TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đón nhận nhau

16/02/2023 03:21:28 |   805

ĐÓN NHẬN NHAU

ccct 160223a


“Có một cô gái sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ máy bay. Và cũng có một anh thanh niên đang ngồi bàn bên cạnh.

Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người làm gì đó sột soạt ở bàn mình. Liếc nhìn qua tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự bàn bên đang với tay lấy bánh của cô bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình.

Một phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.

Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết cỡ nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi rời đi.

Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận và khinh bỉ đến tột cùng anh chàng kia. Tuy nhiên, các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người ta. Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.

Nhân gian vẫn có câu: “có chung có đụng”. Khi gần nhau, gì thì gì cũng có những đụng chạm, những va vấp, mâu thuẫn, hiểu lầm nhau. Nếu sống riêng biệt tách rời thì khó mà có sự đụng chạm, xích mích, bất đồng. Kinh nghiệm này có lẽ trong chúng ta ai cũng từng trải qua. Đơn cử một đám nhóc chơi chung với nhau một lúc rồi cũng có những cãi vã, dẫn đến khóc lóc giận hờn, để rồi người lớn phải đứng ra phân xử. Chuyện người lớn càng rõ hơn, chẳng hạn trong đời sống vợ chồng. Trước khi về chung sống với nhau hai bạn thường có rất ít những cuộc cãi vã bất đồng; cuộc sống toàn là màu hồng. Nhưng khi về sống chung một nhà, giữa đôi vợ chồng thường xảy ra những sự bất đồng, và mâu thuẫn ngày một nhiều hơn khi sự đụng chạm gần gũi thường xuyên xảy ra.

Mở rộng ra những chung đụng trong các mối tương quan khác ngoài xã hội. Chẳng hạn từ trước tới nay ta với người đó dù không thân thiết nhưng cũng tôn trọng và quý mến nhau. Thế nhưng khi cùng sinh hoạt, cùng làm việc với nhau thì mối tương quan đó không còn được êm đềm như trước đây. Chung sống với nhau, làm việc chung với nhau ta mới ngỡ ngàng nhận ra “bản chất thật” của họ. Những hình ảnh tốt đẹp trước đây dần bị thay bằng những nếp nghĩ, ấn tượng xấu xí. Hóa ra họ cũng chẳng tốt đẹp gì, thậm chí tầm thường, nhỏ nhen….

Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma đã khuyên nhủ: “anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15, 7). Mỗi người chúng ta, trước mắt, đón nhận nhau để sống đời sống gia đình, cộng đoàn, trong tương quan người với người và để cùng nhau sống chan hòa tình yêu thương, không đố kỵ, ganh ghét, tham lam, ích kỷ. Đón nhận nhau, chúng ta tin chúng ta sẽ được đón nhận vào sự sống đời đời của Đức Kitô; và nhờ đó có thể dẫn dắt chúng ta, cứu chúng ta ra khỏi những bất đồng, những nhỏ nhen, tầm thường của đời sống con người.

Thế giới vật chất mênh mông đã đành, thế giới tâm hồn của mỗi người càng bao la hơn nữa. Nên có khi một người đang ở bên cạnh ta, mà vẫn như xa cách nghìn trùng!

Ngày nay, khoa học tiến bộ, thế giới ngày một gần nhau hơn, nhưng con người thật sự đã hiểu nhau chưa? Vô tri bất mộ, không hiểu biết nhau, làm sao thương yêu. Đừng biến sự gần gũi thành khoảng cách, nhưng hãy làm cho khoảng cách trở nên gần gũi.

Có một câu chuyện phim Ấn Độ mang tên Khoảng Cách. Chuyện phim kể rằng:

Một buổi sáng đẹp trời, một chàng thanh niên lái xe đến sở làm, không may, anh đụng phải một đứa bé tuổi mới vừa lên 7. Đứa bé được chở đến bệnh viện cấp cứu. Tình trạng đứa bé không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó bị gãy chân, và có thể sẽ không thể trở lại bình thường được.

Điều đáng nói, đứa bé này lại là con trai duy nhất của một goá phụ tuổi chưa đầy ba mươi. Người goá phụ trẻ căm tức chàng trai, nàng nguyền rủa chàng thanh niên bằng những lời lẽ cay độc nhất. Điều đó có thể dễ hiểu: vì nàng quá thương con, là niềm an ủi duy nhất của nàng.

Khi chồng nàng mất không đầy một năm sau khi nàng sinh đứa con đầu lòng. Đứa bé xinh đẹp, thông minh và dễ thương, bỗng dưng đứa bé thành kẻ tật nguyền. Càng nghĩ càng căm hận! Sau một thời gian điều trị, đứa bé xuất viện. Chân được phẫu thuật thành công, không phải cắt, tuy vậy đứa bé đi đứng còn rất khó khăn, cần phải luyện tập nhiều mới có thể trở lại bình thường.

Mẹ đứa bé không thể nguôi ngoai được mối sầu hận trong lòng. Phần chàng trai, khoảng thời gian đứa bé ở bệnh viện, gần như lúc nào chàng cũng ở bên đứa bé. Khi đứa bé được xuất viện, mỗi sáng trên đường đi làm việc chàng tranh thủ ghé thăm. Buổi chiều chàng đến vui chơi với nó. Chàng động viên nó tập đi từng bước, như người mẹ tập cho con những bước đi chập chững đầu tiên. Chàng mua quà cho đứa bé, khích lệ đứa bé, cổ võ đứa bé mỗi khi nó đi được nhiều bước liên tiếp một cách tự nhiên như người không bị thương tích! Chàng nhẫn nhục.

Chưa bao giờ mẹ đứa bé ban tặng cho chàng một nụ cười! Điều đó có nghĩa là chàng chưa được tha thứ! Nhiều lúc chàng cũng muốn dùng tiền bồi thường trọn gói rồi quay lưng đi bỏ mặc sau lưng một goá phụ trẻ kiêu kỳ và sắt đá, nhưng chàng thật sự thương đứa bé. Chàng muốn trả lại cho đứa bé một cuộc sống bình thường, hay ít ra là không đến nỗi tồi tệ.

Rồi ngày tháng dần qua, những nỗ lực của chàng đã đem lại kết quả rất khả quan. Những bước chân của đứa bé tuy dù còn đôi chút vụng về, cũng như trên gương mặt mẹ nó còn vương nét lạnh lùng, nhưng tiếng cười đã tìm lại được trong căn nhà vốn thường ngày vắng vẻ ấy.

Rồi một chiều nọ, chàng nói lời từ giã hai mẹ con. Đứa bé ôm lấy chàng và hồn nhiên nói: Sao chú không ở lại với cháu luôn vậy chú? Được rồi, được rồi! Chàng nhanh nhẩu trả lời, - Cháu ngoan nhé! Chú sẽ thường xuyên đến thăm cháu mà! Nhớ phải tập đi, tập chạy nhiều nữa nhé! Hôm nào ra bãi biển chạy đua với chú nha! Chạy thắng chú là có quà to cho cháu đấy! Mẹ nó im lặng.

Một buổi sáng Chúa Nhật trên bãi biển, đứa bé chạy đùa giỡn với chàng. Nó nắm tay kéo Mẹ nó lại bên nó để cùng hốt cát đắp ngôi nhà thật to. Nó nói: “Chú với mẹ nhặt những viên sỏi đẹp lót xung quanh nhà nhen”. Nó chạy tung tăng, hí ha hí hửng. Đôi chân nó đã mạnh thật rồi! Nó vui quá. Nó không còn nhớ gì đến vết thương nữa. Bóng đứa bé sáng rực và lấp lánh trên bãi biển như cánh hải âu đang lấp lánh trong ánh nắng bình minh. Chàng nhìn theo đứa bé. Lòng vui khôn tả. Người goá phụ trẻ nhìn theo con mình, nụ cười rạng ngời không tắt trên môi.

Bất chợt hai người nhìn nhau. Niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi. Cả hai cùng cười. Họ đã quên khoảng cách tự bao giờ? Mới hôm nay hay đã từ lâu? Điều đó chỉ có hai người biết! Dường như có chút gì e thẹn sau cái nhìn bất chợt ấy.

Nàng cúi xuống như để che dấu một điều gì từ cõi thâm sâu của lòng nàng. Bất ngờ nàng nhìn thấy một viên sỏi lớn đang lấp lánh trong nắng. Chàng cũng thấy. Nàng cúi xuống nhặt. Chàng cũng nhặt. Bàn tay của nàng đặt lên viên sỏi. Bàn tay của chàng đặt lên tay nàng. Nàng không rút bàn tay lại. Chàng cũng không. Tiếng sóng biển vẫn muôn thuở rì rào như tiếng tơ lòng muôn thuở vẫn ngân nga. Chú! Mẹ! con nhặt được một bụm sỏi rồi nè! Mẹ và chú được nhiều không?

Đứa bé chạy lại hỏi. Không có câu trả lời. Chỉ có một viên sỏi duy nhất hai người không nhường nhau! Cả hai đều đang cố giữ lấy viên sỏi ấy! Vì viên sỏi ấy đã hóa kiếp thành viên kim-cương-hạnh-phúc! Mà hạnh phúc thì phải hai người giữ mới được vẹn toàn! Và như thế, bạn đã biết phần kết luận của câu chuyện này rồi chứ?

Cách nào là do định mệnh, khoảng cách nào là tại chúng ta? Không có làn ranh nào rõ ràng cả! Tận nhân lực, tri Thiên mệnh. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình, bằng tất cả nghị lực, để xoá tan khoảng cách của hận thù, để trái tim lên tiếng tình thương!

Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng! (Ca dao)

Vâng, Tình Thương xóa tan mọi khoảng cách! Và khoảng cách chỉ được mất đi khi biết đón nhận nhau.

 

16/02/2023
HỒNG LONG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây