TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm B

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. (Ga 12, 20-33)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÀI 30 VĂN HOÁ ỨNG XỬ

Thứ hai - 15/08/2022 10:37 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   485
Chúa Giê-su phán: ”Sao anh lại nói với người anh em : “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh” ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,1-5).
BÀI 30 VĂN HOÁ ỨNG XỬ
BÀI 30
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - XÉT ĐOÁN HỒ ĐỒ DẪN ĐẾN HÀNH XỬ OAN SAI



1. LỜI CHÚA : Khi ấy, Chúa Giê-su phán: ”Sao anh lại nói với người anh em : “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh” ? Hỡi kẻ đạo đức giả !  Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,1-5).
2. CÂU CHUYỆN : VIÊN THANH TRA HỒ ĐỒ.
Một lần kia, ông thanh tra sở giáo dục đến thanh tra một trường nhỏ. Ngồi ở văn phòng, ông nghe thấy tiếng ồn ào ở lớp học kế bên. Nóng nảy bộp chộp, ông xô cửa vào lớp, chẳng nói chẳng rằng, túm lấy một cậu trai lớn tuổi đang làm ồn nhất, lôi cậu ấy vào hội trường, bắt cậu ta đứng vào góc tường và bảo: ”Bây giờ thì câm miệng lại và không được động đậy”.
Vài phút sau, một cậu trai nhỏ tuổi hơn đến bên kéo ông thanh tra bất nhẫn ấy và thỉnh cầu: ”Thưa ông, xin ông làm ơn trả thầy giáo lại cho tụi cháu được không” (Bernard Mischke).
3. SUY NIỆM:
1) THẾ NÀO LÀ XÉT ĐOÁN ? :
 “Xét” là tìm hiểu, cân nhắc kỹ để nhận biết, đánh giá, kết luận về một điều gì.
 “Đoán” là dựa vào vài điều đã thấy, đã biết, mà suy ra điều chưa biết hoặc chưa xẩy ra. 
 Nói cách khác: “Xét” là nhận xét, là quan sát và suy nghĩ. “Đoán” là kết luận phỏng chừng, thiếu chính xác.  Vậy đoán xét là những kết luận được rút ra từ sự ước lượng phỏng chừng, nên thường thiếu chắc chắn và cũng không chính xác.
2) GIÁ TRỊ CỦA SỰ XÉT ĐOÁN :
Xét đoán là một hành vi nhân linh, giúp người ta dựa vào sự kiện đã xảy ra để tìm ra nguyên nhân và hiểu đúng bản chất của sự việc, nhờ đó sẽ chọn cách hành xử đúng đắn. Nhưng nếu nóng vội sẽ dẫn đến xét đoán hồ đồ và hành xử oan sai, sẽ gây ra hậu quả tai hại đáng tiếc.
3) GIÁ TRỊ TƯƠNG ĐỐI CỦA XÉT ĐOÁN :
- Vì ta thường suy nghĩ chủ quan hơn khách quan: XÊ-NO-PHÔN, nhà triết lý Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên đã nói: ”Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đàng trước và một cái đàng sau. Cái bị đàng sau chứa đựng cái xấu của mình, còn cái bị đằng trước lại chứa đầy cái xấu của người khác. Do đó, người ta khó thấy điều sai lỗi thiếu sót của mình, nhưng lại dễ thấy những khuyết điểm lầm lỗi của kẻ khác”.
- Vì ta thường hay xét đoán nông nổi do thiếu kinh nghiệm và tính nóng vội, dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, để sau khi hậu quả xấu xảy ra, dù có hối hận đến đâu cũng khó bù đắp các thiệt hại đã gây ra cho bản thân hay cho người khác.
- Vì tính kiêu ngạo ganh ghét, không muốn kẻ khác hơn mình, nên ta thường hay vạch lá tìm sâu, ưa tìm kiếm lỗi lầm của người khác, mà không nhận ra sự sai lỗi của mình, như người xưa dạy: “Chân mình những lấm bê bê. - Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
4. SINH HOẠT : LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO THA NHÂN ? :
Để tránh tội xét đoán ý trái cho tha nhân, ta cần năng đọc kinh cáo mình mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, trong kinh có câu: ”Lỗi tại tôi, lỗi lại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Hãy năng suy nghĩ Lời Chúa: ”Sao anh thấy cái rác trong con mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại nói với người anh em: ”Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh” (Mt 7,3-4) ? Quyết tâm đối xử nhân từ khoan dung với lỗi lầm của người xúc phạm đến mình, để xứng đáng được Chúa tha thứ các tội lỗi lớn lao của ta.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa, xin giúp con tránh xét đoán ý trái cho kẻ khác. Và khi trách nhiệm buộc con phải đứng ra xét xử, thì xin giúp con xét đoán với sự khôn ngoan và lòng khoan dung như lời Chúa dạy. AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây