TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cha Giuse Lê Đức Triệu

03/11/2022 09:24:56 |   826

Cha Giuse Lê Đức Triệu - Nhạc sĩ Hoài Đức
 

Cha Giuse Lê Đức Triệu


TIỂU SỬ SƠ LƯỢC TỰ THUẬT

Tôi sinh vào ngày 01 tháng 7 năm 1922, nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là năm 1923. Vì khi lên 7 tuổi tôi mới xin đi học tức là quá một tuổi học lớp vỡ lòng, nên phải khai rút tuổi đi thì mới được nhận vào lớp. Tôi sinh ra ở Xã Vỹ Nhuế, Phủ Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định cũ, bây giờ đổi là Xã Yên Đồng, Huyện Ý Yên, Tỉnh Nam Hà.   

Thân phụ tôi là Phaolô Lê Danh Kính, gia nhập quân đội, ngành “khố xanh”, (garde indigène - tương tự như Bảo An Ninh), đã tiến tới chức Xuất Đội, đã từng làm Đồn trưởng ở Tam Tòa, Lạc Quần (thuộc Tỉnh Nam Định bấy giờ) sau về hưu trí, được phong hàm Phó Quản Cơ, được tưởng lục bằng sắc Tòng Tứ phẩm, hàm Tín Nghĩa Đô Úy, từ trần năm 1956, thọ 66 tuổi.     
  
Thân mẫu là Anna Nguyễn Thị Tắng, nội trợ, từ trần ngày 01-12-1979, không rõ tuổi. Ông bà sinh được 9 người con, tôi là thứ năm.        

Thuở ấu thời, vì phải đi theo cha mẹ nhiều nơi, mãi đến năm 11 tuổi, mới về quê nhà, tức là Xã Vỹ Nhuế, cũng gọi là giáo xứ Kẻ Nấp, mới được học giáo lý để xưng tội lần đầu. Bấy giờ về trình độ văn hóa, tôi đã đậu bằng Sơ học yếu lược, tức là năm thứ ba bậc Tiểu học (hết lớp Élémentaire). Thời ấy, các làng xã chưa có trường công, chỉ ở phủ, huyện mới có, nên cha mẹ cho theo học chữ Nho. Hai năm sau mới cho theo học trường Tiểu học ở phủ Nghĩa Hưng (cũ) cách xa làng tôi 6 cây số, sáng đi tối về. Đến năm 1938, tôi đi thi ở tỉnh Nam Định, đậu bằng Sơ học Pháp Việt (Certificat d'étude complémentaire franco-indigène). Thi đậu rồi, không biết có được theo học tiếp nữa không, vì muốn theo học lên trên nữa, thì phải trọ học ở tỉnh Nam Định. Vừa khi ấy, thầy giáo xứ cũ ở Đại chủng viện Hà Nội là Nguyễn Văn Thuyết, về chơi, vì có quen biết gia đình tôi và đã từng dạy học cho tôi hai năm trước, liền giới thiệu cho tôi đi tu.

Tôi cũng bằng lòng đi tu, vì cũng hợp với ý nguyện từ lâu. Tôi liền được giới thiệu với Cha Phêrô Trần Tiến Đức, chính xứ Bút Đông, nhận làm Cha đỡ đầu.

Năm ấy, tôi được vào học ở Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên ngay, không phải qua Trường Tập ở Hà Nội, vì tôi đã đậu bằng Sơ học Pháp Việt rồi. Mãn hạn 6 năm học La tinh ở Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, tôi được cử về giúp Cha đỡ đầu Trần Tiến Đức, xứ Bút Đông.

Tôi được giao việc dạy học lớp 3 và lớp 4, trường Tiểu học Tư thục Công giáo, phụ trách ca đoàn giáo xứ, phụ trách Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể (tức là Thiếu Nhi Thánh Thể), Đoàn Thanh nữ Công giáo và thành lập Đoàn Thanh Niên Nông Nghiệp Công giáo, lo mọi việc phụng vụ trong nhà thờ. Hết một năm theo qui định của Đức Giám Mục Địa phận, tôi không gặp gì trở ngại, tôi được gọi về học ở Đại chủng viện, vào tháng 7 năm 1945.     

Tôi nhập Đại chủng viện Xuân Bích ngày 01 tháng 9 năm 1945. Ngày hôm sau, ngày mồng 02 tháng 9 năm 1945, tôi cùng với toàn thể các chủng sinh đi tham dự buổi lễ Tuyên Ngôn Độc Lập ở Quảng trường Ba Đình. Niên học được tiến hành bình thường được một tháng, thì tôi được lệnh phải sơ tán vì cơ sở Chủng viện bị trưng dụng cho quân đội Trung Hoa trú đóng.     
 
Chính trong thời kỳ sơ tán này, tôi được Nguyễn Khắc Xuyên rủ tôi nghiên cứu về kỹ thuật sáng tác thánh ca. Lúc ấy Nguyễn Khắc Xuyên về giúp xứ Bút Đông thay thế tôi. Tôi tập sáng tác thánh ca, và bài đầu tiên của tôi là bài “Thánh Tâm Chúa Giêsu, Vua đất Việt” với ý nguyện là cầu cho nước Việt Nam được thái bình thoát nạn chiến tranh.

Rồi gặp mùa Giáng sinh tới, tôi sáng tác bài “Đêm đông âm u”, tiếp theo là bài “Cao cung lên” cũng là do cảm hứng lúc nghe tiếng chuông nguyện ban chiều. Lúc đó, cùng với cộng đoàn giáo dân làm giờ Viếng Hang Đá buổi chiều vừa xong, tôi ra khỏi nhà thờ đang bước từ nền nhà thờ xuống sân, thì nghe tiếng chuông nguyện ban chiều, bỗng cảm thấy trong tâm trí một tứ nhạc phỏng theo tiếng chuông, cho tới khi xuống sân nhà thờ, thì đã hình thành trong trí xong bản nhạc cả lời của điệp khúc và phiên khúc 1. Ngay lúc đó, tôi về phòng riêng chép lại thì nguồn cảm hứng đã tắt, không thể đặt tiếp những phiên khúc sau được nữa. Tôi liền cho Nguyễn Khắc Xuyên xem, và Nguyễn Khắc Xuyên nhận đặt tiếp mấy phiên khúc sau có văn phong hơi khác với điệp khúc và phiên khúc 1. Ít ngày sau đó, Nguyễn Khắc Xuyên và Bùi Vĩnh Phước (một chủng sinh học trên tôi một năm cũng đang sơ tán ở đó) cùng nhau sáng tác được điệu nhạc bài “Cùng đi Be-lem” nhưng cả hai không có hứng đặt lời. Tình cờ tôi đi qua, tạt vào xem, thấy thế liền nổi hứng cầm bản nhạc về phòng riêng, qua đêm đến sáng hôm sau đã đưa cho hai người xem toàn bài, có một điệp khúc và ba phiên khúc. Hai người xem xong, cho là tuy chưa hay lắm nhưng cũng hát được. Tuy thế nhưng bản thân chưa muốn đi sâu vào ngành âm nhạc, vì lúc ấy chưa có điều kiện học hỏi nghiên cứu sâu xa về âm nhạc, nên chỉ sáng tác ngẫu hứng thôi. Đến tháng 9 năm 1946, chúng tôi lại được lệnh nhập học tại Đại chủng viện Xuân Bích, vì cơ sở đã được trả lại.        

Cũng lúc này, theo lời Nguyễn Khắc Xuyên rủ, tôi chính thức gia nhập Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh do mấy anh em chủng sinh Hà Nội, lớp trên tôi khởi xướng thành lập, như Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo, Hùng Thái Hoan, Cao Phương, có cả Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Chiên...

Chúng tôi học được chừng 3 tháng, thì gặp ngày toàn quốc kháng chiến, toàn bộ giáo sư bị câu thúc vì toàn là các Linh mục người Pháp cả, tất cả chủng sinh được lệnh giải tán về các địa phương xa thành phố Hà Nội. Tôi lại trở về Bút Đông tạm sống với Cha Trần Tiến Đức.

Cũng vì được sống lâu ngày với Cha Trần Tiến Đức như thế, nên tôi đã lấy bút hiệu là Hoài Đức, ý là mến thương Cha Đức, mỗi khi sáng tác được bài ca nào.                

Trong 3 tháng học ở Đại chủng viện vừa qua, tôi đã sáng tác được bài “Giờ tử nạn” trong lúc tinh thần đang bị căng thẳng và tình hình an ninh của Hà Nội lúc ấy. Ở Bút Đông được chừng 6 tháng, thấy tình thế còn lâu mới có thể học lại ở Đại chủng viện được, tôi liền xin Cha xứ Bút Đông cho tôi trở về quê ở Vỹ Nhuế tạm sống cho tới khi có tin mới về Chủng viện. 

Tôi trở về quê, giúp Cha xứ Vỹ Nhuế là Cha già Giuse Trịnh Ngọc Am, vì xứ quê tôi đang thiếu thầy giáo giúp xứ.        

Tôi được Cha xứ giao cho việc dạy học mấy lớp Tiểu học, và việc thành lập Đoàn hội cầu nguyện, thoạt đầu là cho lớp tuổi thiếu nhi, gọi là Nghĩa Binh Thánh Thể, sau đến lớp tuổi cao niên, gọi là Trung Binh Thánh Thể, thành ra hầu hết giáo hữu đều ở trong Hội Cầu Nguyện. Cũng chính trong thời kỳ sơ tán này tôi lại có hứng sáng tác nhạc trở lại, cũng do nhu cầu cần có bài hát thánh ca cho các em thiếu nhi nữa. Những bài tôi sáng tác thời gian này là những bài “Kinh Truyền Tin”, “Dâng mình phỏng theo ý của kinh dâng mình buổi sáng của Nghĩa Binh Thánh Thể, “Lạy Mẹ Mân Côi”, sau đổi thành “Lạy Mẹ khoan nhân”, “Tiến hoa năm sắc” để cho các em Nghĩa Binh dâng hoa tháng Năm, “Con đã hiểu”, “Phúc tử đạo”, “Dưới vực sâu”, “Ngày xuân cầu nguyện”, “Thờ lạy Chúa”, “Ngợi khen” (thánh vịnh Magnificat) dịch ra tiếng Việt hát theo điệu thánh vịnh La-tinh cung thứ 8 trang trọng. Tôi cũng thử sáng tác một nhạc kịch về Thánh Lê Bảo Tịnh và Phaolô Bột với những bài “Thời tử đạo”, “Á Thánh Tịnh”, “Lời cầu nguyện” (diễn cảnh Á Thánh ngồi hát một mình trong tù), “Nỗi khổ lòng” diễn cảnh Phaolô Bột hát lúc thống hối tội lỗi đã trót quá khóa rồi lại quyết ra đi xưng đạo rồi chịu tử vì đạo, “Cảnh điêu tàn” diễn cảnh Á Thánh Tịnh than thở trước cảnh các xứ đạo bị tàn phá vì bị bách đạo. Những bài đó, tôi đã bỏ đi, vì e sợ tình thế sẽ gây bất lợi cho tôi lúc đó. Tôi có làm thêm một bài “Thiếu Nhi Công giáo Việt Nam” coi như bài Đoàn ca cho các em Nghĩa Binh hát trong khi đi dự những cuộc biểu tình với tư cách là Đoàn thiếu nhi Công giáo xứ Vỹ Nhuế. Những bài như thế về sau tôi bỏ đi tất cả.       

Thời gian tản cư kéo dài khoảng 2 năm, từ tháng 12 năm 1946 đến tháng năm 1948, tôi nghe phong thanh tin Nhà Chung Hà Nội đã cho mở lại Đại chủng viện, tôi đánh bạo tìm cách đi lén về Hà Nội để được tiếp tục học. Tôi lại học tiếp khoa Triết học và Thần học cho đến 4 năm sau. Chính vào thời kỳ này, khi mới vào Hà Nội, phải lấy giấy căn cước mới, tôi xin cải tên là Lê Đức Triệu, và luôn tiện tôi cũng khai cả bút hiệu Hoài Đức trong căn cước. Sau khi chịu Bốn chức nhỏ xong, tôi phải nghỉ học vì bệnh suy tim, và được Đức Giám Mục Trịnh Như Khuê cử về giúp Cha Kỷ giáo xứ Chợ Nội. Được vài tháng sau vì tình hình không được yên, tôi lại được cử về giúp Cha Vũ Tiên Tiến giáo xứ Sở Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Phủ Lý. Tôi được giao phụ trách trường Tiểu học Tư thục Công giáo Kiện Khê, ca đoàn và Thiếu nhi Thánh Thể tức là Đoàn Nghĩa Binh. Thời kỳ này tôi không sáng tác được nữa, vì bận nhiều việc, ngoại trừ việc phổ nhạc vào một bài thơ “Kính Thánh Phanxicô Assise” theo yêu cầu của linh mục Duy Ân Mai, dòng Phanxicô.        

Đến năm 1954, khoảng tháng 2 hay tháng 3, chiến sự lan tới Sở Kiện, tôi lại phải di tản lần nữa lên Hà Nội, Đức Giám Mục lại cử tôi đi truyền giáo ở làng Cáo Đỉnh, thuộc giáo xứ Cổ Nhuế (tức là xứ Kẻ Noi, ngoại ô Hà Nội). 

Được chừng hơn 3 tháng, tôi được lệnh chuyển về dạy học ở Tiểu chủng viện Piô XII dưới quyền Cha Nguyễn Huy Mai là giám đốc (lúc ấy chưa làm giám mục), và cùng với toàn bộ Chủng viện di cư vào miền Nam. Vừa vào tới Sài gòn, cả Chủng viện tạm trú chân ở trường Taberd đường Nguyễn Du trong khoảng một tháng. Lúc ấy có một Sư Huynh nghe biết tôi có ở đấy, liền tìm đến nhờ tôi sáng tác hộ một bài ca dành riêng cho Đoàn học sinh Thánh Mẫu, và trao cho tôi một bản kinh riêng của Đoàn. Tôi nể tình nhận lời. Tối hôm đó, nhân trời sáng trăng, tôi một mình đi bách bộ dưới sân suy nghĩ. Sáng hôm sau tôi đã viết xong bài ca “Dâng Mình” đưa cho Sư Huynh. Tôi đã dựa vào những ý tưởng trong bài kinh riêng của Đoàn Thiếu nhi Thánh Mẫu. Tôi cũng không ngờ bài ca đó về sau được nhiều người ưa chuộng và trở nên quen thuộc. Cũng như bài ca “Cung chúc Trinh Vương” tôi cũng đã dựa theo những ý tưởng bài kinh của Đức Giám Mục Trịnh Như Khuê đã đặt ra khi Ngài dâng địa phận Hà Nội cho Đức Mẹ sau khi Ngài thụ phong Giám Mục Hà Nội, và bài ca ấy cũng được nhiều người ưa chuộng và quen hát cho đến ngày nay.     
  
Một tháng sau, chúng tôi đã cho dựng xong mấy dãy nhà tôn ở trên sân cỏ đàng sau Hang Đá của nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn của Cha xứ Bùi Văn Nho cho mượn. Vào những ngày xảy ra cuộc đụng độ giữa quân chính phủ Ngô Đình Diệm với quân Bình Xuyên, một vài trái đạn cỡ lớn đã rớt nổ trúng khu nhà chúng tôi làm cho Cha giám đốc bị trọng thương, phải nằm điều trị ở bệnh viện Grall một thời gian, còn toàn bộ chủng sinh phải tạm tránh lên xứ Hợp An trên Xóm Mới. Chừng một tháng sau, tình hình yên ổn, chúng tôi mới lại trở về tiếp tục sinh hoạt bình thường. Tôi được giao cho dạy môn La tinh, Toán, Lý, Hóa mấy lớp dưới, và phụ trách môn âm nhạc chung, chủ yếu là tập hát những nghi lễ phụng vụ. Bấy giờ hát Bình ca là chính, nên tôi phải nghiên cứu về Bình ca. Hai năm sau, toàn bộ Chủng viện lại dọn sang khu nhà kế cận của Nhà Nữ Tu Thánh Phaolô cho mượn, số 223 Nguyễn Tri Phương, tiện nghi hơn và khang trang hơn.      

Đến niên học 1957, bệnh suy tim đã giảm nhiều, tôi lại được về Đại chủng viện Xuân Bích, ở Thị Nghè, để học nốt chương trình Thần học năm cuối cùng. Hết niên học đó, tôi lại trở về Tiểu chủng viện Piô XII dạy học tiếp.        

Đến ngày 08 tháng 3 năm 1959, tôi thụ phong chức Phụ Phó Tế (chức Năm).

Rồi đến ngày 05 tháng 06 năm 1959, tôi thụ phong chức Phó Tế (chức Sáu).

Và ngày 06 tháng 6 năm 1959, tôi thụ phong chức Linh mục tại Nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn, do Đức Giám Mục Sàigòn là Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền chủ phong. Sau khi thụ phong Linh mục, tôi được giao nhiệm vụ Giám Luật trong Chủng Viện trong khi vẫn phụ trách các môn học như trước.         

Từ năm 1948 trở đi, tôi được gặp các anh em nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh nhiều hơn, nên cũng có dịp để sáng tác nhiều hơn. Khi di cư vào Nam thì cũng có dịp gặp anh em nhạc đoàn nhiều, nhất là từ khi nhạc đoàn mời được đông nhạc sĩ mới tham gia, thì lại có nhiều cơ hội để sáng tác nhiều hơn. Lại cũng vì phụ trách môn âm nhạc trong Chủng viện, nên lại thêm điều kiện để đi sâu vào âm nhạc hơn. Sau khi tôi thụ phong Linh mục thì Hùng Lân từ trước đến nay vẫn giữ chức Đoàn Trưởng Nhạc đoàn, nay nhường lại chức vị đó cho tôi, để cho nhạc đoàn dễ bề phát triển, dù các việc đối với nhạc đoàn anh cũng vẫn đảm nhận như trước. Trong thời kỳ này, tôi biên soạn cuốn “Nhạc lý Ca điệu Grégorio” (Bình ca) để tiện dạy cho các chủng sinh. Tôi đã phải tham khảo các sách dạy về Bình ca của các nhạc sư Don Sunol, Dom Mocquereau, Don Gajard, Vincent D'indy, J. Perrodon, và một ít tài liệu giáo khoa của Cha cố Giám đốc Xuân Bích Yves Hémon đã cho tôi năm 1950.     

Đến năm 1966, Tiểu chủng viện Piô XII chấm dứt hoạt động theo lệnh của Tòa Thánh, tôi được thuyên chuyển lên địa phận Kontum, bởi vì lúc thụ phong Linh mục, tôi đã nhận được Đức Giám Mục Kontum là Paul Seitz là Giám Mục bản quyền. Lúc ấy, Đức Giám Mục phụ trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc là Phạm Văn Thiên muốn lưu giữ tôi ở lại Sàigòn để làm Thư ký thường trực Uỷ ban Thánh Nhạc toàn quốc, nhưng Đức Giám Mục Kontum muốn cho tôi lên dạy học Tiểu chủng viện Thừa sai Kontum ít lâu đã.    

Nên tháng 7 năm 1966 tôi lên Kontum, dạy học trong Tiểu chủng viện. Và sang năm sau, 1967, tôi được cử làm Phó bề trên kiêm Quản lý Chủng viện. Tưởng ở luôn phục vụ địa phận Kontum lâu dài nhưng đến hết niên học 1967-1968, Đức Giám Mục Kontum lại thuận theo đề nghị của Đức Giám Mục phụ trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc, cho tôi chuyển về Sàigòn, giữ chức Thư ký thường trực Uỷ ban Thánh Nhạc toàn quốc, (Cha Nguyễn Văn Hoà – sau là Giám Mục Nha Trang) là thư ký chính thức của Uỷ Ban lúc ấy đang ở trên Đà Lạt. Cũng vào dịp đó, Toà Thánh thiết lập địa phận Banmêthuột trích từ tỉnh Banmêthuột (BMT) của địa phận Kontum, và tỉnh Quảng Đức với tỉnh Phước Long của địa phận Phú Cường thành địa phận mới, đồng thời bổ nhiệm Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi địa phận Banmêthuột. Lúc ấy, theo nguyên tắc, Linh mục nào đang làm nhiệm vụ ở đâu thì ở yên tại chỗ, trừ có tôi là đang ở ngoài địa phận bản quyền là Kontum, thì được tự do chọn địa phận bản quyền. Hai Đức Giám Mục Nguyễn Huy Mai và Paul. Seitz thỏa thuận với nhau để cho tôi gia nhập địa phận Banmêthuột và Cha Nhân đang ở Banmêthuột lên gia nhập địa phận Kontum. Tuy nhiên tôi vẫn ở lại Sàigòn làm việc cho Ban Thánh Nhạc toàn quốc, dưới quyền Đức Giám Mục Phạm Văn Thiên.         

Trong thời gian tôi ở trên Kontum, tôi có phổ nhạc được một lễ An táng và Cầu hồn, một bộ kinh Xin Chúa thương xót theo âm điệu Bình ca theo bản văn của Sách Lễ Hiện Tại. Về sau ít lâu có bản văn Phụng vụ tiếng Việt chính thức, tôi bỏ các bản tôi đã làm, không cho phổ biến nữa.      

Tuy vậy, tôi cũng không ở Sàigòn được lâu, chưa kịp nghiên cứu soạn thảo chương trình hoạt động của Uỷ Ban Thánh Nhạc toàn quốc, thì đến tháng 7 năm 1969, vì địa phận Banmêthuột khuyết người làm quản lý địa phận, nên Đức Giám Mục Nguyễn Huy Mai phải đề nghị với Đức Giám Mục Phạm Văn Thiên để cho tôi từ nhiệm chức vị Thư ký Thường trực Uỷ Ban Thánh nhạc toàn quốc và đề nghị tôi lên Banmêthuột đảm nhận chức vụ quản lý tài sản Nhà Chung Banmêthuột. Thế là tôi từ giã Sàigòn, giã từ ngành Thánh Nhạc, giã từ luôn cả Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh nữa, vì tôi biết chắc chắn rằng công việc tài chánh sẽ làm cản trở các hứng thú về âm nhạc. Quả đúng như vậy, lên tới Nhà Chung Banmêthuột ngày 4 tháng 7 năm 1969, lập tức tôi bị cuốn hút vào công việc quản lý, kiêm Giám đốc cơ quan từ thiện xã hội Caritas, kiêm luôn cả chức Chủ tịch phong trào Công lý và Hoà bình địa phận. Là quản lý Nhà Chung, tôi phải thường xuyên trông coi hai đồn điền cà phê, mặc dầu lúc ấy có một Cha người Pháp tên là Romeur vẫn đang tiếp tục điều khiển mọi việc sản xuất, rồi trông coi các công việc xây dựng các cơ sở như Tiểu chủng viện, Tu viện Nữ Vương Hòa Bình; là Giám đốc Caritas, tôi phải lo việc điều hành tiếp nhận phẩm vật cứu trợ và phân phối những phẩm vật đó cho các đồng bào nghèo không phân biệt tôn giáo, rồi xây cất Viện dưỡng lão, xây dựng quán cơm xã hội; là Chủ tịch phong trào Công lý và Hoà bình, tôi phải lo điều hành sinh hoạt của phong trào trong địa phận, ngần ấy công việc đã ngốn hết cả thời giờ và công sức hằng ngày, không còn lúc nào nghĩ đến âm nhạc nữa. Địa phận Banmêthuột cũng có Uỷ Ban Thánh nhạc địa phận, và tôi cũng ở trong Uỷ Ban đó, do Đức Cha Nguyễn Văn Hòa phụ trách (khi ấy Ngài chưa làm Giám Mục), nhưng tôi chỉ giúp tổ chức cho Hội diễn Thánh Nhạc Giáng Sinh mỗi năm một lần trong dịp Noel, và cũng huấn luyện cho một ca đoàn Sion, chừng mười lăm ca viên để góp mặt trong buổi hội diễn.     

Sinh hoạt đều đặn như vậy cho đến tháng 3 năm 1975, ngày 10, Cách mạng giải phóng Banmêthuột trong cơn dầu sôi lửa bỏng, mặc dù có nhiều cơn cám dỗ và nhiều cơ hội để tôi có thể đi khỏi Banmêthuột một mình, nhưng tôi đã gắn bó với Banmêthuột và với Đức Cha Nguyễn Huy Mai, vừa là vị Giám Mục của tôi, mà cũng là Thầy dạy cũ và là vị ân nhân của tôi, nên tôi không nỡ bỏ đi đâu cả, một mình xoay xở chèo chống cho qua cơn khó khăn vật chất và tinh thần. Khi đã qua những ngày sôi động ấy rồi, tình thế đã ổn định trong chế độ mới, mà cơ sở Tập viện Nữ Vương Hòa Bình vẫn còn đang dang dở trong giai đoạn đầu, theo lời khuyên của Đức Giám Mục Banmêthuột, tôi lại tiếp tục công trình xây cất khu Tập viện. Tôi phải lo xoay xở kinh phí, mua bán vật liệu trong khi thủ tục đã trở nên khó khăn, như gỗ, gạch, cát, xi măng, vôi... đã rất khan hiếm, nên phải rút bớt chương trình xây dựng lúc ban đầu. Nhờ gặp được nhiều may mắn, nên hoàn thành vào ngày 15 tháng 8 năm 1976.  

Tôi tiếp tục sinh hoạt bình thường như vậy, cho đến cuối năm 1976, thì tôi cảm thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, đe dọa đến cuộc sống, mặc dầu tôi vẫn giao thiệp với các cơ quan chính quyền như thường, như ngân hàng, Ty nông nghiệp, Ty vật tư, Hội phụ nữ, Hợp tác xã chăn nuôi… theo đúng chức năng của một quản lý Nhà Chung, còn những việc dính dáng đến phong trào Công lý Hoà bình và cơ quan Caritas thì chấm dứt. Thậm chí, cơ sở quán cơm bị hư hại hơn 50 phần trăm trong những ngày chiến sự, tôi cũng không có điều kiện để khôi phục lại. Tỉnh uỷ Đắc Lắc cử cán bộ đến gặp tôi đề nghị nhường lại cơ sở đó cho chính quyền để làm nhà thư viện tỉnh. Ông ấy có nói với tôi như sau: “Trước đây chúng tôi đã từng ăn ở quán cơm này, chúng tôi biết rõ quán cơm không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích từ thiện giúp đỡ dân chúng lao động nghèo, chứ nếu Linh mục có ý kinh doanh kiếm lời thì chúng tôi đã liệt vào hạng tư bản và chúng tôi đã tịch thu lâu rồi. Chúng tôi biết đây là tài sản của Nhà Chung, nhưng thấy Linh mục đã để lâu không sửa chữa lại mà dùng, nên chúng tôi đến đề nghị Linh mục nhường lại cho chúng tôi làm Thư viện tỉnh, vì nó tọa lạc ngay trung tâm tỉnh, cũng là việc công ích thôi”. Tôi trả lời: “Quả thực tôi không có điều kiện để sửa cơ sở đó, mà cũng không biết sửa chữa để làm gì, vì khi lập quán cơm xã hội ở địa điểm đó, thì tôi đã hứa với cơ quan hành chính cũ của Tỉnh rằng: tôi chỉ dùng cơ sở đó vào mục đích từ thiện thôi, còn nếu khi nào tôi không còn dùng vào việc từ thiện nữa, thì tôi sẽ giao cơ sở lại cho chính quyền mà không đòi hỏi một đồng bồi thường nào cả. Bây giờ với chính quyền cách mạng, tôi biết rằng theo chính sách thì chính quyền quản lý cả các việc từ thiện xã hội. Tôi không còn phải làm nữa, giữ lời đã hứa, tôi xin giao lại cơ sở đó cho chính quyền mà không đặt một điều kiện nào cả. Xin ông về báo cáo với cấp trên như thế.” Hiện bây giờ, tôi được biết là cơ sở quán cơm xã hội cũ của Nhà Chung vẫn được dùng làm thư viện tỉnh.

Dù đã cảm nhận thấy những dấu hiệu bất thường như tôi nói ở trên, tôi vẫn không nao núng, cứ bình tĩnh với những công việc thường nhật. Thì vào ngày 12 tháng 1 năm 1977, Tòa Giám Mục Banmêthuột nhận được giấy báo, phải cho tôi trình diện với cơ quan công an tỉnh Đắc Lắc để đi cải tạo, với lý do là tôi đã từng có liên hệ với chính quyền chế độ cũ. Sự bất thường mà tôi cảm nhận trước đó đã đến, khó lòng tránh khỏi. Mà giả như tôi có ý muốn tránh thì cũng có thể được thôi. Nhưng như vậy thì sau này sẽ có nhiều điều kiện không hay xảy đến, mà lương tâm một vị Linh mục trung thành và ngay thẳng không cho phép, nên tôi vui lòng chấp nhận, sẵn sàng cắp gói ra đi theo lệnh chính quyền, trong bụng linh cảm thấy ngày trở về thực là xa xôi, cũng có thể là không có.       

Ngày 14 tháng 1 năm 1977, tôi vào trại cải tạo Mê-van, thuộc tỉnh Đắc Lắc, ở chung với 2 anh em Linh mục khác cũng đang ở đó. Một tháng sau lại có thêm một Linh mục khác nữa cũng vào cải tạo chung với nhau. Hai tháng sau, tất cả 4 anh em chúng tôi cùng với một số anh em đồng cảnh khác được chuyển ra miền Bắc, tới trại CT 3 Tân Kỳ, Hà Tĩnh. Rồi sang năm sau, 1978, chúng tôi lại được chuyển ra trại Phú Sơn, Bắc Thái, giam chung với 12 Linh mục khác nữa theo chế độ “kiên giam” (suốt ngày giam trong một khu riêng biệt, cách ly với anh em đồng cảnh khác). Tới năm 1979, tất cả số anh em Linh mục ở đó lại được chuyển về trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa, vẫn theo chế độ “kiên giam”. Chừng một năm sau thì tất cả anh em Linh mục, chừng độ hơn hai chục, được đổi sang chế độ lao động như mọi anh em cải tạo khác.         

Từ khi bước chân đi cải tạo, tôi vẫn giữ được sức khỏe bình thường, tuy rằng có sụt đi gần 20 ký. Nhưng đến ngày 25 tháng 2 năm 1985, tôi bị “tai biến mạch máu não”, miệng không nói được, liệt nửa người bên phải. Từ đó tôi không thể đi lao động với anh em được nữa, cả ngày nằm ở nhà, nhờ anh em biết cách chữa, mài dây đàn ghi ta làm dây châm cứu, chỉ cách cho tôi tự luyện tập vật lý trị liệu, 3 tháng sau, tôi đã có thể lò dò đi được, miệng đã có thể nói khá rõ, tay đã cầm đũa ăn được. Sau đó ít lâu, tại trạm xá của trại, có một trại viên người Hoa, vốn làm nghề lương y, cũng cải tạo ở đấy, làm nhiệm vụ y tá cho trại. Anh ấy tự nhiên có cảm tình và nể trọng tôi, nên đã tận tình điều trị cho tôi bằng thủ thuật châm cứu đặc biệt hơn một năm trời, cho đến khi tôi được tha. Lúc ấy có một Linh mục già yếu như tôi. Cả hai chúng tôi cùng được kiểm tra bệnh tình và sức khỏe, có hy vọng được tha sớm. Nhưng Linh mục đó được tha về trước. Về sau tôi được biết là có cán bộ nói chuyện với nhiều anh em khác rằng: “Có những người trại đã đề nghị cho về nhà, nhưng vì khi hỏi ý kiến địa phương tiếp quản thì địa phương từ chối không nhận, nên chưa tha về được”. Tôi đã ngờ rằng đó có thể là trường hợp của tôi chăng?! Đến tháng 11 năm 1987, tôi được lệnh tha cùng với khoảng 50 anh em khác. Khi đọc lệnh tha tôi, thì chỉ định cho tôi về cư trú tại TP. HCM, chứ không cho tôi về Tòa Giám Mục Banmêthuột. Tôi có nêu thắc mắc với cán bộ giáo dục của trại, thì được hỏi lại rằng: “Thế thì anh muốn về đâu?” Tôi trả lời: “Trước tôi ở đâu thì tha tôi về đó, cán bộ ấy nói gọn một câu: “Trên quyết định như thế nào, thì anh cứ chấp hành như thế”.      

Bởi vì chúng tôi có một thời hạn là một tháng để về trình diện tại địa phương, nên đa số chúng tôi dùng thời gian đó để đi thăm bà con ở xa trước. Tôi cũng muốn về thăm quê nhà ngoài Bắc trước khi về TP. HCM, nhân tiện cũng muốn nhờ một người cháu tháp tùng đưa tôi đi, chứ tình trạng sức khoẻ của tôi không cho phép tôi đi một mình. May cho tôi là có hai người bạn cải tạo cùng được tha dịp ấy, một người gốc Hoa, một người dân tộc Mường vùng Cao Bằng, tình nguyện đi theo giúp đỡ tôi từ Thanh Hóa về Ninh Bình, ngày hôm sau mới từ biệt tôi. Ở Ninh Bình, tôi đến nhà người cháu gái tôi là Lê Thị Chính, gọi tôi là bác ruột, nghỉ vài ba ngày, rồi cháu tôi lấy xe đạp chở tôi về Vỹ Nhuế, cách Ninh Bình trên 7 cây số. Tôi dự tính ở quê nhà chừng vài ba tuần rồi sẽ về miền Nam. Khi rời khỏi trại cải tạo, cán bộ trại trao giấy tha cho chúng tôi và dặn rằng, khi đi đến đâu, cứ việc đưa trình giấy này cho chính quyền địa phương là được rồi, ở đó mấy ngày cũng được, miễn là về trình diện địa phương đúng thời hạn ghi trong giấy là được.       

Ngờ đâu chính quyền địa phương xã Vỹ Nhuế, lúc ấy gọi là xã Yên Đồng, không cho phép, buộc tôi phải rời khỏi quê 3 ngày sau, lấy lý do là xã đang được ổn định về chính trị xã hội, nay nếu vì sự có mặt của tôi mà xảy ra sự gì bất ổn, thì tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, dù tôi đã rời khỏi đó rồi. Trong vài ngày ở lại quê, tôi không được phép đi đâu cả, không được ra khỏi nhà người chị dâu cả của tôi. Tôi muốn đi thăm người em ruột, phải xin phép trước, muốn đi viếng mộ song thân tôi, phải xin phép trước. Ban tối có quân dân rình ở ngoài vườn xem tôi có lén đi đâu không. Công an giữ giấy ra trại của tôi. Tôi phải bảo cháu tôi nhờ người xin lại, thì tối hôm trước ngày hết hạn, giấy ra trại mới được trả lại. Sáng sớm hôm sau, trước 7 giờ sáng, cháu tôi lấy xe đạp chở tôi ra khỏi làng, sang làng bên cạnh, là làng Vĩnh Trị, tên gọi mới là Yên Trị, cách làng quê tôi có hơn hai cây số. Một điều khó hiểu là cũng có mấy người bà con họ hàng, thì họ nói rằng: “Bác cứ ở chơi bao lâu cũng được, không có gì phải e ngại”. Nhưng tôi không yên tâm, chỉ ở Vĩnh Trị có hai ngày rồi tôi lại bảo cháu tôi chở vào Ninh Bình ở nhà cháu Lê Thị Chính. Ba hôm sau, tôi nhờ cháu tôi và một người bà con tháp tùng tôi lên Hà Nội ở thăm một người cháu khác tên là Ngọc là cháu ngoại của bà chị cả tôi.      

Tôi ở Hà Nội thăm Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn trước cùng học một trường Lý Đoán với nhau, và thăm lại Nhà Chung Hà Nội, Đại chủng viện nơi tôi học Thần học mấy năm trời ngày trước. Niềm phấn khởi bừng lên trong tôi từ ngày ra trại đã bị dao động và giảm đi nhiều.        

Cuối tháng 11 năm 1987, tôi được một người cháu gọi bằng cậu ruột và một người em họ tháp tùng tôi đi xe lửa vào TP. HCM cho kịp ngày trình diện. Tới đây, tôi lại gặp một vấn đề rắc rối nữa. Vì trong giấy ra trại của tôi đã chỉ định cho tôi về cư trú tại TP. HCM, số nhà 491/74A Lê Văn Sỹ - phường 22 - Quận 3 (nay là phường 12), của người em họ tôi là Lê Thị Đến, nhưng lại bắt tôi phải về trình diện tại Tòa Giám Mục Banmêthuột. Tôi thắc mắc hết sức, thế này thì đi trình diện ở nơi nào cho đúng. Trong một ngày mà đi trình diện ở mãi Banmêthuột rồi lại về TP. HCM trình diện thì làm sao cho kịp. Vả lại Tòa Giám Mục có phải là cơ quan chính quyền đâu mà phải đến trình diện. Đã hơn 10 năm sống cách biệt xã hội, tôi không hiểu các thủ tục hành chính hiện nay ra sao. Tôi đành cứ theo cô em họ là chủ hộ tôi đến cư trú mà ra trình diện cơ quan Công an phường 22, Quận 3 đúng ngày đã ấn định trong giấy ra trại xem ra sao đã. Người tiếp tôi ở văn phòng công an ghi nhận rồi bảo tôi phải lên Banmêthuột trình diện. Tôi trả lời rằng hiện nay sức khỏe không cho phép tôi đi lại mãi như vậy, vả lại cán bộ trại bảo tôi cứ chấp hành cho tốt như lệnh trên đã ghi trong giấy ra trại thì tôi cứ chấp hành, còn về Tòa Giám Mục Banmêthuột thì tôi sẽ viết thư báo cáo là tôi đã về và trình diện tại đây rồi, nếu có phải bó buộc tôi lên Banmêthuột, thì xin cơ quan tại đây điện ra trại Thanh Cẩm xin đổi cho tôi một giấy ra trại khác, trong đó ghi rõ nơi trình diện, thì tôi sẽ đi Banmêthuột. Đợi một lúc không thấy giải quyết gì, tôi ra về và không đi đâu nữa. Sau đó vài tuần lễ, một người bà con giới thiệu cho tôi được gặp một người công an đang làm việc ở Sở Công an Thành phố để hỏi về việc ấy, thì được giải thích rằng: đó là một cách của chính quyền “chỉ định cư trú cho từng đối tượng” không muốn cho đi đâu cả mà không cho biết.     
 
Người ấy lại nói thêm “Giả như cụ có muốn xin lên Banmêthuột, thì chính quyền Banmêthuột cũng sẽ từ chối thôi, không nhận cụ đâu.       

Thôi, cụ cứ yên tâm ở đây, chờ khi nào được cấp giấy tờ cư trú hợp pháp đã, rồi bấy giờ mới xin chuyển lên Banmêthuột sau. Tôi không thể giúp cụ được gì đâu, đành chịu vậy thôi”. Lời khuyên có vẻ thành thật, thẳng thắn, không một chút “xã giao” nào, làm cho tôi chỉ còn biết thinh lặng, cam chịu, chờ đợi “một cái gì không biết” và xảy đến “lúc nào không hay”. Trong khi ấy, tôi không biết phải giải thích cho những người quen thân trên Banmêthuột, nhất là chắc chắc có Đức Giám Mục Banmêthuột thắc mắc: “Tại sao tôi lại xin về TP. HCM mà không xin trở lại Banmêthuột?”. Tôi biết Đức Giám Mục vẫn muốn cho tôi về Banmêthuột, vì giữa Ngài với tôi đã có một sự gắn bó mật thiết, lại nữa trước đây khi Ngài có dịp ra Hà Nội, Ngài đã từng nghe một cán bộ cao cấp trung ương hứa với các Đức Giám Mục rằng: “Các Linh mục đi cải tạo, khi được tha, thì sẽ được trả về các Tòa Giám Mục hết, chứ không bắt trở về gia đình riêng. Ngài nói thêm: “Thế mà bây giờ thì... như Cha thấy đấy”. Tôi đã hiểu thấu đàng sau câu nói bỏ lửng mà Ngài đã viết cho tôi ấy, tâm trạng Ngài chán chường biết chừng nào, có khi còn nhiều hơn tâm trạng tôi gấp bội. Quả thực là cho đến lúc này, ngồi đánh máy mấy dòng tự thuật, tôi cũng không hiểu lý do nào xui đẩy tôi vào hoàn cảnh như vậy, mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được cấp hộ khẩu và chứng minh nhân dân? mặc dầu tôi vẫn tuân thủ những qui định của nhà nước. 

Tôi lại có thời gian để trở về với âm nhạc. Trong thời gian cải tạo, lợi dụng những thời gian rảnh rỗi, tôi đã tìm cách sáng tác, nhờ một cuốn sách Kinh Phụng Vụ bằng tiếng La-tinh mà một anh em linh mục đã mang lén theo được, tôi dịch dần một số ca vịnh ra thơ Việt, rồi phổ nhạc vào những bài thơ đó. Tôi đã dịch được gần 30 bài ca vịnh và 5 bài thánh thi thì cuốn sách mất. Tôi đã làm được gần 30 bài ca vịnh lẫn thánh thi, chỉ sáng tác theo thể loại ca khúc chứ không theo thể loại đối ca. Nếu có dịp thì tôi sẽ ghi chép lại và cho phổ biến thử.

Sau gần 11 năm xa vắng, bây giờ tôi có dịp gặp lại anh em trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh xưa. Sau bao nhiêu biến đổi, mấy bạn thân thích cũ đã về đời sau như Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo đã từ trần lúc tôi còn ở trại cải tạo Thanh Cẩm, thêm mấy anh em nữa đã di tản ra nước ngoài mà tôi chưa được biết tin tức. Những anh em còn lại vùng Sàigòn lần lượt đến thăm tôi, khiến tôi cũng được an ủi và khuây khỏa, như linh mục Phạm Minh Tri,  linh mục Vương Diệu,  linh mục  Anh Kha, Duy Tân, Thiện Quang, Hải Ánh, Hiếu Anh... Trong một lần gặp nhau đông đủ, anh em đều đề nghị tôi đứng ra triệu tập anh em để bàn cách làm cho nhạc đoàn sinh hoạt trở lại, vì từ ngày anh Hùng Lân khuất đi thì nhạc đoàn không còn điều kiện hoạt động nữa, và cử tôi giữ chức Đoàn Trưởng. Nể lòng anh em, tôi phải nhận lời, dù cảm thấy mình không đủ sức khỏe để làm việc nữa. 

Từ đó thỉnh thoảng anh em thường đến nhà tôi để làm việc, xem lại nhuận sắc các tác phẩm thánh ca của nhau, chờ cơ hội thuận tiện thì cho phổ biến. Ít lâu sau, có mấy nhạc sĩ trẻ nghe biết tin tôi có mặt tại TP. HCM, và nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh sinh hoạt lại, liền tìm đến thăm tôi. Sau khi tìm hiểu tinh thần đường hướng và chủ trương của nhạc đoàn, liền nhận lời tôi mời gia nhập nhạc đoàn để chung nhau góp sức vào việc xây dựng nền Thánh Nhạc Việt Nam. Đến nay số đoàn viên lên tới trên 20 người, cả cũ lẫn mới. Tôi hy vọng nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh sẽ có thời cơ sinh hoạt lại với nhịp độ như những năm về trước.

Nhưng cách đây ít lâu, sau một lần bị cảm, bệnh cũ tái phát, miệng lại trở nên á khẩu, sức khỏe giảm sút đi nhanh chóng, trí óc không còn minh mẫn nữa, thì tôi cảm thấy rõ là mình không còn đủ sức đảm nhận vai trò Đoàn trưởng nữa, nên tôi đã ngỏ ý với anh em cho tôi được từ nhiệm. Để tôi được thanh thản mà chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng của cuộc đời trong bàn tay của Đấng TOÀN ÁI VÔ BIÊN.

Viết xong ngày 01 tháng 7 năm 2002
Lm. Giuse Lê Đức Triệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây