TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng ĐTC -Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm C

Thứ sáu - 29/11/2024 05:27 |   181
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C.
Bài giảng ĐTC -Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm C

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM C

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C (28/11/2021) - Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Chúa Nhật đầu tiên chuẩn bị lễ cho Giáng sinh, nói với chúng ta về việc Chúa sẽ đến vào thời kỳ cuối cùng. Chúa Giê-su loan báo những cảnh tượng hoang tàn và những khốn khổ, nhưng chính lúc này Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Vì sao? Có phải vì mọi thứ sẽ ổn không? Không, nhưng vì Chúa sẽ đến. Chúa nói thế này: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28). Thật là vui khi lắng nghe Lời khích lệ này: hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên bởi vì chính trong những lúc mọi sự dường như kết thúc, Chúa đến để cứu chúng ta; hãy vui mừng chờ đón Chúa ngay cả khi ở những giữa những khổ nạn, trong những khủng hoảng của cuộc sống và trong những bi kịch của lịch sử. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng đầu lên, không bị những khó khăn, những đau khổ, những thất bại tràn ngập? Chúa Giê-su chỉ đường cho chúng ta bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề […]. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (cc 34.36).

“Hãy tỉnh thức”: tỉnh thức. Chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô hữu. Từ những lời của Đức Ki-tô, chúng ta thấy rằng sự tỉnh thức được liên kết với sự chú ý: hãy đề phòng, đừng để bị phân tâm, nghĩa là hãy tỉnh thức! Tỉnh thức có nghĩa là: không để cho lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy đề phòng vì chúng ta có thể là một “Ki-tô hữu đang ngủ mê” - và chúng ta biết là có nhiều Kitô hữu ngủ mê, những Kitô hữu bị tê liệt bởi tinh thần thế tục - không có động lực thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện - họ cầu nguyện như những con vẹt - không nhiệt thành với sứ vụ, không say mê Tin Mừng. Và điều này dẫn đến tình trạng “mơ ngủ”: kéo mọi thứ về phía trước theo quán tính, rơi vào trạng thái thờ ơ, dửng dưng với mọi thứ ngoại trừ những gì phù hợp với mình. Đây là một đời sống thật buồn, kéo lê như thế, không có niềm vui ở đó.

Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải tỉnh thức để không kéo lê những ngày sống theo thói quen, để không trở nên nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (x. c.34). Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi: điều gì đè nặng lòng tôi? Điều gì đè nặng tinh thần tôi? Điều gì khiến tôi trở thành một Kitô hữu tìm sự thoải mái trên ghế bành của sự lười biếng? Thật là buồn khi thấy những Kitô hữu tìm sự thoải mái. Đâu là những điều tầm thường làm tôi tê liệt, những thói xấu đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và tôi đang chú ý hay thờ ơ đối với gánh nặng trên vai của những người anh em? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp bảo vệ trái tim khỏi sự lãnh đạm, kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng. Sự lãnh đạm là sự lười biếng tạo ra nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và ước muốn làm việc. Nó là một tinh thần tiêu cực, một tinh thần xấu, đóng đinh linh hồn trong sự say mê bằng cách đánh cắp niềm vui của nó. Sách Châm ngôn nói: “Hãy giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4,23). Gìn giữ trái tim: điều này có nghĩa là tỉnh thức!

Và chúng ta hãy thêm một thành phần quan trọng: bí quyết để luôn tỉnh thức là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36). Chính lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành trở nên nguội lạnh, thì lời cầu nguyện lại khơi dậy nó, bởi vì lời cầu nguyện đưa chúng ta trở về với Chúa, trở lại trung tâm của mọi sự. Nó đánh thức linh hồn khỏi sự mơ ngủ và tập trung vào những gì quan trọng, vào mục đích của sự hiện hữu. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất chúng ta đừng quên việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện của trái tim, thường lặp lại những lời khẩn cầu ngắn, có thể giúp đỡ chúng ta. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy tập quen với việc nói, ví dụ: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thời gian chuẩn bị lễ Giáng sinh thật đẹp: chúng ta nghĩ đến hang đá, đến lễ Giáng sinh, và chúng ta nói với cả tâm tình: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện này suốt cả ngày: linh hồn sẽ luôn tỉnh thức!

Và giờ đây chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ: Mẹ là người đã chờ đợi Chúa với tâm hồn tỉnh thức, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong hành trình Mùa Vọng.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C (02/12/2018) - Sống tinh thần Mùa Vọng

Anh chị em thân mến,

Hôm nay bắt đầu mùa vọng, mùa phụng vụ chuẩn bị chúng ta cử hành lễ Giáng Sinh, mời gọi chúng ta hãy ngước mắt lên và mở rộng tâm hồn để đón Chúa Giêsu. Trong mùa vọng, chúng ta không phải chỉ sống trong chờ đợi lễ Giáng Sinh; chúng ta cũng được mời gọi thức tỉnh sự chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang - Ngài sẽ trở lại vào cuối thời gian -, chúng ta chờ đợi bằng cách chuẩn bị gặp gỡ chung kết với Chúa qua những chọn lựa phù hợp với đức tin và những chọn lựa can đảm. Chúng ta nhớ Giáng Sinh, mong đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và cả cuộc gặp gỡ bản thân chúng ta với Chúa: ngày mà Chúa sẽ gọi chúng ta. Trong 4 tuần lễ này, chúng ta được mời gọi ra khỏi lối sống cam chịu và theo tập quán, và ra ngoài bằng cách nuôi dưỡng hy vọng, nuôi những mơ ước một tương lai mới mẻ. Tin Mừng chúa nhật này (Xc Lc 21,25-28.34-36) theo chiều hướng ấy và cảnh giác chúng ta đừng để mình bị lối sống ích kỷ hoặc những nhịp sống căng thẳng ồ ạt đè nén. Những lời quyết liệt này của Chúa Giêsu vang dội: ”Các con hãy chú ý, đừng để con tim trở nên nặng nề trong những giải trí, say chưa chè chén và miệt mài với cuộc sống để ngày ấy khỏi ập đến bất ngờ [...] Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện trong mọi lúc” (vv.34-36)

Tỉnh thức và cầu nguyện, đó là cách thức sống mùa này từ nay tới lễ Giáng Sinh. Tỉnh thức và cầu nguyện. Giấc ngủ nội tâm nảy sinh từ thái độ chỉ xoay quanh mình và bị kẹt cứng trong cuộc sống của mình với các vấn đề, vui mừng và đau thương, nhưng luôn xoay quanh mình. Lối sống này làm mệt mỏi, nhàm chán, kép kín đối với hy vọng. Đây chính là căn cội của tình trạng ngái ngủ và lười biếng mà Tin Mừng nói tới. Mùa vọng mời gọi chúng ta dấn thân tỉnh thức, nhìn ra khỏi bản thân mình, mở rộng tâm trí để cởi mở đối với những nhu cầu của tha nhân, của anh chị em, ước mốn một thế giới mới. Đó là ước muốn của bao nhiêu dân tộc bị tàn hại vì đói, bất công, chiến tranh; đó là ước muốn của những người nghèo, kẻ yếu, người bị bỏ rơi. Đây là mùa thuận tiện để mở rộng con tim, để đặt ra những câu hỏi cụ thể về cách thức và hiến thân cho ai.

Thái độ thứ hai để sống trọn mùa mong đợi Chúa là cầu nguyện. ”Các con hãy trỗi dậy, và ngửng đầu lên, vì ơn giải thoát các con đã đến gần” (v.28), như Tin Mừng theo thánh Luca nhắn nhủ. Trỗi dậy và cầu nguyện, hướng những tư tưởng và con tim chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng đang đến. Chúng ta đứng lên khi chờ đợi điều gì hoặc ai đó. Chúng ta chờ đợi Chúa Giêsu, chúng ta muốn chờ Ngài trong kinh nguyện, là điều gắn chặt với sự tỉnh thức. Cầu nguyện, chờ Chúa Giêsu, cởi mở tâm trí đối với tha nhân, tỉnh thức, không co cụm vào mình. Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến lễ Giáng Sinh trong bầu không khí tiêu thụ, ngằm nhìn những điều mà mình muốn mua để làm cái này cái kia, nghĩ đến lễ lạc trần tục, thì Chúa Giêsu sẽ đi qua và chúng ta sẽ không tìm thấy Ngài. Chúng ta chờ đợi Chúa Giêsu và muốn chờ Ngài trong kinh nguyện, là điều gắn chặt với sự tỉnh thức.

Nhưng đâu là chân trời sự chờ đợi cầu nguyện của chúng ta? Đặc biệt tiếng nói của các ngôn sứ trong Kinh Thánh chỉ cho chúng ta chân trời ấy. Hôm nay là tiếng của ngôn sứ Giêrêmia nói với dân đang bị thử thách cam go vì cuộc lưu đày và có nguy cơ đánh mất căn tính của mình. Cả chúng ta, các Kitô hữu, tuy là Dân Chúa, nhưng chúng ta cũng có nguy cơ bị tục hóa, mất căn tính, hay đúng hơn là làm cho lối sống Kitô trở nên như dân ngoại. Vì thế, chúng ta cần Lời Chúa, Đấng nói qua vị ngôn sứ rằng: ”Này đây sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện những lời hứa tốt lành Ta đã đưa ra [...] Ta sẽ làm nảy sinh cho Davít một mầm công chính, Người sẽ phân xử và thực thi công lý trên trái đất” (33,14-15). Và mầm công chính ấy chính là Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đến và chúng ta đang chờ đợi Ngài.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mang Chúa Giêsu cho chúng ta, người phụ nữ chờ đợi và cầu nguyện, giúp chúng ta cũng cố niềm hy vọng của chúng ta nơi lời hứa của Chúa Giêsu Con của Mẹ, để cho chúng ta cảm nghiệm rằng, qua những chao đảo của lịch sử, Thiên Chúa luôn trung tín và dùng cả những lỗi lầm của con người để biểu lộ lòng thương xót của Ngài.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C (02/12/2012) - Chúa đến

Anh chị em thân mến!

Hôm nay Giáo Hội chính thức bước vào một Năm Phụng Vụ mới, một hành trình mới được làm giầu liên tục với Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II. Mùa đầu tiên của Năm Phụng Vụ chính là Mùa Vọng. Theo Nghi Lễ Rôma, Mùa Vọng kéo dài suốt 04 tuần trước Lễ Chúa Giáng Sinh, là mầu nhiệm Nhập Thể Con Thiên Chúa làm người. Từ ngữ “vọng” (Advent) có nghĩa là “đang đến” hoặc “hiện diện”. Trong thế giới thời cổ, tiếng “Advent” dùng để chỉ về cuộc kinh lý của vị vua hoặc vị hoàng đế đến một tỉnh, hoặc vùng nào đó trong vương quốc của mình.

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ “Advent” đề cập đến việc Chúa đến, và sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới. Đó là một mầu nhiệm bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử, mà cũng là một mầu nhiệm với hai khoảnh khắc nổi bật được biết đến, đó là cuộc giáng trần lần thứ nhất và cuộc quang lâm, nghĩa là cuộc ngự đến lần thứ hai của Chúa Giêsu. Cuộc ngự đến lần thứ nhất đích thực nói đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, cuộc ngự đến lần thứ hai chính là cuộc trở lại trong vinh quang vào thời thế mạc. Hai khoảnh khắc này cách biệt nhau theo trật tự thời gian mà giữa chúng cách nhau bao lâu thì chúng ta không được biết. Tự nơi thẳm sâu hai khoảnh khắc ấy chạm vào nhau, bởi lẽ với cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực thi cuộc biến đổi ấy cho con người, và cho vũ trụ này. Cuộc biến đổi ấy chính là cùng đích tối hậu của tạo vật. Nhưng trước khi đạt đến điểm chung cuộc ấy, thì Tin Mừng phải được công bố cho mọi dân tộc, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng theo Thánh Marcô (x. Mc 13:10). Sự Đến của Chúa vẫn tiếp tục, thế giới phải được thâm nhập bởi sự hiện diện của Người và Sự Đến liên tục này của Chúa trong việc công bố Tin Mừng đòi hỏi sự hợp tác liên tục của chúng ta. Hơn nữa, Giáo hội, là Cô dâu được hứa hôn của Chiên Thiên Chúa chịu đóng đinh và Phục sinh (x. Kh 21:9), trong sự hiệp thông với Chúa của mình, cộng tác vào Sự Đến này của Chúa, trong đó sự trở lại vinh quang của Người đã bắt đầu.

Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng ta thái độ cần phải có để sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời,… Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn" (Lc 21,34.36). Do đó, hãy sống tiết độ và hãy cầu nguyện luôn! Thánh Phaolô tông đồ cũng ước mong cho “tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” để “anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách” (xem 1Tx 3,12-13). Dẫu sống trong một thế giới với nhiều biến động, hay giữa những sa mạc của sự dửng dưng và chủ nghĩa vật chất, các Kitô hữu được mời gọi để lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và làm chứng cho Ngài ngang qua đời sống của mình, như một thành phố xin đẹp sừng sững trên một ngọn núi cao. Như ngôn sứ Giêrêmia công bố: “Trong những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Ðây là tên người ta sẽ đặt cho thành: "Ðức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta!" (Gr 33,16). Cộng đoàn các Kitô hữu là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, của sự công bình vốn đã hiện diện trong dòng lịch sử dù chưa được nhận ra một cách trọn vẹn, và vì thế luôn mong chờ, cầu khẩn, tìm kiếm với lòng kiên nhẫn và can đảm.

Đức Trinh Nữ Maria chính là mẫu gương trọn hảo về việc sống tinh thần Mùa Vọng. Mẹ đã lắng nghe lời Thiên Chúa, với một khao khát sâu thẳm thực thi thánh ý Ngài và Mẹ cũng phục vụ tha nhân trong vui tươi.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C (29/11/2009) - Niềm hy vọng

Anh chị em thân mến,

Nhờ ơn Chúa, với Chúa nhật này chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới, được khởi sự với mùa Vọng, thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng sinh. Trong hiến chế về phụng vụ, Công đồng Vaticanô II khẳng định rằng Hội thánh trong chu kỳ của một năm, trưng bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô, từ việc Nhập thể và giáng sinh, cho đến việc Lên Trời, ngày Ngũ tuần và trông đợi hồng phúc Chúa trở lại. Bằng cách ấy, khi “tưởng niệm các mầu nhiệm của việc Cứu chuôc, Hội thánh mở ra cho các tín hữu những kho tàng của các hoạt động cứu độ và của các công trạng của Chúa mình, ra như làm cho các hoạt động ấy trở nên hiện tại cho mỗi thời đại, ngõ hầu các tín hữu đến tiếp xúc với các mầu nhiệm ấy và được đầy tràn hồng ân cứu độ” (Hiến chế về Phụng vụ số 102). Công đồng nhấn mạnh ở chỗ Chúa Kitô là trung tâm điểm của phụng vụ, giống như mặt trời với các hành tinh xoay quanh là Đức Trinh nữ Maria – hành tinh gần gũi nhất – rồi đến các thánh tử đạo và những thánh khác đang ca tụng ngợi khen Thiên Chúa trên trời và chuyển cầu cho chúng ta.

Đó là thực tại của năm phụng vụ, tạm gọi là nhìn từ phía Thiên Chúa. Còn từ phía loài người, từ phía lịch sử và nhân loại thì sao? Nó có tầm quan trọng như thế nào? Câu trả lời có thể tìm thấy trong hành trình của mùa Vọng mà hôm nay chúng ta bắt đầu. Thế giới ngày nay rất cần niềm hy vọng: các dân tộc trên dường phát triển cần hy vọng, mà các dân tộc tiến bộ về kinh tế cũng cần hy vọng. Càng ngày chúng ta càng nhận thức rằng chúng ta đang đi trên cùng một chiếc thuyền, và chúng ta cần được cứu vớt chung với nhau. Nhất là khi thấy sự sụp đổ của bao nhiêu thứ an toàn giả tạo, chúng ta ý thức rằng mình cần có một niềm hy vọng đáng tin cậy, và điều đó chỉ có thể tìm thấy nơi Chúa Kitô, Đấng vẫn là một “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” như đọc thầy trong thư gửi người Hipri (13,8). Chúa Giêsu đã đến trong quá khứ, đang đến trong hiện tại và sẽ đến trong tương lai. Người bao trùm hết mọi chiều kích của thời gian, bởi vì Người đã chết và đã sống lại, Người là kẻ hằng sống, và tuy chia sẻ kiếp sống tạm bợ của con người, nhưng Người vẫn tồn tại muôn đời và cống hiến cho chúng ta chính sự bền vững của Thiên Chúa. Người là “xác phàm” giống như chúng ta và là “tảng đá” giống như Thiên Chúa. Ai khát khao tự do, công lý, hoà bình thì có thể chỗi dậy và ngẩng đầu lên, bởi vì nơi Chúa Kitô sự giải thoát đã gần kề (xc Lc 21,28) – như chúng ta đọc trong bài Tin mừng hôm nay. Vì thế, chúng ta có thể quả quyết rằng Chúa Giêsu Kitô không chỉ liên hệ tới các Kitô hữu, hay những người có tín ngưỡng, nhưng có liên quan đến hết mọi người, bởi vì Người là trung tâm của lòng tin cũng là nền tảng của niềm hy vọng. Và tất cả mọi người đều cần đến niềm hy vọng.

Anh chị em thân mến. Đức Maria là hiện thân cho nhân loại sống trong niềm hy vọng dựa trên lòng tin vào Thiên Chúa hằng sống. Người là Trinh nữ của mùa Vọng: Người đặt chân vững chắc trong hiện tại, trong ngày “hôm nay” của ơn cứu độ; Người đón nhận trong con tim tất cả các lời hứa trong quá khứ, và trông đợi sự hoàn thành trong tương lai. Chúng ta hãy đến học cùng Người, để gia nhập thực sự vào mùa hồng ân này, và đón nhận cách hân hoan và trách nhiệm việc Chúa đến với lịch sử cá nhân và xã hội chúng ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây