TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân: Hiệp Hành

18/07/2022 06:10:31 |   1210

Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân: Hiệp Hành

Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân: Hiệp Hành

Trong các Hội nghị về Hiệp Hành gần đây, vấn đề giáo sĩ trị được nhiều người quan tâm, chia sẻ, góp ý. Đức Giáo hoàng Phanxicô định nghĩa về chủ nghĩa giáo sĩ trị như sau: “Chủ nghĩa giáo sĩ trị phát xuất từ cái nhìn đặc quyền và ưu tuyển về ơn gọi, theo đó chức vụ được nhận lãnh bị xem như là một quyền lực để hành xử, hơn là một ân sủng nhưng không và quảng đại để phục vụ và trao ban. Chủ nghĩa giáo sĩ trị khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một tầng lớp cao cấp, có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề và không còn cần phải lắng nghe hoặc học hỏi bất cứ điều gì. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một sự sa đọa của hàng giáo sĩ” (Diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới trẻ, 03.10.2018).

“Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng”, bài Thánh ca rất hay của Nhạc sư Kim Long đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ câu hát ấy, nên sau này sửa lại là “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng tư tế” và hiện nay là “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng vinh phúc”.

Cũng tại các buổi Hội nghị về Hiệp Hành, nhiều câu hỏi thắc mắc về hình ảnh đoàn người trong Logo THĐGM 2023 và được giải thích khá rõ ràng, như sau:

Đoàn người gồm 15 bóng người, khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc. Điều này được mô tả bằng các màu sắc tươi sáng, vốn biểu trưng cho niềm vui, không có tính chất phẩm trật. Giám mục và tu sĩ không đi trước nhưng ở giữa và “bước đi cùng nhau” hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành.

Qua các Hội nghị về Hiệp Hành, cũng có vài ý kiến về việc sử dụng từ ngữ: Giáo Sĩ và Giáo Dân. Từ điển Việt Nam định nghĩa: - Giáo sĩ là người truyền đạo Thiên Chúa, từ chức linh mục trở lên. - Giáo dân là người dân thường, theo đạo Thiên Chúa, không phải là giáo sĩ, tu sĩ. Định nghĩa này nghe có vẻ mơ hồ, không mấy thuyết phục và không mang tính hiệp hành.

Cha Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn có bài viết giải thích như sau:

Trước hết, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua bí tích rửa tội, người tín hữu Chúa Kitô trở nên “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền tối tăm vào nơi ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân. Nay anh em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót (của Chúa), nay anh em đã được thương xót” (1 Pr 2: 9-10).

Trên đây là vinh phúc và là danh hiệu cao quí nhất của người Kitô hữu với tư cách là Dân mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội, theo Thánh Phêrô. Không có danh hiệu và vinh dự nào cao trọng hơn nữa. Chính vì vinh phúc này mà Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Với anh em tôi là Kitô hữu. Cho anh em tôi là Giám mục. Kitô hữu là một ân sủng trong khi Giám mục là một trách nhiệm nguy hiểm.”

Tuy nhiên, sống trong Giáo Hội, người tín hữu không có chung một chức năng và nhiệm vụ như nhau. Ngược lại, theo Thánh Phaolô, thì “anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (x. 1 Cor 12: 27-28).

Như thế, tuy khác nhau về vai trò và trách nhiệm, nhưng mọi thành phần dân Chúa đều bổ túc cho nhau và cùng nhau phục vụ để mở mang Nước Thiên Chúa và xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô giữa trần gian.

Theo giáo lý, tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội, thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa, được lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến nhờ bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, là “nguồn mạch và là đỉnh cao của đời sống Kitô Giáo” (LG. số 11). Người tín hữu được mời gọi sống trong ba ơn gọi hay bậc sống khác nhau. Đó là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân có gia đình. Ngày nay có thêm một bậc sống nữa là bậc độc thân, tức những người không thuộc ba bậc sống nói trên.

Phân chia như vậy vì ơn gọi riêng biệt của từng người theo kế hoạch của Thiên Chúa chứ không có mục đích phân biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém theo tiêu chuẩn người đời.

Nói về ba bậc sống hay ba ơn gọi đặc biệt trên, Giáo lý hiện hành của Giáo Hội dạy như sau: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có những tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật được gọi là giáo sĩ, những tín hữu khác được gọi là giáo dân. Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có những tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của Phúc âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội. (bậc tu sĩ)” (x. SGLGHCG, số 934)

Nói khác đi, một số tín hữu được mời gọi để sống và thi hành nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tức là đáp lời mời gọi của Chúa, được huấn luyện chuyên môn để nhận lãnh các chức thánh (Holy Orders) cần thiết cho việc phục vụ Dân Chúa trong Giáo Hội. Cụ thể như sau:

1- Hàng Giáo Sĩ (clergy) bao gồm những người được gọi để lãnh nhận các chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Đó là thành phần của hàng giáo sĩ thừa tác (ministerial clergy).

2- Hàng Tu Sĩ (Religious) là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh (chastity) khó nghèo (poverty) và vâng phục (obedience) trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp theo giáo luật. (x. cans. 573-76).

3- Giáo Dân (Laity): Theo định nghĩa trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (Ánh Sáng muôn dân) của Thánh Công Đồng Vaticanô II, thì “danh diệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận.” (x. LG. số 31).

Tóm lại, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm nhưng các thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân (bậc độc thân và bậc có gia đình) đều là người tín hữu Chúa Kitô, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua bí tích rửa tội, trở nên “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa”. Do đó, đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết để tất cả đều được hy vọng cứu độ vì “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (x. 1Tim 2:4). (trích bài viết của Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn).

Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều là người tín hữu Chúa Kitô, đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, nhưng tại sao chủ nghĩa Giáo sĩ trị vẫn tồn tại? Người ta đã phân tích rất nhiều, về đủ mọi khía cạnh và đưa ra những phương thuốc đặc trị.

Thánh Phêrô nói: “Anh em đừng dùng quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã trao phó cho anh em” (1 Pr 3, 5). Ngài nói thêm: “Tôi khẩn nài anh em hãy chăn dắt đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho anh em và hãy nhiệt thành săn sóc đàn chiên ấy. Hãy làm công việc của anh em không phải để chỉ nhận thù lao, nhưng từ khao khát thực sự muốn phục vụ. Đừng thống trị những người được ủy thác cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đàn chiên” (1Pr 5, 2-3).

Giải pháp thực ra rất đơn giản, Chúa Giêsu đã chỉ dạy trong phúc âm, nếu chúng ta biết nghe và thực thi lời Ngài. “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Khiêm tốn thật sự từ nội tâm, bởi vì giáo sĩ ngày nay không còn là nguồn tri thức và kinh nghiệm cho mọi người tham chiếu, học hỏi như xưa nữa. “Giữa anh em ai làm lớn hãy phục vụ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mc 10, 44-45 ).

Vậy thái độ đúng đắn của giáo sĩ là nên biết lắng nghe, tìm hiểu một cách hết sức khiêm tốn. Khiêm tốn như lời Chúa dặn: Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). Khiêm tốn như câu nói của thánh Gioan Tiền Hô: Ngài cần được lớn lên, còn tôi thì nhỏ bé đi” (Ga 3, 30). Giáo sĩ là đại diện Chúa Kitô. Nhiều người lầm tưởng như mình là Chúa, rồi sinh ngạo mạn, xem thường người khác. Như con lừa chở vua: thấy người ta tung hô vua mà cứ tưởng họ đang tung hô mình.

Tìm an nhàn và vinh hoa, lợi lộc vật chất trong nếp sống tu trì, chỉ có thể là người làm thuê chứ không phải là mục tử: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Đời tận hiến là biết quên mình mà vác thập giá, chết cho chính mình. Nạn giáo sĩ trị chỉ kết thúc khi giáo sĩ dẹp được tính kiêu căng, coi sứ vụ là sự hy sinh và tận tâm phục vụ.

Để kết thúc cho bài viết, xin kể lại câu chuyện vui của Cha Giuse Lê Quang Uy, CSsR:

Chuẩn bị cho ngày Lễ Mở Tay của cha trẻ tại Giáo xứ Kỳ Đồng, tôi nghe vọng từ Nhà Nguyện xuống tiếng trầm bổng các thầy đang tập hát: “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng…” Giật mình, sao lại… khanh tướng cơ chứ? Theo vốn liếng Hán Việt chút đỉnh của mình, tôi hiểu: khanh là quan văn, tướng là quan võ. Thế ra làm Linh Mục là làm quan làm tướng trong triều đình sao? Đã có quan thì phải có dân, quan cai trị dân, chuyện hợp lý thôi! Nhưng so chiếu với Linh Mục và Giáo Dân thì không ổn rồi.

Một lần, về dự Lễ phong chức tại một Giáo phận nọ, đang khi đoàn rước đang đứng chờ di chuyển ra Lễ đài, loa phóng thanh vang dội tiếng ca đoàn hợp xướng, cũng… “nâng con lên hàng khanh tướng”. Một Cha nổi tiếng nghịch ở Sàigòn nói to, ít là các Cha đứng gần đều nghe rõ: “Từ Bastos, Chúa nâng con lên hàng… Ba Số!” Có mấy Cha khúc khích cười. Có Cha chưa kịp hiểu nên thắc mắc: “Ba Số là thế nào?” Cha kia tận tình giải thích: “Ừ thì khi làm thầy chỉ đủ tiền hút thuốc lá Bastos, nhưng khi làm cha rồi thì tha hồ mà…”

Chuyện tiếu lâm này tôi nghe mà không cười được, bởi nó mỉa mai châm biếm đến mức thấy đau nhói trong lòng… Cũng vì bản thân tôi có tật hút thuốc lá, bỏ mãi chưa được, dù chỉ là Bastos. Có lần cha già Trần Hữu Thanh, một cây đại thụ của DCCT, gần 90 tuổi, bảo tôi: “Chú cứ tưởng tượng, tớ bỏ được thuốc lá, tính ra mỗi tháng đủ tiền lo học bổng cho 5 đứa bé nhà quê đi học!”

Vậy rõ ràng đâu thể nào là khanh là tướng ở đây! Cuộc đời tận tuỵ khó nghèo của cha già Vũ Ngọc Bích đâu có một nét nhỏ nào là của một ông quan bệ vệ oai phong? Chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch, Cha đã ngược xuôi đi giảng khắp nơi, lại đang ở chỗ “thanh cao” mà tự nguyện ra Bắc mà gánh lấy “phong trần”, cả một thời gian dài như thể bị giam lỏng, tai mắt chung quanh để ý đến từng lời ăn tiếng nói. Đến lúc tuổi cao sức yếu phải nằm một chỗ, vẫn cứ bảo đàn con mắc cho cái loa nho nhỏ từ Nhà Thờ vào tận giường để lúc nào cũng có thể hiệp thông với từng bài giảng, câu kinh, tiếng hát của cộng đoàn. Lại vẫn cứ tận tuỵ ân cần linh hướng khuyên bảo cho người thân sơ, cho khách gần xa, còn sẵn sàng làm Cha giải tội cho cả các Đức Cha, cho cả Đức Hồng Y…

Hóa ra đã có một tấm gương Linh Mục chói sáng rực rỡ cho mọi Linh Mục soi chung: Người là Giêsu, Thầy Cả Thượng Phẩm, Tư Tế đời đời.

Quan ngoài xã hội thì dân phải cơm bưng nước rót, quỵ luỵ chầu chực, đem dâng đem nạp toàn thứ quý hiếm,… Đức Giêsu thì ngược lại: mấy năm liền tất tả đi chỗ này đi chỗ kia, vừa giảng dạy, vừa chữa lành các bệnh nhân, đặc biệt đối với người nghèo khó bị bỏ rơi; đến khi phải chia tay, lại quỳ xuống ân cần rửa chân cho các môn đệ của mình, trân trọng thết đãi họ một bữa đại tiệc mà các món ăn là chính Mình và Máu cực Thánh của Người; cuối cùng, chết thay tất cả trên Thập Giá khốn khổ, khơi nguồn Ơn Cứu Độ thành một trận mưa dịu mát từ cạnh sườn Người cho toàn nhân loại… (Lm. Giuse Lê Quang Uy, CSsR).

Ước chi, Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân cùng hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: gặp gỡ, lắng nghe, phân định và được biến đổi trong Chúa Thánh Thần qua Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.

Vũ Đình Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây