TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhìn lại tiến trình hiệp hành

16/08/2022 01:50:37 |   932
Nhìn lại tiến trình hiệp hành về Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận
 
ccct 160822a
Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hội Thánh Việt Nam tích cực tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo phận. Theo quyết định của Hội đồng giám mục Việt Nam, 27 Giáo phận trên cả nước đã cử hành Thánh Lễ khai mạc vào Chúa nhật I Mùa Vọng, ngày 28/11/2021. Trong suốt tiến trình hiệp hành này, các cộng đoàn tín hữu thường xuyên cầu nguyện cho Thượng hội đồng được tiến hành cách tốt đẹp trong ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Qua Bản tổng hợp của Văn phòng thư ký HĐGMVN về Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận toàn quốc “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, nhìn chung là tốt đẹp.
Văn phòng thư ký HĐGMVN kết luận: “Chúng tôi xem tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận là cuộc thao luyện thiêng liêng, và “gặp gỡ - lắng nghe - phân định” là những bước căn bản của linh đạo hiệp hành, làm nên một cách thế hiện diện mới của Hội Thánh. Vì thế việc tổng kết tiến trình này không phải là sự kết thúc nhưng đúng hơn là sự khởi đầu một hành trình mới. “Hiệp hành” phải là một lối sống cần được kéo dài chứ không chỉ là khẩu hiệu phong trào hoặc kế hoạch mang tính thời vụ. Hy vọng rằng với linh đạo hiệp hành, chúng tôi sẽ cùng nhau sống và vun đắp ngày càng rõ nét hơn hình ảnh Hội Thánh hiệp hành, một Hội Thánh của hiệp thông và tham gia để phục vụ sứ mạng Đức Kitô trao phó cho chúng ta.”
Văn phòng thư ký HĐGMVN thực hiện bản Tổng hợp toàn quốc và trình bày theo ba phần chính, cũng là ba bước của tiến trình hiệp hành: (1) Gặp gỡ; (2) Lắng nghe; (3) Phân định.
Ở phần (1) Gặp gỡ, Bản tổng hợp ghi nhận: “Nhìn chung, khoảng 35% các tín hữu đã tham gia vào tiến trình gặp gỡ và thỉnh ý. Họ tham gia cách tích cực, nhiệt tình, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, và mong muốn có thêm những cuộc gặp gỡ thỉnh ý trong tương lai. Họ cảm nhận niềm vui khi tham gia tiến trình hiệp hành vì (1) cảm nhận một luồng gió mới đang thổi vào đời sống Hội Thánh; (2) được lắng nghe và góp ý cho việc xây dựng Hội Thánh; (3) cảm nhận mình thuộc về Hội Thánh cách rõ nét hơn.
Trở ngại lớn của tiến trình thỉnh ý là thời gian có hạn, hơn nữa lại trong giai đoạn dịch Covid-19 nên không thể triển khai đầy đủ hơn.”
Ở phần (2) Lắng nghe, Bản tổng hợp tóm kết: “Hầu hết mọi người cảm nhận và khẳng định tinh thần hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh. Tuy nhiên cũng có những hoàn cảnh chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh: anh chị em di dân ngoại kiều cũng như nội địa cảm thấy mình bị bỏ rơi vì không được quan tâm, không biết mình thuộc về đâu, đôi khi có cảm giác bị xua đuổi; các đôi hôn phối đã ly dị và tái hôn thấy mình như ở bên lề Hội Thánh; những người khô khan nguội lạnh hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội xa lánh những sinh hoạt trong Hội Thánh.
Về những rào cản cho sự hiệp thông, có những lý do khách quan như vì hoàn cảnh phải sống xa giáo xứ nên không tham gia các sinh hoạt và dần xa cách; cũng có lý do chủ quan như não trạng cục bộ địa phương, mặc cảm tự ti về trình độ hoặc khả năng. Các chủ chăn cũng có phần trách nhiệm về điều này: đa số các chủ chăn luôn sẵn sàng đón tiếp, gặp gỡ, lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, nhưng cũng còn một số linh mục ứng xử cách độc đoán, gia trưởng với giáo dân.”
- “Những cản trở trong việc lắng nghe là sự chênh lệch tuổi tác, nếp suy nghĩ, giới tính, năng lực, nhất là tính kiêu căng, tự mãn, “cái tôi” quá lớn của mỗi người, cách riêng là những người lãnh đạo.”
- “Các linh mục không nên coi những người tham gia Hội đồng giáo xứ như những người thừa hành, nhưng như những cộng sự viên của các ngài.”
- “Vẫn có tình trạng giáo dân, tu sĩ, linh mục còn e dè không dám lên tiếng trước cách hành xử độc đoán của bề trên vì sợ bị trù giập. Không dám nói lên sự thật, không dám góp ý với chủ chăn nhưng lại bàn tán với nhau và phê phán sau lưng.”
- “Công tác bác ái xã hội được nhiều người hưởng ứng vì là việc làm phù hợp với Lời Chúa và truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên cũng có cảnh báo về nguy cơ làm việc bác ái vì chuộng thành tích, đánh bóng tên tuổi, hoặc làm theo phong trào.”
- “Trong thời kinh tế thị trường, di cư để tìm công ăn việc làm là tình trạng phổ biến. Rời bỏ làng quê quen thuộc để hội nhập vào môi trường sống mới là thách thức lớn cho anh chị em di dân. Trong đời sống đức tin cũng thế, nếu không được nâng đỡ và đồng hành, nhiều anh chị em sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi vì không biết mình thuộc về đâu, đôi khi còn có cảm giác bị xua đuổi. Các Giáo phận cần quan tâm đến nhu cầu mục vụ này nhiều hơn và có những hướng dẫn cụ thể cho các linh mục trong việc chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân.
- Với những đôi hôn phối đã ly dị và tái hôn, các mục tử cần có thái độ mục vụ thích hợp, giúp họ cảm nhận mình vẫn là thành viên trong gia đình Hội Thánh. Có Giáo phận đề nghị Hội đồng giám mục nên có hướng dẫn cụ thể để giải quyết cho các đôi hôn phối đã đổ vỡ lâu năm và không thể hàn gắn; quy định rõ về thời gian nhất định mà Hội Thánh cần để đưa ra phán quyết về Bí tích Hôn Phối của đương sự đã đệ đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu. Vấn đề là phải làm thế nào để sự đồng hành này vừa không làm giảm bớt giá trị của Tin Mừng về hôn nhân bất khả phân ly, vừa thể hiện lòng thương xót vô biên của Cha trên trời, nhờ đó những người ly dị tái hôn cảm thấy mình không bị loại trừ nhưng vẫn là thành viên sống động trong gia đình Hội Thánh.
- Nhiều gia đình trẻ cho rằng Hội Thánh quá ngặt nghèo về việc tiết chế trong đời sống tình dục vợ chồng, và mong Hội Thánh cảm thông cho họ khi phải dùng đến những phương pháp tránh thai nhân tạo như một phương thế chẳng đặng đừng để gìn giữ hạnh phúc gia đình.
- Chính các giám mục, linh mục, tu sĩ phải là những người đi bước trước và nêu gương về sự hiệp thông. Các giám mục nên chủ động đến với các linh mục để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các linh mục, nhờ đó các linh mục cảm nhận sự gần gũi với giám mục. Giáo dân mong muốn các linh mục sống khó nghèo và giản dị, gần gũi với mọi người, nhất là người nghèo và những hoàn cảnh bất hạnh. Cản trở lớn nhất của hiệp thông là “cái tôi” quá lớn của mỗi người, nhất là những người lãnh đạo. Vì thế lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29) cần thiết hơn bao giờ trong một Hội Thánh hiệp thông.
- Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, việc vận dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng là đòi hỏi cần thiết, nhờ đó có thể đồng hành và lắng nghe tiếng nói giáo dân, kịp thời thông tin và hướng dẫn đời sống đức tin, giới thiệu vẻ đẹp của Tin Mừng. Để đạt mục đích này, cần gây ý thức và đào tạo các tín hữu về đạo đức truyền thông.”
Khi triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người đã chịu phép Rửa tham gia vào tiến trình hiệp hành. Ý tưởng về một Hội Thánh hiệp hành có nền tảng sâu xa từ Thánh Kinh, và Giáo huấn của Hội Thánh. Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã muốn quy tụ những người đi theo Người thành một cộng đoàn được cứu độ không loại trừ ai (xem Gioan 10,16; 14,25-26; Mt 15,21-28; Gioan 4,1-9; Cv 10,34). Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” cũng khẳng định: “Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa” (LG 13), và “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi có sự đồng thuận từ các giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá” (LG 12).
Tóm lại, mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tham gia tiến trình hiệp hành, đặc biệt những thành phần có nguy cơ bị loại trừ, những thành phần được xem như sống bên lề: đó là người nghèo, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người cao tuổi, phụ nữ, người ít khi đi lễ nhà thờ. Hơn nữa, còn phải lắng nghe cả những người đã bỏ đức tin, những người thuộc các tôn giáo khác, những người không tin, v.v… (Gs 1).
Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam gồm 27 Giáo phận với số giáo dân 7.294.713 người, chiếm tỉ lệ 7,21% trên tổng dân số tại Việt Nam. Với khoảng 35% các tín hữu đã tham gia vào tiến trình gặp gỡ và thỉnh ý; đó là một con số còn khá khiêm tốn. Ước chi, ý tưởng về một Hội Thánh hiệp hành của Đức Thánh Cha Phanxicô và lời mời gọi mọi người đã chịu phép Rửa tham gia vào tiến trình hiệp hành được thực hiện dưới Ánh sáng Chân lý vẹn toàn của Chúa Thánh Thần.
Vũ Đình Bình
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây