BÀI 67
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TẬN TÂM
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy : “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Ki-tô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người.” (Cl 3,23-24).
2. CÂU CHUYỆN : MỘT NGƯỜI THỢ SƠN TẬN TÂM.
Một anh thợ sơn được chủ thuyền yêu cầu tân trang một chiếc thuyền. Anh liền đem sơn và dụng cụ tới làm theo yêu cầu của khách hàng. Trong khi sơn, anh phát hiện thấy có một lỗ thủng nhỏ bên mạn sườn con thuyền và đã bít đi lỗ thủng ấy dù chủ thuyền không yêu cầu. Xong việc anh nhận tiền công và về nhà.
Vài hôm sau, chủ thuyền đã đến gặp và trao tặng anh một món quà giá trị cao hơn nhiều so với số tiền công sơn thuyền. Anh rất ngạc nhiên và thắc mắc về số tiền được trả thêm này ?
- Chủ thuyền đáp : Đây không phải là tiền trả cho dịch vụ sơn thuyền, mà là tiền trả thêm cho dịch vụ bít lỗ thủng bên mạn sườn con thuyền.
- À, chỉ là “chuyện nhỏ” thôi mà ! Không đáng để ông phải trả thêm cho tôi số tiền lớn như vậy đâu. Thưa ông !
- Chuyện là thế này. Khi tôi yêu cầu anh sơn lại con thuyền, tôi đã quên nói đến cái lỗ thủng bên mạn sườn con thuyền. Sau khi anh hoàn thành công việc sơn thuyền thì tôi lại không ở nhà. Mấy đứa trẻ con tôi đã rủ nhau chèo thuyền đi câu cá. Chúng không biết có một cái lỗ thủng bên mạn thuyền rất nguy hiểm. Khi tôi trở về nhà thì chúng đã chèo thuyền đi từ lâu rồi. Tôi lo sợ có thể xảy ra tai nạn cho con thuyền .
Nhưng sau đó tôi rất vui khi thấy chúng chèo thuyền bình an trở về. Tôi liền kiểm tra lỗ thủng trên chiếc thuyền và thấy anh đã cẩn thận vá lại lỗ thủng ấy rồi ! Tôi rất cảm ơn anh, vì anh đã cứu sinh mạng mấy đứa con của tôi ! Thậm chí tôi nghĩ không thể trả công cân xứng được với hành động mà anh cho là “chuyện nhỏ" đó !
3. SUY NIỆM :
Hãy luôn làm việc hết sức với "cái tâm" của mình. Chính sự làm việc “tận tâm” sẽ mang lại cho bạn sự may mắn và thành công...
1) Tận tâm trong công việc :
Làm việc tận tâm không những là hoàn thành công việc, mà là chu toàn công việc với hết khả năng để đạt kết quả tối đa, bằng cách : suy nghĩ trước khi hành động và hy sinh mọi sự để đạt kết quả tối đa. Nói cách khác người tận tâm trong công việc là người có tinh thần trách nhiệm cao khi thực hiện tốt nhất công việc được trao phó.
2) Làm thế nào để trở thành một người tận tâm ? :
a- Tận tâm là quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao :
Trong công việc, chẳng có việc nào nhỏ đến mức bạn có thể làm cẩu thả. Cũng không có việc nào ít quan trọng để bạn có thể xem thường bỏ qua. Việc lớn được hình thành từ các việc nhỏ cộng lại. Nếu bỏ qua những việc nhỏ, bạn sẽ không thể hoàn thành được việc lớn. Do đó, hãy giải quyết những việc nhỏ bằng sự tận tâm, với hết tinh thần và trách nhiệm của mình. Khi đó bạn sẽ dễ dàng được người khác tín nhiệm và về sau sẽ có cơ hội được trao làm các việc lớn hơn.
b- Đánh giá thang điểm về sự tận tâm của bản thân :
Hãy tự kiểm tra qua một số câu hỏi như : Bạn có thường lên mạng xã hội để “chat” với bạn bè trong khi công việc đang làm còn chưa xong hay không ? Bạn có làm ngay công việc phải làm hay lại trì hoãn đến khi sắp hết hạn mới vội vàng làm hay không ? Bạn có cố gắng hoàn thành tốt công việc được cấp trên giao không ? Bạn có sẵn lòng làm thêm một vài việc liên quan ngoài hợp đồng, mà không đòi thêm tiền công đã tự nguyện làm thêm đó hay không ?
4. SINH HOẠT : Làm việc tận tâm có đồng nghĩa với tinh thần trách nhiệm cao không ? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con chu toàn các việc bổn phận cách nghiêm túc : luôn làm mọi việc với hết khả năng và không ngại bỏ thêm công sức thời gian… để công việc đạt kết quả tốt nhất. Xin cho chúng con luôn làm mọi việc để làm vinh Danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM