TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nguyên tắc để quyết định đúng ý Chúa

Thứ tư - 18/10/2023 20:12 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ |   535
“Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây.” (Linh Thao số 318).

NGUYÊN TẮC ĐỂ QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG Ý CHÚA
 

vn191023a

 

WHĐ (18.10.2023)Thế giới đang đau xót với hai cuộc chiến tại Ukraina và tại dải Gaza. Chiến tranh không ai muốn, nhưng lại thường xảy ra. Để đối phó với cuộc chiến, người ta cần bình tĩnh hầu đưa ra những chiến thuật, chiến lược đúng đắn. Bình tĩnh cũng là nguyên tắc có thể giúp cả hai chiến tuyến có thể hòa đàm. Cả thế giới cũng kêu gọi các bên kiềm chế và bình tĩnh giải quyết vấn đề. Đó là kế sách trong chiến tranh. Vậy trong cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến thiêng liêng thì sao?

Ông bà mình để lại cho con cháu một nguyên tắc quý giá này: “Giận quá mất khôn, hoặc cả giận mất khôn”. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy khuôn mặt người giận thật khó coi, ăn nói thô lỗ, suy nghĩ nông nổi, quyết định sai lầm, và đổ vỡ tương quan. Do đó trước khi đưa ra quyết định, đừng để ngọn lửa nóng giận đốt cháy mọi lý trí vốn giúp chúng ta có được lựa chọn thông minh.

Về mặt tâm lý, cơn nóng giận thôi thúc chúng ta làm bất cứ điều gì mình đang muốn. Không cần suy nghĩ trước sau, bực tức khiến người ta hành động, hành động và hành động. Điều này vốn gây nhiều hệ lụy, nhất là trong việc đưa ra quyết định.

Về mặt thiêng liêng, Giáo hội mô tả nóng giận hoặc bực tức ở trong tâm hồn như là một dấu hiệu của “sầu khổ thiêng liêng-spiritual desolation”. Nghĩa là lúc này tâm hồn chúng ta không còn bình tĩnh trước Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta thấy mình chán chường và chẳng còn muốn cầu nguyện nữa. Ngôn ngữ thiêng liêng gọi là sự khô khan trong tâm hồn. Hoặc Giáo hội dùng một từ khác: Sự sầu khổ thiêng liêng. “Gọi là sầu khổ vì đó là sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mến; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Ðấng Tạo Hóa và Thiên Chúa của mình.” (Linh Thao số 317).

Chúng ta vừa trích lời giải thích trên đây của thánh I-nhã, Đấng Sáng Lập Dòng Tên. Ngài đã từng rơi vào cơn sầu khổ này nhiều lần, đến nỗi muốn tự tử! Thật may là trong lúc đó, thánh nhân đã không thay đổi bất cứ điều gì muốn làm trước đó. Ngài tiếp tục kiên trì cầu nguyện và chiến đấu thiêng liêng. Sau cùng, ngài đã vượt qua được cơn sầu khổ để bước vào tình trạng an ủi thiêng liêng. “Gọi là an ủi (consolation) khi trong linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Ðấng Tạo Hóa và Chúa mình, và do đó, không có thể yêu một thọ tạo nào trên mặt đất vì chính thọ tạo ấy, nhưng chỉ yêu trong Ðấng tạo dựng mọi sự. Ðó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Ðức Kitô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa. Sau cùng, còn gọi là an ủi mọi gia tăng của lòng tin-cậy-mến, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Ðấng Tạo Hóa và Chúa mình” (Linh Thao 316). Ai được ở trong tình trạng này thì hạnh phúc vô ngần. Họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, vì quyết định ấy dựa trên lý trí, tình cảm và cả ơn Chúa nữa.   

Những kinh nghiệm thiêng liêng trên đây được thánh I-nhã viết lại trong một cuốn sách gọi là sách Linh Thao. Bạn dễ dàng đọc cuốn sách này trên Internet[1], hoặc hỏi các cha, các thầy Dòng Tên để có được bản văn. Điều quan trọng là sách này, nhất là điểm kế đây, sẽ giúp bạn có được một nguyên tắc quyết định vừa đúng ý mình, vừa hợp ý Chúa:

“Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây.” (Linh Thao số 318).

Nguyên tắc trên thường đúng hầu hết trong mọi lãnh vực của đời sống. Chẳng hạn bạn đang muốn từ bỏ đời tu ư? Hãy chậm lại để tĩnh tâm, ở lại với Thiên Chúa để từ từ phát hiện điều gì đang diễn ra trong tâm hồn. Biết đâu ý tưởng ấy đến từ Ma Quỷ, hoặc đến từ một nguyên do rất vô lý. Càng ở với Thiên Chúa, bạn càng bình tĩnh để nhận ra nguyên do đích thực. Hoặc nói theo ngôn ngữ bình dân, bạn được bình an, thong dong và hạnh phúc trong mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Chỉ lúc này bạn mới có thể đưa ra quyết định mà không ân hận. Xin đừng quyết định trong lúc tâm hồn bồn chồn, xao xuyến và bất an.

Một ví dụ khác. Bạn muốn ly dị ư? Có phải ý tưởng này đến khi mình đang tức giận với người bạn đời? Hoặc vì một cơn “say nắng” với người nào đó, khiến bạn vội vàng muốn quyết định ly dị. Trong trường hợp này, thật tốt để bạn dừng lại. Đó là dấu hiệu của đèn đỏ, nếu bạn chạy tiếp, chắc hẳn tai nạn sẽ xảy ra; nghĩa là bạn sẽ quyết định sai lầm trong trường hợp này. Thánh I-nhã, hoặc nói đúng hơn, Giáo hội và Thiên Chúa mời gọi bạn đừng thay đổi điều gì trong lúc linh hồn hoặc tâm thế mình bấn loạn, bất an. Bạn cần thời gian thinh lặng trong tình cảnh này. Cầu nguyện có thể giúp nhiều trong lúc bạn đang gặp khó khăn. Hoặc theo chỉ dẫn của Giáo hội: “Hãy luôn xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết Đức Giêsu mong đợi gì ở bạn, trong mọi lúc của cuộc sống bạn và trong mọi quyết định bạn phải thực hiện, để phân định vị trí của điều ấy trong sứ mạng bạn đã lãnh nhận. Hãy để Chúa Thánh Thần luyện đúc bạn nên mầu nhiệm riêng biệt, có thể phản chiếu Đức Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay”[2]. Theo đó, thánh I-nhã đưa ra vài chỉ dẫn có thể giúp bạn vượt qua khó khăn (Linh thao 319-321):

- Hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây.

- Nếu như không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại với cơn sầu khổ ấy; chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình theo cách nào thích hợp.

- Có khi Thiên Chúa đang thử luyện tôi.

- Hãy cố gắng nhẫn nại, và nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ được an ủi, nếu hết sức chiến đấu với cơn sầu khổ ấy.

Có thể độc giả đang cảm thấy khó khăn với những chỉ dẫn trên. Không sao! Chúng ta cùng tập luyện, hoặc chia sẻ cho người khác về nguyên tắc này. Càng tập, chúng ta càng thành thạo và có thể áp dụng chúng một cách dễ dàng. Khi đó, nguyên tắc trên đây sẽ giúp rất nhiều cho đời sống của chúng ta. Nhất là trước những quyết định hệ trọng. Không chỉ giúp cho mình, nhưng chúng ta có thể chia sẻ cho con cháu, bạn bè, hoặc những ai xin lời khuyên từ chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Trước những quyết định quan trọng, Chúa luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Chúa không để cho những cơn nóng giận chi phối, không đi theo đường lối của Ma Quỷ. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết dùng lại đôi chút để cầu nguyện. Nhất là trong lúc gặp khó khăn, đau khổ và bất an, xin giữ tâm con bất biến giữa dòng đời vạn biến. Chỉ khi thế, chúng con mới hy vọng được ở trong tình yêu của Ngài. Bởi, ai để tình thương dẫn lối, thì hiếm khi bị lạc đường.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ


 

[2] Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, số 23, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-hay-vui-mung-hoan-hi-gaudete-et-exsultate-ve-on-goi-nen-thanh-trong-the-gioi-ngay-nay-51169 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây