứ hấp dẫn và thu hút người khác đến với Chúa không? Nếu có, vì yếu tố nào? Nếu không, vì yếu tố nào? Làm thế nào để đổi mới các hoạt động của trong giáo xứ để làm bừng sáng vẻ đẹp Phúc Âm và lan tỏa niềm vui Tin Mừng để giáo xứ trở thành một nơi “đất lành chim đậu”?
5. Đâu là điểm quan trọng nhất Cha thấy cần canh tân chính bản thân mình để việc thi hành tác vụ linh mục đạt hiệu của thiêng liêng dồi dào hơn nơi đoàn chiên mà Cha được tráo phó để phục vụ?
6. Giáo xứ của Cha có một cộng đoàn sống đời thánh hiến nào không? Nếu có, sự hiện diện và phục vụ của cộng đoàn này đã góp phần thế nào trong công việc mục vụ và truyền giáo của giáo xứ? Nếu không, Cha có ước muốn có một cộng đoàn sống đời thánh hiến cùng cộng tác trong cộng việc mục vụ và truyền giáo không? Vì sao?

Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn. OP ghi
 

(phần tiếp theo)

MỘT VÀI GỢI Ý VỀ TÂN PHÚC ÂM HÓA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ
CỦA ĐỨC HÔNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN

Thư chung của HĐGMVN công bố vào cuối tháng 10.2014 kêu gọi các thành phần dân Chúa nỗ lực thực hiện việc Tân Phúc-âm-hoá đời sống của cộng đoàn tín hữu trong giáo xứ. Theo lời kêu gọi trên, linh mục phụ trách giáo xứ là những người trước tiên lãnh trách nhiệm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ của mình.

1. BỔN PHẬN TU THÂN
Bổn phận tu thân không chỉ áp dụng cho các tín hữu, nhưng trước hết là áp dụng cho các linh mục. Để có thể chu toàn trách nhiệm Phúc-âm-hóa đời sống của cộng đoàn giáo xứ, phải khởi đi từ chính bản thân mình. Ở đây có ba cách:

a. Phúc Âm hoá đời sống và bổn phận tu thân của người tín hữu
Bổn phận của người tín hữu, trong đó có các linh mục khởi đi từ việc tu thân trước, tức là chính mình tự huấn luyện bản thân mình trước, để về nhân bản là trở thành một con người thực sự, về phương diện đức tin là trở nên một kitô hữu, và về mặt sứ vụ là trở một linh mục thuộc về Giáo hội. Việc xây dựng, huấn luyện đời sống của bản thân phải dựa trên một nền giáo dục toàn diện, gồm bốn phương diện, mang bốn chữ H như sau:

- Head: tức là mở rộng kiến thức, nâng cao óc phán đoán và sáng tạo
- Health: tức là phát triển sức khoẻ thể xác và tâm thần
- Hands:  tức là thủ đắc kỹ năng văn hoá, lịch sử, kinh tế, chính trị
- Heart: tức là rèn luyện nhân cách để có con tim mở rộng

Một người khi phát triển tất cả những khía cạnh này sẽ trở nên một con người thành toàn.
Bên cạnh việc huấn luyện đời sống bản thân dựa vào việc giáo dục toàn diện, cũng cần chiêm ngắm mầu nhiệm mân côi (20 Mầu Nhiệm Mân Côi) diễn tả toàn bộ mầu nhiệm cứu độ nơi con người Đức Kitô, và đây là một cuốn phúc âm thu gọn, đề cập đến con đường yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. Người Kitô hữu đi theo con đường này, thì họ cũng sẽ biết cách yêu thương và phục vụ.

b. Phúc Âm hoá đời sống và sinh hoạt của gia đình
Trước hết, việc phúc âm hóa nên khởi đi từ đời sống gia đình. Chúng ta đã có nguyên một năm để phúc âm hóa đời sống gia đình. Qua năm 2015 việc phúc âm hóa đó không chấm dứt mà cần phải tiếp tục, nhưng nó được mở rộng ra một gia đình lớn hơn đó là cộng đoàn giáo xứ khi đề cập đến gia đình ta cũng cần đề cập đến một gia đình lớn là cộng đoàn giáo xứ..

Đối với những người sống đời sống hôn nhân, thì gia đình của họ có cha mẹ, có con cái, còn đối với các linh mục, gia đình của họ là giáo xứ, hay một gia đình lớn hơn là giáo phận. Vì vậy, phải làm sao để xây dựng gia đình thành cái nôi của sự sống, thành mái ấm tình thương, thành ngôi trường đầu tiên giáo dục nên người tốt và hữu ích, trở thành thành trì bảo vệ phẩm giá con người. Phải làm sao cho cái môi của sự sống đó là mối tương quan giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa con cái và cha mẹ phải giúp cho mọi người lớn lên trong sự sống không chỉ là sự sống thể lý mà còn là sự sống nhân bản, sự sống tâm linh. Tất cả những điều đó đan quyện vào nhau để làm nên một cộng đoàn yêu thương – hội thánh tại gia. Ở đó có Thiên Chúa hiện diện. Nơi nào có Thiên Chúa hiện diện, nơi đó trở thành mái ấm tình thương. Mỗi người khi cảm thấy hạnh phúc nơi gia đình của mình, họ sẽ trở về với ngôi nhà của mình và nhận ra nơi đó là nơi ấp áp nhất mà họ không thể tìm thấy ở đâu được. Nếu họ không cảm nhận được sự ấp áp nơi gia đình của mình khi mà nơi đó là nơi lạnh giá, cô đơn, lẻ loi, đầy bạo lực thì không ai muốn trở về gia đình của mình. Rất nhiều gia đình hiện nay bị tan vỡ vì thiếu vắng hơi ấm của tình thương.

Gia đình chính là môi trường đầu tiên làm cho con người thực sự lớn lên, trở thành người hữu ích cho xã hội và giáo hội. Nhờ gương sáng của cha mẹ, của thầy cô, của những người giáo dục đức tin nơi gia đình cho đến cộng đoàn giáo xứ, con người trở nên thành toàn hơn, nhất là phẩm giá con người được phát triển và bảo vệ một cách tốt đẹp.

Thứ đến, gia đình còn là một tế bào của xã hội. Nếu một gia đình có nội lực, thì gia đình đó có khả năng bảo vệ các thành viên của mình khỏi những ô nhiễm từ những tệ nạn xã hội. Gương mẫu để bất cứ gia đình nào cũng có thể học tập đó là Thánh Gia Thất. Trọng tâm mà gia đình này hướng đến là luôn luôn tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa hơn là những tính toán của riêng mình. Đây là điểm trung tâm, nối kết mọi thành viên trong gia đình, nhờ đó mọi người tránh được những chia rẽ, bạo lực, sự kình địch lẫn nhau trong gia đình. Mối tương quan giữa người cha và người mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Rất nhiều gia đình công giáo hiện nay, chỉ sau một vài năm đã bị rạn nứt và có nguy cơ tan vỡ, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành của con cái, và con cái là thành phần phải hứng chịu những hậu quả xấu nhất khởi đi từ sự tan vỡ của mỗi dây hôn nhân giữa người cha và người mẹ. Vì vậy, làm sao để xây dựng gia đình là tế bào vừa lành mạnh của xã hội, tức là về chiều kích nhân bản và tương quan với bên ngoài, vừa nội lực tức là một con người có chiều kích thiêng liêng, đức tin, có bề sâu và có khả năng đối diện với những khó khăn, những thử thách. Nhờ sức mạnh của đức tin, nhờ ơn trợ giúp của Chúa, họ có thể vượt qua những cám dỗ đầy dẫy trong xã hội chúng ta. Đặc biệt là giúp các bạn trẻ, sinh viên, di dân tránh vướng vào những tề nạn này.

c. Phúc-âm-hoá các sinh hoạt, hội họp, công tác của các tổ chức trong giáo xứ, cách riêng của hội đồng mục vụ giáo xứ, của các nhóm tín hữu, của cộng đoàn giáo xứ.
Mỗi giáo xứ đều có các đoàn thể, có các giáo họ, giáo điểm, giáo nhóm. Mỗi đoàn thể đó lại có những ban ngành lo các việc khác nhau. Vậy làm thế nào để phúc âm hóa những sinh hoạt của các đoàn hội này? Các linh mục cần đưa ra những cách thức nhằm tránh sự chia rẽ trong nội bộ mỗi một đoàn thể, tạo ra sự hài hòa, không gây ra những va chạm, tranh chấp giữa những đoàn thể này trong cùng một giáo xứ, nâng cao hiệu năng của mỗi một đoàn thể. Tất cả những khía cạnh đó cần có một chiều sâu để nâng con người lên. Để phúc âm hóa, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng mà người mục tử có thể đưa vào trong cơ cấu, tổ chức của các đoàn thể này bằng việc học hỏi Lời Chúa. Đó là đào sâu chiều sâu thiêng liêng cho những anh chị em phục vụ trong giáo xứ. Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ có nghĩa là đưa ánh sáng chân lý, tình yêu, bình an của Lời Chúa, của Tin Mừng, vào trong đời sống và mọi sinh hoạt của các tổ chức trong giáo xứ, của cộng đoàn giáo xứ.

Việc tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo sứ phải khởi đi từ ánh sáng của Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ được ghi trong Sách Thánh, Lời Chúa còn được nói qua các biến cố lịch sử, qua truyền thống văn hoá đạo đức. Với việc lắng nghe Lời Chúa qua những biến cố truyền thống đó, người ta sẽ nhận ra một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với họ.

Một phương dược để chữa lành những vết thương do bầu khí ô nhiễm, những ảnh hưởng xấu của xã hội đối với đời sống đức tin của người tín hữu, đó là làm hể nào để tìm được ý Chúa nói với mình ngang qua việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa nói với mình. Và lời nói quan trong nhất là lời nói yêu thương mà Thiên Chúa nói với nhân loại qua chính Đức Giêsu Kitô, Con Một của Ngài.

Mến Chúa như ý Chúa muốn là sống hiếu thảo thuận thục và phó thác theo gương Thánh Gia Thất. Yêu người như ý Chúa muốn là đối xử với nhau với tình huynh đệ hiệp thông và trân trọng phẩm giá cùng các quyền con người. Yêu người như ý Chúa muốn là yêu thương nhau không chỉ bằng công tác từ thiện xã hội, song còn giúp nhau đưa ánh sáng Lời Chúa vào trong các tổ chức giáo xứ, trong đời sống giáo xứ, đồng hành với nhau đi đến sự sống dồi dào.

Không chỉ dừng lại nơi gia đình, giáo xứ, mà còn đi vào trong chiều kích xã hội cách cụ thể hơn Yêu người như ý Chúa muốn là cải thiện và thăng tiến phẩm giá con người, đặc biệt người lao động đang lâm vào tình cảnh con người là mục đích phát triển bị biến thành phương tiện sản xuất. Yêu người còn đòi hỏi lòng tự trọng và trung thực, liên kết với nhau xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, góp phần phát triển và thăng tiến xã hội. Đưa những giá trị Tin Mừng vào trong đời sống của nhân loại: nếu là nhà sản xuất, không sản xuất hàng dỏm, hàng giả, sản phẩm hôm nay phải tốt hơn hôm qua; nếu là người tiêu thụ, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Yêu người còn là giúp nhau tôn trọng quyền làm người, cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

2. BỐN CÁCH KHÁC NHAU GIÚP CỘNG ĐOÀN PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ  
Đây có thể nói là đỉnh điểm trong việc “trị quốc bình thiên hạ”, để giúp việc tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ. Trong bốn cách khác nhau mà Đức Hồng Y đưa ra, tất cả đều dựa trên việc cầu nguyện bằng Lời Chúa, như là nền tảng của tất cả mọi sinh hoạt, tức là dựa trên những giá trị của Tin Mừng mà các đoàn thể, cũng như các sinh hoạt trong giáo xứ được diễn ra.

Bốn cách khác nhau giúp cộng đoàn Phúc-âm-hoá đời sống giáo xứ đó là:
a. Trong tất cả các sinh hoạt họp hội trong giáo xứ, nên khởi đầu bằng việc lắng nghe Lời Chúa.       

b. Giúp các tổ chức trong giáo xứ, Hội Đồng Giáo Xứ, các nhóm, cộng đoàn, cùng cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa. Ở đây chú ý đến các nhóm nhỏ, các đoàn thể, bởi nhiều khi trong các sinh hoạt các nhóm, đoàn thể này chỉ chú ý đến những hoạt động bên ngoài mà ít có chiều sâu, cho nên xảy ra những lủng củng, hiềm khích hay những va chạm, lâu ngày sẽ gây ra những tổn thương cho nhau.

c. Giúp gia đình giữ giờ kinh tối chung, suy niệm Lời Chúa, ngắn gọn, đưa vào thực hành trong đời sống thường ngày. Trong hoàn cảnh sống của các gia đình ngày hôm nay, rất nhiều điều đang đe dọa giờ kinh này. Đây là giờ phút linh thiêng nhất của đời sống gia đình, để làm cho Chúa hiện diện trong gia đình, nhờ đó gia đình trở nên êm ấm hơn, những va chạm trong gia đình trở nên nhẹ nhàng hơn, và họ chấp nhận yêu thương, tha thứ và đón nhận nhau.  

d. Giúp cá nhân, gia đình và các cộng đoàn suy niệm giờ kinh Mân Côi với 20 Mầu Nhiệm. Đây được coi như lời kinh xin ơn Phúc-âm-hoá đời sống theo mẫu gương yêu thương, phục vụ, đổi mới của Chúa Giêsu. Thực hiện việc suy niệm này theo từng cá nhân hoặc chung trong gia đình, trong các tổ chức giáo xứ, Hội Đồng Giáo Xứ, trong lớp giáo lý, trong nhóm, trong cộng đoàn của mình… Nhờ đó các hoạt động của giáo xứ sẽ tốt hơn. Nhất là đối với các em thiếu nhi, các em sẽ được huấn luyện và sống đời sống đức tin ngay từ đời sống gia đình.

Câu hỏi thảo luận
1. Trong ba cách khác nhau để giúp Phúc-âm-hóa đời sống và bổn phận tu thân của người tín hữu, đâu là cách Cha thấy phù hợp nhất cho giáo xứ mình? Vì sao?

2. Trong bốn cách giúp cộng đoàn Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ, Cha thấy cách nào khả thi và hữu hiệu nhất cho hiện trạng của giáo xứ mình?

Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn OP. ghi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây