TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhẫn nhục làm nên hạnh phúc gia đình

Thứ ba - 27/12/2022 06:12 | Tác giả bài viết: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ |   1385
Giáo hội mời gọi các gia đình phải chịu đựng, nhường nhịn nhau. Đó là điều cần thiết, nhưng con thấy có khi người ta chịu đựng trong đau khổ. Vậy đâu là nguyên nhân để vợ chồng cần nhẫn nhục với nhau?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
 

vn271222a

Bài 71: NHẪN NHỤC LÀM NÊN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Hỏi: Khi học giáo lý hôn nhân, con hay nghe Giáo hội mời gọi các gia đình phải chịu đựng, nhường nhịn nhau. Đó là điều cần thiết, nhưng con thấy có khi người ta chịu đựng trong đau khổ. Chẳng hạn, vợ phải chịu đựng chồng hoặc ngược lại, điều đó có mất đi tự do của mỗi người? Vậy đâu là nguyên nhân để vợ chồng cần nhẫn nhục với nhau?

Trả lời:

 

 

Kiến tạo gia đình hạnh phúc luôn là mối bận tâm của mỗi người. Nhất là những đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, họ phấn khởi cùng nhau dựng xây một gia đình mới. Nơi đó, làm sao để hạnh phúc luôn đong đầy như ngày hôn lễ? Điều ấy không dễ chút nào, nhất là trong một xã hội có quá nhiều thách đố cản trở đôi bạn.

Chỉ có tình yêu mới giúp cho đôi bạn được bền chặt trong hạnh phúc. Đó là chân lý, là sự thật, nhưng cũng thật mông lung với hai chữ: Tình yêu[1]. Để cụ thể, khi cùng các gia đình chiêm ngắm về tình yêu, Giáo hội mô tả một trong những đặc tính của tình yêu là nhẫn nhục.

Nếu tra từ điển, chúng ta dễ dàng bắt gặp những từ ngữ quen thuộc liên quan đến nhẫn nhục: Nhịn, nén lòng, chịu đựng, gắng nhịn, vững lòng chịu đựng. Đó là phản ứng của một người không để cho cảm xúc lấn át, nhưng để lý trí và tình yêu làm dịu cơn giận. Họ biết cơn bực tức đến, nhưng họ cũng biết cách hóa giải nó trong hòa bình. Vì đây là đức tính tốt, nên đòi hỏi người ta phải tập luyện mới có được. Xin đừng hiểu lầm nhẫn nhục chỉ cần trong hạnh phúc gia đình, nhưng nó là sức mạnh để xây dựng mọi mối tương quan trong xã hội, Giáo hội.

Cụ thể chúng ta thấy gia đình cần nhẫn nhục biết bao. Điều ấy có nghĩa là người vợ, người chồng và con cái cùng để cho sự nhẫn nhục làm chỗ dựa trong những lúc xung đột xảy ra. Bất hòa và to tiếng là không tránh khỏi trong đời sống gia đình, vợ chồng. Tuy nhiên, chỉ những ai biết nhường nhịn, chịu đựng và “chậm giận” mới là người thực sự có tình yêu cao cả. Qua những lần như thế, các thành viên hiểu nhau hơn.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng”, khi các thành viên trong gia đình biết nhường nhịn nhau. Chẳng hạn, không ít lần vợ chồng không cùng quan điểm, người này làm trái ý người kia, người vợ gây lỗi lầm với người chồng, người chồng thiếu tôn trọng người vợ, v.v… nếu cả hai hung hãn được thua, thử hỏi, làm sao có được gia đình êm ấm? Ngược lại, chỉ khi người ta biết đối thoại sau cơn giận, họ mới thực sự có mẫu số chung là tình yêu để giải quyết vấn đề. Những gia đình hạnh phúc đều ít nhiều theo con đường này, tôi nghĩ thế.

Ngày xưa triết gia Socrate (470–399 TCN), người Hy Lạp, chẳng may có một người vợ khó tính cực kỳ. Bà giống như Sư Tử Hà Đông vậy[2]. Nhưng người đời ngả mũ khen cho tính nhẫn nhục, chịu đựng của ông trước những dở chứng của bà một cách kỳ diệu. Ví dụ một ngày nọ, ông đang luận bàn triết học với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng lời lẽ thô tục để rủa, sau đó là sả ông. Lạ thay, ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bông đùa với đám môn sinh:

– “Sau cơn sấm sét thì lại có mưa giông!”

Câu chuyện trên, chúng ta có thể xét đoán bà vợ kia cũng hung tợn quá thể, ông triết gia kia chắc cũng yếu nhược quá, nhục như con cá nục. Kết quả là nhờ không nóng giận mà triết gia trên đây có thể giữ cho gia đình mình được hạnh phúc. Nhờ đó, ông để lại cho đời biết bao bài học về đạo đức gia đình và cung cách hành xử đúng mực của con người.

Tuy nhiên, trong gia đình cũng cần nhớ rằng: “nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, hoặc dung túng cho những bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác đối xử với mình như một đồ vật.[3] Tiếc là trong các gia đình Việt Nam không thiếu những chuyện đau lòng như thế. Bạo lực gia đình[4] đang là tiếng chuông báo động. Để giải thích cho hiện tượng này, những chuyên viên về gia đình chỉ ra rằng:

“Vấn đề xảy ra là khi chúng ta đòi các mối tương quan phải êm ả hay người ta phải hoàn hảo, hoặc khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và mong đợi duy nhất một điều là mọi sự đi theo ý muốn của mình. Rồi thì mọi sự làm chúng ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm chúng ta phản ứng cách hung hăng.”[5]

Như thế, liều thuốc để chữa tính tình hung hăng, nóng giận là đừng đặt mình ở vị trí trung tâm. Cái rốn của vũ trụ chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Trong gia đình cũng thế, mỗi thành viên đều có vai trò và trách nhiệm khác nhau. Nơi đó là tập hợp những thành phần khác nhau, được liên kết trong tình yêu.

Chắc là chỉ có ai lấy gia đình là ưu tiên, muốn gìn giữ hạnh phúc, họ mới biết tôn trọng người vợ, người chồng và con cái. Khi đó, nhẫn nhục thực sự là phép mầu để người ta cùng ngồi xuống, nhìn nhận vấn đề đang xảy ra và cùng nhau tháo gỡ trong tình yêu thương. Ai cũng biết thế, nhưng làm được điều ấy không dễ chút nào. Thậm chí chúng ta thuộc lòng: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.” (Ep 4,31). Nhưng mấy ai làm được!

Đã đến lúc gia đình phải là số một. Mọi ưu tiên để gầy dựng một gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên. Trách nhiệm trong tình yêu luôn là điều nhẹ nhàng và thú vị. Nhẹ nhàng để cư xử với nhau trong tôn trọng; thú vị để thấy sau những lần ấy, mối dây tình yêu liên kết giữa các thành viên thêm bền chặt hơn. Cứ để đức tính nhẫn nhục lớn lên trong con tim của mỗi người. Khi đó, gia đình hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể kiến tạo trong một xã hội nhiều đổ vỡ này.

Lạy Chúa Giêsu, tính khí mỗi người trong gia đình có khi rất khác nhau. Tuy vậy, khi đôi bạn với tình yêu thúc đẩy, họ quyết định tự do nên nghĩa vợ chồng. Trong cuộc sống gia đình mới, ước gì vợ chồng cùng nhau làm cho đời sống thêm thi vị, mặn nồng và hạnh phúc. Xin giúp vợ chồng biết rằng: “Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kỳ vọng của tôi.” Thay vì nhìn về mình, xin cho mỗi thành viên nhìn về Chúa, và sau đó nhìn về nhau trong tình yêu nhẫn nhục, chịu đựng và hạnh phúc chấp nhận những khác biệt rất cần thiết của nhau. Xin Chúa chúc lành cho gia đình của chúng con. Amen.

Tái bút: Khi trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi chợt nhớ đến cuốn sách rất hay về đời sống gia đình của Dale Carnegie: Tâm lý vợ chồng. Trong đó ông chỉ ra tâm lý của hai phái:

Quan niệm của người con trai về người nữ:

- Trước nhất là bài học thành thật.

- Đức tình thứ hai là thùy mị đoan trang.

- Đức tính thứ ba là hiền thục.

- Đức tính cuối cùng là biết nhường nhịn chồng.

Quan niệm của người con gái về người nam:

- Một người đàn ông lý tưởng, hoàn hảo.

- Đức tính thứ hai là biết thương vợ, thương con.

- Đức tính thứ ba phải có ở người đàn ông là lòng chung thủy.

- Đức tình thành thật.

- Đức tính cuối cùng là khôn ngoan và quân tử.

Hẳn nhiên đó là những đức tính tốt nhưng khó tập. Dẫu sao đó cũng là con đường vợ chồng hnh phúc cùng nhau bước đi. Nếu khi nào đi chệch đường rầy là những giá trị hạnh phúc gia đình, cả hai có thể trở về để bước tiếp.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

WHĐ (26.12.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây