BÀI 69
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH - LÀM CHỦ TÍNH NÓNG GIẬN
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên : “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,31-32).
2. CÂU CHUYỆN : NGƯỜI ĐÁNH CÁ VÀ ANH CHÀNG SA-MU-RAI.
Người đánh cá nói : “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Chàng sa-mu-rai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói : “Tôi cũng đã học võ. Nhưng sư phụ tôi lại khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.” Chàng sa-mu-rai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống và nói :
“Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy ta như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm nữa để trả nợ và lúc đó dù chỉ thiếu một xu thôi thì chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
Chàng sa-mu-rai trở về nhà khi đã khá muộn.
Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo sa-mu-rai đang ngủ chung trên giường.
Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, anh rút kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai : “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
Chàng sa-mu-rai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên : “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi !”
Vợ ông giải thích : “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng nhằm để doạ chúng.”
Một năm sau, người đánh cá gặp lại chàng sa-mu-rai và phấn khởi nói :
“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”.
Chàng sa-mu-rai đáp : “Cầm lấy tiền của ngươi đi. Ngươi đã trả hết nợ cho ta rồi".
3. SUY NIỆM :
Một người hay nổi giận, la hét, đập phá đồ đạc, ưa gây gỗ chửi mắng đánh đập người khác sẽ có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại khôn lường cho bản thân và người khác. Đối với bản thân, sự nóng giận sẽ tác hại gây bệnh tim mạch, tiểu đường, đau dạ dày, sơ gan và có thể bị đột quỵ,… Cơn nóng giận lại thường đến rất bất ngờ và khó kiểm soát, nên chúng ta cần phải tìm cách khắc phục.
Sau đây là một số biện pháp giúp chế ngự cơn nóng giận, hầu bảo vệ sức khỏe bản thân và tao bầu khí an bình hạnh phúc cho gia đình, khu phố và nơi làm việc.
1) Hít thở sâu trong vòng 10 giây : Nghe có vẻ đơn giản nhưng hành động này lại được đánh giá là một trong những biện pháp khá hiệu quả để kiềm chế sự nóng giận. Khi cảm thấy bức xúc đang gia tăng, hãy lập tức dừng lại nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây, bạn sẽ có thể nhanh chóng kiềm chế được cảm xúc của mình và lấy lại được sự bình tĩnh.
2) Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói : Dù đang tức giận đến đâu và muốn “xả” hết mọi thứ bạn nghĩ trong đầu thì bạn hãy nhớ lời khuyên của tiền nhân : “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Bạn hãy suy nghĩ xem những gì sắp nói ra, liệu có làm ta phải hối hận sau này hay không ?
3) Chia sẻ với người thân : Thay vì đi tìm để dằn mặt kẻ thù, bạn hãy tìm gặp một người bạn thân để chia sẻ, và cơn tức giận của bạn có thể sẽ nhanh chóng tan biến do được người bạn thân lắng nghe và cảm thông. Bạn chắc cũng sẽ nhận được lời khuyên hữu ích từ người bạn này.
4) Làm điều mình ưa thích : Thay vì cố gắng xả bớt sự tức giận bằng lời nói la hét, bằng hành động đập phá… thì bạn hãy làm điều bạn ưa thích như : xem một bộ phim hài hước, nghe một bản nhạc hay… Bấy giờ bạn sẽ sớm lấy lại được bình tĩnh.
5) Hãy tìm hiểu rõ ràng sự việc trước khi hành động đáp trả : Khi bạn không hài lòng về một lời nói của ai đó, hãy hỏi lại xem họ thực sự muốn nói gì, để tránh sự hiểu nhầm đáng tiếc.
6) Hãy nhìn lại mình : Hãy giảm bớt “cái tôi” xuống : Trong nhiều trường hợp, người khác chỉ muốn điều tốt cho bạn, nhưng có thể bạn chưa hiểu và nghĩ là họ đang chế nhạo hoặc nói xấu mình. Hãy bình tĩnh suy nghĩ xem trường hợp này có nên và có đáng phải tức giận không.
7) Giải trí bằng đọc sách xem phim : Một cuốn sách hay, một bài hát ưa thích, một hài kịch vui… có thể giúp bạn thoát khỏi những cảm xúc buồn bực bi quan, nhờ đó bạn sẽ sớm lấy lại bình an và có hành động tích cực hơn.
8) Cầu nguyện : Cầu nguyện giúp người tín hữu kiềm chế được tính nóng. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ dễ cảm thông tha thứ, dễ nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân và sẽ gây được thiện cảm của nhiều người, là điều kiện để thành công trong mọi việc…
4. THẢO LUẬN :
Trong cuộc sống thường ngày, có khi nào bạn đã hành xử theo tính nóng đối với kẻ đã làm mình tức giận không ? Bạn quyết tâm sống lời “Hay nhịn chớ hờn giận” trong kinh Cải tội bảy mối ra sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin cho chúng con làm chủ được tính nóng giận bằng cách học nơi Chúa sự khiêm tốn và nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa, để trở thành người kiến tạo bình an trong gia đình, khu xóm, sở làm và mọi nơi chúng con hiện diện… Hầu xứng đáng nên môn đệ đích thực của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM