Tôi là thợ gặt của Chúa
“Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành. Để nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông Đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời.”
Những dòng chữ trên đây là nội dung một bài thánh ca có tên: “Lời nguyện truyền giáo”. Bài thánh ca này được sáng tác bởi nhạc sĩ Hoài Chiên.
Đúng! “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt.” đúng là lời Chúa Giê-su đã phán truyền, năm xưa. Lời phán truyền này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 10, 1-12, 17-20).
**
Theo lời thánh sử Luca ghi lại: Một ngày nọ, Đức Giê-su đã “chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”
Chỉ định bảy-mươi-hai-người-khác, trong khi còn đó Nhóm Mười Hai, phải chăng là do nhu cầu nhân sự!
Có… có thể là vậy! Có thể là vậy, bởi sau khi đã chỉ định bảy-mươi-hai-người-khác, Đức Giê-su có lời tiếp rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Vâng, thợ-gặt-lại-ít chẳng phải là nhu-cầu-nhân-sự đang rất khẩn thiết, đó sao!
Thật ra thì, trước đó Đức Giê-su cũng đã “tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.” Sau đó, Ngài sai các ông đi “rao giảng Nước Thiên Chúa”. (Lc 9, 1-2).
Trở lại với nhóm bảy mươi hai. Các ông đã ra đi. Ra đi với nhiệm vụ Đức Giê-su trao phó, đó là loan báo cho mọi người biết: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.
Các ông đã đi, và rồi các ông trở về, trở về hớn hở nói với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, nghe danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” (Lc 10. 17).
Nghe thế, phản ứng của Đức Giê-su thế nào! Thưa, chúng ta có thể nghĩ rằng, Đức Giê-su không ngạc nhiên cho lắm. Không ngạc nhiên là bởi, Ngài biết mình-là-ai.
Và, đó chính là lý do Đức Giê-su đã bảo các ông: “Thầy đã thấy Sa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.”
Cuối cùng, Đức Giê-su nhấn mạnh: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10, 20).
Dù vậy, sự kiện “ma quỷ cũng phải khuất phục” như một minh định cho lời ngôn sứ Isaia đã nói, năm xưa: “Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ xanh.” (Is 66, 14).
***
Như đã nói ở trên, Đức Giê-su cũng đã “tập họp Nhóm Mười Hai lại…”. Nhóm Mười Hai gồm có các ông: “Đó là An-rê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan, sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông An-phê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot.”
Còn với quý ông ở nhóm Bảy Mươi Hai! Thưa, thánh sử Luca không nói gì đến tên tuổi, quê quán của những vị này.
Điều này có làm cho chúng ta ngạc nhiên! Vâng, đừng ngạc nhiên. Đừng ngạc nhiên vì theo một số nhà thuyết giảng suy luận, không đặt tên một số nhân vật trong một số câu chuyện, là do tác giả có hàm ý muốn nói, rằng có thể nhân vật đó là chúng ta.
Lấy ví dụ, nhân vật ông nhà giàu (không có tên) trong “dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô”. Biết đâu, một lúc nào đó, coi chừng tên của chúng ta được gắn sau danh xưng ông nhà giàu.
Thêm một ví dụ, đó là nhân vật người-con-thứ trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”. Tên của anh ta cũng để trống. Ai biết được, một ngày nắng ấm nào đó, tên của chúng ta sẽ được “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”, chăng!
Trở lại nhóm Bảy Mươi Hai. Tên của họ để trống. Để trống chẳng phải là để mỗi chúng ta điền tên mình vào, đó sao!
Vâng, hãy điền tên mình vào! Vì đó là điều chính đáng, chính đáng bởi: “Theo con số thống kê (năm 2010) thì thế giới hiện có 7 tỷ người; nhưng chỉ có 1,5 tỷ (?) người biết Chúa. Như vậy có 100 đồng lúa chín, chỉ có hơn 2,6 cánh đồng có thợ gặt, còn 97,4 cánh đồng không có thợ. Riêng tại Việt Nam 86 triệu người, chỉ có 6 triệu người Công giáo, được 7% biết Chúa, còn 93 % thì chưa theo Chúa.” (nguồn: vietcatholic.news).
Con số 7%, nếu tôi (người viết) không lầm, có vẻ như là một con số “chết” suốt khoảng năm mươi năm qua, thì phải!
Phó tế GB. Maria Nguyễn văn Định, qua bài viết “thợ gặt lại ít”, nói lên nguyên nhân “còn 93 % thì chưa theo Chúa”, là do: “ít (người) đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong Hội Thánh; hay có chức vụ nhưng ít nhiệt tâm, ít có tư cách đạo đức, ít có tấm lòng, ít xứng đáng để phục vụ con người và ít làm chứng nhân cho Chúa.”
Thật đáng trân trọng khi ngài phó tế có thêm lời thú nhận: “Bạn và tôi có thể còn vương vấn tiền bạc, của cải… và nhất là ít có một tấm lòng nhiệt huyết mà Chúa đã ban cho, để đem ra chia sẻ cho người khác. Tôi vẫn còn dùng những phương tiện Chúa cho để hưởng thụ, làm mất tác phong và nhân cách, thoái hoá, tham mê trần tục, làm gương xấu gương mù cho mọi thành phần trong Giáo hội và những người lương dân và các tôn giáo bạn.” (nguồn: vietcatholic.news).
Thông tin do ngài phó tế cung cấp, có làm chúng ta ray rứt? Nếu có, chúng ta hãy cất tiếng hỏi Chúa: “Con phải làm gì ôi Lạy Chúa? Khi quê hương Tin Mừng chưa lớn. Con phải làm gì ôi Lạy Chúa? Khi bao người còn yếu niềm tin. Con phải làm gì, con phải làm gì, con phải làm gì thì Lạy Chúa xin Ngài phán đi.”
****
Vâng, để con số 7%, không-dậm-chân-tại-chỗ, chúng ta hãy tuân theo lời Đức Giê-su truyền dạy, đó là: “Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Nhớ! Khi đến với chủ mùa gặt, hãy đến với một “con tim”, một con tim: bác ái, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường. Nói cách khác, đó là một con tim “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”.
Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội đã cho chúng ta biết rằng, tất cả những sứ giả loan báo Tin Mừng, động lực thúc đẩy các vị đó ra đi đều phát xuất bởi “con tim”. Đức Cha Jean Cassaigne được gọi là “Giám mục của người cùi”, như điển hình.
Đức Giê-su, khi chỉ định “bảy mươi hai người khác”, Ngài đã nói: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”. Trái lại, Ngài đã khuyên những vị sứ giả của mình “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Chúc Bình An, đó chẳng phải là một cử động của con tim, một con tim tràn đầy lòng nhân ái, sao!
Về chuyện “tiền bạc”, tưởng chúng ta nên nhìn tấm gương hai vị sứ giả tiên khởi là tông đồ Phê-rô và Gioan. Ra đi không tiền bạc, nhưng hai vị vẫn được xem là những vị sứ giả đem đến sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân.
Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng: Một hôm, ông Phê-rô và ông Gioan lên Đền Thờ. Cùng lúc đó, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày người ta đặt anh ta bên cửa Đền Thờ, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.
Vừa thấy hai vị tông đồ đi đến, anh ta liền xin bố thí. Hai vị tông đồ nhìn thẳng vào anh ta, và niên trưởng Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây”. Ôi! trời ạ! Tưởng rằng ngư phủ Phê-rô cho anh ta vài ký lô cá, cá khô Biển Hồ, thế nhưng, ai ngờ ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây”.
Tông đồ Phê-rô có cái gì? Thưa, “lòng thương xót của Đức Giê-su người Nazareth”.
Hôm đó, ngài Phê-rô lớn tiếng nói với anh ta rằng: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi”. Đẹp thay dấu chân người sứ giả loan báo Tin Mừng. Hôm đó, anh què “đứng phắt dậy, đi lại được” (x.Cv 3, 1-10).
Như… như anh què, “đứng phắt dậy, đi lại được”, hôm nay, chúng ta cũng hãy… “Hãy chỗi dậy mà đi… (đi) gieo Tin Mừng bình an. Hãy chỗi dậy mà đi… (đi) truyền tin vui, Chúa yêu gian trần.” (CON PHẢI LÀM GÌ? – Lm. Paul Xuân Đường).
Có như thế, con số 7%, sẽ trở thành con số lũy tiến, tăng dần theo năm tháng. Và, hơn thế nữa, nó còn bảo đảm “tên chúng ta sẽ được ghi trên trời.”
Trong khi chờ đợi ngày Đức Giê-su xướng danh tên mình, nhớ: truyền giáo phải thật sự là công việc của chúng ta. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, hãy nhớ: Tôi là thợ gặt của Chúa.
Petrus.tran
Những tin cũ hơn