TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình yêu thực sự là gì?

Thứ ba - 10/01/2023 08:19 | Tác giả bài viết: Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM |   676
Tình yêu thực sự là gì? Đôi khi con nghe nhiều thứ tình yêu quá, tình vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu thực sự là gì?
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 73: TÌNH YÊU THỰC SỰ LÀ GÌ?

Hỏi: Tình yêu thực sự là gì? Đôi khi con nghe nhiều thứ tình yêu quá, tình vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Thiên Chúa.

Trả lời:
 

Nhà thơ Xuân Diệu, một người được mệnh danh là ông hoàng thơ tình, đã định nghĩa tình yêu bằng một câu thơ nổi tiếng: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!”[1]. Đối với ông cũng như đối với biết bao người bao thế hệ, tình yêu là một thứ cảm xúc đặc biệt không thể nào lý giải nổi theo lý lẽ tự nhiên. Một nhà thơ tình khác là Hàn Mặc Tử, có lẽ với vốn liếng đức tin của một người Công giáo, đã quy hướng lời giải đáp về với siêu nhiên:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
để nghe trong đáy nước hồ reo
để nghe tơ liễu run trong gió
và để nghe Trời giải nghĩa yêu.[2]


Vậy, theo hướng này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem Trời giải nghĩa yêu như thế nào nhé!

TÌNH YÊU THỰC SỰ LÀ GÌ?

Đối với người Công giáo chúng ta, câu trả lời đã có sẵn ngay trong Kinh Thánh, mạc khải từ trời cao, đã tỏ cho chúng ta biết: “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU” (1Ga 4, 16). Nói cách khác, tình yêu đích thực là chính Thiên Chúa. Tình yêu là trung tâm trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau trong tình yêu.  

Tự bản tính, tình yêu có chiều hướng bung ra, thông đạt cho người khác. Thiên Chúa, vì là tình yêu, nên Ngài tạo dựng vạn vật để thông đạt tình yêu của Ngài. Đó là lý do Ngài dựng nên chúng ta. Thánh nữ Catarina Sienna đã nói lên niềm xác tín này trong lời cầu nguyện ngài dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa như sau: Lạy Cha hằng hữu, vì sao Cha đã tạo dựng những thụ tạo của Cha? Ngọn lửa tình yêu đã thúc bách Cha, ôi tình yêu khôn tả… Cha đã soi sáng cho con chân lý của Cha, nghĩa là tình yêu đã thúc bách Cha tạo nên muôn loài”.[3]

Vì thế, chúng ta hiện hữu trên đời là vì được yêu, được Thiên Chúa yêu thương, chứ không phải do ngẫu nhiên hay do tình cờ mà có, không phải tất cả những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô nghĩa. Chân lý này hẳn sẽ làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa và tươi đẹp hơn.

Không chỉ được yêu, con người còn được Thiên Chúa ban cho khả năng biết yêu thương. Nghĩa là trong tình yêu vĩnh cửu tràn đầy của Thiên Chúa, loài người chúng ta được dự phần vào, được chia sẻ.[4]

CÁC HÌNH THỨC CỦA TÌNH YÊU

Có nguồn gốc từ Thiên Chúa, nhưng tình yêu của con người được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tiếng Việt chúng ta không có nhiều từ để diễn tả sự khác nhau ấy, nhưng trong ngôn ngữ Hy Lạp, là ngôn ngữ mà các tác giả Kinh Thánh đã sử dụng, thì có nhiều từ khác nhau diễn tả tình yêu như: Eros, Storge, Philia và Agapé. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của mỗi từ.

✧ Eros (ἔρως) = Tình ái: là tình yêu nồng nàn, ham muốn nhục dục và khát khao. Đây là dạng tình yêu đã được Đấng Sáng tạo trù liệu để thu hút hai người khác phái kết hợp với nhau trong đời sống hôn nhân. Khi đôi vợ chồng tự hiến cho nhau, họ biểu lộ tình yêu và làm phát sinh sự sống. Tình yêu này tự bản chất là lương thiện. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn tình ái với tình dục thuần túy. Nếu con người chỉ tìm thỏa mãn thú vui tình dục mà không có tình yêu bền vững và trách nhiệm, là làm mất đi giá trị con người, và thoái hóa con người thành phương tiện chơi bời. Điều này làm thiệt hại cho cả xác lẫn hồn. Trong Kinh Thánh, từ eros được sử dụng hai lần trong Cựu Ước.

✧ Storge (στοργή) = Tình ruột thịt: là tình cảm tự nhiên giữa những người cùng huyết thống, như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, tình yêu giữa anh chị em trong gia đình. Tình yêu này cao cả, nhưng vẫn là tình yêu giới hạn.

✧ Philia (φιλία) = Tình bằng hữu: Trong cuộc sống chúng ta thấy có nhiều tình bạn đẹp đã trở thành giai thoại. Chẳng hạn như tình bạn giữa Lưu Bình với Dương Lễ, tình bạn giữa Bá Nha với Tử Kỳ. Ở trong Kinh Thánh chúng ta thấy có đôi bạn thân giữa Đavít là Gionathan, một tình yêu “diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ.” (2Sm 1,26). Sau này trong Giáo hội cũng có nhiều tình bạn đẹp như đôi bạn thánh Basiliô Cả và Grêgôriô, được kính nhớ chung vào ngày 2/1. Trong Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan đã sử dụng và đào sâu thêm từ Philia này để diễn tả mối quan hệ giữa Đức Giêsu với các môn đệ của Người.

✧ Agapé (ἀγάπη) = Tình yêu hoàn hảo, vô điều kiện, hy sinh và thuần khiết: Từ Agapé rất ít dược dùng trong ngôn ngữ Hy Lạp nhưng được dùng nhiều trong các tác phẩm Kinh Thánh Tân Ước. Trong Tân Ước, Agape được dùng để chỉ tình yêu vô lượng vô song của Thiên Chúa đối với loài người, sau đó được dùng để chỉ tình bác ái giữa con người với nhau. Agapé diễn tả một tình yêu mà qua đó con người vượt thắng ích kỷ để chăm lo cho người khác. Người có tình yêu này thì không còn tìm cho chính bản thân mình mà chỉ hướng về người mình yêu, chỉ muốn điều tốt cho người mình yêu. Tình yêu này được diễn tả rất hay trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 13. Bạn hãy tìm đọc nhé.

Người ta cũng thường phân chia tình yêu thành hai loại chính, đặt đối kháng với nhau giữa tình yêu “ham muốn” và tình yêu “ban tặng”, giữa tình yêu “chiếm đoạt” và tình yêu “cho đi”, giữa tình yêu “vị kỷ” và tình yêu “vị tha”, như đôi câu thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh:

Ta yêu người con trai không phải vì mình;
Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ”.[5]


Trong thực tế, các thứ tình yêu nêu trên thường không tách biệt nhau một cách rõ ràng. Chúng có thể hợp nhất với nhau trong một tình yêu duy nhất. Một người có thể khởi đầu yêu một người với tình yêu ham muốn, chiếm đoạt, nhưng rồi người ấy cũng nảy sinh ước muốn đem lại hạnh phúc cho người mình yêu nữa, muốn chăm sóc cho người yêu, tự hiến chính mình và cho người mình yêu. Đó là lúc tình yêu agape xen vào trong họ. Agape là tình yêu mẫu mực, chính vì thế, Kinh Thánh dạy: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh... Còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5,25.33). Trong thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI khẳng định: “Trên căn bản, tình yêu là một thực tại duy nhất, dù có nhiều chiều kích khác nhau”.[6]

THIÊN CHÚA YÊU CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

Nhân nói về tình yêu Thiên Chúa, chúng ta hãy dành thêm một chút thời gian để cùng nhau tìm hiểu. Dĩ nhiên chúng ta không thể nào đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu của tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu thương vượt quá sự hiểu biết của chúng ta (x. Ep 3,18–19), nhưng ít ra chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào, dựa trên mạc khải Kinh Thánh. Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý trung tâm của Kitô giáo. Qua mạc khải Kinh Thánh, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được diễn tả như sau:

Tình yêu đó như tình yêu của người cha, người mẹ

Qua ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa nói với dân Israel, dân riêng của Ngài, qua dân tộc này, Ngài thực hiện việc cứu chuộc toàn thể nhân loại:

Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó,
Ta đã tập đi cho nó, đã đỡ cánh tay nó,
Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người mang trẻ thơ nâng lên ấp vào má.
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn...
Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.
(Hs 11,1–8)

Qua ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa cũng nói những lời tương tự: “Mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều” (Gr 31,20).

Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài với những lời thật tha thiết:

Có phụ nữ nào mà quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”
(Is 49,15).
 
Nơi con người chúng ta, tình cha và tình mẹ thường được phân chia và bổ sung cho nhau. Tình yêu của người cha thì ngoài việc ân cần săn sóc còn có việc sửa dạy và nghiêm khắc để con nên người. Tình yêu của người mẹ thì dịu dàng, âu yếm, bao dung. Nơi Thiên Chúa, hai thái độ ấy kết hợp với nhau. Dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca (15,11–32) cho thấy Ngài là điểm tựa vững chắc như “núi đá” và “thành lũy” (x. Tv 18,2–3); đồng thời, nơi khuôn mặt người cha già ấy còn biểu lộ những nét dịu dàng, thứ tha và nhạy cảm của người mẹ.

Tình yêu đó như tình yêu phu phụ

Thiên Chúa yêu ta như người chồng yêu vợ mình, yêu si mê đến nỗi bất chấp cả sự phụ bạc nơi người vợ. Qua ngôn sứ Hôsê, tình yêu Thiên Chúa được diễn tả qua hình ảnh người chồng đi tìm chuộc người vợ phản bội đàng điếm trở về (x. Hs 3,1–3). Quả thế, khi Dân Chúa “ngoại tình”, “lăng loàn”, đi theo các tà thần và vi phạm giao ước, Thiên Chúa lẽ ra trừng phạt thì Ngài lại đi tìm kiếm, đưa họ trở về nẻo chính đường ngay.

Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. (Hs 2,16)

Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương;
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và ngươi sẽ được biết Đức Chúa (Hs 2,21–22).


✧Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu nhưng không

Dù sao, những lối diễn tả như trên không đủ để nói hết về tình yêu Thiên Chúa. Bởi lẽ tình yêu ấy vượt trên mọi tình yêu của con người. Trước mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh như đã ngạc nhiên tự hỏi:

“Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,5).


Thiên Chúa yêu thương chúng ta, không phải vì Ngài thiếu thốn tình yêu, không phải Ngài cần gì nơi con người. Ngài yêu ta, không phải để làm cho mình được đầy đủ, nhưng chính là để làm cho ta được đầy đủ. Ngài yêu ta vì Ngài là Sự Thiện, và Sự Thiện thì muốn được toả rộng.

✧Tình yêu Thiên Chúa vô biên vô tận

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Nghĩa là Ngài đã ban cho chúng ta điều quý giá nhất của Ngài. “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32).

Vì yêu, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, hy sinh mạng sống của mình trên thập giá để giải hoà con người với Thiên Chúa. Nơi thập giá, Đức Giêsu đã chứng tỏ rằng, tình yêu Thiên Chúa vượt lên trên tội ác của con người. Ngài đã cho thấy tình yêu đích thực là thế nào. Tình yêu ấy cao cả đến mức “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tình yêu ấy quảng đại đến mức tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34).

✧Tình yêu Thiên Chúa vững bền trung tín:

Loài người vốn mang những yếu đuối nên dễ sai lầm và bất trung. Hàng ngày, khi nghe các bài hát về tình yêu, khi mở đọc những trang Facebook, chúng ta dễ dàng nhận ra nhan nhản những lời than trách về tình đời bạc bẽo. Thiên Chúa là Đấng thành tín và yêu thương tuyệt đối. Dẫu cho loài người có thất tín và đổi thay, thì tình yêu thương và lòng thành tín của Thiên Chúa vẫn không hề đổi thay bao giờ.

“Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”
(Is, 54,10).
Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở,
nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31,3)


Bạn thân mến!

Con người sống ở đời là được yêu và để yêu. Điều quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi người chúng ta là nhận biết “Tình yêu thực sự” – Tình yêu Thiên Chúa. Một khi đã tin vào tình yêu Thiên Chúa thì chúng ta phải đáp lại tình yêu của Ngài. Đó là điều chính đáng và phải đạo. Đồng thời chúng ta cũng hãy yêu thương mọi người. Đó là ý muốn của Thiên Chúa, được thể hiện qua mời gọi của thánh Gioan tông đồ:

Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau”
(1Ga 4, 7.11).
Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
WHĐ (09.01.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây