TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhận biết Chúa Giê-su ngang qua Năm Phụng Vụ

Thứ năm - 02/12/2021 20:31 |   1396
Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta đang sống. Người mời gọi chúng ta, đụng chạm đến chúng ta và đi vào trong chúng ta ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Hội Thánh! Nói theo nghĩa đầy đủ nhất, đó là: Đức Giê-su đang sống trong chúng ta nhờ Thánh Thể
Nhận biết Chúa Giê-su ngang qua Năm Phụng Vụ

Nhận biết Chúa Giê-su ngang qua Năm Phụng Vụ

 
  •  
    •  
 


NHẬN BIẾT CHÚA GIÊ-SU NGANG QUA NĂM PHỤNG VỤ
Tác giả: Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (02.12.2021) – Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta đang sống. Người mời gọi chúng ta, đụng chạm đến chúng ta và đi vào trong chúng ta ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Hội Thánh! Nói theo nghĩa đầy đủ nhất, đó là: Đức Giê-su đang sống trong chúng ta nhờ Thánh Thể
.

Mọi hành động của Hội thánh và các chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Ki-tô đều quy tụ về nguồn mạch và chóp đỉnh của Hội thánh trong Hy tế Thánh Lễ.

Trước khi về Trời, Chúa Giê-su hứa sẽ ở cùng chúng ta bằng những lời này: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20)

Nếu đúng là Chúa Giê-su đã lên Trời và hứa sẽ luôn ở cùng chúng ta cho đến tận thế, thì Người ở đâu vậy? Câu trả lời là: Người ở cùng chúng ta nơi Thân Mình Mầu Nhiệm của Người, là Hội thánh.

Cách cụ thể, Chúa Giê-su hiện diện thực sự trong Thánh Lễ, nơi Thánh Thể, và trong Đời sống Bí tích. Đời sống Bí tích này của Chúa Giê-su trải rộng ra vào mỗi Năm của Hội thánh, Năm Phụng Vụ, và trong Chu Kỳ Phụng Vụ. Chúa Giê-su đến với chúng ta qua Lời và Bí tích. 

Nói ngắn gọn và súc tích, chúng ta hãy lữ hành ngang qua Năm Phụng Vụ của Hội thánh để biết sự hiện diện của Chúa Giê-su. Nếu bạn có thể ghi nhớ những khoảnh khắc Phụng Vụ đáng nhớ về Cuộc đời của Đức Ki-tô, thì bạn sẽ luôn có thể định vị được bản thân mình ở nơi chốn, thời gian, và điều gì Chúa Giê-su đang thực hiện ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Hội thánh. Hy vọng rằng, bạn sẽ chia sẻ sự hiểu biết này cho người khác. Hãy trở thành một giáo lý viên về Phụng Vụ nhé!

I. Mùa Vọng

Từ Advent (Mùa Vọng)- có nghĩa là “đến”- ám chỉ đến những ngày và những tuần trước Lễ Giáng Sinh, cũng như đến việc chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh. Luôn có 4 Chúa Nhật trong Mùa Vọng. Màu sắc Phụng Vụ là tím tía, trừ ra các Lễ nhớ, Lễ kính và Lễ trọng.

1) Biểu tượng

Một trong những biểu tượng làm cho Mùa này trở nên chói lọi, đó là Vòng hoa Mùa Vọng. Nó được làm theo hình thức một vòng tròn màu xanh lá cây, vòng hoa Mùa Vọng thường được trang trí bằng một dây ruy-băng màu đỏ, đôi lúc là một quả táo, nhưng thành phần chính lại là các cây nến. Biểu tượng bí tích hình tròn có bốn cây nến riêng biệt; ba cây màu tím tía và một cây màu hồng.    
 

Vào Lễ Giáng Sinh, cây nến thứ năm được chen vào giữa vòng hoa Mùa Vọng- màu trắng tương phản với màu hồng và màu tím tía. Cây nến trắng ở giữa biểu thị Ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su, Đấng thực sự là Ánh Sáng thế gian, đến để đẩy lui bóng tối tội lỗi. 

2) Những lễ kính Đức Maria

Như đã nói, hình ảnh Đức Maria rất đậm nét trong Mùa Vọng, có hai cử hành Phụng Vụ quan trọng về Đức Maria: Lễ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (8 tháng 12); sau đó là Lễ Đức Mẹ Guadalupe (ngày 12 tháng 12). Trong tất cả các ngày của Mùa Vọng, Hội thánh vui mừng chờ đợi Ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su cùng với Đức Mẹ, Thân Mẫu của Chúa Giê-su.

3) Thánh Gioan Tiền Hô

Ngoài ra, một nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh chính là thánh Gioan Tiền Hô, người đã mời gọi chúng ta dọn đường cho Ngày Hạ Sinh của Đấng Cứu Độ.

II. Ngày Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh đến

Mùa Vọng kết thúc với Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh. Không thể cử hành Ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su sinh nhật quan trọng nhất ở thế gian - chỉ trong một ngày. Phải có Tuần Bát nhật, cũng như một Mùa kéo dài để hân hoan vui mừng vì Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã ra đời.

1) Lễ Vọng Giáng Sinh

Lễ Giáng Sinh khởi đầu với Lễ Vọng Giáng Sinh. Ngày đợi chờ mòn mỏi đã đến: Chúa Giê-su sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria.

2) Kinh Vinh Danh

Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ không được hát cho tới Lễ Vọng Giáng Sinh. Đêm ấy, cùng với đoàn nhạc các Thiên Thần, mọi tâm hồn và cung giọng của chúng ta vang lên: “Gloria in excelsis Deo”, tiếng La tinh có nghĩa là: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời!” 

3) Lễ Giáng Sinh

Thật ra, có ba Thánh Lễ Giáng Sinh: Lễ nửa đêm (diễn ra vào đêm trước); Lễ rạng đông, và Lễ ban ngày. Mỗi Thánh Lễ đều diễn tả một khía cạnh khác về tính chất long trọng và Niềm vui của Ngày sinh Nhật Đức Giê-su.

4) Tuần Bát Nhật

Trong 8 ngày, bắt đầu với Lễ Giáng Sinh, Hội thánh cử hành Sinh nhật Đức Giê-su. Đối với một sự kiện như thế, phải có ít nhất là 8 ngày!

5) Mùa Giáng Sinh

Kế đến, trong suốt Mùa Giáng Sinh, có nhiều Lễ kính quan trọng khác. Tất cả các Lễ kính này đều trùng khớp và có liên hệ đến Ngày sinh của Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ.

6) Các lễ Kính theo lịch Phụng vụ trong Mùa Giáng Sinh

Các ngày lễ kính: Lễ Thánh Gia thất: Đức Giê-su, Đức Maria và thánh Giuse; lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (luôn luôn là ngày 1 tháng Giêng); và Lễ Hiển Linh là những Lễ kính chính yếu được cử hành trong bối cảnh của Mùa Giáng Sinh.

7) Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Sau cùng, với việc cử hành lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, Mùa Giáng Sinh kết thúc. Đây là lúc gỡ cây thông và Hang đá.

III. Mùa Thường niên 

Với phần kết của Mùa Giáng Sinh, Hội thánh chuyển sang Mùa Thường Niên I.

Thực ra, có hai Mùa Thường Niên trong Năm Phụng vụ của Giáo hội: một mùa diễn ra ngay sau Mùa Giáng Sinh và mùa còn lại diễn ra ngay sau Mùa Phục Sinh.

Trong Mùa Thường Niên 1, linh mục thay đổi lễ phục, từ màu trắng của Mùa Giáng Sinh sang màu Xanh.
Trong Mùa này, các Bài đọc Tin Mừng tập trung chủ yếu vào Cuộc đời rao giảng Công khai của Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Điều đó có ý nói rằng các sách Tin Mừng giới thiệu về Đức Giê-su trong suốt Cuộc đời hoạt động Công khai, kéo dài khoảng 3 năm, khi Đức Giê-su được 30-33 tuổi.
Mùa Thường Niên 1 không kéo dài, thường khép lại trong khoảng từ 7 đến 8 tuần lễ. Trong những tuần lễ này, thường rớt vào tháng Giêng và tháng Hai, Hội thánh cũng cử hành lễ kính các thánh. 

Mùa thường niên sẽ là thời gian chúng ta cố gắng hiểu biết, yêu mến và bước theo Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc đời mình. Cũng như, chúng ta sẽ nỗ lực làm những bổn phận Hằng ngày trong đời sống thường nhật với một tình yêu phi thường.

IV. Mùa Chay: Mùa của Thống hối, Ân sủng và Hoán cải

Mùa Thường Niên 1 kết thúc với việc bắt đầu Mùa Chay Thánh. Sau đây là những đặc tính cơ bản của Mùa Chay Thánh:

1. Thứ tư Lễ Tro.
2. Màu sắc phụng vụ: màu tím.
3. Thời gian: 40 ngày, không kể các Chúa Nhật.
4. Thời kỳ Chay tịnh và Kiêng khem.
5. Không hát Alleluia và Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ.
6. Có các Bài đọc riêng trong Thánh lễ - hướng đến việc Hoán cải.

Tuần Thánh- Tuần Lễ Cực Thánh trong Năm Phụng vụ!

Đỉnh cao hay chóp đỉnh của Mùa Chay chính là Tuần Thánh. Nó giống như đỉnh cao ân sủng mà qua đó, Hội thánh cử hành việc cứu rỗi hay Cứu độ của Chúa Giê-su với tình yêu và niềm vui cả thể. 

Việc cử hành trong Tuần Thánh: Tuần Thánh bắt đầu.

Sau đây là những thành phần chính của Tuần Thánh.

1) CHÚA NHẬT LỄ LÁ.

Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá. Hội thánh tưởng niệm việc Chúa Giê-su khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa. Các nhành lá được phát để tưởng niệm ngày đó. Trong Thánh lễ, linh mục mặc áo Đỏ và đọc Bài thương khó về cuộc Khổ nạn của Chúa Ki-tô.

2) TAM NHẬT VƯỢT QUA.

Tâm điểm của Năm Phụng Vụ chính là Tam Nhật Vượt Qua, gồm 3 ngày (chữ triduum có nghĩa là ba): thứ Năm Thánh, Thứ Sáu Thánh, và Thứ Bảy Thánh.

3) THỨ NĂM THÁNH

Tưởng niệm Bữa Tiệc Ly và việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, cũng như chức Linh Mục và Bí tích Truyền chức thánh.

4) THỨ SÁU THÁNH.

Với tình mến sâu đậm và đau khổ cùng cực, Hội thánh mời gọi hết thảy mọi người chiêm ngắm Cuộc Khổ Nạn, Nỗi Khổ Đau và cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Đây là ngày giữ chay và kiêng khem.

5) THỨ BẢY THÁNH.

Trong ngày này, chúng ta cùng đi với Đức Trinh Nữ Maria qua những sự thương khó của Mẹ. Cùng với Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta sống lại Cuộc Thương Khó, khổ đau và cái chết của Chúa Giê-su, Con Mẹ.  Chúng ta cố gắng sống lại Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su qua ánh mắt và Tâm hồn Sầu khổ của Mẹ Maria.

V. Mùa Phục Sinh: Khởi đầu với Lễ Vọng Phục Sinh.

Để cho vắn gọn, chúng tôi xin đưa ra một lời giải thích súc tích về việc cử hành Lễ Phục Sinh và Mùa Phục Sinh.

1) Lễ Vọng Phục Sinh

Lễ Vọng Phục Sinh là một trong những việc cử hành Phụng Vụ long trọng và trang nghiêm của Năm Phụng Vụ. Nhiều bài Đọc Sách Thánh được công bố với những Thánh vịnh Đáp ca. Anh chị em dự tòng được rửa tội, được thêm sức, và được Rước lễ Lần đầu.

2) Lời tung hô Alleluia, Kinh Vinh Danh và Lễ phục trắng.

Một lần nữa, Hội thánh hát lên lời alleluia, Kinh Vinh Danh được xướng lên trong Thánh lễ, và Màu Phụng vụ là màu trắng.

3) Đức Giê-su quả thực đã trỗi dậy từ cõi chết.

Cốt lõi của Lễ Phục Sinh và toàn bộ Mùa Phục Sinh chính là sự kiện Đức Giê-su đã chịu chết, nhưng Người đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết , để không bao giờ chết nữa. Lời hứa dành cho chúng ta chính là sự sống đời đời!

4) Tuần Bát nhật Phục Sinh.

Giống như Lễ Giáng Sinh, Hội thánh cử hành tuần bát nhật Phục Sinh. Thực tại Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết chính là điều quan trọng nhất, đòi phải có 8 ngày (tuần Bát Nhật) để cử hành chiến thắng khải hoàn của Đức Giê-su trên sự chết và việc Người đã trỗi dậy từ cõi chết.

5) Mùa Phục Sinh.

Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày. Trong những ngày này, Bài đọc 1 trong Thánh Lễ được trích từ sách Công vụ Tông đồ.

6) Lễ Thăng thiên và Hiện xuống.

Mùa Phục Sinh đi đến hồi kết với việc Chúa Giê-su được rước lên trời. Tuần Cửu Nhật bắt đầu và kết thúc với Lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần hiện xuống. Biến cố này tưởng niệm Ngày sinh nhật của Hội thánh, cũng như kết thúc 50 ngày hân hoan vui sướng của Mùa Phục Sinh!

VI. Mùa Thường Niên II

Với Lễ Hiện Xuống, Mùa Phục Sinh đi đến hồi kết và Mùa Thường Niên II bắt đầu, mùa này kéo dài đến 6 tháng.
Sau Lễ Hiện Xuống, có ba Lễ trọng: Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô, và Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su.


1) Lễ Chúa Ba Ngôi.

Hội thánh cử hành mầu nhiệm cao trọng nhất trong tất cả các mầu nhiệm: Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Điều đó có ý nói rằng Hội thánh dạy về thực tại Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

2) Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô.

Hội thánh tin rằng trong Thánh Lễ, qua lời Truyền phép, bánh và rượu đã được biến thành Mình và Máu, Linh hồn, và Thần Tính của Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ.

3) Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su

Thứ Sáu sau Chúa Nhật Mình và Máu Chúa Ki-tô, Hội thánh cử hành mầu nhiệm tình yêu mà Đức Giê-su dành cho chúng ta qua việc tôn kính và ngợi khen Thánh Tâm cực trọng của Người.

Đức Ki-tô, Vua vũ trụ: Kết thúc Năm Phụng vụ

Độ dài của Mùa Thường Niên II khép lại với lễ trọng kính Đức Ki-tô vua vũ trụ. Đức Giê-su, Vua vũ trụ, cai trị thế gian, cũng như cai trị mọi tâm hồn chúng ta!

Mùa Vọng

Chu kỳ Phụng vụ lại bắt đầu với Mùa Vọng. Trong suốt Năm Phụng Vụ, Hội thánh hồi tưởng lại cuộc đời, lời nói, và hành động cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích.

Thế nên, nếu chúng ta muốn nối kết với Chúa Giê-su, gặp gỡ Chúa Giê-su, và đón nhận Chúa Giê-su vào trí lòng, linh hồn và toàn bộ đời sống, thì chúng ta chỉ có thể thực hiện điều đó cách thiết thực nhất ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Đức Ki-tô và đời sống Bí tích mà thôi, cách cụ thể là qua Hy tế Thánh Lễ, qua Thánh Thể và Việc Hiệp Lễ.

Cát Bụi, SSS chuyển ngữ từ catholicexchange.com (30.11.2021)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhan-biet-chua-gie-su-ngang-qua-nam-phung-vu-44154

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây