TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TGP Sài Gòn: Thư mục vụ Mùa Chay

Thứ tư - 02/03/2022 18:23 | Tác giả bài viết: TGM Giuse Nguyễn Năng |   1197
Mùa Chay khởi đầu với việc xức tro trên đầu: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”.
TGP Sài Gòn: Thư mục vụ Mùa Chay

TÒA TỔNG GIÁM MỤC

180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(84.28) 3930 3828

Email: tgmsaigon@gmail.com

 

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2022
TỪ KINH NGHIỆM THIÊNG LIÊNG TRONG ĐẠI DỊCH
ĐẾN ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh và toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong Tổng giáo phận,

Thành phố chúng ta vừa trải qua những tháng ngày thật đau thương do đại dịch Covid-19. Cuộc sống nay bước sang tình trạng “bình thường mới”, nghĩa là chưa hoàn toàn bình thường. Nguy cơ lây nhiễm trong thời gian này vẫn còn đó, dù không trầm trọng như trước. Những đau thương thể xác cũng như tinh thần còn đang nhức nhối và ám ảnh chúng ta. Những thiệt hại vẫn chưa thể khắc phục một sớm một chiều.

Đối với các Kitô hữu, trong ánh sáng của niềm tin vào Chúa Kitô, thời gian đại dịch không phải chỉ có đau thương nhưng cũng là thời gian của ân sủng và những điều tốt đẹp. Khởi đi từ những kinh nghiệm thiêng liêng trong đại dịch, chúng ta sẽ sống ý nghĩa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh cách sâu xa phong phú hơn.

1.   Kinh nghiệm thân phận bụi tro

Khi đại dịch lên cao điểm trong năm 2021, với số tử vong tăng nhanh từng ngày, chúng ta cảm nghiệm thật sâu sắc về phận người mong manh bèo bọt. Người thân mới sống bên nhau đó, chỉ sau ít ngày vào bệnh viện đã trở về trong phận bụi tro. Con người thật vĩ đại nhưng cũng thật yếu đuối. Đời người như bông hoa sớm nở chiều tàn. Một cơn gió thoảng cũng đủ làm con người biến mất khỏi trần thế.

Mùa Chay khởi đầu với việc xức tro trên đầu: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”. Đó là thông điệp tối quan trọng cho đời người. Tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, sức khỏe, người thân yêu, hoạt động, thành công, trên hết là chính mạng sống: tất cả sẽ tiêu tan. Cả một đời ta vun đắp, gầy dựng, chăm chút, để rồi cuối cùng ta chứng kiến chúng biến mất thật nhanh chóng, không thể cưỡng lại, không thể níu kéo.

Đó là sự thật, sự thật vĩ đại của cuộc đời mà ta thường quên lãng hoặc tránh né. Hãy nhìn vào sự thật này để xây dựng cuộc đời trên cái bền vững lâu dài, chứ không mải mê theo đuổi cái phù du bèo bọt nay có mai không.

2.   Kinh nghiệm về Thiên Chúa

Từ kinh nghiệm thân phận bụi tro, chúng ta xác tín chỉ Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, chỉ Thiên Chúa mới là Đấng Cứu Độ toàn năng đem lại bình an và sự giải thoát toàn diện cho nhân loại đau khổ. Từ cảm nhận bất lực trong đại dịch, nhiều người nhận thức được rằng giải pháp y tế và khoa học là tiên quyết nhưng không đủ để cứu sống bệnh nhân, mà cần có cả giải pháp tâm lý xã hội và nhất là giải pháp tâm linh nữa.

Trong thời gian đại dịch, chúng ta đã quay về với Chúa, khao khát thánh lễ và gia tăng cầu nguyện, đã suy gẫm về kế hoạch của Thiên Chúa qua những khổ đau thử thách trong đời. Hơn lúc nào hết, chúng ta cảm thấy cần Chúa và thực sự đã nhận ra Chúa luôn ở gần bên chúng ta. Đối với các bệnh nhân, nhờ sự chăm sóc, an ủi tinh thần và lời cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ thiện nguyện trong các bệnh viện, họ đã tìm được sức mạnh thiêng liêng để vượt qua cơn nguy kịch; hoặc nếu không qua khỏi, thì cũng ra đi trong sự thanh thản và đầy tràn hy vọng.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta hoán cải, tức là quay trở lại với Chúa, bồi dưỡng tương quan thân tình với Chúa. Sau những tháng ngày mất mát, chúng ta muốn tranh thủ vội vã xây dựng lại cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà lại quên Chúa. Chính trong đại dịch, chúng ta đã có cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, xin đừng vội quên. Anh chị em hãy trở lại nhà thờ để tham dự thánh lễ trong cộng đoàn Hội Thánh. Việc tham dự trực tuyến trong thời gian dài sẽ làm cho đức tin dần dần phai nhạt. Hãy chuyên cần cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa sốt sắng, tích cực tham dự những buổi tĩnh tâm và cử hành phụng vụ trong Mùa Chay. Chỉ có Chúa mới đem lại ý nghĩa đích thực cho cuộc đời chúng ta, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

3.   Kinh nghiệm buông bỏ

Khi tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt không cần thiết đã phải dừng lại. Các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, liên hoan, nhà hàng… đều ngưng hoạt động. Việc làm, công ty, tự do đi lại, thậm chí cả người thân yêu… , chúng ta đã buông bỏ tất cả, có thể là bất đắc dĩ, để chỉ tập trung vào cái chính yếu. Điều quan trọng lúc đó là mạng sống, là sức khỏe. Để sống, để an toàn, để có tương lai, chúng ta đã tiết chế và buông bỏ. Những thói quen hay lối sống hằng ngày tưởng chừng như không thể bỏ được, trong đại dịch chúng ta đã thay đổi được.

Trong Mùa Chay, chúng ta hãy tiếp tục kinh nghiệm buông bỏ này. Chúng ta cầu xin Chúa cho đại dịch qua đi, không phải để trở lại với lối sống cũ, nhưng để bắt đầu hành trình mới theo Chúa Giêsu trên con đường tiến tới sự sống vĩnh cửu. Để có được sự sống cao hơn, càng phải buông bỏ nhiều hơn, sống tiết độ hơn. Trong lối sống hiện đại, nhân đức tiết độ đã bị quên lãng: lúc nào người ta cũng muốn thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu, mọi ham muốn, lúc nào cũng bị các thèm khát thúc bách mà không bao giờ thấy no đủ, nên rốt cuộc con người bị lạc hướng và không thể vươn lên tầm cao được. Chúa mời gọi các môn đệ buông bỏ chính mình, sống tiết độ, làm chủ những ham muốn lệch lạc, để nhờ đó tiến tới cuộc sống cao cả hơn của một người làm con Thiên Chúa, sự sống của Đức Kitô phục sinh.

4.   Kinh nghiệm về hiệp hành

Ngay từ đại dịch, chúng ta đã thực hiện lối sống hiệp hành: hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ bác ái. Mọi người hiệp thông với nhau, khóc với người khóc, đau với người đau, cầu nguyện cho nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua những tháng ngày đau thương. Sự hiệp thông trong Hội Thánh không phải là tình cảm mông lung hay lời nói suông, nhưng là đức ái mãnh liệt của Chúa Thánh Thần thúc đẩy mọi người làm lan tỏa yêu thương qua những hành vi quảng đại cụ thể. Các cộng đoàn, gia đình, cá nhân, đã không thủ thân co cụm ích kỷ, nhưng tích cực tham gia sứ vụ bác ái, nhiều lúc với nhiều nguy cơ cho sự an toàn bản thân, đặc biệt đối với các linh mục tu sĩ thiện nguyện nơi bệnh viện. Xin anh chị em hãy tiếp tục phát huy lối sống hiệp hành này trong bối cảnh hiện nay nhiều người vẫn còn nhiễm bệnh, nhiều người đang trong tình trạng nghèo đói kéo dài, hoặc trong tình cảnh cô đơn hay bị bỏ rơi.

Ngoài sứ vụ bác ái, toàn thể Dân Chúa trong Tổng giáo phận cũng đang học hỏi và tham gia tiến trình cấp giáo phận để kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành trong mọi lãnh vực, từ các sinh hoạt phụng vụ, giáo lý, tổ chức cơ cấu trong cộng đoàn, đến các hoạt động Phúc Âm hóa xã hội và loan báo Tin Mừng. Xin anh chị em hãy tích cực tham dự các buổi gặp gỡ theo lịch trình dự kiến, để lắng nghe nhau và cùng nhau phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Là mục tử của Dân Chúa, các linh mục chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi và thúc đẩy tiến trình này đạt hiệu quả lớn nhất. Xin anh chị em đừng theo kiểu làm cho có, làm chiếu lệ hình thức, hoặc tệ hơn là không làm gì cả. Chúng ta lắng nghe lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tạiViệc ‘quản trị thuần tuý’ đã trở nên bất cập” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 25).

Sau hết, xin gia đình Tổng giáo phận tiếp tục hiệp hành, -hiệp thông và tham gia- trong công trình đại tu nhà thờ Đức Bà thân yêu. Qua các video clip do Ban Truyền thông thực hiện, anh chị em có thể thấy hiện nay bắt đầu tu sửa tháp chuông và hai tháp kẽm là phần hư hại rất nặng, và việc thi công cũng rất khó khăn vì ở trên cao. Các chuyên gia cho rằng việc tu sửa được thực hiện rất đúng lúc. Đây là công việc đòi kỹ thuật chuyên môn cao, cần nhiều thời gian và tài chánh. Hiện nay anh chị em còn đang gánh chịu những thiệt hại to lớn do hậu quả của đại dịch; tuy nhiên, trong mức độ có thể, xin anh chị em rộng tay đóng góp để công việc trùng tu diễn tiến tốt đẹp và mau chóng.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu chịu treo trên Thánh giá đã triệt hạ mọi bức tường ngăn cách và thực hiện sự hòa giải nơi chúng ta (x. Ep 2, 14). Bước vào Mùa Chay và Phục Sinh trong viễn tượng kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta hãy mở lòng mình ra với Chúa, với Hội Thánh và anh chị em, làm sao cho mọi người tìm được niềm an vui hạnh phúc trong lòng Hội Thánh, không ai bị bỏ lại đằng sau, không ai tủi phận vì bị quên lãng hay loại trừ; từ đó mọi người sẽ nhiệt thành tham gia xây dựng Hội Thánh theo khả năng của mình, và hân hoan thực thi sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng. Đó chính là Hội Thánh mà chúng ta mơ ước.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta.

 

Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng 3 năm 2022

(đã ấn ký)
+ Giuse NGUYỄN NĂNG

Tổng Giám Mục

 

 

 

Nguồn: tgpsaigon.net (02.03.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây