TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hành trình về nguồn

Chủ nhật - 30/05/2021 03:33 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   900
Hành trình về nguồn

Hành trình về nguồn

Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và khám phá ra một quy luật kỳ diệu liên quan đến loài cá hồi. Loại cá này sống ở xứ lạnh, nhất là vùng Bắc Âu và ở bờ Tây nước Mỹ, thường nặng từ 6 đến 10 kg, với tuổi đời là 4 hoặc 5 năm. Cá hồi đẻ trứng ở thượng nguồn. Vài ngày sau, trứng nở thành con. Khi trứng cá hồi nở thành cá con, cũng là lúc nó khởi đầu hành trình xuôi về biển cả. Mỗi ngày, cá lớn lên, cũng là mỗi ngày nó tiến dần về phía đại dương mênh mông. Khi đã ra đến biển, cá lớn nhanh và phát triển. Vùng vẫy ở đại dương một thời gian, đến thời kỳ cá bắt đầu có trứng. Đó cũng là lúc cá hồi khởi đầu hành trình ngược dòng về cội nguồn của mình. Đây là cuộc hành trình vất vả và xa xôi, có khi tới 3.000 dặm. Vượt qua bao thác ghềnh, cuối cùng cá hồi cũng về tới thượng nguồn. Đây cũng là thời điểm đẻ trứng. Cá đẻ trứng vào hốc đá, chỗ lặng sóng, để trứng có môi trường an toàn thuận lợi. Sau khi đẻ trứng, cá mẹ cá bố đều chết, buông thân xác tàn tạ xuôi theo dòng nước, hoà mình tan biến dần hoặc làm thức ăn cho các loài cá khác. Vòng sinh tử của loài cá hồi cứ tiếp tục như thế, thế hệ nọ kế tiếp thế hệ kia. Thời điểm sinh sản cũng là lúc kết thúc cuộc đời.

Vòng sinh tử của loài cá hồi giúp ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời. Sau khi chào đời và từng bước trưởng thành, chúng ta được hoà mình vào đại dương mênh mông có tên gọi “cuộc đời”. Đại dương cuộc đời là chốn bon chen, con người phải tranh đấu cam go để tồn tại. Cuộc sống thế gian là chốn ba đào, nếu thiếu khôn ngoan thận trọng, con người sẽ bị nhấn chìm trong đau khổ. Giữa những bề bộn lo toan cơm áo gạo tiền, có những khi chúng ta đánh mất chính mình, để cho dòng thác lạc thú cuốn trôi và chỉm nghỉm giữa vòng xoáy của cuộc đời. Lửa thử vàng, gian nan thử đức, đại dương cuộc đời cũng là chốn con người chứng tỏ lòng trung thành của mình với Chúa và lòng bác ái với tha nhân. Thánh nhân là người sống giữa đời, đầy cám dỗ mà vẫn thanh tao bình dị, đồng thời biết đón nhận mọi cơ hội Chúa ban để nên hoàn thiện. Chúa Giêsu đến để loan báo Nước Trời. Người kêu gọi chúng ta hãy cộng tác với Người để làm cho Nước Trời được thực hiện nơi trần gian. Đó là vương quốc của bình an, công chính và thánh thiện nơi lòng con người.

Sống trên đời là tiến bước trong hành trình về cội nguồn. Người vô tín cho rằng mỗi ngày sống trên dương gian làm cho đời ngắn lại; người có Đức tin lại nghĩ năm tháng qua đi làm ta đến gần Chúa hơn. Sau một thời gian sống trên trần thế, xác thịt “bởi đất mà ra” lại trở về với lòng đất. Người Kitô hữu tin rằng chết không phải là hết. Nếu thân xác con người, sau khi chết sẽ mục nát với thời gian, thì linh hồn trường sinh bất tử còn tồn tại mãi mãi. Con người sinh ra bởi lòng mẹ để vào trái đất, rồi lại sinh ra bởi lòng đất mà vào quê trời. Người theo đạo Ông Bà quan niệm chết là về sum họp với tổ tiên, như lá rụng về cội, như nước chảy về nguồn. Người công giáo cũng dùng hình ảnh sum họp và lá rụng về cội để diễn tả cái chết, nhưng “cội nguồn” ở đây là chính Thiên Chúa Tối cao. Ngài làm chủ muôn loài muôn vật. Mọi sự đều quy hướng về Ngài. Ngài dẫn dắt chúng ta với lòng bao dung thân thương trìu mến. Ý tưởng được Chúa yêu thương dẫn dắt thường được hát lên trong các thánh lễ cầu cho người qua đời, như niềm xác tín mạnh mẽ vào đời sau.

Theo thời gian, thân xác con người tàn tạ, và sau khi tắt thở, được an táng trong lòng đất. Người công giáo gọi giờ phút trút hơi thở cuối cùng là lúc “sinh thì”, tức là đến lúc sinh ra. Con người khi nhắm mắt xuôi tay là bước vào cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu. Dù thân xác có rã tan trong lòng đất, Thiên Chúa quyền năng vẫn có thể cho sống lại vinh quang. Cũng như khởi đầu của công trình tạo dựng, Ngài đã dựng nên con người từ bùn đất, vào thời tận thế, Chúa cũng lấy thân thể đã thành bụi đất mà tái tạo thành con người. Như hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để mọc lên thành cây mới, thân xác con người cũng thấm sâu vào lòng đất như hoà tan vào cội nguồn, để rồi từ đó mà trỗi dậy vinh quang.

Cá hồi chết sau khi về với cội nguồn và sau khi đẻ trứng. Sự chết của cá mẹ lại là sự ra đời của một đoàn con đông đảo. Cá mẹ đón nhận cái chết như cử chỉ tận hiến trong yêu thương. Cũng thế, sự ra đi của con người về với Đấng Tối cao cũng được diễn tả như cuộc hồi hương sau bao tháng ngày xa cách. “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ…”. Sự ra đi bao giờ cũng để lại một khoảng trống nơi những người ở lại, người công giáo tin rằng khoảng trống ấy chỉ là tạm thời, vì chắc chắn có ngày người đi trước và người đi sau sẽ gặp lại nhau trên quê hằng sống. Sự ra đi này vừa là tạm biệt người thân, vừa là sum họp cùng thần thánh trên trời, bởi lẽ chết là về nhà Cha, về với cội nguồn, nơi có những người đến trước đang chờ đợi chúng ta. Nhờ niềm xác tín này, người tín hữu cầu nguyện cho người đã ra đi, xin Chúa đón nhận những người thân yêu của họ vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Người tín hữu chiêm ngắm Đức Giêsu trên thập giá như gương mẫu hoàn hảo về sự hy sinh. Đức Giêsu đã chết cho con người được sống. Người đã mang trên đôi vai mình tội lỗi của cả nhân loại. Chính Chúa đã dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo vào lòng đất để diễn tả cái chết của Người (x. Ga 12,24-26). Hạt lúa chấp nhận bị mục nát, để sinh mầm và phát triển. Nơi cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy sự sống. Người đã chết để đền tội thay cho chúng ta. Ngày hôm nay, Người đang mời gọi chúng ta hiến mình vì anh chị em, vác đỡ thập giá cho nhau, để trên đời này không còn ai ngã quỵ vì đơn côi hay vì gánh nặng cuộc đời. Nhờ sự hy sinh mọi người dành cho nhau, cuộc sống này sẽ trở nên an hoà nhân ái.

Lá rụng về cội trở thành chất bón cho cây, để nhờ đó, cây sinh ra những tán lá mới đầy nhựa sống. Cá hồi sau khi đẻ trứng, hiến mình hoà tan vào dòng chảy cuồn cuộn, tiếp tục nuôi dưỡng các thế hệ cá con. Người ta khi nằm xuống, để lại gì cho đời? Có người suốt đời bôn ba vất vả làm giàu, lắm bạc nhiều vàng, khi chết hai tay buông thõng chẳng mang theo được gì xuống mồ, của cải bạc vàng họ để lại nhiều khi thành cớ cho những người thừa kế tranh giành xâu xé. Có người khi sống thất đức, nằm xuống rồi còn bia miệng tiếng đời, để nhục cho hậu thế mai sau. Tạ ơn Chúa, trên thế gian có nhiều người tốt, khi kết thúc cuộc đời, để lại tiếng thơm và gương lành cho hậu thế. Có thể tên họ không được khắc ghi trên bia đá, nhưng được khắc ghi trong lòng người và sống mãi với thời gian. Người ta nhớ đến một vĩ nhân không phải vì họ sống trường thọ cao niên, nhưng vì họ đã làm những điều tốt đẹp mang lại lợi ích cho đời. Họ là những người dám nghĩ dám làm, can đảm lội ngược dòng, bứt tung mọi rào cản của thiên kiến và ngờ vực, đặt lợi ích của tha nhân hơn lợi ích cá nhân mình. Nhờ ơn Chúa, họ sẽ rực rỡ như bầu trời chói sáng và như những vì sao tồn tại mãi muôn đời (x. Đn 12,3).

Hành trình về nguồn là chặng đường xa thăm thẳm, cần nỗ lực bền chí. Là người Kitô hữu, chúng ta có con đường mang tên Giêsu dẫn ta về gặp gỡ Chúa Cha, là cội nguồn của mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất (Ep 3,15). Đi trên con đường này, chắc chắn chúng ta không bị lạc. “Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn?” (Tv 143,4) hãy mạnh dạn bước đi, Chúa đang ở cùng chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây