Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News hôm thứ Hai 28/02, Đức Sứ thần Toà Thánh cho biết trong Toà Sứ thần, ngài luôn sẵn sàng ba lô trên vai, vì không biết trong vài giây tới mình sẽ phải đi đâu. Nhưng ngài nói, hoàn cảnh này đã tạo ra những điều rất tốt đẹp. Tại Kiev, tình liên đới được thể hiện khắp nơi trong các giáo xứ của các cộng đoàn Công giáo, cộng đoàn Chính thống và các tín đồ Hồi giáo. Các tôn giáo thể hiện một tình liên đới mạnh mẽ. Ngài nói: “Có một tình liên đới rất tuyệt vời giữa các Giáo hội Kitô và các tôn giáo. Tình liên đới từ đây lan toả ra khắp thế giới. Tôi thấy có rất nhiều sự quan tâm chú ý dành cho Ucraina, với những hành động cụ thể như cầu nguyện, giúp đỡ và quyên góp cho dân tộc Ucraina. Và trên hết là những tấm lòng của những người ở gần bên”.
Vì thế, Đức Tổng Giám mục khẳng định, người ta không chỉ chứng kiến ở đây sự sợ hãi và cam chịu. Là người có đức tin, ngài thấy rằng trong lúc hai bên đang tiến hành những cuộc đàm phán, một điều luôn khó khăn vì có nhiều lợi ích đang bị đe doạ, thì ngài lại thấy một điều khác, đó là tình liên đới giữa những con người với nhau.
“Tôi muốn nói: Thật tuyệt vời khi mọi người trở thành anh chị em!”, Đức Sứ thần nhấn mạnh và nói thêm rằng đây chính là món quà cho hoà bình. Ngay cả trong sự tồi tệ của chiến tranh, vẫn có những hoa trái hoán cải của nhân loại. Nhận thức về tình huynh đệ này đã và đang lớn mạnh trong những ngày này. Đức Tổng Giám mục xác nhận ngài đang nói điều này với các tôn giáo, và tất cả đều muốn chia sẻ cảm nhận này. Đây là một khích lệ lớn cho những gì đang xảy ra.
Theo ông Filippo Grandi, thành viên của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ khi bắt đầu cuộc chiến ngày 24/2 cho đến nay, đã có hơn 500 ngàn người phải rời Ucraina đi tị nạn ở một trong các nước láng giềng, trong số đó có 281 ngàn người đến Ba Lan.
Trong khi đó, hôm 28/02, sau 5 giờ, cuộc đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Ucraina đã kết thúc. Hai bên trở về thủ đô để tham vấn lãnh đạo và đều tỏ ý sẵn sàng duy trì đối thoại.
Ngọc Yến - Vatican News