TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiều kích truyền giáo trong linh đạo giáo lý viên

Thứ ba - 05/11/2024 09:18 | Tác giả bài viết: Tôma Nguyễn Như Danh |   155
Bài viết này được trình bày chiều kích thứ tư của linh đạo giáo lý viên.
Chiều kích truyền giáo trong linh đạo giáo lý viên

CÁC CHIỀU KÍCH THẦN HỌC CỦA LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN: CHIỀU KÍCH TRUYỀN GIÁO


WHĐ (04/11/2024) - Bài viết này được trình bày chiều kích thứ tư của linh đạo giáo lý viên. Đó là chiều kích Truyền giáo với nội dung như sau:

(1) Được Chúa Thánh Thần kêu gọi

(2) Được Giáo hội ủy nhiệm và sai đi

(3) Được cộng tác với Đức Giám mục giáo phận trong sứ vụ rao giảng Tin mừng

(4) Được liên kết đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh

Như vậy, chiều kích truyền giáo thuộc về căn tính của giáo lý viên và định tính mỗi hoạt động tông đồ của họ. Chiều kích này thể hiện qua lòng nhiệt thành truyền giáo, quan tâm huấn luyện tinh thần truyền giáo và sẵn sàng lên đường khi Giáo Hội cần.

1. Giáo lý viên nhiệt thành truyền giáo

1.1. Giáo lý viên hăng say loan báo Tin mừng cho lương dân

1.2. Giáo lý viên tích cực tìm kiếm chiên lạc

1.3. Giáo lý viên đón nhận thập giá Chúa Giêsu

2. Giáo lý viên quan tâm huấn luyện tinh thần truyền giáo

2.1. Giáo lý viên được mời gọi hiện diện tích cực trong xã hội

2.2. Giáo lý viên cần loan báo mạnh mẽ về Chân lý

2.3. Giáo lý viên đối thoại với các tôn giáo khác

2.4. Giáo lý viên xây dựng cộng đoàn

2.5. Giáo lý viên chu toàn nhiệm vụ được giao

3. Giáo lý viên sẵn sàng lên đường truyền giáo

3.1. Giáo lý viên sẵn sàng phục vụ Giáo hội địa phương

3.2. Giáo lý viên sẵn sàng phục vụ Giáo hội hoàn vũ

 

1. Giáo lý viên nhiệt thành truyền giáo

Trong các miền truyền giáo, giáo lý viên thường sống và tiếp xúc với nhiều người không là Kitô hữu. Nhờ bí tích Thánh Tẩy và ơn gọi đặc biệt của mình, giáo lý viên được mời gọi mặc lấy lòng hăng say truyền giáo của Đức Giêsu.

1.1. Giáo lý viên hăng say loan báo Tin mừng cho lương dân

Theo gương Thầy Giêsu, giáo lý viên nhiệt thành loan báo Tin mừng cho lương dân: “Ta còn nhiều chiên khác không thuộc về đàn này. Ta phải đi dẫn chúng về” (Ga 10, 6).

“Để có thể xác quyết như thánh Phêrô và Gioan trước công nghị: “Chúng tôi không thể im lặng về điều mình đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20), và thực hiện lý tưởng thừa sai tông đồ: “tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14), giáo lý viên phải ý thức sâu sắc về truyền giáo và công cuộc Phúc âm hoá” (GC 9).

Ý thức này sẽ giúp giáo lý viên hăng say, nhiệt thành, can đảm và xác tín mạnh mẽ vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình. Có như thế họ mới dám nói như Phaolô chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh “Quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 24). Nói về nhiệt tâm truyền giáo, chúng ta nên trích lại đây Thư Mục vụ năm 2003 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam:

“Hãy lên đường với tinh thần tông đồ, là sự hăng hái được thúc đẩy bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là lòng nhiệt thành nhiệt thành truyền giáo được nung đốt bởi Chúa Thánh Thần, là những sáng kiến do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần”(Số 7).

Lòng nhiệt thành truyền giáo được khơi lên bởi Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã thôi thúc Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng (x. Lc 4, 18). Chính nhờ Thánh Thần mà giáo lý viên mới có nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, và mang mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu rao giảng cho muôn dân và đi tìm các chiên lạc.

1.2. Giáo lý viên tích cực tìm kiếm chiên lạc

Giáo lý viên còn phải có được quyết tâm của Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15, 4) cho đến khi tìm được mới thôi, hoặc như người phụ nữ kia đốt đèn, quét nhà tìm cho bằng được đồng bạc bị mất (x. Lc 15, 8 –9):

“Quyết tâm này nảy sinh lòng nhiệt thành tông đồ: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu vớt mọi người và tôi đã làm tất cả điều ấy vì Tin Mừng” (1Cr 9, 22 –25; x. 2Cr 12, 15). “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Sự khẩn thiết mà thánh Phaolô đã cảm nhận có thể giúp giáo lý viên thêm lòng nhiệt thành. Sự nhiệt thành này là hệ quả thiết yếu của ơn gọi đặc biệt của giáo lý viên cũng như của ý muốn đáp trả và dấn thân loan báo Đức Kitô với lòng nhiệt thành cũng như cộng tác tích cực vào việc xây dựng và phát triển giáo đoàn” (GC 9).

Chúa Giêsu đã không ngừng tìm kiếm chiên lạc. Các tông đồ cũng mãi miết chăm sóc đoàn chiên với tinh thần không mệt mỏi. Giáo lý viên bước theo Chúa và các tông đồ để không ngừng lo tìm kiếm “các chiên lạc”. Thật vậy, trong xứ đoàn có rất nhiều giáo lý sinh ngoan, và cũng không thiếu những em “lạc lối” vì nhiều lý do khác nhau. Nếu giáo lý viên không kiên nhẫn tìm kiếm, dìu dắt và giúp đỡ các em này, các em dễ trở thành mồi ngon cho “thú dữ”. Nếu các em bê trễ, giáo lý viên loại các em ra khỏi danh sách chăm sóc mục vụ của mình, thì làm sao các em có cơ hội để học biết Chúa? Giáo lý viên hãy ghi nhớ lời dạy của Chúa Giêsu: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 12.13) để không ngừng tìm kiếm chiên lạc, đưa họ về để Chúa băng bó vết thương, chữa lành cho họ.

1.3. Giáo lý viên đón nhận thập giá Chúa Giêsu

Như đã trình bày ở trên, việc tìm kiếm chiên lạc quả là hành trình nhiều đau thương và thử thách, có khi chịu cả sự xỉ nhục từ quý phụ huynh. Đó chính là thập giá mà giáo lý viên cần gánh vác để nên giống Chúa Giêsu. Sách hướng dẫn giáo lý viên 1993 chỉ cho thấy:

“Lòng nhiệt thành truyền giáo đòi hỏi giáo lý viên in sâu vào tâm khảm mình thập giá Đức Kitô, Đấng mà giáo lý viên vẫn loan báo là “Đức Kitô chịu đóng đinh, cớ vấp phạm cho người Do thái, điên rồ đối với dân ngoại” (1Cr 1, 23) đã được Chúa Cha cho phục sinh sau khi chết ba ngày (x. Cv 10, 40). Chính vì thế, giáo lý viên cần biết sống mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô với niềm hy vọng khi cảm thấy mình bị giới hạn và đau khổ vì gia đình lâm cảnh khốn khó, chướng ngại trong việc phục vụ tông đồ, với ý hướng đi trọn con đường Chúa đã đi: “Tôi hoàn tất trong thân xác tôi những đau khổ Đức Kitô đã chịu vì thân thể của Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24) (x. GC 10).

Lòng nhiệt thành truyền giáo luôn được thể hiện trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi (2 Tm 4, 2). Lúc thuận lợi dễ dàng giúp giáo lý viên nâng cao tinh thần. Lúc khó khăn, tinh thần tông đồ dễ giảm sút. Chính vì thế, con đường dạy giáo lý vừa có “thảm hoa hồng” và cũng không thiếu nhưng chông gai của nó. Thầy Chí Thánh Giêsu đã phải trải qua đau khổ thập giá mới đạt được vinh quang phục sinh. Con đường đó giáo lý viên cũng phải đi qua để được bước vào vinh quang phục sinh.

2. Giáo lý viên quan tâm huấn luyện tinh thần truyền giáo

Cơ sở phương tiện vật chất, nhân sự truyền giáo rất cần, nhưng lòng nhiệt thành tông đồ truyền giáo lại cần hơn cả. Chính vì thế mà trong việc huấn luyện giáo lý viên, Giáo Hội luôn quan tâm đến việc đào tạo tinh thần hăng say truyền giáo cho giáo lý viên. Việc huấn luyện này phải vừa lý thuyết vừa thực hành. Cụ thể là huấn luyện giáo lý viên qua các giai đoạn tiệm tiến của hoạt động tông đồ như Thánh bộ truyền giáo đã gợi ý trong GC số 25 sẽ được phân tích dưới đây.

2.1. Giáo lý viên được mời gọi hiện diện tích cực trong xã hội

“Hiện diện một cách tích cực trong xã hội bằng chứng tá đời sống, đối thoại thẳng thắn và cởi mở với mọi người trong đức ái” (GC 25).

Giáo lý viên hiện diện tích cực trước hết bằng đời sống chứng nhân nghĩa là đời sống của một người có niềm tin vào Chúa, có tấm lòng bác ái yêu thương. Giáo lý viên biết đối thoại với tất cả mọi người nghĩa là có thể gặp gỡ và nói chuyện với tất cả mọi người không phần biệt người nào. Họ có thể đối thoại với trẻ em, với thanh niên, với người lớn tuổi, người đồng đạo hay khác đạo, người tốt cũng như người bị gạt ra bên lề xã hội. Chính Chúa Giê su đã đến, gặp gỡ và đối thoại với tất cả mọi người như đã trình bày ở các phần trước.

2.2. Giáo lý viên cần loan báo mạnh mẽ về Chân lý

“Loan báo cách mạnh mẽ chân lý về Chúa và về Đấng được Chúa sai để cứu độ mọi người là Đức Giêsu Kitô ngõ hầu những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng mở trí có thể tin nhận và trở lại với Chúa” (GC 25).

Giáo lý viên phải là người mạnh mẽ loan báo về chân lý mạc khải, và nhất là về Chúa, về Đức Kitô Đấng Chúa Cha sai đến để cứu độ mọi người. Nói đến loan báo mạnh mẽ nghĩa là giáo lý viên không được thụ động, không chờ được nhắc bảo, không dừng lại ở bổn phận và trách nhiệm của một giáo lý viên. Hơn thế nữa, họ cần phải hăng say, nhiệt thành, chủ động để giới thiệu Chúa cho mọi người.

2.3. Giáo lý viên đối thoại với các tôn giáo khác

Việc đối thoại với các tôn giáo khác đòi hỏi giáo lý viên phải biết “Gặp gỡ, đối thoại với các tín đồ các tôn giáo khác với tấm lòng chân thành, cởi mở”. Họ cần nắm vững giáo lý của Kitô giáo và hiểu biết đạo của người khác ở mức độ nào đó để có thể hiểu và đối thoại. Điều quan trọng là sự chân thành và cởi mở để có thể thấu đạt chân lý có khi được ẩn giấu trong các tôn giáo khác. Trong khi tìm cách đối thoại với các tôn giáo khác, giáo lý viên hãy ghi nhớ lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ trong Tông huấn Sứ vụ Đấng Cứu độ là không được thay thế việc loan báo Tin mừng bằng việc đối thoại liên tôn.

2.4. Giáo lý viên xây dựng cộng đoàn

Giáo lý viên “xây dựng cộng đoàn bằng cách chuẩn bị cho các ứng sinh nhận phép Thánh tẩy và các Bí tích khác” (GC 25). Việc dạy giáo lý là dẫn người khác đến gặp gỡ và sống thân mật với Chúa Giêsu. Bí tích Thánh tẩy là cửa ngỏ đầu tiên để con người bước vào đời sống hiệp thông với Chúa. Các bí tích khác là những nẻo đường dẫn các tín hữu đến kín múc nguồn sức sống và hiệp thông thân mật với Chúa, đặc biệt bí tích Thánh Thể.

Thế nên, trong khi lo việc loan báo Tin mừng, dạy giáo lý, giáo lý viên cũng phải là người kiến tạo “Thân thể hữu hình của Chúa Kitô” đó là siêng năng tham dự thánh lễ và phụng vụ của Hội thánh. Giáo lý viên không siêng năng tham dự thánh lễ ngày thường, thì cũng sản sinh ra thế hệ giáo lý sinh giống mình vậy. Vì lẽ đó, giáo lý viên ngoài việc nêu gương, họ cũng phải biết mời gọi giáo lý sinh, phụ huynh tham dự vào những cử hành phụng vụ của cộng đoàn giáo xứ. Có như vậy, việc dạy giáo lý mới đạt được mục đích tối hậu là dẫn đưa con người tới gặp gỡ và sống thông hiệp với Đức Kitô.

2.5. Giáo lý viên chu toàn nhiệm vụ được giao

Giáo lý viên phải “chu toàn cách trách vụ được các Giám mục trao phó trong các nhu cầu giáo hội địa phương” (GC 25). Nhiệm vụ được giao này được quy định khác nhau tùy theo giáo phận, và cụ thể hơn nữa là từng giáo xứ dưới sự lãnh đạo của cha xứ. Dù được giao nhiệm vụ gì đi chăng nữa thì điều quan trọng của giáo lý viên là phải chu toàn trách nhiệm huấn giáo, tức là đưa con người gặp gỡ và sống thông hiệp với Thiên Chúa.

Giáo lý viên không chỉ là người quan tâm đến việc đào tạo và tự đào tạo tinh thần truyền giáo cho mình, nhưng còn là linh hoạt viên truyền giáo cho cộng đoàn của mình nữa. Điều này có nghĩa là giáo lý viên phải là người nhạy bén về truyền giáo, bằng cách khám phá mọi hoàn cảnh thuận lợi để loan báo Tin mừng và dấn thân vào đó. Đồng thời, giáo lý viên phải là người khơi gợi tinh thần truyền giáo nơi các học viên. Bởi thế, việc dạy giáo lý của giáo lý viên không chỉ dừng lại ở việc giúp học viên giữ đạo, mà phải giúp họ có đủ khả năng và nhiệt huyết loan báo Tin mừng nữa.

3. Giáo lý viên sẵn sàng lên đường truyền giáo

Bổn phận chính yếu của giáo lý viên là dạy giáo lý. Tuy vậy, giáo lý viên cũng được Giáo Hội tín nhiệm mời gọi trở nên những nhà truyền giáo.

3.1. Giáo lý viên sẵn sàng phục vụ Giáo hội địa phương

Giáo lý viên phục vụ công cuộc huấn giáo tại giáo hội địa phương, cụ thể là tại giáo xứ. Họ cần có tinh thần sẵn sàng được sai đi vào bất cứ lãnh vực nào của huấn giáo, dạy bất cứ lớp nào xứ đoàn cần, đảm nhận bất cứ vị trí nào trong xứ đoàn theo sự sắp xếp của cha xứ. Tinh thần này cũng mời gọi giáo lý viên không được tham quyền cố vị dù là chức vụ nhỏ và cũng không được từ chối nhiệm vụ nặng nề khi được Giáo hội giao phó. Tinh thần này được thể hiện qua việc chu toàn sứ mạng được giao phó bởi linh mục chánh xứ, bởi người đứng đầu huấn giáo của giáo xứ hoặc Ban điều hành giáo lý. Bên cạnh đó, họ cũng được mời gọi tham gia vào những hoạt động huấn giáo trong giáo hạt, giáo phận và hỗ trợ những nơi cần đến giáo lý viên trong các giáo điểm và vùng truyền giáo.

3.2. Giáo lý viên sẵn sàng phục vụ Giáo hội hoàn vũ

Giáo lý viên luôn là người tông đồ giáo dân tiên phong trong việc truyền giáo. Giáo lý viên được mời gọi “trở nên các linh hoạt viên cho giáo đoàn của họ và sẵn sàng, nếu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và các mục tử sai đi, rời khỏi quê hương mình để loan báo Tin Mừng, chuẩn bị dự tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và góp phần xây dựng các giáo đoàn mới” (GC 5).

Chiều kích truyền giáo trong linh đạo giáo lý viên nhắm đến các hoạt động của họ trong giáo hội địa phương, và xa hơn nữa là cho Giáo Hội hoàn vũ. Giáo lý viên còn được mời gọi tham gia vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội hoàn vũ, rời bỏ quê hương xứ sở để đi đến với những vùng truyền giáo xa xôi. Đó là sứ mạng vô cùng cao cả mà giáo lý viên cũng được vinh dự thông phần với Giáo Hội. Giáo lý viên được mời gọi loan báo Tin Mừng cho cả những người chưa là Kitô hữu đang sống trong giáo xứ, trong môi trường giáo lý viên đang làm việc.

Tôma Nguyễn Như Danh

DANH MỤC VIẾT TẮT

GCGuide for Catechists. 1993

GH: Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”. 1964

KTHGD: Tông huấn Kitô hữu giáo dân Christifideles Laici”.1988

MV: Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes”. 1965

THAM KHẢO

Congregation for Evangelization of Peoples, Guide for Catechists. Document of vocational, formative and promotional orientation of Catechists in the territories dependent on the Congregation for Evangelization of Peoples.1993. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

John Paul II, Post-synodal Apostolic Exhortation, Christifedeles Laici (30 December 1988). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

Vatican Council II, Pastoral Constitution the Church in the Modern World. Gaudium et Spes (7 December 1965). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây