BÀI HỌC VỀ ĐÔI GIÀY, NHÌN THẤU MỘT ĐỜI NGƯỜI
Tình yêu thương giữa con người với con người là vô cùng thiêng liêng, thể hiện sự gắn bó và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Khi mà xã hội ngày càng phát triển, đôi khi chúng ta đã quên đi mất cái gọi là TÌNH NGƯỜI, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất. Xin được chia sẻ đến các bạn một câu chuyện ngắn về sự quan tâm đến nhau trong cuộc sống.Niềm hạnh phúc đôi khi cũng có thể đến từ một hành động nhỏ biết nghĩ đến người khác…
Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Gandhi khiến mọi người ngạc nhiên, ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa; còn như nếu ai đó có thể nhặt được đôi giày, biết đâu họ còn có thể mang vừa nó thì sao! Và đôi giày còn có ích cho họ”.
Nếu bạn đang cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng, bạn hãy thử làm một việc gì có ý nghĩa, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Nếu lâu nay bạn vẫn cảm thấy hoặc tự cho mình là một người bất hạnh trong cuộc sống, bạn hãy thử làm cho người khác hạnh phúc, bạn sẽ thấy được điều kỳ diệu xảy ra. Những thứ không còn lợi ích với mình đôi khi lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với người khác. Hãy trân trọng mọi thứ mình có và chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người. Khi giúp người khác hạnh phúc, bản thân chúng ta sẽ cảm thấy bình yên bởi điều tốt đẹp mà chúng ta đã làm.
Nhân câu chuyện đầy tính nhân văn về đôi giày của Gandhi; chúng ta làm một cuộc mạn đàm về những đôi giày:
Một đôi giày, nếu chỉ có một chiếc, sẽ không bán được, thậm chí có cho cũng không ai lấy. Thế nên, chiếc còn lại rất quan trọng.
Hình ảnh của đôi giày cũng giống như hình ảnh một cặp vợ chồng, thiếu đi một chiếc, chiếc còn lại trở nên vô nghĩa. Vợ chồng cũng vậy, người còn lại rất quan trọng, nên rất cần phải nâng niu trân trọng.
Một đôi giày, tồn kho nhiều năm chỉ còn cách hạ giá để bán đi. Thế nên, nắm bắt thời cơ để kinh doanh rất quan trọng.
Một đôi giày, của hãng A có thể có giá nửa tỷ, của hãng B có thể có giá 100 triệu, của hãng C có thể có giá 90 nghìn… Thế nên, xuất thân rất quan trọng.
Một đôi giày được bán ngoài vệ đường có giá vài chục nghìn, nhưng khi được đem vào một trung tâm thương mại, đặt ở vị trí sang trọng thì nó có thể được bán với giá vài triệu đồng... Thế nên, bạn được đặt ở đâu mới là quan trọng.
Một đôi giày, chỉ có hợp với chân, hợp với ý của người mua mới có thể bán ra. Thế nên, giao tiếp, trao đổi rất quan trọng.
Một đôi giày, nếu là mẫu cũ, phần lớn đều rẻ. Thế nên, làm mới kiến thức của bản thân mới quan trọng.
Một đôi giày, cho dù kiểu mẫu có mới thế nào, đi một thời gian sẽ trở nên cũ kỹ. Thế nên, trân trọng là điều quan trọng.
Một đôi giày, cho dù thiết kế có đẹp đến đâu, cũng vẫn có tì vết. Thế nên, bao dung rất quan trọng.
Một đôi giày, cho dù bề ngoài bóng bẩy đẹp đẽ thế nào nhưng đi không bền thì cũng vô ích. Thế nên, nội hàm rất quan trọng.
Một đôi giày, cho dù giá thành đắt hay rẻ, đi không vừa chân cũng mất đi ý nghĩa. Thế nên, phù hợp rất quan trọng.
Một đôi giày, cho dù được đánh giá tốt đến đâu, chỉ đặt chân vào thử mới biết. Thế nên, sống được với nhau mới là quan trọng.
Một đôi giày, có người đi 3, 5 năm vẫn mới, có người đi chưa được 1 năm đã rách. Thế nên, của bền tại người biết cách sử dụng mới là quan trọng.
Một đôi giày, dù được sản xuất ở đâu, có thể đồng hành trên suốt quãng đường đã là điều hiếm có. Thế nên, duyên phận rất quan trọng.
“Lạy Chúa,
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa, ở ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch mặt tiền, hãnh diện nhìn người qua kẻ lại
và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng khách, hàng ngày được người
ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát chân tường.
Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con,
con vui với nhiệm vụ của con.
Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi nhà xinh đẹp này.
Không có những người góp phần nhỏ bé,
âm thầm như thế thì bức tường sẽ đổ, ngôi nhà sẽ sập,
và những viên gạch xinh đẹp kia cũng chẳng còn”.
Hồng Long