TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Dòng dõi kỳ lạ của Chúa Giêsu

Thứ năm - 08/12/2022 08:48 |   843
Kitô giáo không chỉ dành cho người thuần khiết, tài năng, tốt đẹp, khiêm nhượng và lương thiện. Câu chuyện của Chúa Giêsu Kitô cũng được viết nên bởi những người ô uế, tội lỗi, mưu đồ, kiêu ngạo, bất lương và những người chẳng có tài năng gì.
 Dòng dõi kỳ lạ của Chúa Giêsu

 Dòng dõi kỳ lạ của Chúa Giêsu

Ronald Rolheiser, 2022-12-05

 


Câu chuyện trọn vẹn về cách Chúa Giêsu Kitô ra đời có những yếu tố mà chúng ta thường không dễ hình dung ra khi hát những bài thánh ca Giáng Sinh. Phả hệ của Chúa Giêsu khó hoàn hảo, và theo học giả kinh thánh lừng danh Raymond Brown, thì chúng ta cần nhớ đến điều này khi muốn tin vào Chúa Giêsu nhưng muốn chối bỏ Giáo hội vì những bất toàn, tai tiếng và lịch sử tồi tệ. Chúa Giêsu được thụ thai vô nhiễm nguyên tội. Tuy nhiên, như các phúc âm đã làm rõ, gốc gác của Ngài cũng khủng khiếp không kém gì các tai tiếng của Giáo hội hiện thời.

 

Ví dụ như, khi cho chúng ta phả hệ của Chúa Giêsu, các thánh sử cho thấy có nhiều tội nhân, kẻ dối trá và âm mưu nằm trong dòng dõi huyết thống và lịch sử của Ngài, cùng với những thánh nhân, người lương thiện và đầy đức tin.

Ví dụ như, trong phả hệ của Chúa Giêsu có những người không hẳn là hiện thân cho yêu thương, công chính và thuần khiết của Chúa Giêsu. Abraham đã bất công ruồng rẫy Ismael và bà Hagar, mẹ của ông, viện dẫn Chúa ưu ái người này hơn người kia, ông Giacóp thì âm mưu và gian xảo, đã lấy quyền trưởng nam của Ê-sau; Đavid, người thường được liên hệ trực tiếp đến Chúa Giêsu, thì phạm tội ngoại tình rồi còn cho giết chồng của bà để che đậy cái thai ngoài ý muốn hòng cưới được bà.

Hơn thế nữa, những phụ nữ xuất hiện trong phả hệ của Chúa Giêsu không mấy tốt đẹp hơn. Một điều đáng chú ý, như tác giả Raymond Brown đưa ra, là những phụ nữ nào không được nhắc đến khi nói về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Phúc âm không nhắc đến Sarah, Rebekah, hay Rachel, đều là những phụ nữ thánh thiện. Họ nhắc đến ai?

Họ nhắc đến Tamar, một phụ nữ Canaan, không thuộc Do Thái giáo, đã quyến rũ cha chồng của mình là Judah, với mục đích có con. Họ nhắc đến Rahab, cũng là người Canaan, người ngoại, và thật ra là một gái điếm. Tiếp theo, họ nhắc đến Ruth, một phụ nữ Moab, cũng không mang đức tin chính thức của thời đó. Rồi họ nhắc đến Bathsheba, một phụ nữ Hittite, một người ngoại, đã phạm tội ngoại tình với Đavid rồi âm mưu bảo đảm cho con mình được nối ngôi.

Tất cả những phụ nữ này đều có cuộc hôn nhân hoặc có thai, trong tình trạng tai tiếng hoặc bị ghẻ lạnh, nhưng mỗi người đều là một khí cụ thần thiêng để bảo tồn di sản tôn giáo đã cho chúng ta Chúa Giêsu. Không phải ngẫu nhiên khi các phúc âm liên kết những phụ nữ này với Đức Mẹ, mẹ Chúa Giêsu, vì Mẹ cũng có thai trong hoàn cảnh cấm kị và một cuộc hôn nhân khác thường.

Hơn nữa, ngoài những nhân vật kém thánh thiện trong phả hệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy một vài tổ chức cấu thành do thái giáo cũng kém thánh thiện. Tôn giáo thể chế thời đó chịu nhiều vấn đề như thời nay, bao gồm lạm dụng quyền lực. Thật sự là, dân Israel (có lẽ họ biện minh cho hành động này bằng cái cớ trong việc ông Giacóp đã đối xử với ông Ê-sau) đã chiếm lấy đất của người Canaan, những người đã ở đó trước, và khẳng định rằng quyền sở hữu của họ là đặc quyền thần thiêng.

Cuối cùng, và không kém quan trọng, chúng ta cũng thấy rằng phả hệ đã cho chúng ta Chúa Giêsu, không chỉ dựng nên trên những người vĩ đại và tài năng, mà còn trên những người nghèo khổ và hèn kém. Trong danh sách tổ tiên của Chúa Giêsu, có một số người nổi danh, nhưng còn những người khác thì chẳng có gì đặc biệt hay quan trọng. Dòng dõi huyết thống của Chúa Giêsu được sinh ra từ những người vĩ đại và bé nhỏ, tài năng và bình thường, một cách cân bằng.

Chúng ta có thể nghiệm ra được gì từ điều này? Có lẽ tác giả Raymond Brown nói rõ ràng nhất. Ông nói, điều này nói lên rằng Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong, và chúng ta không nên tiếp nhận một Chúa Kitô bị lý tưởng hóa quá mức, đồng thời, cuộc sống của chúng ta, nếu có yếu đuối và tầm thường, thì cũng quan trọng trong việc tiếp diễn câu chuyện nhập thể.

Như Brown nói: “Thiên Chúa viết ra khởi đầu bằng những đường cong và viết tiếp bằng những đường cong, một vài đường trong đó là cuộc đời và chứng tá của chúng ta. Thiên Chúa không ngần ngại dùng kẻ gian manh lẫn người cao thượng, kẻ ô uế lẫn người thuần khiết, kẻ bị thế giới khinh chê lẫn người được thế giới hướng về, Thiên Chúa vẫn hoạt động qua những người đó ngang nhau. Nếu việc nhận ra phần cuối trong phả hệ ở Phúc âm Thánh Mattêô với những người vô danh tiểu tốt chính là một phần lịch sử của Chúa Giêsu Kitô vốn đã khó, thì có lẽ việc nhận ra những nhân vật vô danh ngày nay thật ra là một phần thiết yếu của câu chuyện lại càng khó hơn nữa”.

Kitô giáo không chỉ dành cho người thuần khiết, tài năng, tốt đẹp, khiêm nhượng và lương thiện. Câu chuyện của Chúa Giêsu Kitô cũng được viết nên bởi những người ô uế, tội lỗi, mưu đồ, kiêu ngạo, bất lương và những người chẳng có tài năng gì. Chẳng ai là quá tệ, quá tầm thường, quá bất tài hoặc nằm ngoài đức tin đến nỗi phải nằm ngoài câu chuyện của Chúa Kitô.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2022/12/07/dong-doi-ky-la-cua-chua-giesu/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây