TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sách Tin Mừng và sách Bài đọc

Chủ nhật - 30/05/2021 03:24 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss |   2919
Sách Tin Mừng và sách Bài đọc

Sách Tin Mừng và sách Bài đọc

Trong thánh lễ, có những thực hành nhầm lẫn sau đây liên quan đến Sách Bài đọc:
Nhầm lẫn thứ I: Rước Sách Bài đọc trong đoàn rước nhập lễ
Trước đây và cả hiện nay, nhiều giáo xứ và cộng đoàn dòng tu thường nhầm lẫn giữa Sách Bài đọc và Sách Tin Mừng. Bởi thế mới có chuyện ung dung rước Sách Bài đọc trong cuộc rước nhập lễ rồi đặt sách này ở trên bàn thờ hay giảng đài.

Thật ra, Sách Bài đọc và Sách Tin Mừng là hai cuốn sách khác nhau. Cuốn Sách Bài đọc chứa đựng các bản văn Kinh Thánh được công bố theo ngày phụng vụ: Bài đọc I, Thánh vịnh Đáp ca, Bài đọc II (trong dịp lễ trọng hay Chúa nhật), Halleluia - câu tung hô Tin Mừng và Bài Tin Mừng. Trong khi đó, Sách Tin Mừng hoàn toàn chỉ chứa đựng những Bài Phúc Âm được công bố theo ngày. Hiện nay, rất ít giáo xứ hay cộng đoàn dòng tu sở hữu Sách Tin Mừng này.

Việc sử dụng hai cuốn như thế không nên được diễn dịch như thể có sự tách rời giữa các Bài đọc Cựu Ước cũng như Thánh thư Tân Ước nằm trong Sách Bài đọc với những bản văn Phúc Âm nằm trong Sách Tin Mừng. Lời Chúa được mặc khải trong cả hai Giao Ước, nhưng những lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm vẫn được phụng vụ của Giáo Hội dành cho sự cung kính nhiều hơn.

1 Tất cả Kinh Thánh đều là Lời Chúa, nhưng Đức Kitô hiện diện trong lời riêng của Ngài khi Bài Phúc Âm được công bố.

2 Vì vậy, Sách Tin Mừng, ngay cả bề ngoài, cũng thường được trang trí bằng bao da hay kim loại thật kính cẩn, cao quý và đẹp mắt hơn Sách Bài đọc nhằm lôi kéo sự chú ý của các tín hữu cũng như nhằm bày tỏ lòng kính trọng Sách Tin Mừng một cách đặc biệt hơn hẳn những cuốn sách khác.

3 Khi muốn tôn vinh Lời Chúa qua cuộc rước nhập lễ và rước tung hô Tin Mừng, Giáo hội yêu cầu sử dụng Sách Tin Mừng trong đoàn rước chứ không phải Sách Bài đọc.4 Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma cho biết:

Bài Tin Mừng là cao điểm của phụng vụ Lời Chúa. Chính phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính Bài Tin Mừng, vì phụng vụ đặc biệt đề cao Bài Tin Mừng hơn các Bài đọc khác, phần thì về phía thừa tác viên được cử ra đọc và dọn mình đọc nhờ phép lành hay lời cầu nguyện, phần thì, về phía giáo dân, họ tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Ðức Kitô đang hiện diện và nói với họ, và họ đứng để nghe Tin Mừng, phần thì do những dấu tỏ lòng trọng kính đối với Sách Tin Mừng.5

Dầu vậy, chủ ý của Giáo hội là không bắt buộc phải rước Sách Tin Mừng. Chúng ta có thể đặt Sách Tin Mừng sẵn ở trên bàn thờ chứ không nhất thiết phải rước.6

Nhưng nếu muốn, thì rước Sách Tin Mừng chứ không phải rước Sách Bài đọc trong đoàn rước nhập lễ. Nghĩa là, nếu không có Sách Tin Mừng trở thành đối tượng được tôn vinh trong cuộc rước, thì đừng tổ chức rước Sách Bài đọc. Nếu có cả hai (Sách Tin Mừng và Sách Bài đọc), chúng ta nên để sẵn Sách Bài đọc ở giảng đài trước khi thánh lễ khởi sự để độc viên công bố Lời Chúa từ Sách Bài đọc. Còn phó tế hay linh mục sẽ công bố Tin Mừng từ Sách Tin Mừng được lấy trên bàn thờ rồi rước sang giảng đài trong cuộc rước tung hô Tin Mừng.7

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma năm 2002 miêu tả những việc tôn vinh sau đây dành cho Sách Tin Mừng:
Thầy đọc sách có thể mang Sách Tin Mừng, chứ không phải Sách Bài đọc, nâng cao lên một chút;8

Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu. Nếu có mang Thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt Thánh giá gần bàn thờ để thành Thánh giá bàn thờ. Chỉ để một Thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem Thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; Sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.9

Rồi, vị tư tế cầm lấy Sách Tin Mừng, nâng lên một chút, nếu sách đó đặt trên bàn thờ, tiến đến giảng đài, có những thừa tác viên đi trước. Những người này có thể mang bình hương và nến, đứng hướng về giảng đài, tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với Tin Mừng Chúa Kitô.10

Hai tay nâng Sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh.11

Khi đến bàn thờ, nếu mang Sách Tin Mừng, thầy không bái kính, bước lên bàn thờ đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ, rồi cùng với vị tư tế hôn kính bàn thờ…12

Trong các buổi cử hành long trọng, Đức Giám mục có thể ban phép lành cho dân chúng với Sách Tin Mừng. Sau đó thầy đưa Sách Tin Mừng về bàn phụ hay một nơi thích đáng khác.13

Cuộc rước nhập lễ với Sách Tin Mừng được giơ cao là bắt chước nghi thức đầy ấn tượng được tìm thấy trong nghi điển Byzantine nhằm diễn tả và đào sâu sự tôn kính đối với mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Việc nâng cao Sách Tin Mừng trong đoàn rước giúp cho các tín hữu tập trung vào phẩm tính của Lời Chúa và chuẩn bị cho cộng đoàn lắng nghe một cách chăm chú.

Khi tới cung thánh, nếu mang Sách Tin Mừng (Sách Phúc Âm), thừa tác viên không bái kính (cúi chào bàn thờ) mà bước tới bàn thờ luôn rồi đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ.14 Có ý kiến cho rằng thừa tác viên mang Sách Tin Mừng nên đi vòng quanh một bên bàn thờ, tới giữa bàn thờ, rồi mới đặt Sách Tin Mừng xuống bàn thờ đang khi ngài đối diện với dân chúng. Tuy Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (năm 2002) không đề cập Sách Tin Mừng đặt trên bàn thờ như thế nào? Nhưng thông thường có 3 cách đặt: đặt nằm - đặt nghiêng - hoặc đặt thẳng đứng. Chúng ta nên chọn cách đặt nghiêng hay đặt thẳng đứng, vì hai cách này các tín hữu có thể nhìn thấy Sách Tin Mừng dễ dàng hơn.15

Đến phần Tung hô Tin Mừng, linh mục hay thầy phó tế sẽ tiến đến bàn thờ lấy Sách Tin Mừng (đã được đặt trên đó ngay từ đầu Thánh lễ). Ngài giơ cao Sách lên và rước Sách đến giảng đài cùng với các thừa tác viên khác mang nến và hương đi trước đang khi cộng đoàn hát Halleluia. Đôi khi, có thể rước Sách Tin Mừng qua một phần dân chúng trong nhà thờ với một đoạn rước dài hơn bình thường nhằm diễn tả về mặt biểu tượng và nghi thức tầm quan trọng chúng ta đặt nơi Lời Chúa nhất là nơi Sách Tin Mừng.16

Sau khi đọc Tin Mừng xong, thầy phó tế hoặc linh mục đưa Sách Tin Mừng cho Đức Giám mục chủ tế hôn hay chính thầy vừa hôn sách vừa đọc thầm: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc...”. Lý do nên mang Sách Tin Mừng cho Đức Giám mục chủ tế hôn là vì trong các buổi cử hành long trọng, Đức Giám mục có thể ban phép lành cho dân chúng bằng Sách Tin Mừng.17

Một cuộc rước ngắn mang Sách Tin Mừng từ giảng đài đến vị Giám mục chủ tế là một trường hợp duy nhất mà câu tung hô Tin Mừng có thể được lặp lại. Thực ra, không có tài liệu hay chữ đỏ nào đề nghị việc lặp lại một cách đặc biệt như thế. Nhưng có những ưu tiên trong Thánh lễ đại triều vào những dịp long trọng, chẳng hạn khi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành lễ vọng Chúa Hiện xuống kết thúc Synod giáo phận Rôma vào năm 1993, hay khi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cử hành lễ phong chân phước cho vị tiền nhiệm của ngài vào Chúa nhật 01-05-2011, Halleluia được hát lặp lại khi Sách Tin Mừng được đem đến cho vị chủ tế. Halleluia cũng được lặp lại như thế trong một vài lễ khác như lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Đôi khi, không phải là Halleluia, nhưng là một câu Điệp xướng được hát sau bài Tin Mừng.18

Nhầm lẫn thứ II: mang Sách Bài đọc lên giảng đài
Thực hành thường thấy trong một số nơi là tác viên đọc sách (độc viên Sách Thánh) vừa đi vừa giơ cao hay mang theo Sách Bài đọc từ vị trí của mình lên giảng đài đang khi hay sau khi chủ tế đọc Lời nguyện nhập lễ.

Trong Phụng vụ Thánh lễ, có tất cả 5 cuộc rước: 1] Rước nhập lễ; 2] Rước tung hô Tin Mừng; 3] Rước tiến lễ; 4] Rước hiệp lễ; 5] Rước kết lễ. Trong cả 5 cuộc rước này thì Sách Tin Mừng chứ không phải Sách Bài đọc có thể được tôn vinh trong đoàn rước nhập lễ và rước tung hô Tin Mừng. Nghĩa là, không bao giờ có việc rước hoặc mang Sách Bài đọc từ vị trí của độc viên lên giảng đài. Sách Tin Mừng chứ không phải Sách Bài đọc thì đã được đặt ở trên bàn thờ ngay từ đầu Thánh lễ dầu có hay không cuộc rước Sách Tin Mừng.19 Còn Sách Bài đọc thì phải được đặt sẵn ở trên giảng đài. Độc viên không nên lấy cớ là cần phải dò Bài đọc trước Thánh lễ chuẩn bị cho việc công bố rồi để cuốn Sách Bài đọc ở đâu đó không phải ở trên giảng đài. Đúng ra, tác viên công bố Sách Thánh phải biết bài Sách Thánh sẽ công bố, đã đọc và suy niệm Bài đọc này từ lâu trước ngày cử hành thánh lễ. Họ không phải là người bị chỉ định đột xuất vào phút chót để lên đọc Sách Thánh.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss

_____________________________________________
1  Xc. M. Basil Pennington, The Eucharist - Yesterday and Today (St. Pauls, 2000), 44-45.
2  Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL), số 29.
3  QCSL 117.
4  QCSL 120; 122; 133; 172; 173; 175.
5  QCSL 60.
6  QCSL 117; 120d; 306.
7  QCSL 44, 133.
8  QCSL 120d.
9  QCSL 122.
10  QCSL 133.
11  QCSL 172.
12  QCSL 173.
13  QCSL 175.
14  QCSL 173, 195.
15  Xc. Paul Turner, Let Us Pray (Philippines: St. Pauls, 2007), no. 175.
16  Xc. Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 49.
17  QCSL 175.
18  Edward McNamara, “Gospel Acclamation, Before and After” trong Zenit Daily Dispatch, 20 Nov. 2007.
19  QCSL 117, 122.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây