TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp nối và hiệp thông

Thứ hai - 31/05/2021 04:26 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   696
Tiếp nối và hiệp thông

Tiếp nối và hiệp thông

Hội đồng Giám mục Việt Nam đang thực hiện chuyến hành hương theo Giáo luật quy định, quen gọi là Visitatio Ad Limina Apostolorum. Cuộc viếng thăm này kéo dài từ ngày 3 đến 11 tháng 3 năm 2018. Đây không phải là một chuyến đi chỉ để trình diện và báo cáo tình hình Giáo Hội địa phương với Tòa Thánh, nhưng là một cuộc hành hương mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Chuyến viếng thăm này nói lên nhiều chiều kích, nhất là diễn tả tính tiếp nối và tình hiệp thông trong Giáo Hội Chúa Kitô. Đỉnh cao của cuộc viếng thăm này là việc viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, đồng thời yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô, vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công giáo.
Cuộc hành hương về nguồn khởi đầu bằng nghi thức kính viếng và dâng Thánh lễ trên phần mộ Thánh Phêrô. Thật cảm động khi các Giám mục vây quanh mộ vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công giáo. Nghi thức viếng mộ bao gồm một đoạn Tin Mừng kể về việc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin (Mt 16, 13-20). Tiếp theo, mọi người cùng tuyên đọc kinh Tin kính, được gọi là “Kinh Tin kính các tông đồ”. Hơn hai ngàn năm đã qua, đức tin được các tông đồ tuyên xưng không hề thay đổi, mặc cho xã hội thời thế đổi thay. Giữa các tông đồ ngày xưa và các Giám mục ngày nay có một sự tiếp nối liên tục, không gián đoạn. Không một tổ chức nào trên trần gian có được tính liên tục lâu bền như thế. Trong lịch sử, đã có những vương quốc hùng mạnh, chinh đông dẹp bắc, quyền thế vô song. Nhưng những thế lực ấy chỉ tồn tại một thời gian, rồi cũng đến lúc tàn lụi, thậm chí bị xóa sổ. Về với Rôma, khi chứng kiến ngôi đền thờ Thánh Phêrô và đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, ta thấy đây là biểu tượng cho sự trường tồn của Giáo Hội. Những vương cung thánh đường đồ sộ này cũng khẳng định truyền thống ngàn năm của đoàn chiên có Chúa Giêsu là Mục tử. Đương nhiên, Giáo Hội của Chúa Kitô không phải là ngôi nhà, dù đồ sộ đến mấy đi nữa, nhưng là cộng đoàn tín hữu khắp nơi trên hành tinh này. Ai tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa và hiệp thông với vị Đại diện của Người nơi trần gian, thì đều là thành viên của Giáo Hội. Triền miên từ năm này đến năm khác, mỗi ngày có hàng vạn người đến thăm viếng Đền thờ Thánh Phêrô. Trong số này, có những người tham quan du lịch để nghiên cứu và khám phá, nhưng cũng có những tín hữu hành hương về thánh đô, nơi có phần mộ của vị Tông đồ trưởng, người được Chúa trao quyền tháo cởi cũng như ràng buộc. Nhìn dòng người tưởng như vô tận xếp hàng vào thăm Đền thờ Thánh Phêrô, người ta thấy một Giáo Hội sống động và phát triển không ngừng. Có thể ở một vài quốc gia đây đó, tình trạng thực hành đức tin đã mai một, nhưng không vì thế mà phủ nhận sức sống thần thiêng của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa giống như một thân thể. Có những lúc chi thể này yếu kém và bệnh tật, nhưng không vì thế mà mất đi sức sống, vì vẫn còn gắn kết với toàn thân thể. Trước mộ Thánh Phêrô, có một tấm biển nhỏ, trên đó trích dẫn ba lời tuyên xưng của ngài:

*Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16)

*Lạy Thày, bỏ Thày chúng con sẽ theo ai, vì Thày có lời ban sự sống đời đời? (Ga 6,67)

*Lạy Thày, Thày biết mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày (Ga 21,27).

Có thể nói, ba lời tuyên xưng trên đây thể hiện rõ đức tin, đức cậy và đức mến của vị Tông đồ trưởng. Khi tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, Thánh Phêrô đã nhận ra nơi Thày mÌnh là Đấng Thiên Sai. Ông đi theo Người, không phải đi theo một nhân vật nổi tiếng theo kiểu trần gian, nhưng để đón nhận giáo huấn của Chúa để rồi đến lượt mình, tiếp tục lĩnh nhận sứ mạng cao cả là loan báo Nước Trời. Ông xác tín một niềm nơi Đấng Cứu thế, tin vào Người và biết người mình đi theo là ai. Lời tuyên xưng thứ hai được phát biếu vào lúc một số môn đệ than phiền: “Lời Thày nói chối tai quá, làm sao nghe được?” (Ga 6,60). Chính trong lúc tưởng chừng như bi đát này, Phêrô khẳng định: chỉ theo Thày Giêsu mới là con đường hạnh phúc, mặc dù những chống đối gay gắt đến từ một số người Do Thái, luật sĩ và biệt phái. Lời tuyên xưng thứ ba vào lúc Chúa Giêsu phục sinh gặp gỡ các môn đệ sau mẻ lưới lạ. Chúa đã hỏi ông ba lần về lòng yêu mến. Sau câu hỏi lần thứ ba, Phêrô thấy buồn, và ông đã thể hiện tình yêu mến của mình một cách xác tín như Chúa biết rõ lòng ông vậy. Được trưng dẫn bên mộ Thánh Phêrô, ba lời tuyên xưng này như tóm lược những điểm son của cuộc đời thánh nhân, đồng thời như một lời mời gọi chúng ta hãy noi gương vị ngư phủ bờ biển hồ Tibêria, vững một niềm tin, xác tín niềm trông cậy và nồng nàn trong tình mến đối với Chúa. Như thế, từ lời tuyên xưng của Phêrô cho đến lời tuyên xưng đức tin của chúng ta, có tính liên tục, duy nhất và luôn xác tín.
Chuyến viếng thăm Ad Limina của các Giám mục cũng thể hiện tình hiệp thông trong Giáo Hội. Hiệp thông là một điểm nhấn quan trọng của Công đồng Vatican II, khi nói về Giáo Hội. Nếu Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, thì các Giám mục là những người kế vị các tông đồ. Chúa đã chọn mười hai tông đồ. Trong số mười hai, Người đã đặt Phêrô làm người đứng đầu. Cuộc viếng thăm Ad Limina là cuộc gặp gỡ giữa người kế vị Phêrô và những người kế vị các tông đồ. Giáo Hội hiệp nhất giữa Đức Thánh Cha và Giám mục đoàn, để làm nên một Giáo Hội duy nhất bền vững. Đức Giáo Hoàng cũng là Giám mục của Giáo phận Rôma, Thủ đô của Giáo Hội. Đây là điểm quy tụ của mọi tín hữu Công giáo. Đương nhiên, không phải giáo dân nào cũng có điều kiện đến Rôma, nhưng bất cứ ai hiệp thông với Giám mục của mình, thì họ đã liên kết với vị Chủ chăn tối cao của Giáo Hội một cách thiêng liêng, và như thế, họ liên kết với Chúa Giêsu, như Người đã nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Tình hiệp thông trong Giáo Hội thật kỳ diệu. Đến với Giáo Đô, ta có thể gặp đủ mọi sắc tộc, mọi ngôn ngữ và mọi nền văn hóa khác nhau. Tuy vậy, tất cả đều có chung một ngôn ngữ là đức tin. Chính đức tin nối kết mọi người và giúp họ hiểu nhau, để rồi tuy xa lạ mà lại thân quen như người nhà. Qua chuyến viếng thăm Ad Limina, các Giám mục Việt Nam cũng như các Giám mục trên toàn thế giới khẳng định rằng, mặc dù họ đang hiện diện tại những miền đất khác nhau, nhưng vẫn gắn bó liên kết vị vị đứng đầu Giáo Hội. Tình hiệp thông này làm nên sức sống vả vẻ đẹp thiêng liêng của Giáo Hội, tạo sự hiệp nhất vững vàng không gì lay chuyển nối.
Qua sự hiện của các Giám mục, toàn thể Dân Chúa Việt Nam đều đang hiện diện bên cạnh Tòa Thánh và bên phần mộ của hai vị Tông đồ. Đến với Rôma, Các Giám mục mang theo những lo âu trăn trở, những ước nguyện mong sao cho đoàn chiên của mình được hiệp nhất, thăng tiến và phát triển. Chắc chắn mọi thành phần Dân Chúa, tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại, đều cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này. Xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam ngày càng tràn đầy sức sống, nhờ gắn bó với Đức Giêsu và vị Đại diện của Người ở trần gian, qua các vị chủ chăn của Giáo Hội Công giáo trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

Rôma, ngày 3 tháng 3 năm 2018

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây