TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khát vọng

Chủ nhật - 30/05/2021 03:15 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   1012
Khát vọng

Khát vọng

Sống ở đời, mỗi người đều mang trong mình những niềm khao khát. Ai cũng mong muốn được hạnh phúc, bình an và thành đạt. Nhờ những khát vọng ấy mà con người có nghị lực để vượt lên giữa những nghịch cảnh và đứng vững trước phong ba bão táp của cuộc đời. Giữa những niềm khát vọng sâu xa của con người, niềm khát vọng Thượng Đế mãnh liệt nhất. Từ bao thế hệ, con người luôn khao khát đi tìm Thượng Đế. Có những lúc Ngài tỏ mình cho con người, nhưng cũng có những khi dường như Ngài hoàn toàn im tiếng. Các nhà thần bí chiêm niệm, một số các triết gia đã “gặp” Ngài, và gọi Ngài bằng nhiều danh xưng khác nhau. Khát vọng Thiên Chúa làm nên sức mạnh kỳ diệu, khiến con người có thể từ bỏ mọi sự vì niềm khát vọng ấy.

Ông Albert Camus, văn sĩ và triết gia người Pháp (1913-1960), đã viết: “Trong cuộc săn đuổi giữa con sói và con nai, con sói chạy vì nhu cầu ăn uống, còn con nai chạy vì nhu cầu sinh tồn”. Con sói thì hung dữ mạnh mẽ, con nai thì hiền lành đơn sơ. Mỗi khi gặp sói, nai phải tìm đường để thoát thân, nếu không sẽ thành mồi nuôi sói. Con sói hung dữ là vậy, nhưng lại rất sợ nước. Vì thế, trong cuộc trốn chạy này, con nai mong đến suối nước để lao mình xuống. Đến được dòng suối là con nai được an toàn. Con nai tìm đến suối không phải để uống nước (nhu cầu ăn uống) mà là để được cứu sống (nhu cầu sinh tồn). Trong khi đó, con sói hung dữ săn đuổi con nai vì kiếm mồi (nhu cầu ăn uống). Tìm được đến suối nước đối với con nai là vấn đề sống hay chết. Khát vọng vươn tới suối nước mang tính sống còn, vì thế mà nó tìm mọi cách, dồn hết sức lực để lao mình về suối nước.

Tác giả Thánh vịnh đã dùng hình ảnh con nai tìm đến nguồn suối để diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa của người Do Thái: “Như nai rừng khát mong nguồn suối, hồn con cũng khát mong Chúa” (Tv 42,1). Thánh vịnh này được viết trong thời lưu đày ở Babylon, diễn tả tâm tư của những người tha hương, tưởng nhớ về quê cũ. Trong lòng họ luôn gợi lên nỗi nhớ quê nhà, với những lễ nghi tế tự. Hướng về quê hương, họ cũng hướng về Thiên Chúa, hướng về Đền thờ với nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Lời cầu nguyện của họ luôn đẫm lệ buồn, mong được về quê cha đất tổ để khôi phục các truyền thống tế tự xưa. Nếu đặt câu Thánh vịnh này trong bối cảnh cuộc săn đuổi giữa con sói và con nai, chúng ta sẽ thấy niềm khao khát Thiên Chúa mãnh liệt đến thế nào.

Khát mong Chúa không giống như một nhu cầu ăn uống, nhưng là để tồn tại, để sống trên đời. Không có Chúa, cuộc đời con người trở nên vô nghĩa. “Đời con nếu không có Ngài con sẽ lạc loài. Như chim lạc cánh mùa đông. Như hoa nở không đúng mùa úa phai…” (Nếu không có Ngài – Phạm Quang). Tâm hồn người tín hữu luôn khao khát Chúa và luôn hướng về Ngài. Cuộc tìm kiếm này thật lạ lùng: khi gặp Ngài rồi lại muốn tìm nữa, vì Thiên Chúa là nguồn cảm hứng bất tận, luôn hấp dẫn và gọi mời những ai muốn nên trọn lành tiếp tục gặp gỡ khám phá những nét đẹp nơi Ngài. Thánh Augustinô (345-430) đã diễn tả điều này như sau: “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp từ ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới. Ôi Cái Đẹp, con yêu Ngài quá đỗi muộn màng!”. Mỗi bước trong hành trình Đức tin, người yêu mến Chúa lại có những khám phá mới mẻ. Chúa vừa là “vẻ đẹp từ ngàn xưa”, có nghĩa là muôn đời không thay đổi; vừa là vẻ đẹp “mỗi ngày mỗi mới”, giúp cho người tin Chúa có những khám phá không ngừng. Người yêu Chúa sẽ luôn khát vọng tìm Chúa vì cảm thấy yêu chẳng bao giờ đủ. Đó là lý do tại sao tại các dòng chiêm niệm, các đan sĩ chìm mình ngày đêm trong lời cầu nguyện và suy tư. Họ dấn thân cả đời trong bốn bức tường kín mà vẫn vui. Họ sẵn sàng hy sinh từ bỏ mọi sự để chọn Chúa, vì đối với họ, có Chúa là có tất cả. Khách du lịch đến Nguyện đường trên đỉnh núi Thánh Micae (Mont Saint Michel) ở miền Tây Bắc nước Pháp đều ngỡ ngàng, vì thấy trên đỉnh núi cô tịch, ngay trong thời khủng hoảng ơn gọi này, vẫn có các đan sĩ ngày đêm cầu nguyện cho thế giới. Ngôi nhà thờ này thuộc Đan viện Biển Đức, được khởi công xây từ thế kỷ thứ 10, đến năm 1523 mới hoàn thành. Từ hơn 10 thế kỷ, kể cả trong thời cách mạng Pháp, lời tôn vinh ca ngợi Chúa luôn vang lên tại nơi này. Các đan sĩ hoàn toàn sống cách biệt với cuộc sống bon chen ồn ào của thế giới bên ngoài, ngày đêm kết hợp với Chúa bằng lời kinh cầu nguyện và tâm hồn yêu mến thiết tha.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã nói về nỗi khát vọng của con người hướng về Thiên Chúa như sau: “Nỗi khát khao Thiên Chúa đã được khắc ghi trong lòng con người, bởi vì con người được dựng nên bởi Chúa và cho Chúa; và Thiên Chúa không ngừng cuốn hút con người về với Ngài, và chỉ nơi Thiên Chúa mà thôi con người mới tìm thấy chân lý và hạnh phúc thực mà nó kiếm tìm không nguôi” (Số 27). Tác giả Thánh vịnh cũng diễn tả sự khao khát thiêng liêng này: “Linh hồn con đã khao khát Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất khô cằn không gặp nước” (Tv 62,2).

Chỉ có Chúa mới lấp đầy khát vọng thâm sâu của con người. Những lợi lộc danh vọng trần gian chỉ là hư ảo chóng qua. Cuộc đời và ơn gọi của thánh Augustinô đã chứng minh điều đó. Là một chàng thanh niên học thức đầy triển vọng và cũng là một người ăn chơi nổi tiếng, nhưng Augustinô vẫn thấy tâm hồn trống rỗng. Ông khởi đầu hành trình tìm kiếm Chúa bằng tâm tình sám hối, cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Cuộc đời ông dần dần được biến đổi. Augustinô đã trở thành linh mục, rồi giám mục giáo phận Hippo. Thánh nhân đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Thiên Chúa mà chúng ta khát vọng và kiếm tìm không phải một ý niệm mơ hồ. Ngài cũng không phải một vĩ nhân của lịch sử xa xưa, hay một vị thần linh dửng dưng với nỗi đau của kiếp đời nhân thế. Khi tự giới thiệu tên gọi của mình, Thiên Chúa đã phán: “Ta là Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp” (Xh 3,15). Danh xưng này gợi lên sự quan tâm chăm sóc của Ngài đối với con người, cụ thể là các bậc tiền nhân của người Do Thái. Sự quan tâm chăm sóc Chúa dành cho con người còn thể hiện đặc biệt qua công trình nhập thể và cứu độ. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã mang gương mặt con người. Trời cao đã đến với đất thấp. Thiên Chúa đã có một danh xưng mới. “Hạnh phúc mà bạn kiếm tìm, hạnh phúc mà bạn có quyền hưởng có một tên, một khuôn mặt, đó là Chúa Giêsu Kitô thành Nagiarét” (Đức Bênêđitô XVI).

Mặc dù khao khát và luôn đi kiếm tìm Chúa, nhưng ở đời này, chúng ta chỉ thấy Ngài lờ mờ như trong gương (x. 1 Cr 13,12). Chúng ta chỉ thực sự gặp Ngài trực tiếp, “mặt giáp mặt” ở đời sau, tức là khi kết thúc hành trình trần thế. Dẫu vậy, khi sống trên đời này, chúng ta có thể gặp Ngài bằng tình yêu mến, lời cầu nguyện và cảm nghiệm của trái tim. Trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều người nam cũng như nữ đã được gặp Chúa và nhờ cuộc gặp gỡ này, họ được biến đổi cuộc đời. Đó là những vị thánh. Nơi họ, vinh quang Thiên Chúa thẩm thấu và chiếu tỏa trong cuộc sống xung quanh.

Hướng về Chúa, khao khát gặp gỡ Ngài, đó là lý tưởng của người Kitô hữu và là cốt lõi của đời sống Đức tin. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa (1 Cr 10,31). Người tín hữu chân chính là người luôn biết nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc sống, đồng thời trong mọi hoàn cảnh đều muốn làm đẹp lòng Ngài. Niềm khát vọng Thiên Chúa sẽ chi phối và thúc đẩy mọi hành động và lời nói tư tưởng của chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể từng bước nên trọn lành ngay trong cuộc sống hôm nay.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

 Tags: Khát vọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây