TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài 119: Để danh Thiên Chúa được tỏa sáng

Thứ tư - 13/03/2024 11:58 | Tác giả bài viết: Thiên Di CND - CSA |   612
Giáo hội Việt Nam phải làm gì để Danh Thiên Chúa được tỏa sáng, nhiều người theo đạo hơn?

  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 119: ĐỂ DANH THIÊN CHÚA ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI BIẾT ĐẾN

 

Câu hỏi: Giáo hội Việt Nam phải làm gì để Danh Thiên Chúa được tỏa sáng, nhiều người theo đạo hơn?

Trả lời: Bạn thân mến,

Khi nhận trả lời câu hỏi của bạn, tôi có dịp đọc lại lịch sử Giáo hội Việt Nam, trong tôi có những cảm xúc thán phục trước hành trình truyền giáo của các vị thừa sai. Bên cạnh đó, đức tin mạnh mẽ, lòng dũng cảm can trường của các thánh tử đạo Việt Nam làm tôi cảm thấy bồi hồi xúc động trước sự hy sinh anh dũng vì niềm tin của các ngài vào Thiên Chúa. Các ngài đã ghi vào lịch sử truyền giáo tại Việt Nam những trang hồi ký đẫm nước mắt, nhưng trên tất cả là niềm hân hoan khôn tả vì Tin Mừng Đức Giêsu đã được gieo vãi và trổ sinh trên mảnh đất Việt thân yêu.

Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam trên 450 năm được ghi dấu bằng những cột mốc thăng trầm của lịch sử Giáo hội. Nhưng đức tin trong lòng người tín hữu thì không thể xóa nhòa. Bạn hỏi: “Giáo hội Việt Nam phải làm gì để Danh Thiên Chúa được tỏa sáng, nhiều người theo đạo hơn?” Tôi chợt nghĩ đến câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay” (St. Vũ Hoàng). Cũng vậy, câu hỏi này của bạn không dành riêng cho Giáo hội Việt Nam mà tôi nghĩ nó được đặt ra cho mỗi chúng ta “Tôi phải làm gì để Danh Chúa được nhiều người biết đến…”

Khi tìm hiểu một vài con số thống kê về các tôn giáo hằng năm thì tôi thấy: sau hơn 450 năm đạo Công giáo có mặt tại Việt Nam thì hiện nay chỉ có khoảng 8% là người Công giáo trên tổng số hơn 90 triệu dân. Con số này đáng để mỗi người Công giáo chúng ta phải suy nghĩ và tự hỏi, tôi và bạn phải làm gì để nhiều người được biết Chúa hơn ?

Người mang sứ vụ truyền giáo?

Vậy thì ai là người có trách nhiệm truyền giáo làm Danh Chúa được nhiều người biết đến? Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Ngay sau khi được Thánh Thần thúc đẩy các tông đồ đã hăng say đi rao giảng khắp nơi và các ngài đã quy tụ được nhiều người tin theo Chúa và giúp họ lãnh nhận bí tích rửa tội. Từ 12 vị tông đồ ban đầu các ngài đã thi hành sứ vụ và làm cho Danh Thiên Chúa được lan rộng khắp hoàn cầu.

Cũng vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được lãnh nhận ba chức vụ: tư tế, vương đế và ngôn sứ. Chức vụ ngôn sứ là rao giảng Tin Mừng (là loan truyền đức tin), người Kitô hữu phải mang sứ vụ truyền giáo thi hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Nhưng trên thực tế, chúng ta nghĩ đơn giản hơn là: khi được rửa tội tôi được làm con Chúa, được tham dự vào các mầu nhiệm của Ngài, còn trách nhiệm ngôn sứ (sứ vụ truyền giáo) không phải là bổn phận của tôi.

Nhiều người cho rằng việc rao giảng Tin Mừng là trọng trách cao cả chỉ dành riêng cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người sống đời tu trì, còn giáo dân không có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Ở đây, chúng ta cần xác định rõ, rao giảng Tin Mừng là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu khi chúng ta được làm con Chúa qua Bí tích Rửa tội. Còn các linh mục, tu sĩ nam nữ được Thiên Chúa mời gọi sống triệt để hơn ơn gọi loan báo Tin mừng và làm chứng nhân cho Ngài giữa thế gian.

Hành trang nhà truyền giáo? 

Đến vùng ngoại biên

Trong thư gởi người trẻ năm 2015 qua quyển sách Docat, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến những vùng ven và đi vào giữa lấm len của cuộc đời mới thay đổi được…. Mỗi chúng ta là một tế bào xây dựng nên nhiệm thể Giáo hội là Đức Kitô. Việc giữ đạo, sống đạo của chúng ta sẽ rất cục bộ nếu ta chỉ giữ những khuôn phép, giữ đạo, sống đạo, tuân giữ lề luật Chúa, tham dự Thánh lễ, làm các việc đạo đức trong chính họ đạo, giáo xứ, giáo hội của mình. Chúng ta phải vượt qua bức tường thành lũy của giáo hội, giáo xứ, họ đạo để đến với vùng ngoại biên, đến với những người chưa nhận biết Chúa Kitô và giúp họ biết Tin Mừng của Chúa. Người Kitô hữu cùng Đức Giêsu dấn thân vào trong những cảnh sống khác nhau của xã hội.

Chứng tá Phúc âm

Chúng ta không dùng chiêu bài “dụ” như người ta vẫn thường nói đến việc kêu gọi theo đạo của nhóm này nhóm kia, “Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng sự thu hút” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng - Evangelii Gaudium, số 14). Chúng ta thu hút người khác bằng một đời sống Phúc âm hóa trong mọi môi trường mình sinh sống. Sống Tin mừng của Chúa trong niềm vui, hy vọng, sống hạnh phúc hân hoan vì được biết Chúa. Đời sống của bạn lan tỏa Phúc âm Chúa đã là một lời truyền giáo sống động. Tỉ như qua việc chia cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chúng ta dám xắn tay áo làm tất cả những việc tốt đẹp cho anh em đồng loại... Hãy để cho Tin Mừng của Ngài ra khỏi khuôn viên của nhà xứ, nhà thờ…

Biết rõ về đạo của mình 

Có ai đã từng nói: “Chúng ta không thể cho cái mà chúng ta không có”. Thật vậy, để đem Chúa đến cho người khác trong bạn phải có Chúa hiện diện, đời sống của bạn phải là một người có Chúa, mang Phúc âm của Ngài. Ngoài ra, để trở thành một người nói về Chúa, cho người khác Lời của Ngài, mỗi chúng ta rất nên học hỏi và hiểu rõ đạo Công giáo của mình để “làm giàu” vốn sống đạo của mình. Chúng ta cần hiểu rõ những biểu tượng, dấu hiệu trong đạo Công giáo cho đến việc cắt nghĩa Thánh Kinh vì Thánh Phêrô đã nói: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15b).

Giả sử một người lương giáo đến hỏi bạn: “Trước khi dùng bữa, bạn thường vẽ vẽ cái gì trên mặt vậy?” Bạn có thể trả lời một cách xác tín và đầy thuyết phục về ý nghĩa của biểu tượng dấu của Thánh giá không? Những câu hỏi nhiều khi vô tình của người khác lại trở thành cơ hội cho bạn tuyên xưng niềm tin của mình. Nếu bạn lúng túng trong niềm tin thì thật tiếc vì bạn đã làm mất cơ hội loan truyền đức tin của mình cho người khác rồi. Mỗi chúng ta hãy trở thành vị ngôn sứ của Chúa, nói về Chúa, nói cho Chúa, nói vì Chúa một cách thật xác tín bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Dám liều nói về Chúa!

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận định rằng: “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy thì chính thầy dạy đó là chứng nhân. Trong bối cảnh hôm nay, sự vô cảm, dửng dưng đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Do đó, bạn sống tốt ư? Có người nói: “Kệ bạn, tôi không quan tâm!” Bạn đạo đức ư? “Kệ bạn, không phải việc của tôi!” và có rất nhiều câu trả lời hao hao như vậy. Chủ nghĩa Mắc--Nô (mặc kệ nó) đã len lỏi vào từng ngõ hẻm của cuộc sống.

Do đó, họ có thấy chứng nhân sống tốt đôi khi cũng dửng dưng và “kệ bạn” và chưa chắc bạn đã là một bài học, hay một câu hỏi cho người ta phải “bận lòng”. Tôi nghĩ người Công giáo chúng ta phải mạnh dạn nói về Chúa của mình nhiều hơn. Chúng ta nói về Chúa trong nhóm riêng ở nhà thờ, hội đoàn giáo xứ chưa đủ. Hãy sống chứng tá Phúc âm và hãy nói về Chúa cho người chưa biết Ngài. Tất nhiên sẽ tùy vào hoàn cảnh, môi trường mà chúng ta bày tỏ đức tin của mình mà không phải là “chiêu dụ”.

Người ta kể rằng: thời các linh mục thừa sai truyền giáo tại Kontum (khoảng những năm 1860), có một Yao Phu (Giáo lý viên) người Bana muốn cho người làng Xêđăng biết Chúa. Người Yao Phu này đã đến kể chuyện vui của làng mình khi tin theo Chúa cho dân làng Xêđăng. Nhưng người Yao Phu kể hoài nói mãi mà người Xêđăng chẳng phản ứng gì, họ chỉ cười trừ cho xong chuyện.

Trước khi về, người Yao Phu ngà ngà xay rồi liều nói: “Người Xêđăng mấy ông thật là dại dột, các ông tin nhảm nhí quá đi. Mấy ông cúng con dê, con heo, con bò kể cả con người để mấy thần giả của các ông khỏi quấy phá… Các ông xem chúng tôi này, người Công giáo chúng tôi, quăng hết những thứ nhảm nhí đó rồi, và chúng tôi sung sướng hơn nhiều vì đã tiết kiệm được khối tiền ấy!”.

Già làng người Xêđăng bực mình tuyên bố: “Làm sao chúng tôi tin người Công giáo các ông thông minh hơn chúng tôi chứ? Người Công giáo các ông đừng nghĩ các ông thông minh hơn chúng tôi… Các ông tưởng chúng tôi không thành Công giáo hả? Chúng tôi sẽ thành Công giáo cho mấy ông xem…”

Người Yao Phu thách thức: “Nhưng mấy ông muốn trở thành Công giáo các ông phải quăng hết những thần giả của các ông ra khỏi nhà, mấy ông có dám không? Các ông có dám không nào? 

Sau một hồi suy nghĩ, người già làng Xêđăng liền nói: “Nếu phù thủy da trắng (các cha hội thừa sai Paris) tới đây và tự tay quăng đi thì chúng tôi chấp nhận!”

Chớp lấy cơ hội, người Yao Phu Bana liền về trình bày với cha thừa sai. Ngay hôm sau, trước sự chứng kiến của dân làng Xêđăng, người Yao Phu Bana dẫn một cha thừa sai đến và chính vị Linh mục này đã vứt bỏ những ngẫu tượng thờ cúng của dân làng Xêđăng kia đi. Sau ngày đó, cả dân làng Xêđăng đã tin theo Chúa và chịu phép rửa.

Trở lại với Giáo hội Việt Nam hôm nay, những năm gần đây, các đoàn thể giáo xứ, họ đạo đã và đang sống rất tốt sứ vụ truyền giáo của mình qua việc trao lửa Tin Mừng cho những người xung quanh không phân biệt tôn giáo. Tỉ như ATM gạo miễn phí trong mùa dịch, cung cấp thực phẩm cho bà con bị cách ly, những bữa cơm miễn phí mùa dịch... Tinh thần Tin Mừng được lan rộng đến cả những tôn giáo bạn. Ngoài ra, mỗi giáo phận, dòng tu, giáo xứ, họ đạo đều có ban truyền thông và tận dụng tốt phương tiện này để loan truyền Lời Chúa, trực tuyến thánh lễ online khi mọi người không được tham dự Thánh lễ đây cũng là cách làm cho nhiều người biết đến Chúa qua phương tiện truyền thông.

Tôi có quen một vài ca đoàn trong đó không ít ca viên là người ngoại đạo. Họ được bạn bè người Công giáo mời tham gia ca đoàn, khi họ cùng chung sở thích mê hát, thích phục vụ. Từ những buổi tập hát, tham gia sinh hoạt, làm việc bác ái mà họ nảy sinh lòng mến Chúa. Và họ đã xin gia nhập đạo khi đức tin đủ chín mùi.

Có lẽ, việc giúp người khác biết Danh Chúa rồi giúp họ theo đạo như vậy chưa là đủ của bổn phận truyền giáo. Chúng ta còn phải là người chăm sóc đức tin cho người mới theo đạo, nuôi dưỡng lòng mến Chúa yêu người, đồng hành nâng đỡ giúp họ giữ đạo và sống đạo trên hành trình ân phúc này.

Trên đây là một vài gợi ý để giúp bạn làm Danh Thiên Chúa nhiều người biết đến, mến chúc bạn có thật nhiều sức khỏe, niềm tin và lòng mến để làm Danh Chúa lan tỏa đến những người bạn gặp gỡ.

Thiên Di CND - CSA
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây