TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lược sử hình thành Hội Thừa Sai Paris

Thứ sáu - 20/08/2021 19:15 | Tác giả bài viết: Michel Trương |   1181
Hầu như mọi đồng bào tín hữu Công giáo sinh hoạt nơi Giáo hội Việt Nam, ngay trong thời buổi hiện nay, không ai có thể quên mà không nhắc đến bao công lao của các Tiền nhân trong Hội Thừa Sai Paris.
Lược sử hình thành Hội Thừa Sai Paris

 LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH HỘI THỪA SAI PARIS

 

 

 

Mục lục

 

1. Đôi dòng thành kính ghi ân. 1 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700300037000000

 

2. Những tháng ngày ảm đạm trong xứ Cochin. 1 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700300038000000

 

3. Vận động bước đầu tại Rôma. 4 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700300039000000

 

4. Thánh Bộ Truyền bá Đức tin. 5 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700310030000000

 

5. Tiến triển mối quan hệ khi đến Paris. 7 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700310031000000

 

6. Nhóm thừa sai đầy khả năng và nhiệt huyết 9 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700310032000000

 

7. Hành trình Rôma vận động xin duyệt xét 12 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700310033000000

 

8. Sắc chỉ Super Cathedram.. 15 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700310034000000

 

9. Tổ chức Chủng viện Thừa sai và nguồn kinh phí 16 08D0C9EA79F9BACE118C8200AA004BA90B02000000080000000D0000005F0054006F006300380030003300380035003700310035000000

 

10. Vài nhận định kết thúc

 

 

1. Đôi dòng thành kính ghi ân

Hầu như mọi đồng bào tín hữu Công giáo sinh hoạt nơi Giáo hội Việt Nam, ngay trong thời buổi hiện nay, không ai có thể quên mà không nhắc đến bao công lao của các Tiền nhân trong Hội Thừa Sai Paris. Một số đồng liêu ngoài Tôn giáo, đặc biệt vài tác giả ở các lãnh vực khác không thuộc Sử học, cũng có người tỏ vẻ khâm phục, nhưng đôi lúc thì vài kẻ vẫn buông lời luận tội. Dẫu sao thì những thành quả cống hiến của các Vị cho xứ sở, bằng tính chân thật của Lịch sử mà khẳng định, thật là vô tiền khoáng hậu. Làm sao có thể phủ nhận được đối với các công trình xây dựng nền tảng nhân bản, góp phần tạo nên một khung cảnh sinh hoạt xã hội văn minh trong vùng Đông Nam Á. Nếu chưa kể đến các yếu tố hiển nhiên mà các Ngài đã kiên trì sáng tạo như: Phát quang Chân lý Tôn giáo; Gầy dựng những Cộng đoàn tu trì chăm lo phục vụ đồng bào lương giáo; Tác chế Ngôn ngữ hòa nhập với Thế giới; Dựng nét mỹ quan tôn ti trật tự xã hội; Nhận vai Quới nhân chia sẻ tình đồng loại cho người bất hạnh v.v... Người ta còn ghi nhận ngay cả trong phong cách giao tế ứng xử tình người giữa quần thể Người Việt, cũng mang nét độc đáo riêng, mà nó được ảnh hưởng từ quá trình lâu dài do các Ngài dạy dỗ cho Dân tộc. Tất nhiên, trong môi trường nội bộ mà đàm luận nhắc lại chuyện xưa thái quá thì cũng không mấy gì hay, nhưng hiện thực quá khứ quả là như thế, khó mà cho chìm vào quên lãng.

Việc một số tác giả trong Đạo bỏ công ghi chép quá trình hoạt động của các Ngài trên Quê hương đất nước Việt Nam như là, để ôn lại Lịch sử và tỏ lòng ghi ơn thì đếm ra cũng không ít. Nếu theo dõi cặn kẽ trên các phương tiện Truyền thông đại chúng, xem ra như đã khá phong phú, nhất là một số truyền nhân ở vài Giáo phận, còn thực hiện những án văn tường thuật có pha vào những tâm tình bày tỏ nhắc lại kỷ niệm xưa với các Vị như hồi còn phục vụ tại địa phương mình, xem qua thấy thật cảm động. Trong niềm phấn khởi từ bối cảnh ấy, nhóm biên soạn cũng xin mạn phép chung bút đóng góp các tư liệu sau đây và nhã ý thân mời Quý độc giả dành ít thời gian để cùng theo dõi, và nếu có thể, cũng xin bổ túc thêm đôi điều còn thiếu sót trong bài viết, liên quan đến tiến trình hình thành của Hội Thừa Sai Paris chúng ta.

2. Những tháng ngày ảm đạm trong xứ Cochin

Bối cảnh khi Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đến hoạt động truyền giáo tại Việt Nam thì đất nước đang trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, vì thế người Tây phương đến đây gọi xứ Đàng Ngoài là Tonkin và xứ Đàng Trong có tên Cochin.

Lúc đó vào tháng 7-1644, một phụ nữ có tên Tống Thị, xem như là Chính phi của Chúa Thượng (chính danh của Chúa Nguyễn Đàng trong: Nguyễn Phúc Lan), bà ta từ lâu đã có thái độ thù ghét Đạo, đồng thời cấu kết với quan trấn Quảng Nam (ông Nghè Bộ) cũng là người mang nhiều thành tích mưu toan phá Đạo, tên quan này đã không ít lần làm cho Cha Đắc Lộ phải điêu đứng.[1] Khi vừa ở phủ Chúa về thì quan ra lệnh bắt giam một cụ già có tên Thánh là Anrê, vì người này đã công khai tuyên xưng niềm tin của mình ở Hội An. Sau đó quan cho lính tiến về nơi ở của Cha Đắc Lộ để bắt một Thầy giảng tên là Inhaxiô, nhưng trước đó không lâu Cha và Thầy Inhaxiô đã rời nhà đi lên trấn, nên chúng không gặp được người cần tìm, bèn bắt một Thầy khác đang có mặt ở đó để thế lại, Thầy này cũng trùng tên Anrê. Người ta không nắm rõ lai lịch bao nhiêu về Thầy giảng Anrê này, chỉ biết Mẹ của Thầy đem gởi để theo giúp việc và học Đạo với Cha Đắc Lộ khi còn ở Phú Yên, cũng là nơi sinh quán của Thầy. Sau đó được Cha Đắc Lộ rửa tội đặt tên Thánh là Anrê, nên mọi người quen gọi theo tên Thánh và nơi xuất xứ, Anrê Phú Yên.[2] Khi vào tù, Thầy Anrê còn rất trẻ tuổi này, gặp được cụ già giống với tên Anrê cũng mới vừa vào chung căn ngục trước đó không lâu. Suốt cả đêm hai người trao đổi với nhau những lời lẽ nhằm động viên tinh thần can đảm để sẵn sàng hy sinh vì Đạo.

Sáng hôm sau Cha Đắc Lộ cùng với vài lái buôn người Bồ Đào Nha đến trình diện với quan trấn Quảng Nam để xin miễn xá cho hai tội phạm. Cha là người được Chúa Thượng kính nể vì lý do muốn giữ mối giao hảo với người Tây phương trong quan hệ mua bán súng ống đạn dược. Quan trấn tỏ ra không nhượng bộ, nhưng rốt cuộc thì cũng phải đồng ý tha bổng cho cụ già Anrê, còn Thầy trẻ tuổi Anrê vì cứng đầu từng dám nói với ông là: “Dù có chết cũng nhất định không chịu bỏ tên người có Đạo”, nên không thể dung tha. Không còn cách cứu sống cho Thầy Anrê, vì thế Cha Đắc Lộ chỉ đành biết an ủi, động viên và ban các Bí tích sau hết cho Thầy. Thầy vui vẻ bước đi, vai mang gông nặng mà chân bước rất mau. Trước khi lãnh án, Thầy ngậm ngùi nhìn Cha Đắc Lộ lần cuối như bày tỏ lời từ biệt, Cha cũng làm dấu, chỉ lên Trời như muốn nói nơi mà Thiên Chúa đang chờ để trao Triều thiên tử đạo cho Thầy. Bọn lính liên tiếp đâm Thầy ba nhát đao, nhưng Thầy vẫn quỳ ngay ngắn, mắt nhìn lên trời, thấy thế chúng vung đao chém vào cổ Thầy, nhát thứ nhất chém hụt, nhát sau mới làm Thầy rơi đầu. Một ngày đáng kính nhớ, đó là ngày 26 tháng 7 năm 1644. Của lễ hy sinh đầu mùa của Giáo Hội Việt Nam được dâng lên cho Thiên Chúa, đồng thời đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho các Vị anh hùng khác trên đất Việt, sẽ còn nối gót theo gương Thầy mà tuyên xưng danh Chúa trong những ngày sắp tới.

Hình Thầy Anrê tử đạo do Giacinto Brandi vẽ năm 1652

 

Sau khi xử xong Thầy Anrê, quan trấn Quảng Nam ra lệnh trục xuất Cha Đắc Lộ. Đối với suy nghĩ của Cha khi ấy, nếu bỏ đi trong lúc này là hèn nhát, nên Cha lên tàu người Bồ Đào Nha nhổ neo lúc ban ngày, nhưng đêm đến thì lại lén vào bờ để thăm các Giáo đoàn. Lúc đó vào trung tuần tháng 9-1644, Cha Đắc Lộ thấy tình hình ở lại đó không được ổn, Cha chia thầy Inhaxiô lên miền bắc là vùng từ Hội An ra đến Huế, phần Cha tránh về phía nam (Nam Hội An) là vùng Quảng Ngãi – Qui Nhơn. Nhiều người lũ lượt đến gặp Cha để xin nhận các Ơn Bí tích và tìm hiểu Đạo, vì là thời kỳ hoạt động trong bóng tối nên Cha phải hết sức dè dặt khi tiếp xúc cùng lúc đông người. Từ trước đến giờ tuy bách hại giáo dân, nhưng quan trấn Quảng Nam vẫn không dám phạm đến tính mạng của Cha Đắc Lộ, dẫu sao Cha cũng là người được Chúa Thượng kính nể. Mùa Sinh nhật năm 1644, một lần quan trấn đã từng bắt giam Cha nhưng rồi Chúa Thượng lại ra lệnh phóng thích.

Nguyên vào năm 1643, Trịnh Tráng đem đại binh đến Bắc Bồ Chính để đánh Chúa Nguyễn, nhưng vì tiết trời nóng bức nên bị thiệt hại quân sĩ rất nhiều, Trịnh Tráng đành phải ra lệnh rút quân trở về. Sau đó thì thuyền tuần tra của Chúa Nguyễn hoạt động rất nghiêm nhặt vì đề phòng sợ quân Trịnh sẽ thừa dịp trở lại tấn công. Lần này thuyền của Cha Đắc Lộ trong khi đi thăm các xứ đạo thì bị bắt và tình nghi là quân thám thính của phương bắc, họ thấy có Cha là người Tây phương nên đối đãi tử tế nhưng vẫn giam giữ và báo về phủ Chúa. Được tin báo, Chúa Nguyễn liền ra lệnh phải giải Cha và các Thầy về kinh.

Tại phủ Chúa, triều thần họp lại để định đoạt số phận của Cha Đắc Lộ. Chúa Thượng tuyên án xử tử tất cả và phải thi hành lệnh ngay hôm đó, nhưng nhờ có vị đại thần Thái phó là thầy dạy của Chúa Thượng, đứng ra can ngăn xin cho Cha, Ông tâu rằng, Đạo này không dạy điều chi xấu mà kết án như thế là vấy máu người vô tội. Nhờ thế Cha Đắc Lộ được miễn tội chết nhưng phải rời ngay khỏi xứ Đàng trong và không bao giờ được phép quay trở lại, còn những người khác bị bắt chung trong chuyến đó đều bị giết.[3] Sáng ngày hôm sau, chính vị quan trấn Quảng Nam được lệnh giải Cha ra cửa Hội An để đưa xuống tàu người Bồ Đào Nha mà trở về Macao.

Đến đây chúng ta có thể hơi thắc mắc vì sao trước đây có lần Cha Đắc Lộ bị các quan bắt giữ mà Chúa Thượng tỏ vẻ kiêng nể rồi ra lệnh thả, còn lần này thì nhanh chóng kết án xử tử? Các nguồn sử liên quan điểm này không có những tường thuật cặn kẽ, vài tác giả có đưa ra cách giải thích theo suy đoán, như là: Tình hình chính trị thế giới lúc đó không còn thuận lợi cho người Bồ Đào Nha tại vùng này nữa, vì có các cường quốc mới đang xuất hiện như Tây Ban Nha, Hòa Lan, Anh Quốc, cũng đều đến gạ gẫm giao thương với Việt Nam. Đồng thời tin tức từ cuộc cấm đạo ở Nhật lan dần đến Việt Nam qua các thương gia ngoại quốc, các Chúa Nguyễn chịu ảnh hưởng của các hoàng đế Trung Hoa, các Mạc Phủ và những tin tức đồn đại xuyên tạc, nên dần dần chuyển sang thái độ nghi ngờ và ác cảm với Đạo Công giáo.[4] Và như thế chúng ta hiểu, Cha Đắc Lộ trên danh nghĩa lúc đầu là người đã theo đoàn tàu Bồ Đào Nha để đến Việt Nam.

Hôm đó ngày 03 tháng 7 năm 1645, Cha Đắc Lộ vĩnh viễn từ giã đất Việt thân yêu sau bao nhiêu năm ra sức truyền giáo và để lại di sản chữ Quốc ngữ cho dân tộc này. Ngày Cha ra đi có mang theo bảo vật quí giá, đó là chiếc thủ cấp của Thầy Anrê Phú Yên. Trên đường đi khi ngang qua đảo Hải Nam thì tàu gặp trận bão, mọi người trên tàu cầu khẩn với Vị tử đạo này nên tai qua nạn khỏi, rồi về được đến Macao bình yên, trong khi 2 chiếc tàu khác, cũng của thương buôn Bồ Đào Nha thì bị chìm trong cơn bão. Sau một thời gian lưu trú ở Macao, Bề trên ra lệnh Cha Đắc Lộ phải về Rôma để báo cáo tình hình. Ngày 20-12-1645, Cha xuống tàu trở về Châu Âu, Ngài bị người Hòa Lan bắt giam trong vòng ba tháng, sau đó thì Cha theo tàu người Anh đi một chặng đường rồi phải dùng đường bộ băng qua xứ Ba Tư đặng kết thúc hành trình. Lẽ ra chuyến đi chỉ cần sáu tháng, thế nhưng phải mất tới ba năm rưỡi thì Ngài mới về đến được Rôma.[5]

3. Vận động bước đầu tại Rôma

Cha Đắc Lộ đặt chân lên Kinh thành Rôma ngày 27-6-1649, sau đó ngài được Ðức Inôcentê X cho tiếp kiến. Một năm sau, ngày 02-8-1650 Cha đã hoàn thành xong Bản tường trình cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về tình trạng Giáo Hội Việt Nam, với hiện tình nơi ấy có hơn 300.000 tín hữu và mỗi năm còn tăng thêm khoảng 15.000 tân tòng.[6] Từ số liệu bối cảnh đó, Cha Đắc Lộ tha thiết thỉnh cầu Thánh Bộ gởi Giám mục giám quản Tông tòa đến hai xứ Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Ngày 26-9-1650, cùng với sự hiện diện của Ðức Inôcentê X, các Hồng y đã họp lại chuẩn xét lời thỉnh cầu này. Năm 1651, Thánh Bộ đề nghị chọn Cha Ðắc Lộ đảm nhiệm chức vụ Giám mục giám quản Tông tòa, nhưng Cha lại từ chối, vịn theo lý do bởi các báo cáo của Vị thư ký Thánh Bộ là Cha Francesco Ingoli, thì các thừa sai Bồ Ðào Nha sẽ không thể nào chấp nhận được điều này và tình thế sẽ còn tệ hại hơn nữa. Nếu như không được sự đồng thuận của người Bồ Ðào Nha, Cha sẽ có nguy cơ bị cầm tù. Ngày 30-7-1652, Thánh Bộ lại họp lần nữa cũng có sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng, nhưng vấn đề bổ nhiệm Giám mục giám quản Tông tòa cho Việt Nam vẫn bị bế tắc, nguyên do vì những trở ngại bởi qui chế “Quyền Tài Phán” Bồ Ðào Nha, chủ yếu là vì Cha Đắc Lộ không phải gốc đào tạo và điều động bởi Bồ Đào Nha, mà là người gốc Pháp với quốc tịch của Nước Tòa Thánh. Do đấy Ðức Inôcentê X vẫn chưa thể đi đến một quyết định dứt khoát nào.

Không hy vọng tìm được giải pháp gì cho tương lai Giáo Hội Việt Nam tại Rôma, Cha Ðắc Lộ đành rời chốn Kinh thành ngày 11-9-1652 để đi Marseille, nước Pháp, rồi sau đó tới lưu trú ở Lyon. Tại đây, Ngài biên soạn quyển “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài trong giai đoạn từ năm 1627 tới năm 1646”. Vào tháng Giêng năm 1653, Cha lên đường trực chỉ Paris, tại đây sẽ có nhiều hy vọng mà Cha Ðắc Lộ nghĩ có thể tìm được giải pháp thỏa đáng cho một Giáo hội mà Ngài hết sức yêu quí: Giáo Hội Việt Nam.

4. Thánh Bộ Truyền bá Đức tin

Vừa qua ở đoạn trên có đề cập đến một cơ cấu trong Giáo Hội vào thời kỳ này, đó là Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, để tiện theo dõi tình huống, thiết nghĩ chúng ta cũng cần dành ra đôi dòng để mô tả những nguyên do hình thành và cách hoạt động của tổ chức này.

Phong trào truyền giáo phát động tại Mỹ châu và Á Châu đã làm cho Giáo Hội ý thức được rằng: Chế độ Bảo trợ (Patronato: tiếng Tây Ban Nha, hoặc Padroado: tiếng Bồ Đào Nha), được thiết lập từ Trọng sắc Inter Caetera 1493 và Hiệp ước Tordesillas 1494, mà Đức Alexandre VI ban hành và cam kết với hai Đế quốc hàng hải Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nó cũng đã đóng góp và bảo vệ ít nhiều cho công cuộc truyền giáo, nhưng dần dần cũng đưa đến lắm ngăn trở cho nỗ lực rao truyền Phúc Âm ngày càng đòi hỏi cao hơn.[7] Vì mục tiêu lợi ích kinh tế và quyền khai thác thuộc địa của các Quốc gia có liên quan, mà họ luôn coi trọng ưu tiên lợi nhuận hàng đầu, nên đã gây ra không ít những phiền nhiễu cho việc Truyền giáo. Kế hoạch mở rộng thành trì Kitô giáo, nếu muốn giảm bớt tính cách thế tục mà chỉ nhắm vào mưu ích Thiêng liêng, thì tất phải trực thuộc thẩm quyền Giáo Hội một cách trọn vẹn. Đã đến lúc cần xem xét để hủy bỏ Chế độ Bảo Trợ này mà thay vào là Thẩm quyền Tòa Thánh, để nắm giữ vai trò trực tiếp đặc cử những Giám mục đại diện Tông tòa đi tới các vùng vừa mới khám phá đặng thực hiện công việc truyền giáo, như thế mới hợp lý hơn.

Xin được mở ngoặc giải thích ngôn từ: Cùng một Qui chế về thực trạng hiện hữu thời đó, nhưng các tác giả Sử hay dùng hoán chuyển cách gọi. Nếu tiền ngữ là Chế độ thì nói “Chế độ Bảo trợ”; còn với tiền ngữ Quyền thì “Quyền Tài Phán”, cả hai gần như chỉ một thực thể. Theo Trọng sắc Inter Caetera: 2 cường quốc hàng hải Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phải chiết ra một phần tỉ lệ lợi nhuận từ việc khai thác thuộc địa để chịu trách nhiệm gánh chi phí và cung cấp nhân lực cho việc truyền bá Kitô giáo trong các xứ ấy.[8]

Ý tưởng đã được manh nha từ khi Công Ðồng Trentô kết thúc năm 1563, Đức Pi-ô V đã lập một Ủy Ban lo việc hoán cải dân ngoại. Đến năm 1600, Ðức Clêmentê VIII thay thế Ủy Ban này bằng một cơ cấu khác tên là Thánh Bộ Ðức Tin. Khi Ðức Grêgôriô XV được bầu làm Giáo Hoàng năm 1621, thì Ngài rất quan tâm đến việc thiết lập Hàng Giáo sĩ địa phương, do vậy, vào ngày lễ Ba Vua 06-01-1622, Ngài đi đến quyết định thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (Sacra Congregatio de Propaganda Fidei). Thánh Bộ này gồm 13 Hồng y, hai vị cao cấp khác trong Giáo Hội và một thư ký, Đức Thánh Cha giao phó bổn phận chủ yếu cho Thánh Bộ này là quản trị sứ mệnh truyền bá Ðức tin.

Vừa khi ra đời, một loạt các công việc mà Thánh Bộ có nhiệm vụ phải thực hiện: Tổ chức nội bộ của Thánh Bộ, phân chia toàn thế giới ra làm 13 tỉnh hạt truyền giáo, phổ biến lệnh cấm các vị Thừa sai không được hoạt động chính trị và loại bỏ mọi mưu toan chính trị ra khỏi mục tiêu thi hành tôn giáo và mục vụ, thiết lập trung tâm học vấn chuyên ngành truyền giáo nhằm đào tạo các Thừa sai và huấn luyện Hàng Giáo sĩ địa phương, lập ấn quán xuất bản các sách phụng vụ và giáo lý ngoại ngữ, thu thập các báo cáo về tình hình thừa sai. Đặc biệt là điều đình với triều đình Madrid và Lisbonne về những lãnh thổ hải ngoại do họ bảo trợ, bổ nhiệm Giám mục làm Giám quản Tông toà, đặc trách điều khiển các Giáo hội địa phương. Trong tất cả những công việc ấy, Cha Ingoli, thư ký Thánh Bộ, đã có công gánh vác rất nhiều.

Như vậy vào đầu thế kỷ XVII mọi người đã ý thức được những hạn chế của chính sách Chế Độ Bảo Trợ liên quan đến hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ban đầu từ nguyên do tranh chấp về hàng hải, rồi dẫn đến tham vọng mở rộng ảnh hưởng Kitô giáo. Nhưng kết cuộc thì, nỗi bận tâm dành ưu tiên cho quyền lợi vật chất bao giờ cũng tỏ ra có ưu thế vượt trội hơn. Lịch sử thường cho thấy, khi có sự đụng chạm giữa 2 thế lực đạo đời, thì thành quả bên bổn phận vì Nước Chúa, nhiều lúc cũng có thể thu về một số lợi điểm nào đó, nhưng đều phải trải qua lắm nhiêu khê và xương máu. Bối cảnh thời Cha Đắc Lộ vận động cho Việt Nam, mọi người muốn áp dụng và hưởng nhờ theo những qui định mới như Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin chủ trương, tuy nhiên song hành cùng lúc, thì ảnh hưởng của cơ chế cũ liên quan đến Quyền Tài phán của Bồ Đào Nha hãy còn đó, tình hình bấy giờ người ta chưa có biện pháp để loại trừ hẳn. Chính vì thế mới thấy được tài khéo léo của Cha Đắc Lộ cũng như những Vị tiên khởi lãnh mệnh xuất tiến sang vùng Châu Á này. Song song đó, cũng có quyền nhận xét ở điểm này, những biểu hiện thật hiển nhiên cho thấy, dường như Ý Định Quan Phòng đã thương đoái cách riêng đến xứ sở Đất Việt chúng ta, xin hãy theo dõi tiếp câu chuyện và sẽ nhận thấy ra điều minh chứng.

5. Tiến triển mối quan hệ khi đến Paris

Ba năm lưu lại ở Rôma từ năm 1649-1652, sau nhiều lần tiếp kiến với Ðức Inôcentê X và Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Cha Ðắc Lộ nhận thấy ra chủ yếu ba điểm khó khiến cho Giáo triều chưa thể gởi Giám mục Tông tòa đi Việt Nam: Một là thiếu tổ chức hậu cần ở Châu Âu; hai là thiếu quỹ tài trợ chi phí cho việc gởi người đi, và cuối cùng là, thiếu những thừa sai đủ nhiệt huyết và khả năng để giải quyết những yêu cầu đối với truyền giáo tại xứ phương xa.[9] Mà mục tiêu công việc này hiện đang đối mặt với hai thách thức lớn: Phải thích ứng với người bản địa xứ phương Đông nhằm thu hút được tân tòng, và hai là, phải đương đầu với những thế lực của Chế độ Bảo Trợ, là kẻ tham vọng độc quyền quản trị truyền giáo tại vùng này, để nhờ song song đó, cũng bảo vệ luôn tư lợi quốc gia họ. Từ những nguyên nhân phức tạp ấy, Cha Ðắc Lộ quyết định chọn hành trình tiến về nước Pháp để tìm phương hướng cho câu giải đáp.

Tàu từ Kinh thành Rôma sau khi cặp được bến Marseille, bờ nam nước Pháp, Cha Ðắc Lộ cất bước ngay hướng về Paris, giữa chặng đường thì Ngài có dừng chân lại Roanne. Nơi đây Cha may mắn được làm quen với Ðức Cha Henri de Maupas du Tour, Giám mục Giáo phận Puy và cũng là tuyên úy của Hoàng Hậu đương thời. Dịp may lúc ấy, cũng đúng vào lúc Ðức cha De Maupas có việc và đang chuẩn bị để đi Paris, Ngài đề xuất ý mời Cha Ðắc Lộ đồng hành cùng chuyến. Hành trình 11 ngày giữa Roanne và Paris, kể từ ngày 17 đến 28-01-1653, đã cho phép Cha Ðắc Lộ được dịp kể hết mọi chuyện tại vùng Châu Á và đặc biệt cách riêng về Giáo Hội Việt Nam, những gì diễn ra ở xứ Tonkin cũng như trong xứ Cochinchine (vì bên Ấn Độ cũng có một địa danh trùng tên Cochin, nên người Phương tây gọi bên Ấn là Cochin-inde và tại Việt Nam là Cochinchine). Đồng thời Cha Ðắc Lộ cũng tường thuật cặn kẽ về tình hình rao giảng và những cuộc trở lại Đạo, về văn hóa và niềm tin của người Việt, gồm luôn những khó khăn, bách hại, nhu cầu thừa sai, niềm hy vọng tương lai cho một Giáo hội tiềm năng thịnh vượng… Thật là một cơ hội thuận lợi không thể ngờ, nhờ đó mà như là duyên cớ để dẫn đến những biến chuyển thành lập Hội Thừa Sai Paris sau này.

Ðức cha Henri de Maupas là một người đặc biệt có rất nhiều mối quan hệ quen biết tại Paris. Ngài được Vua Louis XIII và hoàng hậu Anne d’Autriche bảo trợ, đồng thời cũng là một phát ngôn viên của Hội Thánh Thể (Compagnie du Saint-Sacrement). Hội này được thành lập từ năm 1627 do Henri de Lévis, công tước Vantadour, Hội hoạt động từ thiện mạnh mẽ như: Chữa trị bệnh nhân, tài trợ dưỡng đường, cứu giúp người nghèo, hoàn lương kẻ lỡ bước, thăm viếng tù nhân, dẹp trừ tà giáo, ủng hộ các chương trình Mục vụ ở thành thị cũng như thôn quê. Hội qui tụ được nhiều Giáo sĩ và nhân vật quyền thế tiếng tăm, trong đó có Thánh Vincent de Paul (1581-1660) và nhà giảng thuyết lừng danh Bossuet (1627-1704), sau này trở thành Giám mục Giáo phận Meaux (1681-1704). Hội đặt trụ sở tại Paris, hàng tuần đều có những buổi họp cho hội nghị chung hoặc cho từng ủy ban, trên toàn quốc có 40 chi hội địa phương. Mục tiêu Truyền giáo là một trong những ưu tư chính của Hội trong những năm ấy. Năm 1639, Hội tài trợ các đoàn thừa sai Hừng đông, 1642 góp phần thành lập Hội Ðức Bà Montréal – hoạt động truyền giáo vùng Tân Pháp ở Canada. Chính bản thân Vị sáng lập Hội là công tước Vandatour, được thụ phong Linh mục vào năm 1641, còn đứng ra thành lập “Hội các chủng viện Tông đồ và Vương quốc” để truyền bá Đức tin cho dân ngoại. Vị này còn đề nghị lập Hội các thừa sai Ấn Ðộ, nhiều thân cận của Công tước Vantadour cũng đã góp phần mở mang giao thương với Ba Tư, Ấn Ðộ, Madagascar…

Ðến Paris vào cuối tháng giêng 1653, Cha Đắc Lộ đã được Đức Cha Henri de Maupas giới thiệu để gặp gỡ nhiều vị Giáo sĩ và các nhân vật quan trọng ở Paris. Cha đã được tiếp xúc với Hoàng Hậu Anne d’Autriche; Cha de Lingendes, Bề trên giám tỉnh Dòng Tên Pháp lúc bấy giờ; Cha Charles Lalemant, bề trên Nhà tập Dòng Tên; cha Charles Paulin, linh hướng của vua Louis XIV. Cũng trong dịp này, Cha Đắc Lộ đã được giới thiệu với triều đình, được tiếp xúc cấp lãnh đạo của Hội Thánh Thể, gặp cha Vincent de Paul; Nữ Bá Tước d’Aiguillon, là cháu thừa tự của Hồng y Richelieu và bà ta cũng là người điều hành một Hội phụ nữ trợ tá cho Hội Thánh Thể. Nữ Bá Tước đứng đầu nhiều hội từ thiện rất có ảnh hưởng ở Paris và Rôma, bà đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của các Giám mục Pháp, cùng làm việc bên cạnh Nữ Bá Tước, có bà De Miramion và cô De Bouillon, là những Vị tích cực và hăng say đi làm việc thiện bất cứ nơi đâu.

Cũng trong khoảng thời gian này, Ðức Cha Henri de Maupas còn giới thiệu cho Cha Ðắc Lộ một nhân vật quan trọng khác, đó là Ðức Khâm Sứ “di Bagno”, biệt danh Bagni. Sau cuộc gặp gỡ, Ðức Khâm Sứ Bagni đã gởi một bản phúc trình, trong đó thấy có hết lời khen ngợi về Cha Ðắc Lộ và đệ trình lên Hồng y Fabio Chigni, Quốc Vụ Khanh của Ðức Inôcentê X, mà vị Hồng y này sau được bầu làm Giáo Hoàng trong danh hiệu Alexandre VII. Năm 1654, trong một buổi họp có Cha Ðắc Lộ tham dự, Vị phát ngôn viên Hội Thánh Thể cho hay là đã qui tụ được một quỹ tài trợ và có thể giúp cho các Giám mục thừa sai. Do vậy, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy các khó khăn thuộc hai khâu tổ chức hậu cần và tài trợ kinh phí, như đã manh nha tìm ra giải đáp. Thành quả ấy có được là nhờ những sáng kiến và sự nhiệt tình đóng góp của các nhân vật chủ chốt trong Hội Thánh Thể.

6. Nhóm thừa sai đầy khả năng và nhiệt huyết

Ðầu tháng 2 năm 1653, Ðức Cha Henri de Maupas còn giới thiệu cho Cha Ðắc Lộ, Cha Jean Bagot (1580-1664), giáo sư tín lý, bề trên nhà tập Dòng Tên và là người điều hành trong một hội tư, gọi là “Hội Bạn Hiền” (Associatio amicorum, Les Bons Amis).[10] Ý nghĩa “Bạn Hiền” với chí hướng như “một tâm, một lòng”, là một hội dành riêng cho các Giáo sĩ hướng tới đời sống thiêng liêng qua tình bạn, đồng thời cũng nhằm giúp đỡ những sinh viên nghèo và cô đơn. Vào thời điểm này, Cha Jean Bagot đang điều động một nhóm khoảng mười hai người trẻ, tất cả đều sẵn sàng đáp lại Tiếng gọi thừa sai mà Cha Ðắc Lộ nêu ra.

Với danh tiếng từ quyển Tự điển Việt-La-Bồ, ấn hành tại Rôma năm 1651, Cha Ðắc Lộ đã được mời để đến nói chuyện ở Nhà tập Dòng Tên trước một cử tọa gồm Tập sinh Dòng và các Ðại chủng sinh Triều sắp chuẩn bị được làm linh mục. Ðây cũng là buổi nói chuyện đầu tiên mà Cha Ðắc Lộ thực hiện trong tháng 2-1653 với các thành viên của Hội Bạn Hiền và dẫn đến một kết quả thật mỹ mãn. Cha đã hoàn toàn chinh phục được các thính giả trẻ tuổi đầy nhiệt huyết để sẵn sàng dấn thân đi thừa sai. Có ba vấn đề đã được Cha đề cập trong bài diễn văn vào dịp này, nội dung Ngài phát biểu hôm đó, người ta còn ghi lại như sau:

Trước tiên Cha thuật lại một cách cụ thể và tỉ mỉ về những chuyến mạo hiểm của Ngài ở Việt Nam, và về việc thế nào Cha thích ứng với các điều kiện sinh hoạt, văn hóa địa phương, cũng như việc học tiếng Việt, Cha nói: “Trong thời gian 12 năm lưu trú trong xứ này, ở Ðàng Trong cũng như Ðàng Ngoài, tôi đã học Tiếng Việt với dân chúng địa phương. Tôi lại còn có một người thầy dạy: Cha Francisco de Pina, người Bồ Ðào Nha, là cộng sự đầu tiên trong nhóm Dòng Tên nhỏ bé của chúng tôi đã hiểu biết một cách thấu đáo ngôn ngữ Việt và giảng đạo mà không cần thông dịch. Thêm vào đó, tôi dùng các tài liệu của các Linh mục dòng Tên khác, đặc biệt là những công trình của hai Cha Gasparil de Amoral và Antoine Barbosa, mỗi Cha đều đã soạn thảo một tự điển, Cha Gasparil de Amoral tự điển Việt-Bồ và Cha Antoine Barbosa tự điển Bồ-Việt. Tôi đã sử dụng công trình của các Ngài và thêm vào đó cột chữ La-tinh tương ứng. Rốt cuộc có khoảng bảy đến tám ngàn từ chữ Việt quốc ngữ được đối chiếu với ngôn ngữ Bồ và La-tinh, mà không cần sử dụng đến loại kiểu chữ nôm hay chữ nho Việt Nam.”

Kế đến sang điểm thứ hai, Cha mô tả về tổ chức thừa sai tại Ðàng Trong và Ðàng Ngoài thích ứng với những phong tục tập quán địa phương. Tổ chức đời sống của các Thầy Giảng dựa theo khuôn mẫu của các sư sãi trong các chùa Phật giáo. Sau cùng, về điểm thứ ba, Cha trình bày nhu cầu khẩn thiết phải gởi Giám mục đại diện Tông tòa đến Việt Nam để truyền chức Linh mục cho người bản địa. Những cuộc bách hại liên tục hiện nay sẽ không cho phép người ngoại quốc được ở lại trong xứ, phải tránh những sai lầm như đã từng gặp ở Nhật, vì hiện nay không còn một Linh mục ngoại quốc nào có thể lưu lại nơi đấy. Phải sử dụng hết mọi biện pháp có thể, chính Ðức Inôcentê X và Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng phải công nhận rằng, Giáo Hội sẽ không đủ khả năng thực hiện ý định nếu như từ khước sự nhờ cậy vào tài trợ vật chất của hoàng gia Tây Ban Nha hoặc Bồ Ðào Nha trong việc di chuyển và bảo vệ các thừa sai, cũng như việc xây cất nhà nguyện, thánh đường, nhà xứ, cơ sở… Chính Cha Ðắc Lộ, bản thân cũng phải nhờ vả tàu bè Bồ Đào Nha và Hòa Lan trên đường trở về Châu Âu.

Kế đến Cha Ðắc Lộ còn có thêm một buổi nói chuyện khác, cũng được thực hiện vào tháng 2-1653, lần này tại nhà Nữ Bá Tước d’Aiguillon và mang tính cách quan trọng hơn lần trước. Đây là buổi gặp gỡ có sự tham dự của các thành phần quan trọng trong Hội Thánh Thể mà Cha Ðắc Lộ hy vọng sẽ tìm được nguồn tài chính, nhân lực, cũng như những hợp tác khác... Nhờ lần này mà có 3 Linh mục trẻ đặc biệt gây nên sự thu hút bởi Cha Jean Bagot và Cha Ðắc Lộ, vì họ tỏ ra có đủ khả năng và xứng đáng để được phong Giám mục. Ðó là các Vị: Cha François de Montmorency-Laval, Cha François Pallu và Cha Pierre Piques.

Cha François Pallu, sinh năm 1626, là con thứ 10 trong một gia đình 18 anh em, giàu nhất thành phố Tours; 7 người chết sớm, 4 người lập gia đình, 7 người dâng mình cho Chúa, trong đó có 2 vị thuộc dòng Tên, 3 nữ tu và 2 Linh mục Triều phụ tá Giám mục. Cha Pallu xin đi tu lúc 9 tuổi, học Thần học ở trường Clermont, cư ngụ tại cư xá sinh viên “La Rose blanche”, ở chung với Cha François de Montmorency-Laval, Bernard Gontier, Luc Fermanel de Favery và Henri Boudon, sau này cùng là thành viên trong Hội Bạn Hiền. Được thụ phong Linh mục lúc 24 tuổi, tức năm 1650, Cha François Pallu đã tham dự trong một số sinh hoạt do Hội Thánh Thể tổ chức, có ý định muốn đi làm thừa sai ở Ðàng Ngoài Việt Nam, nhưng thân phụ không bằng lòng nên đành nhờ đến một người bạn của thân mẫu là Bà mẹ Marie de Saint-Bernard, nữ tu Dòng kín, can thiệp và bảo đảm rằng, Cha đã suy nghĩ chín chắn chứ không phải là một quyết định nhẹ dạ.

Còn cha François de Montmorency-Laval sinh ngày 30-4-1622, quê quán ở làng Montigny-sur-Avre, Giáo phận Chartres. Cha có tham dự trong Hội Thánh Nữ Ðồng Trinh do cha Jean Bagot điều hành. Cha Bagot cũng là giáo sư thần học của Cha François de Montmorency-Laval tại trường Clermont.

Qua các Linh mục trẻ đầy nhiệt huyết và lắm khả năng này, Cha Ðắc Lộ đã tìm ra được giải đáp cho yếu tố thứ ba về nhân sự thừa sai. Ngày 07-3-1653, Cha soạn thảo một thỉnh nguyện thư để trình lên cho Ðức Cha Bagni, Khâm Sứ Tòa Thánh. Trong đó trước tiên Cha nhắc lại rằng, từ năm 1615 ở Việt Nam đã có một cộng đồng tín hữu Công giáo được hình thành và qui tụ với trên 300.000 giáo dân; thứ đến là báo tin cho hay hiện nay trong nước Pháp, Cha đã tìm được một số Linh mục Triều với tấm lòng đầy nhiệt huyết và nhận thấy có đủ khả năng để lãnh nhận chức Giám mục, họ sẵn sàng đi đến những miền xa xôi ấy nhằm đáp ứng các nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội.

Vậy là ba khó khăn lớn hầu như đều có được những giải pháp thỏa đáng. Vào tháng 7-1653, một thỉnh nguyện thư rất cảm động đã được soạn thảo để đệ trình lên Ðức Inôcentê X, trong đó có các chữ ký của Cha Vincent de Paul; Cha Colombet, chánh sở Saint-Germain, một Họ đạo trọng điểm của Paris; và Cha Ðắc Lộ. Nội dung chủ yếu trong thư như sau:

“… chúng con khiêm tốn thỉnh nguyện lên Ðức Thánh Cha xin tiến hành truyền chức Giám mục Hiệu tòa và trao cho họ trách nhiệm Đại diện Tông tòa trong hai vùng truyền giáo Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Tại Paris, chúng con đã tìm được một số Linh mục Triều có đủ khả năng thi hành những chức vụ này. Chúng con dám xin giới thiệu vì nhận thấy họ có tâm hồn trong sạch, có nhiệt tình, khôn ngoan và đủ kiến thức về Tín lý. Vả lại, họ sẵn sàng để đón nhận sự khảo hạch bởi những Vị mà do Ðức Thánh Cha đề cử ... chúng con xin dâng lên lời thỉnh nguyện này với hết tấm lòng chân thành.”

Một điều đáng tiếc xảy đến, những nỗ lực hoạt động của Cha Đắc Lộ muốn dâng hiến cho Việt Nam giờ đây buộc phải đến hồi kết thúc. Do áp lực từ hoàng gia Bồ Đào Nha, Ngài được Bề trên Dòng thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Giám tỉnh Dòng Tên trong xứ Ba Tư. Tháng 8-1654, Cha Ðắc Lộ từ giã Paris, vào phút chia tay, Cha François Pallu còn ghi lại những lời sau cùng của Ngài: “Tôi luôn luôn xác tín rằng Chúa là Đấng lo liệu và tổ chức thời gian, một ngày nào đó Người sẽ ban Ơn phù trợ cho dân chúng Ðàng Ngoài và Đàng Trong vào lúc thuận tiện nào đó, hẳn sẽ có Giám mục được gởi đến cho họ”. Cha Đắc Lộ đã cống hiến cho Giáo Hội phần còn lại của đời mình ở Ispahan (Thủ đô Ba Tư lúc bấy giờ, cách Teheran khoảng 350 km về phía nam), với chức vụ Giám tỉnh dòng Tên xứ Ba Tư. Không lâu sau, Ngài đã qua đời ngày 05 tháng 11 năm 1660 và được chôn cất tại đó.[11]

Ba vị François Pallu, François de Montmorency-Laval và Pierre Piques có hy vọng được chọn làm giám mục từ tháng 2 năm 1653, các Ngài được Ðức Khâm Sứ Bagni điều tra theo Giáo luật, nhưng rốt cuộc thì vẫn chờ đợi quyết định của Ðức Thánh Cha. Sở dĩ có sự chậm trễ vì Tòa Thánh còn đang nghi ngại những chống đối từ phía Bồ Ðào Nha, họ đe dọa sẽ cầm tù và bắt giam những Giám mục Pháp mà Tòa Thánh đang dự định gởi sang Châu Á. Vua Jean IV của Bồ Ðào Nha đã xúi dục Dòng Tên bất cộng tác với dự án nước Pháp và đề nghị một bảo trợ khác bởi 60 Tu sĩ dòng Tên. Từ đó những công việc thực hiện do Hội Thánh Thể cực lực vận động đã không tiến triển gì thêm, suốt trong năm 1654 chẳng thấy nhúc nhích chi cả.

7. Hành trình Rôma vận động xin duyệt xét

Paris năm 1655, thêm một nhân vật khác xuất hiện, Cha Vincent de Meur, người gốc Bretagne duyên hải Côtes d’Armor (tây bắc nước Pháp), đã theo học ở đây từ năm 1643, Ngài cũng là tùy viên phòng tuyên úy Hoàng triều, được thừa kế chức Tu viện trưởng Saint-André-de-la-Bellière.[12] Cha quyết định về ở chung phố Coupeau cùng với các bạn : Louis Chevreuil, Jean Dudouyt, Michel Gazil de la Bernardière, Pierre Piques ... họ tất cả gồm 13 người sống quây quần với cha Jean Bagot. Mỗi thứ năm, và đôi khi cả thứ ba, Cha Vincent de Meur cùng với người bạn là Cha Vincent de Paul đi giảng thuyết cho một Hội thừa sai hoạt động khắp vùng nước Pháp, nhằm phát triển việc truyền giáo ở thành phố cũng như thôn quê. Trong một buổi họp, họ bàn bạc với nhau rồi lấy quyết định tổ chức một chuyến công du sang Rôma, coi như biện pháp quyết định cuối cùng để vận động cho chương trình thừa sai Việt Nam.

Ðược báo tin, Cha François Pallu rời ngay thành Tours để quay về Paris, rồi cùng với Cha Vincent de Meur và ba người khác, tất cả năm người đều thuộc nhóm Bạn Hiền, chuẩn bị khởi hành đi Rôma. Bấy giờ là mùa xuân 1656, họ ghé chân qua Marseille rồi lấy tàu để sang Kinh đô, đoàn đến nơi ngày 03-6-1657, chỗ lưu trú cho Phái đoàn được sắp xếp tại nhà các Ðệ Tử Thánh Vincent, đường Missione, Monte Citario. Trong khi nhóm lữ hành trên đường tiến về Rôma thì hay tin được tăng cường thêm người thứ sáu nhưng Vị này không đi cùng một lượt, đó là cha Pierre Lambert de la Motte. Vị Linh mục này sinh năm 1624 tại Lisieux, thụ phong linh mục ngày 27-12-1655 ở Coutances, từng hành nghề Luật sư và sau đó còn được bổ nhiệm làm giám đốc một bệnh viện tại thành phố Rouen. Cha Pierre Lambert de la Motte, do quen biết Cha François de Montmorency-Laval nên mỗi lần lên Paris, đều ghé qua trụ sở nhóm Bạn Hiền ở phố Couteau để thăm một người em của mình, cũng là một thành viên thuộc nhóm này.

Chính ở đây mà Ngài được hay tin về dự tính đi Rôma của các bạn Vincent de Meur và François Pallu. Bản thân mình, Ngài cũng từng mơ ước được đi Canada hay Trung Quốc, khi nói chuyện với cha Vincent de Paul thì cha Lambert De la Motte được động viên, nên quyết định cũng lấy hành trình nhằm có ý trợ giúp với đoàn công du Rôma một tay. Ghé qua Dijon, rồi Lyon, kế đến trên hành trình, Cha hay tin rằng, mình cũng là một trong ba ứng viên được đề cử chức Giám mục, thay thế cho cha Pierre Piques. Cha liền ghé Annecy viếng mộ thánh François de Sales, viếng Notre-Dame de Myans, viếng tu viện Grande Chartreuse (một Đan viện danh tiếng ở Pháp), rồi sau đó lên đường đi Toulon để chặng cuối lấy tàu tiến về Thành thánh Kinh đô Giáo hội.

Giờ đây bối cảnh Giáo triều vừa chuyển sang một bước ngoặt mới, Tân Giáo Hoàng với danh hiệu Alexandre VII được bầu lên ngày 07-4 và đăng quang ngày 18-4-1655. Ðoàn hành hương gồm các Cha François Pallu và Vincent de Meur, vừa khi đến Rôma đã được Ðức Hồng y Bagni, cựu khâm sứ Paris, tiếp đón nồng nhiệt và chỉ dẫn tận tình về những thủ tục Giáo triều. Họ được gặp Ðức Hồng y Corrado, bạn của Ðức Giáo Hoàng, gặp Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo là Ðức Hồng y Mario Alberici, và sau cùng đã xin được cuộc hẹn để yết kiến Ðức Alexandre VII, ấn định vào ngày 17-7-1657. Cha Vincent de Meur dịp này được trình bày lời thỉnh cầu với Ðức Giáo Hoàng về tình hình Kitô giáo tại Trung Quốc, Bắc và Nam Việt Nam. Trong thỉnh nguyện thư lần này Cha Vincent de Meur đã tỏ ý với Ðức Alexandre VII về một vài điểm tương đối tế nhị, đại khái qua những lời sau đây :

“… Chính vì lẽ đó mà chúng con dám đích thân mạo muội đệ trình công việc này với Ðức Thánh Cha ... , xác tín về những thành công mà các thừa sai sẽ mang lại trong những vùng truyền giáo này. Chúng con không dám đề cập đến vấn đề Giám mục vĩnh viễn, mà chỉ xin Ðức Thánh Cha gởi các Giám mục hiệu tòa. Còn như việc thực hiện dự án này, chúng con xin hứa tự lo liệu mọi chi phí mà không có ý đòi hỏi gì nơi Thánh Bộ Truyền Giáo. Chúng con sẵn sàng làm một đảm bảo đặt tại thành phố Avignon, mà thấy là đủ để lo liệu phương tiện cho các thừa sai sẽ được gởi đi. Ngoài ra chúng con cũng hy vọng rằng, chính quyền Bồ Ðào Nha từ hai năm nay đã thuận phép cho 12 thừa sai quốc tịch khác, lưu chuyển trên đất Bồ và những miền thuộc địa của họ, thì tin rằng cũng sẽ giúp chúng con như vậy. Giả như họ có muốn gây ra khó dễ, thì chúng con vẫn có hướng đi khác không phải lệ thuộc họ, bằng cách dùng đường băng qua Ba Tư và Mông Cổ...”

Nhiệt tình của nhóm linh mục trẻ này đã làm Ðức Alexandre VII rất cảm động, chính bản thân Ngài hồi còn trẻ cũng từng mơ ước để trở thành thừa sai. Nghe phúc trình xong, Ngài khích lệ họ và hứa sẽ triệu tập một ủy ban gồm 4 Hồng y Rospigliosi, Spada, Albizzi và Azzolini để lo xúc tiến thủ tục. Như vậy mọi chuyện đều đã ổn, Cha François Pallu vui mừng báo tin cho Nữ Bá Tước d’Aiguillon. Các thành viên đoàn hành hương đều trở về Pháp chỉ còn một mình Cha François Pallu ở lại Rôma để theo dõi hồ sơ. Tại đây Cha được Linh mục Guillaume Lesley, thư ký của hai Ðức Hồng y Charles Barberini và Mario Alberici, tận tình giúp đỡ nhưng vẫn là, công việc xúc tiến rất chậm.

Bốn tháng sau vào ngày 18-11-1657, Cha Pierre Lambert de la Motte cuối cùng thì cũng tới được Rôma. Đây là một con người mưu lược và lắm tài ngoại giao, Cha Lambert đã tìm dịp để xin được yết kiến Ðức Hồng y Alberici, trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Qua suốt 11 giờ bàn thảo, cuộc yết kiến đã đề cập đến hết mọi khía cạnh của công việc, trong đó có hai vấn đề đặc biệt quan trọng được đem ra mổ xẻ. Khó khăn thứ nhất: Vấn đề ngân khoản tài trợ cho các thừa sai, Cha Lambert đang thừa hưởng một tài sản khá dồi dào, Ngài liền làm giấy tại chỗ với một luật sư người Ý, xin lấy tài sản riêng này để đảm bảo chu cấp cho các thừa sai. Khó khăn thứ hai: Vấn đề mối cấu kết gần đây được thiết lập giữa Dòng Tên và chính quyền Bồ Ðào Nha, nhằm cản trở việc gởi các thừa sai Pháp đến những miền trong khu vực Quyền Tài Phán của họ. Cha thư ký Guillaume Lesley trong ý phát biểu tại buổi họp cho rằng, dẫu biết đây là một khó khăn lớn, có khi nó còn lớn hơn cả việc rao giảng Phúc Âm cho lương dân nữa, nhưng Ngài bày tỏ vẫn chủ trương phải quyết chí tiến hành trong nhẫn nại.

Với biết bao nhiêu nỗ lực của nhiều con người rốt cuộc thì, cũng tới lúc phải đi đến kết quả. Ngày 13-5-1658 Thánh Bộ Truyền Giáo đệ trình đề nghị nhằm bổ nhiệm Cha François de Montmorency-Laval làm Giám mục đi Canada, Cha François Pallu và Cha Pierre de la Motte làm Đại diện tông tòa đi các xứ truyền giáo ở Trung hoa và các nước lân cận. Ngày 08-6-1658, Ðức Alexandre VII chuẩn y các đề nghị này. Sau đó qua bổ nhiệm thư đề ngày 29-7-1658, Ðức Alexandre VII bổ nhiệm Cha François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Héliopolis, Cha Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Béryte, cả hai làm Giám Quản Tông Tòa cho các xứ truyền giáo Nam Trung Hoa và Việt Nam.[13] Chính ngày này được coi là ngày thành lập Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, tên tiếng Pháp: La Société des Missions Etrangères de Paris (cách viết tắt: Les MEP, sở dĩ phải có thêm chữ “de Paris”, vì muốn phân biệt với một Hội thừa sai khác tại Pháp do Cha Vincent de Paul thành lập để đào tạo người đi truyền giáo Ba Tư). Ngày 17-11-1658, Cha Pallu được tấn phong Giám mục tại Rôma và ngày 02-6-1660, Cha Lambert thụ phong Giám mục tại Paris.

8. Sắc chỉ Super Cathedram

Ngày 09-9-1659, Ðức Alexandre VII ban hành Sắc chỉ Super Cathedram thiết lập 2 Giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam: Ðức Cha François Pallu được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngoài, kiêm quyền cai quản 5 tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên của Trung Quốc cùng với nước Lào. Đức Cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Trong, kiêm quyền các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm cả Chiêm Thành. Theo đề nghị của 2 Ðức Cha Pallu và Lambert, ngày 20-9-1660, Cha Ignace Cotolendi cũng được tấn phong Giám mục hiệu tòa Métellopolis, bổ nhiệm Giám Quản Tông Toà Nam Kinh, Vị này được tiến hành tấn phong Giám mục vào ngày 07-11-1660 tại Nhà tập Dòng Tên Paris.

Với biến cố ngày ra Sắc chỉ Truyền giáo này, cũng được coi là ngày mở đầu chuyển sang thời kỳ thứ hai trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam: đó là Thời kỳ phát triển với Hàng giáo phẩm Tông tòa. Cần nắm sơ qua, các tác giả khi ghi lại quá trình hình thành Giáo hội Việt nam, thường hay phân chia thành 3 thời kỳ: Một là, Bước thăm dò và bảo trợ; kế đến là thời kỳ Phát triển, cai quản bởi Giáo phẩm Tông tòa; và sau hết là Trưởng thành trong cơ chế tự lập Hàng giáo phẩm Việt nam.[14]

Có thể xem rằng Sắc chỉ Super Cathedram được ví như một “Sứ vụ lệnh” mà Đức Alexandre VII ban cho hai Đức Cha, Lambert de la Motte và François Pallu, được hiểu như là lệnh bổ nhiệm Giám Mục Tông Tòa, mỗi bản giao cho từng người được viết giống nhau, chỉ khác ở mục ghi tên và nhiệm sở Tông tòa. Trong đó có ba ý tưởng chính, xin được trích yếu lược mô tả sau đây:

Về mục tiêu: “... Nới rộng tầm nhìn trên toàn thể thế giới Kitô, để lo lắng tận tâm có thể được và trong Ơn Chúa, hầu hướng dẫn và săn sóc tinh thần cho toàn tín hữu trong các quốc gia chỉ định”.

Về sứ mệnh và công việc: “... Ta cắt đặt và đề cử Ngài (Tên Đức Cha Pallu) làm Đại diện Tông Tòa (xứ Đàng Ngoài), với quyền cai quản các tỉnh mà Ta đã nêu ra ở phần trên, cùng khả năng được nới rộng địa hạt cai quản ra các tỉnh khác. Được quyền phân chia cho một Giám mục khác, nếu Ngài thấy rằng đó là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu tinh thần cho các giáo dân, hầu để họ không phải rơi vào hoàn cảnh không có Mục tử”.

Về quyền hạn: “... Để cho việc phong chức các Linh mục bản xứ được dễ dàng hơn, và để cho Đạo Công giáo được thiết lập một cách chắc chắn hơn. Với sự chúc lành của Chúa, với uy tín và nội dung của Sắc lệnh này, Ta cho phép và nhượng quyền cho Ngài, trong tư cách là Đại Diện Tông Tòa, chỉ trong vòng bảy năm, được miễn trừ cho các Giáo sĩ nói trên trong Giáo phận của Ngài không cần hiểu biết tiếng La-tinh, miễn là họ phải biết đọc tiếng La-tinh và biết giải thích qui định của Giáo Luật về Thánh lễ và về thể thức của các phép Bí tích trong Giáo Hội”.

Và còn thêm “Trong những điều kiện trên, những Giáo sĩ địa phương sẽ có thể được tiến chức vào mọi Chức thánh, kể cả chức Linh mục, miễn là họ phải biết chấp hành mọi luật định. Ngài sẽ có toàn quyền giản lược việc đọc các Nghi thức Thánh, nghĩa là đối với việc thi hành các Giờ kinh phụng vụ theo Giáo luật, họ có thể đọc những Lời kinh nguyện ấy bằng ngôn ngữ địa phương”.

Về hiện tình và hướng hoạt động cho hai Địa phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài trong tương lai như vậy đã được định đoạt, những nhiệm vụ cần phải hoàn thành là: Truyền chức Linh mục để thiết lập Hàng Giáo sĩ địa phương. Ngoài ra các vị Đại diện Tông tòa còn phải làm gương sáng cho Hàng Giáo sĩ bản địa, tuyệt đối không dính líu vào chính sự, phải thích ứng với tập tục và thói quen địa phương. Song song đó còn lo thiết lập các Chủng viện hay Học viện để đào tạo Linh mục bản xứ, liên lạc chặt chẽ và vâng phục tuyệt đối vào Tông Tòa.[15]

Vậy là giờ đây đến phần các Vị phải bắt đầu nghĩ đến nhu cầu lo chuẩn bị hậu cần, một tương lai đường dài. Làm sao vẫn còn người tiếp nối theo sau công việc của kẻ đi trước và lo toan đảm bảo cung cấp tài chánh để gánh vác cho mọi nhu cầu đòi hỏi của tất cả sinh hoạt của Hội trong thời gian tới.

9. Tổ chức Chủng viện Thừa sai và nguồn kinh phí

Song song với ý định tiến hành ra đi truyền giáo, những Vị sáng lập Hội Thừa Sai Paris, ngay từ buổi ban đầu đã nghĩ đến việc đào tạo nhân lực. Hồi còn bên Rôma đang khi vận động thành lập Hội, thì trong hồi ký hai Vị Lambert và Pallu có đề ra phương án thành lập một chủng viện chuyên lo việc hoán cải cho dân ngoại.[16] Ngày 01-7-1658, ba Đấng là François de Laval, François Pallu và Pierre Lambert de la Motte đã làm một thỉnh nguyện thư lên Thánh Bộ Truyền Giáo xin phép mở một chủng viện mà mục đích duy nhất chỉ là đào tạo kỹ năng rao giảng tin mừng cho các Thừa sai. Trong kế hoạch đó người ta sẽ nhận tất cả các Linh mục nào muốn sống thử Ơn gọi thừa sai của mình và sẽ tiến hành đào tạo họ bằng mọi cách để có thể thích ứng với khả năng và môi trường hoạt động truyền giáo xa xôi. Thánh Bộ tiếp nhận thỉnh nguyện thư một cách thuận lợi, nhưng cũng để cho 3 Vị sáng lập ấy hoàn toàn tự do, lấy sáng kiến của mình áp dụng trong việc gầy dựng và tổ chức.

Từ buổi sơ khai tại Paris, cũng vẫn luôn là hai nhóm Hội này đảm nhận dự án: Hội Bạn Hiền tuyển chọn nhân sự thừa sai, còn Hội Thánh Thể huy động ngân quỹ tài chánh đồng thời lo xây dựng cơ sở.[17] Ðức Cha François Pallu ngay sau khi thụ phong Giám mục ở Rôma, thì đầu năm 1659 đã quay về Paris gặp lại Hội Bạn Hiền ở phố Coupeau và phố Saint-Dominique, nhằm tìm kiếm và tuyển chọn các thừa sai trẻ cho chương trình huấn luyện để gửi sang Việt Nam. Nhóm Bạn Hiền ở Paris và các tỉnh đã gởi về khoảng 20 Linh mục trẻ sẵn sàng tình nguyện đi truyền giáo. Một người trong thân tộc Cha Pallu, bà De Miramion, đã bằng lòng cấp dưỡng nơi ăn chốn ở cho các ứng sinh tại một dinh thự của bà trong trấn La Couarde gần La Queue-les-Yvelynes, cách Paris khoảng 50 cây số về phía đông nam. Nơi đây, Ðức Cha Pallu đã thiết lập một chương trình đào tạo gồm 2 lãnh vực: giảng dạy lý thuyết bằng cách học hiểu các tác phẩm nói về Châu Á và cho thử việc qua thực tập cụ thể các phương pháp giảng đạo bình dân nơi ba làng quê trong nước Pháp: Haute-Marne, Oise và Dreux. Ngày 27-9-1659 người ta cũng giới thiệu thêm cho Ðức Cha khoảng 40 ứng viên mới tại La Couarde, vì xét thấy phù hợp với những tiêu chuẩn do Ngài đã đề ra, là sức khoẻ, khả năng khoa học, tinh thần vâng lời, nhân đức siêu thoát ... Ðức Cha chỉ chọn được có 6 người.

Như vậy Chủng Viện Thừa Sai có được một nơi đóng cứ tại La Couarde từ mùa hè cho đến cuối năm 1659, sang đầu năm 1660 thì dời về Paris, đường Quincampoix, cạnh bên nhà thờ Saint-Josse. Lúc ấy nhân lực tất cả gồm 2 Giám mục, 11 Linh mục, 5 Tu sĩ và 8 giáo dân. Vậy là chương trình đào tạo đã được khởi động, còn tiếp đến tình hình cơ sở chủng viện và ngân quỹ truyền giáo sẽ diễn biến ra sao ? Hội Thánh Thể chính là nhân tố tích cực chủ động trong việc kiến tạo Chủng Viện Thừa Sai. Năm 1658 Hội đã lập một Hội Ðồng Thừa Sai và chỉ định những ủy viên để lo xây dựng một cơ sở chủng viện dành cho “Thừa Sai hải ngoại”, một trong những ủy viên này là ông Du Plessis, người đã tỏ ra rất hăng say tích cực. Để huy động nguồn tài chánh và nhân lực, năm 1659, Hội Thánh Thể cho phát hành một tờ bướm tin và một tập tư liệu nhỏ để phổ biến trong toàn nước Pháp. Tờ loan tin đó mang tựa đề “Thông báo về các phái đoàn thừa sai đến xứ Bắc Việt và Nam Việt”, trong đó đề cập tới tình hình hiện có khoảng từ 20 đến 30 thừa sai đang chuẩn bị hành trang để cùng lên đường với hai Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa, và kêu gọi các ân nhân hãy rộng lượng giúp đỡ hầu gầy dựng một ngân khoản tài trợ cho chuyến hành trình và cuộc sống hải ngoại xa xôi của các thừa sai.

Trước khi lên đường đi nhận nhiệm sở mình, bốn Giám mục thừa sai tiên khởi, cũng là các Đấng sáng lập Hội Thừa Sai Paris là Laval, Pallu, de la Motte và Cotolendi đã chỉ định cho 6 nhà quản lý để lo việc quản trị cơ sở ở Paris trong khi các Ngài vắng mặt. Sáu người quản lý ấy gồm 3 Giáo sĩ, đó là các Cha Vincent de Meur, Luc Fermanel de Favery và Michel Gazil de la Bernardière; 3 giáo dân là các ông Jean de Garibal, René de Voyer và Antoine Pajot de la Chapelle. Năm 1660, Ðức Cha Lambert de la Motte cũng đã ký một giấy ủy quyền khác cho các quản lý của Ngài, trao phó trách nhiệm phải kiến thiết một chủng viện để đào tạo thừa sai nhằm phục vụ cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa. Năm 1663, Ông Du Plessis, được sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè, đã điều đình để mua lại căn nhà của Ðức Cha Bernard de Sainte-Thérèse. Đến ngày 16-3-1663 thì Ðức Cha này đã ký giấy bán các dãy nhà của Ngài ở địa chỉ: 128, Rue du Bac, Paris quận 7 để làm cơ sở Chủng Viện Thừa Sai, cơ sở này vẫn còn tiếp tục duy trì điều hành cho đến ngày nay.

Sau khi lo xong cơ sở, các Vị quản lý bắt đầu tiến hành thủ tục xin được chính thức công nhận bởi chính quyền và giáo quyền cho Chủng Viện Thừa Sai này. Ngày 26-7-1663 vua Louis XIV ký ngự chỉ công nhận Chủng Viện Thừa Sai, Vua xác nhận hợp đồng được ký kết mua bán giữa đôi bên và thừa nhận tính hợp pháp của “Chủng Viện truyền giáo cho lương dân tại các xứ hải ngoại”, ngày 07-9-1663 Nghị viện Paris đã tiến hành thủ tục đăng ký tính pháp quyền của ngự chỉ ấy. Ngày 10-10-1663, Viện trưởng tu viện Saint-Germain-des-Prés, Henry de Verneuil, phê chuẩn xác nhận cho hai nhà quản lý Gazil de la Bernardière và Armand Poitevin được toàn quyền điều hành Chủng viện. Ngày 11-6-1664, đại hội đầu tiên của Chủng Viện được triệu tập, Cha Vincent de Meur được bầu làm Bề Trên tiên khởi cho Chủng Viện Thừa Sai; François Bésard làm phụ tá và Luc Fermanel làm quản lý. Ðại hội cũng đã chỉ định ra một giáo sư thần học coi chuyên khoa và một giám đốc đặc trách chủng sinh vụ. Tất cả các nhân viên điều hành tiên khởi của Chủng Viện Thừa Sai đều xuất thân từ nhóm Bạn Hiền, do cha Jean Bagot điều động.

Được bầu làm bề trên, Cha Vincent de Meur lo liệu ngay việc xin Tòa Thánh công nhận Chủng Viện Thừa Sai. Ngày 11-8-1664, Ðức Hồng Y Chigni, là cháu của Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII đang làm đại diện tại Paris, đã nhân danh Tòa Thánh cấp Thánh chỉ công nhận Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại. Như vậy, Chủng Viện này dẫu là được thành lập do các Đấng Bậc chức quyền trong Giáo hội Pháp, nhưng họ cũng sát cánh cùng với Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin và Các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa để đào tạo và tiếp tục gởi đi khắp nơi những nhân sự mà Thánh Bộ có yêu cầu cho công việc mở mang Kitô giáo.

Sau khi được bổ nhiệm Giám mục Tông tòa và thu xếp xong việc hậu cần, các Ngài chuẩn bị lên đường để nhận nhiệm sở. Lực lượng từ Châu Âu khởi hành sang Viễn đông gồm Giám mục, Linh mục và giáo dân tất cả có 16 nhân sự, thì hết 8 Vị phải bỏ mạng trên đường đi. Trong số đó đau buồn nhất là có cả Đức Cha Ignace Cotolendi. Sau cuộc hành trình vất vả xuyên Ấn Độ, khi đến cảng Masulipatam để lấy tàu đi Ayuthia, Ngài mắc bệnh ruột và lên cơn sốt nặng, rồi vì kiệt sức nên đành vĩnh viễn bỏ cuộc ngày 16-8-1662, thi thể Ngài được mai táng ngay tại bờ biển Đông Ấn.[18] Số còn lại, kẻ thì đến trước người tới sau, các Vị chọn điểm dừng chân đầu tiên để khởi sự cho Sứ vụ là tại Ayuthia, kinh đô nước Xiêm thời bấy giờ. Với số còn lại gồm 8 người, thì 3 người thuộc phái đoàn thừa sai Ðàng Trong đã đến nhiệm sở trước vào ngày 22-08-1662, là các Vị: Ðức Cha Lambert với 2 Cha Jacques de Bourges và François Deydier. Năm người thuộc đoàn thừa sai Ðàng Ngoài đến ngày 27-01-1664, đó là Ðức cha Pallu và 4 Cha: Pierre Brindeau, Louis Laneau, Louis Chevreuil và Antoine Hainques. Tuy nhiên trước đó, ngày 14-10-1663 Cha Jacques de Bourges được Ðức Cha Lambert ủy thác trở về Châu Âu với sứ mệnh trình bày cho Tòa Thánh biết về những khó khăn gặp phải trên đường đi đối với các Cha Dòng tên Bồ Ðào Nha và xin nới rộng quyền cho các Giám mục Đại diện Tông tòa. Như vậy tính vào thời điểm đầu năm 1664, thì số có mặt tại Ayuthia chỉ có 7 nhân sự để khởi phát cho một công trình truyền giáo trường kỳ lịch sử của Hội Thừa sai Paris tại Châu Á.[19]

10. Vài nhận định kết thúc

Đến đây bài tường trình xin được mạn phép dừng lại việc ghi chép những bối cảnh về quá trình hình thành của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Về sau nếu trong một dịp nào để tìm hiểu thêm phần hoạt động của lực lượng Thừa sai này, thì nội dung nối tiếp sẽ là những gì mà Hội cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam. Dĩ nhiên chúng ta không thể phác họa hết cho đầy đủ, dù chỉ là ngắn gọn, của khoảng thời gian hơn 350 năm hoạt động truyền giáo của Hội. Dẫu vậy, hẳn là cần thiết để dựng lại một nội dung trình thuật về buổi gầy dựng ban đầu, mà họ đã trải qua một thời kỳ với không biết bao nhiêu nghịch cảnh và thử thách. Đồng thời người ta cũng không quên ghi nhận lại các thành tích đạt được cũng như những phương pháp ngoạn mục mà Hội đã vận dụng để đi tới thành công mỹ mãn. Nỗ lực trọng yếu của các Ngài và các Đấng kế tục là làm sao thực thi cho phù hợp với những chỉ dẫn của Tòa Thánh, thể hiện vai trò Đại diện Tông tòa, quan tâm đến việc đào tạo các Linh mục bản xứ.

Sau khi đến Ayuthia, từ tháng Giêng 1663 Ðc Lambert lập một địa sở thường trực tại đây và đặt tên là Nhà Thánh Giuse, có thể xem đây như là địa chỉ đầu tiên của Tòa Giám Mục Ðịa phận Ðàng Trong. Ngày 31-3-1668, vọng lễ Phục Sinh tại Ayuthia, Đức Cha Lambert de la Motte đã tiến hành nghi thức tấn phong cho Linh mục người Việt đầu tiên là thầy Giuse Trang, một người thuộc Đàng Trong quê ở An Chỉ, Quảng Ngãi, nay thuộc Giáo phận Qui Nhơn, lúc ấy Thầy chỉ mới 29 tuổi. Biến cố này như đánh dấu cho một bước ngoặt quan trọng hình thành Giáo hội Việt nam.[20] Hơn 2 tháng sau, đến phiên hai thầy từ Đàng ngoài, là Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền, được thụ phong Linh mục vào ngày 8-6-1668; cũng trong năm ấy, có thêm một người Đàng Trong được chịu chức là thầy Luca Bền. Thật đáng tiếc vài năm sau đó, chính quyền Siam (nay là Thái Lan) bắt đầu bách hại những người Kitô hữu và Chủng viện buộc phải dời sang nơi khác. Đầu tiên, được chuyển đến Cam Bốt, rồi Ấn Độ và cuối cùng trụ về đến Penang thuộc Malaysia, và nơi đấy vẫn còn duy trì sinh hoạt cho đến ngày nay. Thời gian sau đó, các nhà Thừa sai Paris đã tiếp tục mở thêm những tiểu và đại chủng viện trong nhiều quốc gia khác nhau. Năm 1850 họ điều hành 19 chủng viện, năm 1900: con số là 41, năm 1939 lên đến 75. Rồi dần dần các chủng viện này đều được giao lại cho các Giám mục điều hành sở tại.[21]

Đồng thời với việc thi hành bổn phận đào tạo các Linh mục được coi như là trọng tâm hoạt động chính yếu, thì ở lãnh vực khác rộng lớn hơn, chính là lo thành lập các cộng đồng Tân Giáo hội địa phương. Từ hình ảnh được ghi nhận vào tháng 10-1663, cộng đoàn người Công giáo coi như đầu tiên sinh hoạt với các Thừa sai Paris đếm được khoảng 150 người, mà đa số là Việt Nam và Nhật Bản.[22] Thì cho đến ngày nay đã có hơn một trăm Giáo phận tại Châu Á do các Nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris giữ vai trò thiết lập, truyền bá Tin Mừng và khai sinh những cộng đồng Kitô hữu. Họ đã dạy giáo lý, mua đất đai, xây dựng nhà thờ, mở các trường học, các chủng viện, bệnh viện và tất cả những cơ sở này về sau, đều chuyển giao lại cho Giáo Hội địa phương.

Ngày nay song song với việc gửi người ra hải ngoại, Hội còn lo điều hành một chương trình hoạt động Thừa sai tại chỗ, thường xuyên có khoảng hơn 100 Linh mục, Tu sĩ đến từ các Xứ truyền giáo khi xưa, nay đang được cứu mang trên nước Pháp để theo học các khóa tu nghiệp hoặc nâng cấp trình độ Thần học. Rất nhiều Giám mục hiện tại và sẽ còn thêm không ít trong tương lai, nhờ chương trình này mà được tiến chức, đồng thời cũng do sự cống hiến đó, mà các Giám mục hội đủ mọi kỹ năng cần thiết để phục vụ đắc lực cho Giáo Hội địa phương mình.

Cần phải có một trường thiên bất tận về Lời cảm tạ mà tỏ bày dâng lên cùng Đấng Quan Phòng, và hẳn nhiên, cũng hướng tấm lòng tri ân đến các vị Tiền nhân Đáng kính trong một Hội Thừa Sai thật là huyền diệu./.

 

Tác giả: Michel Trương

WHĐ (20.8.2021)

 

 


 

[1] Dữ liệu trong Phân mục: “Những tháng ngày ảm đạm...” trích dẫn trong: Lm Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo ở Việt nam; Quyển I; chương VI: Cha Đắc lộ với những trang sử máu đầu tiên.

[2] x. VPPK Tông đồ VN hải ngoại, Sơ lược tiểu sử Chân phước Anrê Phú Yên, trang Web: vntaiwan.catholic.org.tw/andre/4andre.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[3] x. Bùi Đức Sinh OP, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Phần Nhì, Ấn bản 1972, trang 325.

[4] x. Antôn Nguyễn Trường Thăng, Tìm hiểu lịch sử Công giáo tại Việt nam, chương VI: Lý do Dòng Tên đến Đàng Trong; Phụ lục: Dấu ấn Công giáo Nhật Bản. Trang Web: antontruongthang.wordpress.com/tim-hieu-lich-su-cong-giao-tai-viet-nam/ (truy cập ngày 20.8.2021)

[5] Ibid: Chương VIII, Linh mục Alexandre de Rhodes; mục E, Hoạt động ở Macau.

[6] x. Gs. Trần văn Cảnh, Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 2, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP03.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[7] Ibid, Mục 6: Thành lập Thánh Bộ Truyền giáo.

[8] x. Antôn Nguyễn Trường Thăng; Tìm hiểu lịch sử Công giáo tại Việt nam, chương II: Quyền Bảo trợ và thành lập Thánh bộ Truyền giáo.

[9] Dữ liệu trong Phân mục: “Những thuận lợi trong quan hệ...” trích dẫn: Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 3, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP04.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[10] Ibid, Mục 2: Qui tụ được một nhóm Thừa sai.

[11] x. Lm. Đỗ Quang Chính, Sj, Tu sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes Từ Trần.

[12] Dữ liệu trong Phân mục “Hành trình Rôma vận động...” trích dẫn: Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 3, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP04.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[13] Nếu cần hiểu thêm về ý từ gọi chuyên: Hiệu Tòa, xin tham khảo ý giải thích ở: Lm. Nguyễn Hồng; Lịch sử Truyền giáo ở Việt nam quyển II, trang 31.

[14] x. Những mốc Lịch sử quan trọng của GH Công giáo VN, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-moc-lich-su-quan-trong-cua-ghcgvn-31228 (truy cập ngày 20.8.2021)

[15] x. Gs Trần văn cảnh, đề mục: Sắc chỉ Super Cathedram ngày 09.9.1659; trang Web: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHLichSuTruyenGiaoVietNam01.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[16] x. Tạp chí Hội Thừa sai bằng Pháp ngữ, Revue des Missions Etrangerès de Paris, Asie et Océan Indien (hors série No1 mars 2009) trang 15.

[17] Dữ liệu trong Phân mục “Tổ chức chủng viện Thừa sai...” trích dẫn: Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 4, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP05.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[18] x. Lm. Nguyễn Hồng; Lịch sử Truyền giáo ở Việt nam quyển II, trang 44.

[19] x. Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 6, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP07.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

[20] x. Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo ở Việt nam quyển II, trang 106.

[21] Dựa theo số liệu: Père Raymond Rossignol; MEP d' Asie.

[22] Gs. Trần văn Cảnh. Thừa Sai Hải Ngoại Paris / 350 năm xây dựng Giáo hội Việt nam; Bài 5, tại: http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHMEP06.htm (truy cập ngày 20.8.2021)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây