TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài 2 Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma

Thứ bảy - 11/12/2021 09:43 |   1523
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ hai của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa
1912909 Articolo
1912909 Articolo
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ hai của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
 



Trong loạt bài suy niệm cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng năm nay của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng tập trung vào việc đưa ra ánh sáng “vẻ huy hoàng bên trong của Giáo Hội và của đời sống Kitô hữu”

Năm nay, chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng gồm ba bài được trình bày vào ba thứ Sáu trước Lễ Giáng Sinh với chủ đề là “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến”, trích từ chương 4 Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong đó tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm của Kitô Giáo.

Hôm thứ Sáu 10 tháng 12 vừa qua, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, Đức Hồng Y đã trình bày bài tĩnh tâm thứ hai nhan đề “Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn chúng ta Thần Khí của Con Ngài”.

Bản tiếng Anh có thể xem tại 
đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Năm 1882, nhà khảo cổ học William M. Ramsay đã phát hiện ra một văn bia khắc chữ Hy Lạp cổ đại tại Hieropolis trong miền Phrygia. Hiện vật này được Quốc vương Abdul Hamid tặng cho Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1892, nhân dịp Kim Khánh (50 năm linh mục) của ngài. Văn bia được lưu giữ tại Bảo tàng viện Latêranô, trước khi được chuyển đến Bảo tàng viện Kitô Giáo Piô (do Đức Thánh Cha Piô thứ Chín thành lập vào năm 1854).

Văn bia này, được các nhà sử học mô tả là “nữ hoàng của các bia khắc của Kitô Giáo” - chứa đựng di chúc tinh thần của một giám mục tên là Abercius. Trong đó, tác giả tóm tắt toàn bộ kinh nghiệm của mình về đức tin Kitô. Ngài làm như vậy bằng ngôn ngữ được dùng vào thời điểm đó bởi “trường phái bí ẩn”, tức là sử dụng các phép ẩn dụ và các cách diễn đạt, mà chỉ các tín hữu Kitô mới có thể hiểu được ý nghĩa, để không lộ bản thân và những người khác cho sự chế nhạo và bắt bớ. Phần thú vị nhất của văn bia này rất hữu ích cho mục đích của chúng ta là thế này:

Tên tôi là Albercius, một môn đệ của vị Mục Tử Thánh Thiện chăn dắt đàn chiên cả trên núi cao lẫn đồng bằng, vị Mục Tử ấy có đôi mắt to nhìn khắp mọi nơi. Ngài đã dạy tôi rằng cuốn sách đó đáng để tin tưởng. Ngài sai tôi đến Rôma để chiêm ngưỡng sự uy nghi, và thấy một nữ hoàng mặc áo vàng, đi hài vàng. Ở đó tôi thấy mọi người mang một dấu ấn rực rỡ. Tôi cũng đã đến thăm vùng đất Syria và tất cả các thành phố của nó, và xa hơn nữa đến sông Euphrates, và Nisibis. Ở bất cứ nơi nào, tôi cũng đều tìm thấy những người anh em của Phaolô ở bên tôi, và Đức tin đã dẫn dắt tôi tiến về phía trước và, để làm lương thực cho tôi, Đức tin đã cung cấp một con cá rất lớn mà một Trinh nữ thuần khiết đã thụ thai và được mang đến cho những người bạn trung thành của Trinh nữ ấy ăn hàng ngày, cùng những rượu ngon hảo hạng và bánh mì.

Người chăn cừu mắt to là Chúa Giêsu; cuốn sách là Kinh thánh; nữ hoàng mặc áo choàng vàng, như được mô tả trong Thánh Vịnh 45: 9, là Giáo Hội; dấu ấn rực rỡ là Phép rửa; Phaolô là một ám chỉ rõ ràng về vị Tông đồ; con cá, như trong nhiều bức tranh khảm cổ, biểu thị Chúa Kitô; Trinh nữ thuần khiết là Đức Maria; bánh và rượu là Bí tích Thánh Thể. Trong mắt Abercius, Rôma không phải là thủ đô của đế chế, lúc đó đang ở đỉnh cao quyền lực, mà là “cung điện” của một vương quốc khác, là trung tâm tinh thần của Giáo Hội.

Điều vô cùng nổi bật trong câu chuyện này là sự tươi mới, nhiệt tình và kinh ngạc khi Abercius nhìn vào thế giới mới mà đức tin đã mở ra trước mắt ngài. Đối với ngài, đây không phải là điều hiển nhiên! Đối với thế giới và lịch sử, nó là một cái gì đó hoàn toàn mới lạ, đó chính là lý do tại sao tôi muốn đề cập đến điều này. Đó là cảm giác mà những Kitô hữu đương đại chúng ta cần khám phá lại. Một lần nữa, vấn đề là nhìn vào các cửa sổ kính màu của nhà thờ từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài đường.

Sau hơn 40 năm đi khắp thế giới rao giảng, tôi có thể liên tưởng rất mạnh đến lời tường thuật của Đức Giám Mục Abercius, mà không cần dùng đến ngôn ngữ che đậy. Ở khắp mọi nơi, theo cách đơn sơ của tôi, tôi cũng đã gặp dân tộc mới này được mô tả trong hiến chế tín lý Lumen Gentium của Công đồng Vatican II như một dân tộc thiên sai, một dân tộc “có Chúa Kitô là đầu, bao gồm những người có phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, có luật pháp là điều răn mới là phải yêu thương nhau, và có mục đích cuối cùng là vương quốc của Thiên Chúa” (xem Lumen Gentium, 9).

Cũng chính Công đồng này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội được tạo thành từ các thánh và những người tội lỗi; thực vậy, bản thân Giáo Hội - như một thực tại lịch sử cụ thể - vừa thánh thiện vừa tội lỗi, là một “gái giang hồ trong trắng” như một số Giáo phụ đã gọi Giáo Hội [Thánh Ambrôsiô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh được xem là người đầu tiên dùng từ “chaste harlot”– “gái giang hồ trong trắng” - chú thích của người dịch] và hai khía cạnh đó - tội lỗi và sự thánh khiết - hiện diện trong mọi thành viên, không chỉ giữa một loại Kitô hữu và loại khác. Do đó, chúng ta đau buồn và khóc lóc vì tội lỗi của Giáo Hội là đúng, nhưng cũng đúng và cần thiết là phải biết vui mừng trước sự thánh thiện và vẻ đẹp của Giáo Hội. Một lần nữa chúng ta phải chọn khía cạnh thứ hai này, dù trong thời đại chúng ta, có lẽ khó hơn và thường bị lãng quên.

Bằng chứng rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa

Chúng ta hãy trở lại phần bình luận của chúng ta về bản văn từ thư của Thánh Phaolô gởi các tín hữu Galát.

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Trong lần suy niệm cuối cùng, chúng ta đã suy ngẫm về phần đầu tiên của bản văn, theo đó chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Bây giờ chúng ta hãy suy ngẫm về phần thứ hai, cụ thể là vai trò của Chúa Thánh Thần trong tất cả những điều này. Chúng ta cần ghi nhớ đoạn văn gần như song sinh từ thư Rôma chương 8, câu 15 và 16.

Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Lần trước, tôi đã nói về tầm quan trọng của Lời Chúa trong việc tận hưởng niềm vui khi biết rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và cảm nghiệm Thiên Chúa như một người cha tốt lành. Giờ đây, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng còn có một cách khác, mà thiếu điều đó thì ngay cả Lời Chúa cũng chưa đủ - đó là Chúa Thánh Thần!

Thánh Bonaventura kết thúc chuyên luận của mình “Hành trình của Tâm trí đến với Chúa” bằng một cụm từ bóng gió và bí ẩn. Ngài viết: “Không ai biết sự khôn ngoan thần bí rất bí nhiệm này ngoại trừ người tiếp nhận nó; không ai nhận được nó ngoại trừ người khao khát nó; không ai khao khát điều đó, ngoại trừ người được Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Kitô sai đến thế gian đốt cháy bên trong”. Nói cách khác, chúng ta có thể muốn có kiến thức sống động về việc trở thành con cái Thiên Chúa và muốn trải nghiệm điều đó, nhưng thực sự chúng ta có được tất cả những điều này là nhờ vào công việc của Chúa Thánh Thần.

Đâu là ý nghĩa khi chúng ta nói Thần Khí “chứng thực” chúng ta là con cái Thiên Chúa? Rõ ràng, nó không giống như một tài liệu pháp lý bên ngoài chứng minh việc con người được nhận làm con nuôi hoặc một chứng chỉ rửa tội. Nếu Thần Khí là “bằng chứng” rằng chúng ta là con Thiên Chúa, nếu Ngài “chứng thực” cho thần trí chúng ta, thì đó không thể là điều gì đó diễn ra “ở đâu đó” mà chúng ta không nhận biết được, hoặc không có một sự xác nhận nào cả.

Thật không may, đó là cách chúng ta nghĩ. Đúng là trong Bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở thành con cái của Thiên Chúa, chi thể của Chúa Kitô và tình yêu của Thiên Chúa đã tràn vào trong tâm hồn chúng ta…, chúng ta tin điều này nhờ đức tin, ngay cả khi không có gì chuyển động trong chúng ta. Tin bởi lý trí, nhưng không sống trong tâm hồn. Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi tình trạng này? Thánh Tông đồ đã cho chúng ta câu trả lời: Chúa Thánh Thần! Không chỉ Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã từng lãnh nhận trong Phép Rửa, mà là Chúa Thánh Thần mà chúng ta phải cầu xin và lãnh nhận nhiều lần. Thánh Linh “làm chứng” rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài làm chứng ngay tại đây và ngay bây giờ, chứ không phải chỉ một lần cho tất cả vào lúc chúng ta chịu Phép Rửa.

Chúng ta hãy cố gắng hiểu cách Chúa Thánh Thần thực hiện phép lạ này là mở mắt chúng ta ra đối với thực tại mà chúng ta mang bên trong. Tôi đã khám phá ra mô tả hay nhất về cách Chúa Thánh Thần mang lại điều này nơi người tín hữu trong bài diễn văn về Lễ Ngũ Tuần của Luther. Chúng ta hãy theo dõi cùng ông ấy, theo tiêu chuẩn của Thánh Phaolô là hãy “xem xét mọi thứ, và giữ lại những gì là tốt đẹp.” (1 Thess 5:21).

Chừng nào con người còn sống dưới chế độ tội lỗi, dưới lề luật, thì Thiên Chúa dường như là một người giám sát nghiêm khắc, người chống lại mọi ham muốn trần thế của họ với những mệnh lệnh bắt buộc của Thiên Chúa: “Ngươi phải …; Ngươi không được….” Ngươi không được ham muốn tài sản hoặc phụ nữ của người khác… Trong trường hợp này, con người tích tụ trong sâu thẳm trái tim của họ một sự thù hận không thể dập tắt đối với Chúa, Đấng dường như đối nghịch với mọi hạnh phúc của họ, đến mức, nếu điều đó tùy thuộc vào họ, họ sẽ hạnh phúc hơn nếu Chúa không tồn tại.

Nếu chúng ta nghĩ rằng tất cả những điều mà Luther đề cập đến này xem ra là một sự phóng đại, và có lẽ chỉ những kẻ tội lỗi “dữ dằn lắm” mới dám nghĩ như thế, không liên quan gì đến cá nhân chúng ta, thì chúng ta hãy nhìn vào bên trong chính mình và xem những gì trỗi dậy từ sâu thẳm trái tim chúng ta khi chúng ta đứng trước thánh ý của Thiên Chúa và có một khó khăn nào đó trong việc vâng lời Ngài khi thực hiện các kế hoạch của chúng ta. Trong các khóa tĩnh tâm mà tôi giảng, tôi thường đề xuất với những người tham gia rằng họ tự mình làm một bài kiểm tra tâm lý để khám phá ra ý tưởng nào là hình ảnh thịnh hành của họ về Thiên Chúa. Tôi mời mỗi người tự hỏi: “Trong khi đọc kinh Lạy Cha, tôi nghĩ đến những ý tưởng nào, cảm xúc nào một cách tự nhiên, không suy tư khi nghe đến câu ‘Ý Cha được thực hiện’?”

Thật không quá xa vời khi nhận ra rằng bằng cách nào, một cách vô thức, chúng ta liên kết thánh ý Thiên Chúa với mọi thứ khó chịu, đau đớn, mọi thứ thử thách chúng ta, đòi hỏi sự từ bỏ và hy sinh, nói tóm lại, mọi thứ có thể được coi là kìm hãm sự tự do cá nhân và sự phát triển của chúng ta. Về cơ bản, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa đối lập với mọi thứ lễ hội, vui thú và hưởng thụ. Nếu ngay lúc đó, chúng ta có thể nhìn mình như thể trong gương, chúng ta sẽ thấy mình như những người cúi đầu cam chịu, nghiến răng lẩm bẩm: “Nếu tôi không thể làm gì khác được… thì được rồi, ý Cha được thực hiện vậy”.

Chúng ta hãy xem những gì Chúa Thánh Thần làm để chữa lành cho chúng ta về sự biến dạng khủng khiếp mà chúng ta thừa hưởng từ ông Adong. Khi Thánh Linh đến với chúng ta, - trong Phép Rửa và sau đó trong tất cả các phương thức thánh hóa khác, - Ngài bắt đầu bằng cách cho chúng ta thấy một khuôn mặt khác của Thiên Chúa, khuôn mặt được Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta trong Tin Mừng. Ngài cho chúng ta khám phá ra Thiên Chúa như một đồng minh trong niềm vui của chúng ta, như Đấng đã “không tiếc hy sinh ngay chính Con mình” (Rm 8:32).

Từng chút một, cảm giác mà một đứa con trải qua nảy nở trong chúng ta, điều này tự phát thành tiếng kêu: Abba, Cha ơi! Vào cuối câu chuyện của ông Gióp, ông ta đã kêu lên thế nào, thì chúng ta cũng sẵn sàng kêu lên như thế “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến.” (Gióp 42:5). Một đứa con đã thay thế người nô lệ, tình yêu đã thay thế nỗi sợ hãi. Người đó không còn oán giận Thiên Chúa nhưng trở thành đồng minh của Thiên Chúa. Giao ước với Thiên Chúa không còn chỉ là một hệ thống tôn giáo mà một người được sinh ra, nhưng là một khám phá, một sự lựa chọn, một nguồn an ninh không thể lay chuyển. “Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đứng về phía chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta” (xem Rm 8:31)?

Lời cầu nguyện của con cái

Cầu nguyện là đặc ân, trong đó hoạt động của Chúa Thánh Thần luôn luôn tạo ra một phép lạ làm cho chúng ta cảm thấy mình là con cái Thiên Chúa. Thánh Linh không ban lời cầu nguyện như một lề luật, nhưng như một ân sủng. Lời cầu nguyện không đến với chúng ta chủ yếu thông qua việc học tập phân tích, bên ngoài; nó đến với chúng ta bằng cách thấm nhuần bên trong, như một ân sủng. “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi!’ (Gal 4:6) Chính Thần Khí ấy là nguồn gốc của lời cầu nguyện. Tiếng kêu của người tin Chúa, Abba!, tự nó cho thấy rằng Đấng đang cầu nguyện trong chúng ta, nhờ Thánh Linh, là Chúa Giêsu, Con một của Thiên Chúa. Vì Chúa Thánh Thần không phải sinh ra từ Chúa Cha, nên Chúa Thánh Linh không thể hướng về Chúa Cha và kêu lên Abba, thưa Cha. Nhưng với tư cách là Thần Khí của Con một Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh có thể kéo dài lời cầu nguyện của Đấng là đầu đến các chi thể.

Vì thế, chính Chúa Thánh Thần đã thấm nhuần tâm hồn chúng ta với cảm giác được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử. Ngài là Đấng làm cho chúng ta cảm nghiệm, chứ không chỉ biết mà thôi!, rằng chúng ta là con Thiên Chúa. Đôi khi, hoạt động triệt để này của Thánh Linh diễn ra đột ngột và mãnh liệt trong đời sống của một người, và khi đó cảm nghiệm ấy có thể được chiêm ngưỡng trong tất cả sự huy hoàng của nó. Nó có thể xảy ra trong một buổi tĩnh tâm, hoặc khi một người có đủ tư cách để lãnh nhận một bí tích, hoặc trong khi lắng nghe Lời Chúa với tấm lòng rộng mở, hoặc trong khi cầu nguyện cho sự tuôn tràn của Thánh Linh, là điều mà chúng ta gọi là “phép Rửa trong tinh thần”. Linh hồn tràn ngập ánh sáng mới, trong đó Thiên Chúa được mạc khải cho con người theo cách mới, đó là như một người Cha. Người đó trải nghiệm điều thực sự có ý nghĩa khi nói Thiên Chúa là Cha; trái tim của họ trở nên dịu dàng và người đó có cảm giác được tái sinh lần nữa bởi trải nghiệm này. Người đó trải qua sự tự tin sâu sắc bên trong và cảm giác chưa từng có trước đây về sự hạ mình của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vào những lúc khác, sự mặc khải này của Chúa Cha đi kèm với cảm giác về sự uy nghiêm và siêu việt của Thiên Chúa đến nỗi người ta cảm thấy choáng ngợp không thốt nên lời. Tôi không mô tả kinh nghiệm của riêng tôi, mà là của các thánh! Người ta bắt đầu hiểu tại sao một số vị thánh có thể bắt đầu cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, và thậm chí sau nhiều giờ trôi qua, họ vẫn không rời những lời mở đầu đó. Cha giải tội và người viết tiểu sử của Thánh Catarina thành Siena, là Chân phước Raymond thành Capua, đã viết rằng “thật khó để hoàn thành một” Kinh Lạy Cha “khi thánh nữ đang trong tình trạng xuất thần.”

Cách thức ấn tượng này để biết về Chúa Cha thường không tồn tại lâu, thậm chí ngay cả với các thánh. Người tín hữu sẽ sớm quay trở lại tình trạng khi nói Abba! mà không cảm thấy bất cứ điều gì và tiếp tục lặp lại một cách đơn giản những lời của Chúa Giêsu. Đó là lúc điều quan trọng cần nhớ rằng lời nguyện đó càng ít làm vui lòng người cầu nguyện, thì càng làm vui lòng Cha, là Đấng đang nghe những lời ấy chính vì những lời ấy phát xuất từ đức tin trong sáng và sự từ bỏ.

Sau đó, chúng ta giống như một nhạc sĩ nổi tiếng, tôi đang nói đến Beethoven, người bị mất thính giác, vẫn tiếp tục sáng tác và biểu diễn những bản giao hưởng tuyệt vời cho khán giả thích thú mà không thể tự mình thưởng thức được một nốt nhạc nào. Tại một thời điểm, sau khi nghe một trong những tác phẩm của ông, là bản giao hưởng thứ chín lừng danh, khán giả bùng nổ những tràng pháo tay và ai đó đã phải giật gấu áo của Beethoven để khiến ông chú ý và cảm ơn họ. Việc anh ấy bị mất thính giác, thay vì tắt tiếng nhạc của anh ấy, đã làm cho tất cả trở nên thuần khiết hơn. Điều này cũng đúng đối với sự khô khan trong lời cầu nguyện của chúng ta nếu chúng ta kiên trì thực hiện.

Khi chúng ta nói về câu cảm thán, “Abba, Cha ơi!”, chúng ta thường nghĩ về mặt tự tham chiếu, tức là câu ấy có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta, là người bật ra những tiếng ấy. Chúng ta hầu như không bao giờ nghĩ về ý nghĩa của nó đối với Đấng nghe nó, đối với những gì nó tạo ra nơi Thiên Chúa. Không ai nghĩ về niềm vui mang đến cho Thiên Chúa khi được gọi là “Bố”. Nhưng bất cứ ai đã làm cha đều biết cảm giác như thế nào khi nghe thấy chính mình được gọi bằng giọng nói không thể nhầm lẫn của cậu bé hay cô bé của mình. Nó giống như việc trở thành một người cha mỗi lần như vậy bởi vì mỗi lần câu cảm thán đó được phát âm, nó sẽ nhắc nhở bạn và khiến bạn nhận ra mình là ai. Nó gợi lên sự tồn tại của những gì nằm ở thâm sâu con người bạn.

Chúa Giêsu biết điều này và vì vậy Ngài thường gọi Thiên Chúa là Abba! và dạy chúng ta làm như vậy. Chúng ta mang đến cho Chúa một niềm vui đơn sơ và độc đáo bằng cách gọi Ngài là “Bố”: đó là niềm vui của mối quan hệ cha con. Khi nghe những lời này, lòng Thiên Chúa “cảm động” và lòng trắc ẩn của Ngài “ấm áp và dịu dàng” (xin xem Hô-sê 11: 8). Và chúng ta có thể làm tất cả những điều này ngay cả khi chúng ta không “cảm thấy” bất cứ điều gì.

Chính vào thời điểm dường như xa cách Thiên Chúa và khô khan này, chúng ta mới khám phá ra tầm quan trọng to lớn của Chúa Thánh Thần đối với đời sống cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy và không nghe thấy Thánh Thần, là Đấng “đến giải cứu chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta,” lấp đầy những lời nói và tiếng thở dài của chúng ta với lòng khao khát Thiên Chúa, sự khiêm tốn và tình yêu thương, “và Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì” (xem Rm 8: 26-27). Vậy, Thánh Linh trở thành sức mạnh đằng sau lời cầu nguyện “yếu ớt” của chúng ta, là ánh sáng cho lời cầu nguyện “mờ mịt” của chúng ta; nói tắt một lời, Thánh Linh chính là linh hồn trong lời cầu nguyện của chúng ta. Theo lời của Bài Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần, Thánh Linh “tưới những gì khô cằn”.

Tất cả điều này xảy ra bởi đức tin. Tôi chỉ cần nói hoặc nghĩ rằng: “Lạy Cha, Cha đã ban cho con Thần Khí của Chúa Giêsu Con Cha. Qua đó, làm cho con ‘nên một tâm hồn với Người’ (1Cr 6,17)” Con đang cầu nguyện thánh vịnh này hoặc cử hành thánh lễ này, hoặc đơn giản là đứng im lặng trước sự hiện diện của Cha. Con muốn chúc tụng vinh quang, niềm vui, mà Chúa Giêsu mang đến cho Cha nếu Ngài cầu nguyện cùng Cha một lần nữa ở đây trên trái đất này”.

Thánh Linh đang nói gì với Giáo Hội

Trước khi kết luận, tôi muốn đề cập đến một ứng dụng mục vụ của suy tư này về vai trò của Chúa Thánh Thần. Trong những lần khác, tôi đã trích dẫn những điều mà Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Ignatius IV của Latakia, đã nói trong cuộc họp đại kết long trọng vào năm 1968. Xin được nhắc lại ở đây:

“Không có Chúa Thánh Thần:

Thiên Chúa ở rất xa,

Chúa Kitô ở lại trong quá khứ,

Phúc âm là một bức thư chết,

Giáo Hội chỉ đơn giản là một tổ chức,

Quyền bính là một vấn đề của sự thống trị,

Truyền giáo một vấn đề tuyên truyền,

Phụng vụ không hơn gì một buổi gọi hồn,

Kitô hữu sống một thứ đạo đức nô lệ.

Nhưng với Chúa Thánh Thần:

Vũ trụ đang hồi sinh và rên rỉ với sự ra đời của Vương quốc,

con người đấu tranh chống lại xác thịt,

Chúa Kitô phục sinh ở đó,

Tin Mừng là sức mạnh của sự sống,

Giáo Hội bày tỏ sự sống của Chúa Ba Ngôi,

Quyền bính là một dịch vụ giải phóng,

Truyền giáo là một Lễ Hiện Xuống,

Phụng vụ vừa là sự tưởng niệm vừa là sự chờ đợi,

Hành động của con người được thần thánh hóa”.

Chúng ta phải căn cứ mọi sự vào Chúa Thánh Thần. Chỉ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, và một kinh Sáng Danh trước khi bắt đầu các buổi họp mục vụ của chúng ta và sau đó nhanh chóng chuyển sang chương trình nghị sự thì chưa đủ đâu. Khi hoàn cảnh cho phép, chúng ta cần dành một ít thời gian để tỏ mình ra với Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần có thời gian thể hiện chính Ngài, đồng bộ hóa chúng ta với Người.

Nếu không có công việc chuẩn bị này, tất cả các quyết đinh và tài liệu của chúng ta chỉ là sự tích lũy các từ ngữ. Hãy nghĩ đến lễ tế của ông Êlia trên Cácmen. Êlia gom củi và tưới nước ướt đẫm nó nhiều lần. Ông đã làm ướt củi hết sức có thể. Sau đó, ông cầu nguyện xin Chúa ban lửa từ trời xuống để đốt cháy của lễ. Nếu không có ngọn lửa từ trên cao đó, mọi thứ khác sẽ chỉ còn là củi ẩm (xem 1 V 18: 20ff).

Đây là những điều đang bắt đầu diễn ra trong Giáo Hội mà không có nhiều ồn ào chấn động. Năm nay tôi nhận được một lá thư từ một cha sở trong một tổng giáo phận Pháp. Ngài viết: “Gần ba năm trước, tổng giám mục của chúng tôi đã đưa tất cả chúng tôi vào một cuộc phiêu lưu truyền giáo và thành lập một hội huynh đệ của những người truyền giáo trong giáo phận. Chúng tôi quyết định bắt đầu một khóa học để chuẩn bị cho phép Rửa Tội trong Thánh Linh. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời với 300 Kitô hữu từ khắp nơi trong tổng giáo phận, cùng với Đức Tổng Giám Mục. Một thời gian ngắn sau, tất cả 28 nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo của một tu viện gần đó đã yêu cầu có cùng một kinh nghiệm”.

Kết quả ngay lập tức và ngoạn mục là không thể mong đợi. Đó không phải là điệu múa lửa như của các thầy tế lễ Baan trên Cácmen. “Khi nào” và “như thế nào” chỉ có Thiên Chúa biết. Chúng ta hãy nhớ điều Chúa Giêsu Kitô đã nói với các môn đệ của Ngài: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1: 7-8). Điều quan trọng là chúng ta yêu cầu và nhận được sức mạnh từ trên cao; phần còn lại tùy thuộc vào Chúa.

Điều này đặc biệt đúng khi Giáo Hội dấn thân vào cuộc phiêu lưu của thượng hội đồng. Chỉ cần đọc lại và suy ngẫm về những lời đã được Đức Thánh Cha nói trong bài giảng Khai mạc Thượng hội đồng vào ngày 10 tháng 10 vừa qua là đủ. Ngài thúc giục chúng ta dành “thời gian để cầu nguyện và thờ phượng, và lắng nghe những gì Thánh Linh muốn nói với Giáo Hội.”

Tôi tự hỏi liệu có khả thi không, khi ít nhất là trong các cuộc họp toàn thể của mỗi Giáo Hội địa phương hay hoàn vũ, chúng ta chỉ định một hoạt náo viên tâm linh, người sẽ tổ chức thời gian cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Như đã nói trong Sách Khải Huyền: “Lời chứng của Đức Giêsu, là thần khí linh hứng cho ngôn sứ.” (Rv 19:10). Tốt nhất là tinh thần ngôn sứ được thể hiện trong bối cảnh cầu nguyện của cộng đồng.

Chúng ta có một ví dụ tuyệt vời về điều này xảy ra trong cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Giáo Hội phải đương đầu trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Hai Thánh Phêrô và Gioan đã bị bắt và bị tống vào tù vì đã “rao giảng trong Chúa Giêsu về sự sống lại của kẻ chết.” Các ngài đã được Hội Đồng Công Tọa tha với lời răn đe “không được phép nói về hoặc giảng dạy nhân danh Chúa Giêsu.” Các Tông đồ nhận thấy mình đang phải đối mặt với một tình huống đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình lịch sử: hoặc im lặng và vì thế coi thường mệnh lệnh của Chúa Giêsu hoặc lên tiếng trước nguy cơ vấp phải phản ứng tàn bạo từ phía các nhà chức trách có thể kết thúc tất cả mọi thứ.

Các môn đệ đã làm gì? Họ đã tập hợp cộng đồng lại với nhau. Họ đã cầu nguyện. Một người nào đó đã chia sẻ một câu trong Thánh Vịnh: “Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Thiên Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.” (Tv 2: 2). Một người khác đã liên hệ với thỏa thuận giữa vua Hêrôđê và quan Phongxiô Philatô về Chúa Giêsu. Sau đó, chúng ta đọc thấy: “Khi họ cầu nguyện xong, nơi tụ họp của họ rung chuyển và tất cả đều được đầy dẫy Chúa Thánh Thần và công bố lời Thiên Chúa một cách táo bạo” (xin xem Cv 4: 1-31). Thánh Phaolô nhắc chúng ta rằng đây không phải là một thực hành riêng lẻ trong Giáo Hội. Ngài viết cho các tín hữu Côrinhtô: “Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy, người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ” (1 Cr 14: 26).

Lý tưởng là những lời được sử dụng tại công đồng đầu tiên của Giáo Hội: “Điều đó là tốt rồi cho Chúa Thánh Thần và cho chúng ta…” (Cv 15:28) có thể được lặp lại đối với Giáo Hội ngày nay trong mọi quyết định của Thượng hội đồng - ít nhất một cách lý tưởng. Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất mở ra những con đường mới, nhưng không bao giờ bác bỏ những con đường trước đây. Thay vì làm những điều mới, Thánh Linh đổi mới mọi thứ! Nghĩa là, Thánh Linh không tạo ra các học thuyết mới và các định chế mới, nhưng đổi mới và thổi luồng sinh khí mới vào những học thuyết đã được Chúa Giêsu thiết lập. Nếu không có Thánh Linh, chúng ta sẽ luôn tụt hậu so với lịch sử. Như Đức Thánh Cha đã nói trong cùng bài giảng đó, “Điều đó có nghĩa là khám phá với sự ngạc nhiên rằng Chúa Thánh Thần luôn làm chúng ta kinh ngạc, khi gợi ý những con đường mới và những cách nói mới.” Tôi muốn nói thêm, Chúa Thánh Thần là một bậc thầy về aggiornamento, tức là cập nhật hóa, mà Thánh Gioan 23 đã đặt làm mục tiêu của Công đồng. Công đồng phải đưa ra một Lễ Hiện xuống mới, bây giờ Lễ Hiện xuống mới phải biến Công đồng thành hiện thực!

Giáo Hội Latinh sở hữu một kho báu cho mục đích này: đó là bài thánh ca Veni Creator Spiritus – Xin Ngự Đến, Lạy Thánh Thần Sáng Tạo. Kể từ khi được sáng tác vào thế kỷ thứ chín, bài thánh ca này đã gây được tiếng vang không ngừng trong Kitô Giáo, giống như một thiên anh hùng ca kéo dài đối với mọi tạo vật và Giáo Hội. Bắt đầu từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai, mỗi năm mới, mỗi thế kỷ, mọi mật nghị, mọi công đồng đại kết, mọi thượng hội đồng, mọi lễ tấn phong linh mục hay giám mục, mọi cuộc họp quan trọng trong đời sống của Giáo Hội đều được mở đầu bằng việc hát lên bài thánh ca này. Nó chứa đựng tất cả niềm tin, lòng sùng kính và khát khao nhiệt thành đối với Chúa Thánh Thần của các thế hệ đã hát nó trước chúng ta. Và bây giờ, khi nó được hát, ngay cả bởi một dàn hợp xướng khiêm tốn nhất của các tín hữu, Thiên Chúa nghe nó như một “dàn nhạc” bao la, là sự hiệp thông của các thánh.

Thưa các Cha, anh chị em đáng kính, tôi xin anh chị em vui lòng đứng và hát với tôi, cầu xin một sự tuôn tràn Thánh Linh mới trên chúng ta và toàn thể Giáo Hội.



1. Trong Enchiridion Fontium Historiæ Ecclesiasticæ Antiquæ, Herder 1965, trang 92-94.

2. Xem HU von Balthasar, “Casta justtrix”, in Sponsa Christi, Morcelliana, Brescia, 1969.

3. Bonaventure, Hành trình của Tâm trí đến Chúa 7,4.

4. Xem Luther, Bài giảng về Lễ Ngũ tuần (WA, 12, trang 568f).

5. Raymond of Capua, Legenda maior, 113.

6. Metropolitan Ignatius of Latakia, in The Uppsala Report, Geneva 1969, p. 298.

Source:Cantalamessa God sent into our hearts the Spirit of His Son.

Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây