TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài 114 - Đạo “gốc cây” cân đạo “tại tâm”

Thứ năm - 01/02/2024 00:12 | Tác giả bài viết: Giuse Lê Đắc Thắng, SJ |   495
Như vậy, ơn cứu độ sẽ rót xuống cán cân nào nặng hơn?

Bài 114: ĐẠO “GỐC CÂY” CÂN ĐẠO “TẠI TÂM”
 

vn010224b

 

Câu hỏi: Con luôn thắc mắc về sự chênh lệch của hai cán cân như thế này: Một bên là người luôn tham dự đầy đủ các Thánh lễ ngày Chúa Nhật, nhưng họ chỉ tham dự cho đủ, cho có, không hiệp ý đọc kinh dâng lễ cùng cộng đoàn, thậm chí tham dự lễ “gốc cây, ghế đá”, miễn là có mặt trong khi Thánh lễ diễn ra; một bên là người trong tâm luôn hướng đến Chúa, cầu nguyện với Ngài hằng ngày, nhưng lại không tham dự đầy đủ các Thánh lễ Chúa Nhật. Như vậy, ơn cứu độ sẽ rót xuống cán cân nào nặng hơn?

Trả lời:  

Bạn thân mến,

Thật thú vị khi biết bạn thao thức về cách Chúa ban ơn cứu độ cho những người có các kiểu giữ đạo khác nhau. Hỏi về người khác cũng chính là hỏi cho bản thân mình, với mong muốn tìm ra cách thức giữ đạo đúng đắn nhất. Về hai ví dụ bạn nêu ra, giả sử Chúa đặt chúng ta làm quan tòa phân xử thì đúng là thật khó lòng xác định bên nào xứng đáng được nhiều ơn hơn bên nào. Nếu nói về cán cân nặng nhẹ thì ở đây có vẻ “kẻ tám lạng, người nửa cân.” Chúng ta thấy khó phân xử là bởi vì chúng ta phán xét theo tiêu chuẩn của loài người, không phải của Thiên Chúa.

Thật vậy, rất nhiều lúc chúng ta áp đặt tư tưởng của mình cho Thiên Chúa, cứ như thể Thiên Chúa cũng hành xử giống như con người vậy. Theo đó, Thiên Chúa được xem như một vị quan tòa nghiêm khắc và lạnh lùng. Ngài sẽ cân đo, xét nét hay thậm chí là bắt bẻ từng việc con người làm để rồi đưa ra quyết định ban phát ơn cứu độ cho họ ở mức nào tương xứng. Thế nên mới sinh ra kiểu suy nghĩ rằng tôi được ơn cứu độ là bởi vì tôi xứng đáng, còn người khác không được ơn cứu độ là vì họ không xứng đáng (như tôi). Những người Pharisêu thường bị Chúa Giêsu quở trách chính vì thái độ này. Sách ngôn sứ Isaia diễn tả rất rõ:

“Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,8-9).

Vậy thì Thiên Chúa phán xét theo tiêu chuẩn nào, khác với con người ra sao? Câu trả lời sẽ được tìm thấy từ chính Lời Chúa. Chắc hẳn bạn còn nhớ dụ ngôn thợ làm vườn nho được kể ở Tin Mừng Mt 20,1-16. Ông chủ mướn thợ làm vườn vào các giờ khác nhau. Có người làm từ đầu ngày nhưng cũng có người gần cuối ngày mới tới. Một chi tiết quan trọng mà chúng ta cần chú ý ở đây là ông chủ này mướn thợ không phải vì ông thực sự cần đến họ. Đúng hơn, vì ông thấy có những thợ phải chờ cả ngày không có người mướn nên ông mới chạnh lòng thương. Ông mướn là để cho họ có việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Có thể bạn đã biết, điểm nhấn của câu chuyện chính là cách ông ấy trả tiền công. Từ người vào làm đầu tiên cho đến người vào cuối cùng, ông đều trả cùng một số tiền như đã thỏa thuận.

Theo suy nghĩ của con người, ông chủ này đối xử không công bằng, vì người làm ít mà cũng nhận được bằng người làm nhiều. Tuy nhiên, sự công bằng của Thiên Chúa lại khác. Ngài không để người làm nhiều phải thiệt thòi chút nào, và ngài cũng có quyền trả công cho người làm ít theo lòng rộng lượng của mình. Do đó, nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa trả công cho những nỗ lực của mình ở đời này như thế nào, hãy nhìn vào hình ảnh ông chủ vườn nho để thấy. Con người xác định tiền công dựa trên năng suất công việc, còn Thiên Chúa trả công dựa trên tình yêu của Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người với tình yêu dư tràn, không cần phải dùng cán cân. Chỉ những người từ chối đón nhận tình yêu của Thiên Chúa mới không lãnh nhận được ơn mà thôi.

Ở đây, tôi muốn liên hệ tới một dụ ngôn khác nữa, cũng được kể gần với dụ ngôn trên trong sách Tin Mừng Mátthêu, đó là dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14). Theo trình thuật của câu chuyện, tất cả các khách ban đầu được vua mời đến dự tiệc cưới đều xin kiếu với những lý do khác nhau. Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, thậm chí còn có kẻ bắt giết các đầy tớ của nhà vua nữa. Thế là nhà vua sai đầy tớ ra khắp các ngã đường mời tất cả mọi người vào bàn tiệc đã dọn sẵn. Tuy nhiên, trong số khách dự tiệc cưới lại có người không mặc y phục lễ cưới. Thế là người đó bị ném ra ngoài và chịu hình phạt.

Rõ ràng những khách mời đầu tiên đã không tôn trọng nhà vua. Họ khước từ tham dự tiệc cưới để lo việc riêng của mình. Còn những khách được mời sau dù đến tham dự nhưng không phải ai cũng nhận ra diễm phúc của mình. Chúng ta biết rằng cách ăn mặc cho thấy phần nào thái độ của một con người. Với những buổi tiệc mà ta cho là quan trọng thì ta sẽ chọn những trang phục đẹp và lịch sự nhất. Ngược lại, ta sẽ ăn mặc xuề xòa hơn trong những buổi tiệc ít quan trọng. Theo đó, mặc y phục lễ cưới chính là yếu tố căn bản thể hiện tình cảm và sự tôn trọng dành cho chủ tiệc. Người không mặc y phục lễ cưới chính là người không biết trân trọng tấm lòng của chủ tiệc.

Tương tự như dụ ngôn thợ làm vườn nho, dụ ngôn tiệc cưới cũng cho thấy tình yêu thương vô bờ bến Thiên Chúa dành cho con người. Ngoài ra, dụ ngôn tiệc cưới còn nói đến cách con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mời gọi tất cả mọi người chúng ta vào dự tiệc, cỗ bàn đã dọn sẵn, ta chỉ việc ngồi thưởng thức. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta lại đáp trả lại lời mời gọi ấy theo những cách khác nhau, tùy vào thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Có người từ chối tình yêu Thiên Chúa như những vị khách được mời đầu tiên trong câu chuyện dụ ngôn. Có người khác nhận lời với tâm tình biết ơn và chuẩn bị đầy đủ y phục phù hợp. Tuy nhiên, cũng có người nhận lời mời nhưng lại không sống tâm tình biết ơn. Điều này được biểu hiện qua việc họ không chịu mang y phục lễ cưới. Do vậy, khi chúng ta đánh giá cách thức giữ đạo (tức là cách họ chuẩn bị y phục lễ cưới) của một ai đó, điều chúng ta có thể rút ra được không phải là việc Chúa yêu họ nhiều hay ít (vì rõ ràng là luôn luôn nhiều rồi), nhưng là người đó yêu mến Chúa ít hay nhiều.

Từ bài học ý nghĩa của hai câu chuyện dụ ngôn trên, tôi xin đề nghị một cách tiếp cận khác về câu hỏi bạn đặt ra. Bởi vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa, chúng ta phải dựa vào tiêu chuẩn của Thiên Chúa chứ không phải của con người để phán xét. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa là một ông chủ vườn nho đối xử rộng lượng với người làm thuê, hay như là ông vua sẵn lòng mời tất cả mọi người vào dự tiệc cưới. Khi đó chúng ta sẽ thấy việc chúng ta tham dự Thánh lễ bao nhiêu lần trong tuần, tham dự với tâm tình sốt sắng hay chỉ đến nhà thờ “cho có” không phải là tiêu chí căn bản để xác định việc chúng ta sẽ nhận được nhiều ơn hay ít ơn. Ân sủng là món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, xuất phát từ tình yêu vô biên Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng không phải là kết quả tất yếu hay là phần thưởng cho những việc chúng ta làm ở đời này.

Theo cách hiểu như vậy thì tôi có thể đưa ra câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi của bạn: Thiên Chúa ban ơn cứu độ dư tràn cho hai loại người đó và còn cho tất cả mọi người khác nữa. Về phía Thiên Chúa, đã gọi là dư tràn rồi thì không thể nói Chúa ban ơn cho bên nào “nặng” hơn bên nào được. Tuy nhiên, như chúng ta đã rút ra từ dụ ngôn tiệc cưới, về phía con người thì tùy mức độ biết ơn Chúa mà mỗi người có cách đáp trả tương ứng qua việc giữ đạo của họ. Trong ví dụ bạn nêu ra, chúng ta sẽ có nhiều điều để bàn về cách hành xử của hai loại người đó hơn là nói về cách thức Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho họ.

Tôi sẽ phân tích dựa trên giả định mà bạn đưa ra, chứ thực tế không ai có thể dễ dàng đánh giá chính xác đời sống đạo của một người chỉ từ những biểu hiện bên ngoài của họ được. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì thầm kín mới biết rõ lòng mến của họ mà thôi. Đúng là có nhiều người đi lễ hay ngồi ở gốc cây ghế đá, đi trễ về sớm hơn người khác, nhưng họ yêu mến Chúa như thế nào thì chúng ta không thể biết được. Tương tự, có những người ít khi tham dự thánh lễ Chúa nhật nhưng chúng ta cũng không biết được lòng họ hướng về Chúa như thế nào.

Một mặt, chúng ta cần khẳng định lại điều Giáo hội dạy: Thánh lễ là tâm điểm của đời sống đức tin. Thánh lễ là nơi cộng đoàn dân Chúa họp nhau lại để tôn vinh Thiên Chúa qua việc kết hợp với hy tế thập giá của Chúa Giêsu Kitô nơi bí tích Thánh Thể. Do đó, nếu ai đó nói rằng họ luôn hướng lòng về Chúa mà không muốn tham dự Thánh lễ thì họ tự mâu thuẫn với chính mình. Những người này giống như các vị khách từ chối đến dự tiệc cưới nhưng vẫn luôn miệng nói rằng họ rất yêu mến và tôn trọng chủ tiệc. Còn những người giữa đạo “gốc cây” hay “ghế đá” cũng chẳng khá hơn mấy. Họ giống như người đến dự tiệc cưới mà không muốn ngồi vào bàn, cũng chẳng thèm chuẩn bị y phục cho tươm tất.

Mặt khác, cho dù Thánh lễ là tâm điểm của đời sống đức tin, đời sống tương quan với Chúa không chỉ giới hạn trong những giờ tham dự Thánh lễ. Việc chu toàn bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật vẫn chưa nói lên được nhiều điều về tương quan giữa một người với Thiên Chúa. Việc không chu toàn Thánh lễ cũng vậy. Thiên Chúa không cầm sổ chấm công từng ngày để dò xét xem ai có tham dự Thánh lễ hay ai bỏ lễ để sau này xét xử. Đúng hơn, Thiên Chúa mời gọi con người sống tương quan với Chúa bằng trọn vẹn cuộc sống của mình. Điều răn quan trọng nhất mà Thiên Chúa dạy là “ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực ngươi” (Mc 12,33a). Nếu việc giữ đạo chỉ là đến nhà thờ mỗi tuần một giờ vào ngày Chúa nhật thì sao gọi là “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực” được.

Do vậy, Thánh lễ không hề tách biệt với đời sống hằng ngày. Cuộc sống chính là Thánh lễ nối dài. Là người tín hữu, chúng ta có bổn phận tham dự Thánh lễ, ít là vào ngày Chúa nhật, xét như một biểu hiện cụ thể của tâm tình con thảo dành cho Thiên Chúa là cha luôn tuôn ban tình yêu dư tràn cho con cái. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng hiệu quả của Thánh lễ cần phải được thể hiện ngang qua đời sống chứng nhân của người tín hữu trong tương quan với anh chị em của mình nữa. Thậm chí Chúa Giêsu còn đưa ra trường hợp là nếu một người chuẩn bị dâng của lễ lên Thiên Chúa mà chợt nhớ lại có người bất bình với mình thì hãy bỏ của lễ đó lại mà đi làm hòa với người anh em đó trước đã. Do đó, điều răn thứ hai cũng không kém quan trọng hơn điều răn thứ nhất, đó là “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,33b).

Bạn biết không, thật may mắn cho chúng ta khi có một vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và giàu tình thương. Ngài luôn ban ơn dư tràn cho con người, dù họ có thờ ơ lạnh nhạt với Ngài như thế nào đi nữa. Về phía chúng ta, nếu chúng ta biết nhận ra mình luôn được yêu thương như vậy thì rất nên diễn tả lòng biết ơn qua cách giữ đạo hàng ngày của mình. Đạo “gốc cây” hay đạo “tại tâm” không làm suy giảm tình yêu thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vấn đề chỉ là chúng ta thấy hổ thẹn với với chính mình khi tính toán nhỏ nhen với một Thiên Chúa đã luôn trao ban cho mình ân sủng dồi dào.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (30.01.2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây