TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiếc cầu nối các thế hệ

Thứ năm - 17/10/2024 09:26 | Tác giả bài viết: Nt. Elisabeth Bùi Phạm Phương An, CND – CSA |   281
Làm sao để xóa bỏ hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ ạ? Làm sao để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin ạ?

 

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 143 - CHIẾC CẦU NỐI CÁC THẾ HỆ


Hỏi: Làm sao để xóa bỏ hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ ạ? Làm sao để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin ạ?

Trả lời: Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy không hiểu nổi cách suy nghĩ đến hành động của người lớn tuổi, như thể có một khoảng cách thế hệ rất lớn. Đúng thế bạn ạ. Mỗi người có cách nghĩ, cách làm khác nhau huống hồ gì họ khác tuổi tác, môi trường sống, hoàn cảnh giáo dục với bạn.

Khoảng cách thế hệ là khoảng ngăn cách giữa những suy nghĩ, hành động, lối sống và tư tưởng của hai thế hệ khác nhau. Đặc biệt ngày nay, thường có quá ít giờ để các thế hệ tâm sự với nhau. Khối lượng công việc cùng những căng thẳng đã lấy đi sức lực của họ, hoặc con cái lớn rồi lo đi làm ít ngồi đàm đạo với cha mẹ ông bà. Vô tình hoặc cố ý, người lớn thường có xu hướng áp đặt lên con cái thành tích mà họ nghĩ là sẽ tốt, dù chúng không thích; khiến thế hệ trẻ cảm thấy không được ủng hộ theo đuổi năng khiếu, ước mơ, từ đó họ có xu hướng giữ bí mật với bậc trưởng thượng.

1. Thu hẹp khoảng cách

Đầu tiên tôi đề nghị chúng ta hãy mở rộng tương giao. Bạn có thể dẫn bậc tiền bối đi uống trà, trà sữa, cà phê để “thiết lập hội Bàn đào”, hay thậm chí tản mạn về thời tiết, thể thao, giải trí hay nhưng thao thức, trở nên bạn thân của nhau ngày một hơn. Hãy dành nhiều thời gian cho bố mẹ ông bà. Thông thường người trẻ hay sa vào các hoạt động bên ngoài, quên hỏi thăm bậc cao niên đang sống với mình. Nếu có thể hãy rủ họ đi dạo, đến nhà người quen chơi, cùng tham gia câu lạc bộ, công tác xã hội, giúp các vị ấy quen với smartphone, nếu có.

Tiếp theo, hãy học cách chấp nhận nhau, chịu khó lắng nghe chính kiến của “đối tác cao niên”, thử bước vào thế giới của họ để hiểu ngôn ngữ và bắt nhịp với sự phát triển rất khác của người trẻ chúng ta. Những điều đó giúp hàn gắn mối quan hệ giữa các thành viên các thế hệ.

Tôi đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi tin rồi tuổi trung niên, tôi phần nào hiểu cảm giác của bạn khi tiếng nói của người trẻ ít được quan tâm. Tôi thiết nghĩ, để các bạn trưởng thành và nhận thức đúng, các bậc đi trước phải kiên nhẫn thật nhiều, yêu thương đúng cách. Có lẽ tiếc là cha mẹ, thầy cô, các cha, các tu sĩ lớn tuổi,… chưa hoàn toàn làm được điều ấy.

Chúng ta biết, trong thời đại công nghệ số, một bước trong ứng dụng thông minh cũng đẩy thế hệ ra xa nhau thêm, ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ngày càng rõ rệt với thế hệ trẻ. Điều này hình thành thói quen, quan điểm và nhịp điệu sống khác xa với thế hệ già. Vì thế, cũng rất cần các bạn giúp đỡ ông bà từ những việc nhỏ nhặt nhất, mạnh dạn nói lời yêu thương. Chỉ với những hành động nhỏ đã khiến các ngài hài lòng và vui vẻ. Rút ngắn khoảng cách thế hệ không phải là làm điều gì to tát, mà chính là những sự quan tâm thường xuyên bạn dành cho bậc cao niên. Thực sự chúng ta đã có bao lần đưa họ đi khám sức khỏe hoặc nhìn lại mà giật mình khi thấy bố mẹ già yếu. Chúng ta thường nghĩ cho bản thân, lao vào gầy dựng sự nghiệp mà quên các ông bà vẫn chờ đợi mỏi mòn. Họ đâu cần đền đáp bằng những thứ cao sang. Không sến quá đâu, hãy thử: “Con rất yêu bố mẹ. Con cảm ơn ông bà”. Bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn đấy! Nếu khó quá hãy nhắn tin hoặc gửi thiệp nhân dịp lễ, cảm ơn bậc sinh thành đã nuôi dạy ta. Chúng ta đòi cuộc đời viên mãn hoặc tùy ý để cuộc đời sắp đặt và nghiễm nhiên hưởng thụ nhưng khi trải qua nỗi đau, sự chia ly, tuyệt vọng, ta mới cảm nhận được điều chi quý giá.

Thêm nữa, hãy cố gắng nhún nhường một chút, đặt mình vào vị trí của bậc cao niên để hiểu, đừng so sánh họ với người khác. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, bạn không chọn nơi mình sinh ra, không chọn bố mẹ, nhưng hơn hết, họ luôn hi sinh vì con cái.

Cuối cùng, mong bạn thật lòng, đừng giấu diếm, bậc cao tuổi sẽ vui hơn khi chính họ là điểm tựa, đồng hành và nơi bạn có thể tìm về sau bao nhiêu biến cố. Họ sẽ cầu nguyện nhiều cho bạn. Luôn có những cách để tháo gỡ và hàn gắn, nghĩ ra những điều vụn vặt để chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Tôi biết bạn có thể làm được!

2. Để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin

Tôi biết việc xóa bỏ hố ngăn cách thế hệ chưa bao giờ dễ dàng. Vì không hiểu tuổi trẻ nên đôi khi người già thường khó tin tưởng hoặc đánh giá thấp người trẻ, chê họ thiếu kinh nghiệm, bốc đồng và nông nổi; có lúc la rầy và không quan tâm đến những cảm xúc của họ. Hệ quy chiếu của mỗi người khác nhau dẫn đến bất đồng quan điểm và không có tiếng nói chung của thế hệ trẻ hơn so với các thế hệ trước đó. Tôi đọc được đoạn đối thoại của tác giả Lê Hoàng San:

“Bố mẹ ơi hôm nay con được học bổng”.

“Mày lại quay cóp chứ gì?”

“Bố mẹ ơi, con được vào đội tuyển học sinh giỏi”.

“Liệu mà học hành cho nghiêm túc, không được giải thì bôi tro vào mặt bố mẹ đấy, biết không?”

Thay vì được động viên, được khen ngợi thì đa phần, lời của bạn trẻ bị gạt đi. Cho đến khi không được như kỳ vọng hay họ làm sai thì người lớn sẽ chỉ trích. Điều này làm người trẻ mất tự tin, tự chủ, trách nhiệm, vì làm tốt thì cũng không được công nhận… Lẽ thường, sự thiên vị cũng khiến mối quan hệ đi vào ngõ cụt, tách biệt chứ không hề có sự đồng cảm hòa hợp.

Vì thế tôi ao ước người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện được là chính mình. Thế hệ trước thường đưa ra lời khuyên, nguyên tắc chỉ đạo nhưng lại gạt đi mong muốn của người trẻ. Thay vì họ tự chọn mối quan hệ bạn bè, người lớn lại ngăn cản và tự mình can thiệp, coi sở thích của con cháu là nhảm nhí và tốn thời gian. Để tháo gỡ những khúc mắc hãy tìm ra điểm chung và những mặt tích cực giữa các thế hệ. Một cây xương rồng xấu xí, gai nhọn tùm lum cũng vẫn rất hữu dụng và có vai trò nhất định trong hệ sinh thái.

Bạn thân mến, khi bạn đặt câu hỏi này, nó đánh động tôi và nhắc tôi cùng những người “không còn trẻ lắm”, biết làm gương sáng và hy sinh cho người trẻ để làm chứng về niềm tin của chúng ta.

Hiện nay, tôi thấy giới trẻ đã tham gia tích cực trong các hội đoàn như Sinh viên Công Giáo, Huynh trưởng, Giáo lý viên, Ca đoàn,... Ngoài ra họ rất năng động khi đi là từ thiện, tình nguyện đến giúp những nơi đang gặp khó khăn. Tôi từng đi chung với các bạn đến những vùng sâu, xa để thăm viếng, dạy học. Đi rồi mới nhận ra mình làm việc không theo kịp nổi các bạn trẻ về sự nhiệt thành và quả cảm! Quả thật, khi bạn tham gia vào những nhóm tốt như thế thì bạn sẽ tự tin hơn, góp ý kiến và tiếng nói trong những môi trường đức tin rồi đó!

Ngoài ra, chúng tôi cũng hiểu người trẻ cần được chấp nhận cá tính và lựa chọn của họ, nhất là về mặt đức tin. Khi bước vào cuộc sống và thế giới quan để nắm bắt được nhịp điệu, suy nghĩ của bạn trẻ, chúng tôi học cách Chúa Thánh Thần làm việc qua bao thiên niên kỷ qua. Ngài không bao giờ lạc hậu.

Chúng tôi để ý rằng người trẻ cần được đồng cảm, chân thành thấu hiểu và được ủng hộ. Đây đó có những buổi hội thảo, tọa đàm trực tiếp hoặc online dành cho giới trẻ Công Giáo. Đấy là những hoạt động bổ ích, dù còn ít ỏi, nhưng cũng giúp bạn trẻ được nghe và được bộc bạch. Hơn thế nữa, để người trẻ được phát triển trong môi trường đức tin thì cần từ phía gia đình, giáo xứ để “rộng cửa” cho các bạn trẻ hiệp hành trong những công tác, thao thức chung của Giáo Hội.

Ô, nói đi thì cũng nói lại cho công bằng! Còn về phía các bạn thì mong các bạn thiết tha đến với Chúa, tìm kiếm sự khôn ngoan nơi các bí tích và học hỏi Kinh Thánh. Có những bạn đi lễ Chúa nhật theo thói quen và vì sợ bỏ lễ thì phạm tội. Tôi cho rằng các bạn đầy lý trí và có thừa sự thông minh. Môi trường đức tin rất khác biệt môi trường xã hội. Vậy các bạn hãy đặt câu hỏi về đức tin đối với những vị thông thái, cứ việc thắc mắc cho đến khi được câu trả lời mới thôi. Cùng lúc đó hãy xin Chúa cho bạn tìm gặp được chân lý. Một khi đã hiểu rõ và cảm nghiệm bằng trái tim, các bạn biết bạn đi lễ vì sao, Chúa là Đấng nào, thì các bạn sẽ thực hành đạo theo một niềm xác tín sâu xa.

Nếu bạn muốn bạn có tiếng nói trong môi trường đức tin thì bạn cần điều đầu tiên đó là đức tin. Mà đức tin được nuôi dưỡng trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Tâm nguyện, nhớ tới Chúa hằng ngày... là điều không thể thiếu đâu bạn! Thánh Thần sẽ có cách hướng dẫn các bạn nếu các bạn kết nối với Ngài. Thêm vào đó, rất cần các bạn chịu khó đến học nơi các thế hệ tiền bối như Samuel đã chạy tới thầy Êli mà học hỏi tìm tòi. Trong các giáo phận thường có Trung tâm mục vụ hoặc các dòng tu nam nữ, những nơi tổ chức nhiều hoạt động và nhiều lớp học hay, bạn hãy đến tham gia thử nhé!

Hy vọng những điều đó là chất xúc tác tuyệt vời để bạn nhận lại tình yêu thương từ thế hệ mình vốn dĩ nghĩ rằng chẳng thể dung hòa. Bạn hãy phát huy sáng kiến và dùng những phương thế để “kể chuyện về Chúa Giêsu” cho bạn bè mình trong môi trường sống hiện tại nhé. Đó là việc gieo mầm đức tin. Hãy nói với Chúa như lời Thánh vịnh 71: “Lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân”!

Xin được phép mượn lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn các bạn trẻ: “Hỡi các bạn trẻ yêu dấu, Thầy Giêsu mời gọi các con là ngôn sứ trong kỷ nguyên mới, sứ giả tình yêu của Người, thu hút con người đến với Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn nhân loại”.

Nt. Elisabeth Bùi Phạm Phương An, CND – CSA
15/10/2024

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây