TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Công giáo và cuộc xung đột Israel - Hamas

Thứ hai - 23/10/2023 05:50 | Tác giả bài viết: |   686
Đâu là vị thế của Công Giáo nói chung và của Tòa Thánh nói riêng trong tình trạng đau thương ở Gaza?
Công giáo và cuộc xung đột Israel - Hamas

Công giáo và cuộc xung đột Israel - Hamas

2 tuần lễ đã trôi qua từ ngày Trung Đông lại rơi vào tình trạng xung đột cao độ giữa Palestine và Israel, với cuộc tấn công chưa từng có của lực lượng Hamas từ Gaza. Cho đến nay, đã có hơn 1.300 người Israel bị giết, khoảng 200 người còn bị giữ làm con tin, trong khi tại Gaza, số người bị thiệt mạng vì các cuộc tấn công trả đũa của Israel lên tới hơn 4.200. Viễn tượng xung đột sẽ lan rộng. Đâu là vị thế của Công Giáo nói chung và của Tòa Thánh nói riêng trong tình trạng đau thương ở Gaza?

Đức Thượng Phụ Pizzaballa

Tại Gaza chỉ còn khoảng hơn 1.000 tín hữu Kitô, đa số là tín hữu Chính Thống và chỉ có hơn kém 100 tín hữu Công Giáo họp thành giáo xứ Thánh Gia, do Cha Gabriele Romanelli, người Argentina, thuộc dòng Ngôi Lời Nhập Thể coi sóc. Cha hoạt động tại Thánh Địa từ 28 năm nay. Cộng tác với cha trong xứ đạo có các nữ tu dòng nữ Ngôi Lời Nhập Thể và các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa. Khi xảy ra cuộc chiến, cha bị kẹt ở Bêlem không trở về nhiệm sở được. Nhưng cha luôn giữ liên lạc với cha phó và giáo xứ của mình. Trong thời gian qua, Đức Thánh Cha đã đích thân điện thoại cho cha 4 lần để hỏi thăm, khích lệ và nâng đỡ.

Giáo xứ ở Gaza thuộc quyền của Đức tân Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Công Giáo Latinh, bao gồm cả Israel, Palestine, Vương quốc Jordan và đảo Síp.

Ngay trong ngày 7/10/2023, Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem đã lên tiếng kêu gọi làm lắng dịu ngay tình trạng căng thẳng giữa Israel và Palestine, trong đó Đức Hồng Y khẳng định rằng: "Cái vòng bạo lực đã giết hại nhiều người Palestine và Israel trong những tháng qua, lại bùng lên sáng hôm nay, thứ Bảy 7/10".

"Chúng ta chứng kiến một sự bùng nổ bạo lực đột ngột gây lo âu rất lớn vì trương độ và cường độ của nó. Cuộc hành quân xuất phát từ Gaza và phản ứng của quân đội Israel đang đưa chúng ta trở lại thời kỳ tệ nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Quá nhiều người chết và bị thương cũng như những thảm trạng mà các gia đình Palestine cũng như Israel đang phải đối phó, sẽ tạo thêm những oán ghét và chia rẽ, cũng như sẽ tàn phá ngày càng nhiều viễn tượng ổn định”.

"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các vị lãnh đạo tôn giáo trong vùng và trên thế giới, hãy nỗ lực hết sức để giúp hạ căng thẳng trong tình trạng này, tái lập sự yên hàn và hoạt động để bảo đảm các quyền cơ bản của dân chúng trong vùng”.

"Những tuyên bố đơn phương về qui chế các địa điểm tôn giáo và nơi thờ phượng xách động tâm tình tôn giáo và nuôi dưỡng thêm oán ghét và cực đoan. Vì thế, điều quan trọng là bảo tồn qui chế "Status Quo" tại tất cả các nơi ở Thánh Địa và đặc biệt tại Giêrusalem."

"Sự tiếp tục đổ máu và những tuyên ngôn chiến tranh một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về nhu cầu cấp thiết phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài và bao quát cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel tại phần đất này, vốn được kêu gọi trở thành miền đất công lý, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc”.

Phản ứng

Thông cáo trên đây của Đức Hồng Y Pizzaballa bị Đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh mạnh mẽ phê bình là đặt kẻ tấn công và người bị tấn công "ngang hàng nhau”. Cả phía Công Giáo, như từ Công Giáo Ucraina, cũng có người phê bình Đức Hồng Y là không gọi đích danh Hamas là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Đức Hồng Y trả lời rằng: đây không phải là lúc tranh luận, "bút chiến”. Đó chỉ là phản ứng khởi đầu, khi tình hình chưa rõ ràng và mức độ "dã man” của các dân quân Hamas chưa được phát hiện hết, với các cuộc tấn công vào các Kibbutz chặt đầu 40 trẻ em...

Và thực tế, trong các thông cáo sau đó của Đức Hồng Y Pizzaballa và các Thượng Phụ, các thủ lãnh cộng đoàn Kitô ở Thánh Địa, phản ánh và lên án rõ ràng hơn sự tàn ác của dân quân Hamas, nhưng đồng thời cũng tố giác những phản ứng tàn bạo không kém của quân đội Israel qua các hành động trả thù, nhất là sự phong tỏa toàn bộ miền Gaza, cắt mọi nguồn điện nước, khí đốt và xăng dầu, rải truyền đơn ra lệnh cho hàng triệu thường dân phải di tản khỏi thành phố Gaza để đi xuống miền nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ để tránh những cuộc hành quân, khiến Liên Hợp Quốc và thế giới phải lên tiếng phê bình về sự thái quá này.

Lập trường của Tòa Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô, qua những buổi tiếp kiến chung và kinh Truyền Tin trong 2 tuần qua, đã nhiều lần bày tỏ đau buồn về tình hình đau thương ở Gaza và Thánh Địa, cầu nguyện cho các nạn nhân, thân nhân của họ, đặc biệt yêu cầu Hamas trả tự do cho hàng trăm con tin, đồng thời ngài kêu gọi ngưng chiến và hãy hiểu rằng "khủng bố và chiến tranh không mang lại giải pháp nào, nhưng chỉ gây ra chết chóc và đau khổ cho bao nhiêu người vô tội. Chiến tranh là một thất bại”.

Đức Hồng Y Parolin

Lập trường chính thức của Tòa Thánh được Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin bày tỏ nhiều lần qua các cuộc gặp gỡ hoặc phỏng vấn. Đặc biệt 1 tuần sau khi Hamas khởi chiến, trong cuộc gặp gỡ các cơ quan truyền thông Vatican hôm 13/10/2023, ngài khẳng định rằng: "Cuộc tấn công khủng bố do Hamas và các lực lượng dân quân khác chống lại hàng ngàn người Israel đang cử hành ngày Simchat Torah, kết thúc tuần lễ Sukkot, là điều vô nhân đạo. Tòa Thánh mạnh mẽ hoàn toàn lên án hành động đó. Ngoài ra, chúng tôi lo âu vì những người nam nữ, già trẻ đang bị giữ làm con tin ở Gaza. Chúng tôi bày tỏ sự gần gũi với các gia đình bị thương tổn, trong đó phần lớn là người Do-thái, chúng tôi cầu nguyện cho họ, cho những người đang còn bị sốc, cho những người bị thương. Cần phục hồi ý thức của lý trí, từ bỏ đường lối mù quáng oán ghét và phủ nhận bạo lực như một giải pháp. Quyền của người bị tấn công là được tự vệ, nhưng cả việc tự vệ hợp pháp phải tôn trọng các khuôn khổ tương ứng. Tôi không biết cuộc đối thoại giữa Israel và Hamas có thể diễn ra theo mức độ nào, nhưng nếu có và chúng tôi hy vọng sẽ có, thì cần tiến hành ngay không chút do dự. Điều này để tránh thêm tình trạng đổ máu, như đang xảy ra ở Gaza, nơi mà rất nhiều người là những thường dân vô tội, sau các cuộc tấn công của quân đội Israel”.

Giải pháp cho vấn đề Palestine

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Hồng Y Parolin cũng nhắc nhở rằng "Hòa bình chỉ có thể được xây dựng trên công lý. Trong tiếng Latinh, chúng ta ưa nói: "Opus justitiae pax”, không thể có hòa bình giữa con người nếu không có công lý. Tôi thấy công lý lớn có thể tại Thánh Địa là giải pháp 2 quốc gia, để người Palestine và Israel sống cạnh nhau, trong hòa bình và công lý, đáp ứng những khát vọng của phần lớn hai bên. Giải pháp này, đã do Cộng đồng quốc tế dự kiến, nhưng gần đây dường như có một số người, từ phe này cũng như phe kia, cho là không còn có thể thực hiện nữa. Đối với những người khác, đó là điều không bao giờ xảy ra. Tòa Thánh tiếp tục xác tín ngược lại và tiếp tục ủng hộ giải pháp này.

"Và bây giờ điều rất đúng là những con tin được trả tự do ngay, kể cả những người mà Hamas cầm giữ từ những cuộc xung đột trước đây: theo nghĩa này tôi lập lại lời kêu gọi do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra và nhắc lại trong những ngày này. Điều chính đáng là trong khi tự vệ hợp pháp, Israel không đặt các thường dân Palestine sống tại Gaza trong tình trạng nguy hiểm. Điều đúng đắn, và có thể nói là không thể thiếu được, đó là trong cuộc xung đột này cũng như trong mọi cuộc xung đột khác, luật về nhân đạo phải được hoàn toàn tôn trọng”.

Mặt khác, sáng ngày 13/10/2023, Đức Hồng Y Parolin đã viếng thăm đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh để bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi tinh thần với đại sứ Raphael Schutz.

Đức Tổng Giám Mục Jean-Paul Vesco của Alger

Trong số các vị lãnh đạo Công Giáo lên tiếng về xung đột ở Trung Đông, đặc biệt có Đức Cha Jean-Paul Vesco, dòng Đa Minh người Pháp, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Alger. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công giáo "La Croix” ra ngày 16/10/2023, ngài khẳng định rằng:

"Bạo lực man rợ của Hamas không gì có thể biện minh, nhưng nó không phải là không có nguyên nhân”.

"Sự man rợ tuyệt đối mà Hamas bố trí tinh quái trong cuộc tấn công rộng lớn và ồ ạt chống lại dân chúng Israel đã làm cho thế giới tây phương ngỡ ngàng. Dĩ nhiên nó tức khắc tạo nên làn sóng các cuộc đồng thanh lên án..."

“Trong phản ứng tức khắc, Israel muốn tận dụng cơ hội này để quyết liệt tiêu diệt 'một lần cho tất cả' với cái gai Hamas và cả quyền tự trị hạn hẹp của Gaza. Thủ tướng Israel gọi đây là Gaza 'một thành thị của sự ác cần phải bị phá hủy'. Nhưng chẳng lẽ không có 50, 40, 30, 20 hay ít là 10 người công chính ở Gaza sao?” (Sáng Thế 18,22-23).

Không thiếu lý do

Đức Tổng Giám Mục Vesco nhận xét rằng:

"Bạo lực man rợ này không có lý do gì để biện minh, nhưng nó không phải là không có lý do. Tôi đã thấy và đã trải qua một chút bất công và tủi nhục xảy ra hàng ngày cho người Palestine ở Gaza và những nơi khác trong các lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng (...) vì chủ trương thực dân hóa của nhà nước Israel là chính sách rừng rú, phân mỏng phần đất này như 'da beo' với các khu định cư của người Israel đến độ từ nay không có thể là một lãnh thổ đơn nhất có chủ quyền dù là bé nhỏ đến đâu. Bất công lịch sử và hằng ngày, việc sử dụng võ lực thái quá, không tương ứng, hạ nhục liên tục, tạo cơ sở cho bạo lực."

"Trước những cú 'sấm sét' ngày 7/10/2023, có ai còn quan tâm đến sự từ bỏ mọi tiến trình hòa bình, khiến cho người ta vĩnh viễn không còn hy vọng có một quốc gia Palestine có thể sinh tồn được nữa và thay vào đó là một chế độ thực dân (do Israel áp đặt) một chế độ mà người ta tưởng là đã thuộc về quá khứ rồi! (...)”

"Và ngày nay, chúng ta phẫn nộ giống như những lời của bộ trưởng quốc phòng Israel nói: 'Chúng ta đối đầu với những con vật và chúng ta phải xử với chúng như những con vật'. Ông nói như thế để thông báo việc hoàn toàn cúp nước uống, lương thực, khí đốt và điện, tại Gaza, biện minh trước mặt thế giới và để có một lương tâm yên hàn về một tội ác chiến tranh. Người Palestine bị Israel coi như những 'con vật', đó không phải là một từ chưa từng được xử dụng. Chính họ cảm thấy bị đối xử như vậy khi đi qua những trạm kiểm soát của Israel. Nhưng khác với các con vật, họ cảm thấy nhục nhã.!” (...) (La-croix.com 16/10/2023).

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây