Vẻ đẹp Tâm Hồn
Ngày xưa có một nàng công chúa rất xinh đẹp. Nàng luôn tự hào về nhan sắc của mình và rất thích được khen ngợi. Chính vì vậy, nàng xin vua cha mở hội thi tìm người đẹp nhất trong vương quốc và được nhà vua đồng ý.
Những bức thư ngắn nói về nhan sắc của người phụ nữ ấy sẽ được gửi lên, nếu lá thư nào làm cho nhà vua bị cuốn hút thì người con gái xinh đẹp ấy sẽ được diện kiến vua. Hàng trăm nghìn lá thư được gửi đến, ai cũng tả về nàng bằng những lời khen ngợi rất là hoa mỹ với mong muốn đoạt giải. Riêng công chúa, nàng đang say sưa hạnh phúc trong muôn lời ca tụng, bỗng giận điên lên khi đọc một lá thư: “Người phụ nữ đẹp nhất trong cháu là mẹ cháu. Mẹ có đôi mắt luôn ánh lên những tia yêu thương, một đôi môi luôn nở nụ cười ấm áp, một đôi tay chai sần nhưng không khác gì chiếc đũa thần của bà tiên: luôn biến ra những gì cháu muốn. Không như công chúa suốt ngày chỉ biết chăm sóc sắc đẹp, mẹ cháu làm việc cả ngày để gia đình và những người xung quanh hạnh phúc. Khi mẹ cười rất đẹp, khi mẹ hát ru cháu ngủ rất đẹp nhưng đẹp nhất vẫn là khi mẹ nhễ nhại mồ hôi giữa trưa nắng gắt. Mẹ cháu là một người phụ nữ xinh đẹp mà cháu không thể so sánh với bất kì ai trên cõi đời này”.
Ngay lập tức, nàng cho gọi tác giả của bức thư và xin vua cha trừng trị tên láo xược này. Thật bất ngờ đó lại là một cậu bé và bất ngờ hơn nữa nhà vua đã rơi lệ khi xem thư. Ngài cho mời mẹ cậu bé vào và ra lệnh chém cậu bé làm gương. “Mẹ cậu là một người phụ nữ đen đúa, tay chân lấm lem bùn đất sao cậu lại bảo đây là người phụ nữ đẹp nhất...”, nhà vua quát. Cậu bé chưa kịp lên tiếng thì mẹ cậu đã khóc lóc van xin được chết thay cho con. Bên ngoài, dân chúng không rõ từ đâu kéo đến xin được chết thay cho người mẹ nọ vì bà ấy là người nhân ái và xinh đẹp nhất mà họ đã gặp. Những giọt nước mắt khẩn thiết trên khuôn mặt rất thánh thiện đầy lòng nhân ái của người mẹ khiến nhà vua không kiềm lòng được phải thốt lên: “Bà đúng là người phụ nữ đẹp nhất, ta chỉ thử lòng bà mà thôi”.
Hai mẹ con mừng rỡ ôm lấy nhau, còn nhà vua thì khuyên công chúa: “Con thấy đấy, sắc đẹp bên ngoài không sao ví được vẻ đẹp của tâm hồn, tình thương. Hãy tập cho mình một trái tim nhân ái, con sẽ đẹp mãi mãi trong lòng mọi người, như người mẹ này con ạ!”.
***
Qua câu chuyện trên chúng ta mạn đàm một chút về người MẸ.
Dân gian có câu: “Cá chuối đắm đuối vì con” là sao? Là cá mẹ dẫn một đàn con đi kiếm ăn nhưng ở dưới ao ít thức ăn quá, nó bèn quăng mình lên bờ cho đàn kiến bu lại, ráng chịu đau cho kiến cắn, khi đàn kiến bu lại thật đông thì nó nhảy xuống nước cho đàn kiến nổi lên mặt nước, con mình có cái để ăn”.
“Hãy thử hình dung xem chúng ta vác balô vài ký trên vai suốt mấy tiếng đồng hồ đã cảm nhận sự mệt nhọc và khó chịu đến chừng nào. Còn đây, người mẹ phải mang thêm 3-4kg. Vậy mà khi đứng, khi ngồi, kể cả khi nằm, người mẹ đều phải nhẹ nhàng, không dám làm nặng sợ bị ảnh hưởng đến con mình.
Tục ngữ có câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Biển có sóng, có nước, có phong ba, bão tố. Một con thuyền lênh đênh trên biển có thể bị nhấn chìm giữa phong ba, bão tố bất cứ lúc nào. Qua đó cho thấy việc đi biển vô cùng nguy hiểm. Mẹ sinh ra con nguy hiểm cũng giống như đi biển vậy, nhưng sự nguy hiểm này chỉ một mình mẹ gánh chịu, không có người thứ hai chia sẻ.
Ví như cái thai nằm đúng chiều đúng hướng, mẹ sinh ra dễ thì mẹ đau ít. Nhưng vì lý do gì đó thai nhi nằm nghiêng, nằm ngược thì khi sinh con ra mẹ đau đớn vô cùng. Có trường hợp khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời là lúc mẹ vĩnh viễn ra đi. Nhưng, thiên chức của người mẹ khiến mọi sự đau đớn ấy tan biến hết, thay vào đó là niềm hạnh phúc:
À ơi con khóc chào đời. Vầng trăng tỏa sáng, cha cười mẹ vui”.
“Sau khi sinh con xong, mẹ nuôi nấng, chăm sóc, mẹ lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, mẹ quạt nồng ấp lạnh. Rồi những khi trái gió trở trời, mẹ dẫn con đi bác sĩ, khi về mẹ ru cho con yên giấc mà mẹ vẫn chưa yên lòng.
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy mẹ thức đủ năm canh”.
...Rồi đến một lúc nào đó mẹ già mẹ yếu, trên đầu mẹ có những sợi tóc bạc như thế này. Bà mẹ nào rồi cũng có hai màu tóc: màu đen cho con và màu trắng cho mình.
Con cò tượng trưng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung và hình ảnh người mẹ nói riêng: Cò ơi cò, cò làm cò để nuôi ai, mà áo cò rách mà vai cò mòn? Thiếp làm thiếp để nuôi con, áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai. Cánh cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”.
Và đây nữa…
Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.
Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đám tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt. Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: “Mẹ... Mẹ ơi...”
Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng: “Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con.”
Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!
Hồng Long