TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài 138: Tình yêu thúc bách tôi

Thứ hai - 16/09/2024 01:27 | Tác giả bài viết: Phương An, CND-CSA |   403
Vì sao sơ/thầy đi tu? Xin chia sẻ một chút về kinh nghiệm thiêng liêng trong đời sống thánh hiến?
 
Header
 

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 138 - TÌNH YÊU THÚC BÁCH TÔI

 

Hỏi: Xin quý Tu sĩ giải đáp cho con về việc làm sao mình có thể giữ lửa yêu mến đời tu như thủa ban đầu đến nhà dòng ạ? Bởi con đã ở nhà dòng và thấy lửa yêu mến Chúa không được mãnh liệt như hồi chớm nở ơn gọi. Vì sao sơ/thầy đi tu? Xin chia sẻ một chút về kinh nghiệm thiêng liêng trong đời sống thánh hiến?

Trả lời:

Tôi sinh ra ở quê nghèo vùng sông nước miền Tây. Cuộc sống thanh bình dung dị bên lũy tre, hàng dừa và những ruộng lúa xanh ngát. Gia đình tôi là người nam rặt từ năm 1850. Lúc ấy chỉ bà ngoại theo Công Giáo. Nhưng sau đó ông ngoại là sĩ quan cấp cao, đi cải tạo và được ơn của Đức Mẹ nên bắt đầu tìm Chúa. Tiếp theo, ông bà nội được rửa tội lúc ngoài bảy mươi. Ông nội tôi là nhà nho thầy thuốc, nhờ ơn trên và nhờ các cha đã thích nghi và hội nhập văn hóa. Ông phải qua quá trình để hiểu “đạo này không bỏ ông bà”. Tạ ơn Chúa đã cho bác tám theo đạo đầu tiên và làm linh mục. Sau đó cha tôi, các cô và vài người cháu cũng theo Chúa. Cha mẹ tôi đã nuôi dưỡng, hết lòng sống vì chúng tôi suốt cuộc đời. Các ngài luôn hy sinh và dạy cho con cái giáo lý để nhận biết Đấng Chân Thiện Mỹ.

Thời gian trung học, chị em tôi nội trú trong nhà dòng. Ở đây, chúng tôi học được nhiều bài học và nhất là chứng kiến các tu sĩ bước theo Đức Kitô, lên đường giúp người khác.

Qua người bạn giới thiệu nhà chầu Tân Định, nơi tâm sự với Chúa về ưu tư và hoài bão, tôi đi thử và sau đó thấy bình an vì có người để trao gởi dự phóng tương lai, chuyện thi cử, gia đình. Dần dần tôi đến mỗi tối và rủ bạn khác Chầu Thánh Thể. Đó là điểm mấu chốt trong đời tôi khi bắt đầu tập lắng nghe tiếng Chúa.

Đời người - cuộc tìm kiếm khôn nguôi, tôi đọc Gương Phúc, Dân Làng Hồ,.. được đánh động, muốn bắt chước, đi đến những vùng sâu xa. Khi công tác tại một Viện Công Nghệ với mức lương cao, là ao ước của nhiều người lúc đó. Tôi tự nhủ mình cứ cầu an, sống cho gia đình và bản thân là được; khổ nổi, có điều gì cứ thôi thúc tôi, làm tôi phải lên đường vãng gia các cụ neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân mỗi cuối tuần. Sau này nghiệm lại tôi mới hiểu, như thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5,14).

Chính Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động nơi mỗi người để làm ích cho người xung quanh. Tháng ngày thăm viếng tha nhân vẫn còn quá ít,...Chúa muốn tôi đi xa hơn. Lúc ấy tôi kiếm nhiều niềm vui khác nhưng tận cõi lòng, tôi vẫn thấy không thỏa. Tôi có bạn trai, muốn khẳng định mình, bất chấp rào cản, mưu tìm thành công và sử dụng tự do cá nhân. Bạn bè cách chung thì nhiều, học lắm thứ vì khao khát kiến thức, chu du mấy chục tỉnh và một số quốc gia, với cái thú lãng du, chỗ nào nghe nói lý thú thì tôi đến. Đúng vậy, thánh Augustin nói, “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1). Và rồi tôi tìm hiểu dòng tu để “chia ngọt sẻ bùi” với Ngài.

Chắc bạn đồng ý với tôi, sinh ra và lớn lên ở đời, mỗi người có một hướng đi. Tôi nghĩ bạn cũng có câu chuyện thú vị để kể. Phần tôi không nghĩ mình chọn đời sống thánh hiến đâu. Hồi nhỏ và cho tới khi đi “mần” nhiều năm, tôi dự tính sẽ lấy chồng. Tôi hăng hái bước vào đời với những ước mơ, nhu cầu chinh phục của người trẻ. Khi đi làm ở cơ quan về kỹ thuật, tôi lại nghiệm ra rằng nghiên cứu khoa học và suy tư tâm linh bổ sung cho nhau, đều diễn tả tình yêu của Chúa.

Gia đình tôi không ủng hộ vì sợ tôi cực khổ; ngay cả đồng nghiệp, bạn bè đều bất ngờ khi tôi nói tôi đi tu. Ban đầu, tôi vừa đến nhà dòng tìm hiểu, vừa đi làm. Những mảnh rắc rối khác nhau rải rác đây đó, tôi theo đuổi nhiều thứ nhưng không biết cái gì là chính. Dần dần, với chiều kích khoa học và tôn giáo, tôi đào sâu thêm hai đam mê của mình và học hỏi thêm từ “sư phụ” Thánh Thần. Tôi âm thầm đăng ký linh thao và đọc Kinh Thánh một cách hẳn hoi, nghiêm túc. Lúc gặp cha hướng dẫn, tôi đã khóc vì sợ không thể lo cho cha mẹ được nếu quẳng gánh lo đi tu hành! Quả thật, tôi ray rứt vì mình chưa giúp được gì cho gia đình mà tôi là chị có ba bốn đứa em. Hồ hởi soạn đồ vô nhà thỉnh sinh mà như vào một cuộc phiêu lưu với lòng vừa quyết tâm vừa rầu rỉ.

Này Ta sẽ lấy gai góc chặn đường nó lại để nó không thấy được lối đi. Nó sẽ chạy theo các tình nhân của nó mà không gặp, sẽ tìm kiếm chúng mà chẳng thấy... Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình (Hs 2,16).

Bạn ơi, đời tu trong hiện tại của bạn là quà tặng. Với trường hợp của tôi, có lẽ Chúa cất tiếng gọi nhiều lần nhưng tai tôi “điếc có chủ đích”. Hay nói đúng hơn tôi cảm thấy Ngài tiến về phía tôi và tôi trốn để Ngài đừng thấy. Mãi tới tuổi lớn rồi, sau nhiều đêm gió mưa rơi tí tách đầu hè, suy ngẫm về nhân tình thế thái và cầu nguyện, thì tôi mới chịu vâng theo tiếng Chúa. Bây giờ nhìn lại, tôi xác tín ơn gọi phát xuất từ tình Chúa vô biên. Ngài biết tôi từ khi tôi thành hình trong dạ mẫu thân. Dù tôi bất xứng, Thánh Thần đã hướng dẫn tôi trên mọi nẻo đường của hành trình ơn gọi và Ngài đón nhận ước nguyện tận hiến của tôi để tôi trở nên bài ca ngợi khen. Nhà dòng mang tên Mẹ Maria; Mẹ chu đáo cầm tay tôi và chỉ bảo từng chút. Mười năm theo đuổi chương trình huấn luyện khởi đầu, tôi học kinh nghiệm tương giao, được đồng hành, chứng kiến tình chị em thắm thiết. Tuy nhiên, học sống cộng đoàn thật là một quá trình cam go với con người dữ dằn và giàu tự ái như tôi.

Đọc câu hỏi của bạn, tôi thấy giống bạn! Lửa yêu mến có thể hừng hực nhưng rồi nguội dần. Đừng lo, Chúa có cách cho bạn. Thuở ban đầu, ta được khích lệ hoặc “bài tập” Chúa giao dễ hơn. Sáng kiến bao giờ cũng xuất phát từ Ngài. Đời thánh hiến cần “tân trang” lại theo năm tháng vì chất “đời” vẫn không ngừng len lỏi vào đấy. Chúa muốn người tu sĩ hiến tế đời mình để làm cho trời mới đất mới mau đến. Bạn hãy để tâm trí thanh thản và cho phép những việc quan trọng đã xảy ra nằm trong tiềm thức được rõ nét. “Lì” trong cầu nguyện cũng cần lắm đó bạn, để tìm ý Chúa đó mà! Ngài xem tình yêu của ta cỡ nào, nhưng Ngài không bắt ta chờ dài cổ đâu! Bạn hãy đọc hạnh các thánh thì sẽ ấm lòng vì thấy các ngài cũng có quá khứ nhưng đã “biết khôn” đặt cược đời trong tay “hộ pháp” của Chúa.

À, cuộc sống không chỉ dừng lại ở đó, những ngày qua tôi đã từng bị cô đơn, khủng hoảng, nghi nan và buồn sầu. Năm các bạn cùng lớp khấn, tôi chưa sẵn sàng và chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà dòng. Thật vậy, tôi nhận thấy mình sống theo tự nhiên hơn là có tâm tình của Chúa Giêsu. Những lúc đương đầu với vấn đề bản thân, tôi hỏi: Tại sao Chúa để con phải chịu như vầy? Đời thánh hiến nếu chỉ nhìn trên phương diện sức người thì thật khó vươn tới. Cuối cùng, trong mờ mịt, tôi lại nhận ra sự nghèo hèn của mình và Ngài chính là niềm vui sâu xa, vĩnh cửu, có sức giải thoát mọi gánh nặng.

Bạn mến, không thể yêu Chúa mà không có hình bóng của tha nhân trong tình yêu dành cho Ngài. Nhờ lời cầu nguyện của mọi người, tôi được vun trồng ơn gọi; những lúc gặp trắc trở trong đời tu tôi đã được an ủi. Tôi chuyển cộng đoàn nhiều đến nỗi tôi phân vân không biết rồi mình sẽ ra sao và chẳng có cách nào khác ngoài việc buông mình cho Chúa, can đảm bước theo đường lối của Ngài. Dần dà tôi rút ra bài học: mình cần được thanh tẩy để đến gần Chúa hơn, chìm sâu trong Ngài. Việc tập luyện nhiều mặt và được sai đi đến với mọi thành phần dân chúng thì cũng hay lắm: Tôi gặp gỡ các học sinh cá biệt, người nghèo về tri thức và thiêng liêng, dân tộc thiểu số,…rồi cộng tác với những người thiện chí, các sinh viên đầy lửa, giáo lý viên nhiệt thành, anh chị tôn giáo bạn,…

Thánh Thần yêu cầu ta can đảm đón lấy mạo hiểm với Thiên Chúa. Trong nhà dòng các bạn nên chia sẻ ơn gọi cho nhau để phần nào hiểu và thông cảm nhau. “Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê đánh cá. Trong công việc mưu sinh này, họ đã học được quy luật tự nhiên, nhưng đôi khi sóng gió ập đến, khiến con thuyền chao đảo. Nỗ lực của họ cũng được đền đáp với mẻ cá lớn, nhưng những lần khác, họ vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con nào và họ vào bờ với tâm trạng mệt mỏi. Cuộc sống phần lớn như thế. Hãy cố gắng nhận ra khát vọng thẳm sâu nhất của mình. Chúng ta đặt những khả năng ấy trên “biển cả”, với hy vọng điều khiển con thuyền đúng hướng. Tuy nhiên, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của người dâng hiến đời mình cho Chúa! Nếu Ngài gọi chúng con đi vào con đường này, hãy tín thác. Đừng ngục ngã trước sợ hãi, vốn là điều làm chúng ta tê liệt trước những tầm cao mà Chúa chỉ cho chúng ta. Chúng con hãy luôn nhớ rằng, với những ai bỏ thuyền lại mà đi theo Giêsu, Thiên Chúa hứa ban một cuộc sống mới, có thể lấp đầy tâm hồn chúng ta và làm cho hành trình của ta thêm sống động".

Khi mới vô Dòng, tôi từ bỏ sở thích, gia đình, nhưng dần dà tôi lấy lại cách tinh vi. Nhìn những khuyết điểm mà tôi sửa hoài chưa được; nản chí lắm, nhưng tự nhủ Chúa kiên nhẫn với mình thì mình cũng cần chấp nhận giới hạn bản thân, “nháy mắt” với Chúa và tiếp tục bắt đầu rồi lại bắt đầu. Những khi “đuối” quá, tôi cứ năn nỉ Chúa câu nguyện tắt: Lạy Chúa, xin ở lại với con, con cần Chúa hiện diện để con không quên Chúa. Chúa biết con dễ dàng bỏ Chúa xiết bao. Lạy Chúa, xin ở lại với con vì con yếu đuối, con cần sức mạnh của Chúa để con không hoài vấp ngã. Lạy Chúa, xin ở lại với con vì Chúa là sự sống của con. Không có Chúa, con không còn nhiệt tâm. Lạy Chúa, xin ở lại với con vì Chúa là sự sáng của con. Không có Chúa, con sẽ ở trong tối tăm. Lúc hết năng lượng, bạn hãy làm như thánh Têrêxa Avila khuyên: Sống cùng Chúa Giêsu như sống với một bạn thân mà mình thường chuyện trò.

Dòng thời gian trôi qua, tôi thấm thía rằng, càng sống thì càng mỏng giòn và dễ sa ngã! Trong hành trình này, tôi phải học cảm nhận mình được thương. Tôi té lên té xuống khi bước theo Đức Kitô. Không dễ giữ lời khấn đâu bạn ạ, vì không có con đường tắt hay đường dễ dãi để nên thánh. Thỉnh thoảng tôi bị dao động trước một tâm hồn đẹp mà mình tiếp xúc.

Việc xưng tội thường xuyên là phương thế giúp tôi quay về với vòng tay của “người tình Giêsu”. Tôi đúng là kẻ ngoại tình trước những sự phù vân của thế gian mà Chúa vẫn xót thương, rồi Ngài mãi tìm cách đem về trong biển tình cứu độ. Về việc vâng phục cả thân và tâm thì thật nghịch lý dưới nhãn quan của con người thời nay, đúng không bạn? Tin tôi đi, Giêsu sẽ biến thử thách thành cơ hội. Giống Á Thánh lập dòng Alix le Clerc ở giai đoạn đầu đời, ngài thích khiêu vũ và ham vui, còn giai đoạn sau ngài đã hoán cải và thực tâm theo Chúa thì tôi chưa bắt chước được! Bạn nghĩ tu sĩ thì thánh thiện? Không đâu, họ vẫn là người đang lữ hành bằng xương bằng thịt. Dẫu chướng ngại như thế, tôi tin mình không chiến đấu một mình mà luôn có “bằng hữu Giêsu”. Còn nữa, nếu chúng ta sửa mình, đời ta sẽ đẹp vì tình Ngài mạnh hơn sự tự ái và ích kỷ của ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc: Người thánh hiến có đủ lý do để sống an bình dù “như bao sinh linh khác, chúng ta trải nghiệm khó khăn, đêm tối tinh thần, thất vọng, bệnh tật, kiệt sức. Chính trong hoàn cảnh đó, chúng ta cần khám phá “sự hoan hỉ hoàn hảo”, học cho biết nhận ra khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã trở nên giống chúng ta mọi đàng. Hãy vui mừng vì biết mình được giống kẻ vì yêu thương ta đã không khước từ thập giá.

Thần học gia Angelus Silisius nói: “Chúa Giêsu sinh ra tại Belem sẽ được gì cho tôi, nếu người không sinh ra trong tôi và không triển nở trong tôi”. Cánh đồng truyền giáo mênh mông và nhu cầu sứ vụ thật khẩn thiết. Tin Mừng đến quê hương chúng ta qua các vị Thừa Sai sẵn sàng rời bỏ xứ sở, vượt trùng dương đến với người dân bản địa xa lạ mà họ nhận làm đồng hương. Được thừa hưởng gia tài quý báu ấy, đến lượt chúng ta có trách nhiệm loan báo cho đồng bào để họ đón nhận kho tàng. Chính vì thế, cầu Chúa cho ta luôn thắm mãi niềm tin son sắt, một tình yêu chứa chan hy vọng dẫu cảnh đời cát bụi dễ làm mình hoen ố, nhạt nhòa.

Tạ ơn Thiên Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Bạn là huyền nhiệm. Ơn gọi của bạn gắn với sứ mạng. Ý Chúa không ai dò thấu được nhưng với tâm hồn biết lắng nghe, chúng ta sẽ “phát hiện” ra. Dù đường sắp tới có gai chông, khi khám phá ra sứ mạng, chúng ta sẽ hạnh phúc, vùng trời bình an sâu thẳm sẽ ngự trị trong tâm hồn. Mong những chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn trân quý ơn gọi mình. Trong bậc sống nào thì Chúa cũng muốn ta sống dồi dào. Xin Thánh Thần chỉ dẫn cho mọi quyết định của bạn! 

Phương An, CND-CSA
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, tháng 3/2023

WHĐ (14/9/2024)

_____

[1] Sứ điệp ĐTC nhân ngày cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 56, 2019, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi-lan-thu-56-nam-2019-50655

[2] X. Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi tất cả các người Thánh hiến, 2014, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-tan-hien-nhan-dip-nam-doi-song-thanh-hien-17879

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây