TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tài liệu về Năm Thánh Thường Lệ 2025

Thứ ba - 05/11/2024 20:57 | Tác giả bài viết: BBT |   597
Tài liệu về Năm Thánh Thường Lệ 2025
Tài liệu về Năm Thánh Thường Lệ 2025
 
vn061124a
 

Spes non confundit

SẮC CHỈ CÔNG BỐ
NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ 2025


PHANXICÔ, GIÁM MỤC RÔMA,
TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ CHÚA

CẦU CHÚC TẤT CẢ NHỮNG AI ĐỌC THƯ NÀY,
TÂM HỒN SẼ ĐƯỢC TRÀN ĐẦY NIỀM HY VỌNG


1. Spes non confundit. “Đức trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5). Với dấu chỉ hy vọng, Tông đồ Phaolô đã khích lệ cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma. Đức trông cậy cũng là sứ điệp trọng tâm của Năm Thánh sắp tới mà theo truyền thống cổ xưa, Đức Giáo hoàng công bố 25 năm một lần. Tôi nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rôma để sống Năm Thánh, và nghĩ đến tất cả những ai dù không thể đến được Thành phố của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng cũng sẽ cử hành Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương của họ. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Hội Thánh có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người.

Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy. Chúng ta hãy để cho tâm tình của Thánh Phaolô gửi các tín hữu ở Rôma hướng dẫn chúng ta.

Một lời hy vọng

2. “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. […] Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,1-2.5). Ở đây, Thánh Phaolô gợi ra nhiều điều để suy gẫm. Chúng ta biết rằng Thư gửi tín hữu Rôma đánh dấu một chặng quyết định trong hoạt động truyền giáo của Thánh Phaolô. Cho đến lúc đó, ngài vẫn hoạt động ở phía đông Đế quốc Rôma, và nay Rôma đang chờ đợi ngài với tất cả những gì được bày tỏ ra trước con mắt của thế giới; đó là một thách đố lớn lao phải chấp nhận để rao giảng Tin Mừng, một thách đố không có rào cản hay giới hạn. Giáo đoàn Rôma không phải do Thánh Phaolô thành lập, nhưng ngài hết sức ước ao đến đó càng sớm càng tốt để mang đến cho mọi người Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, là lời loan báo niềm hy vọng sẽ hoàn thành lời hứa, sẽ dẫn đến vinh quang và không làm thất vọng vì có nền tảng là tình yêu.

3. Quả thế, niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá: “Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5,10). Và sự sống của Người được biểu lộ nơi đời sống đức tin của chúng ta, khởi đầu bằng Phép Rửa, tăng triển trong sự mở lòng trước ân sủng của Thiên Chúa, được sinh động bởi niềm hy vọng luôn được đổi mới và nên vững mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Giáo hội lữ hành để chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên các tín hữu: Ngài giữ cho ánh sáng ấy luôn cháy như một ngọn đuốc không bao giờ tắt để nâng đỡ và ban sinh lực cho chúng ta. Thật vậy, niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối cũng không làm thất vọng vì nó dựa trên niềm xác tín rằng không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? […] Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35.37-39). Đó là lý do tại sao niềm hy vọng này không nhượng bộ trước khó khăn: vì nó đặt nền tảng trên đức tin và được nuôi dưỡng bởi đức ái. Nó giúp ta tiến bước trong cuộc sống. Về chủ đề này, Thánh Augustinô đã viết: “Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba tâm tình này: tin, cậy [hy vọng], mến”.[1]

4. Thánh Phaolô rất thực tế. Ngài biết rằng cuộc sống có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, rằng tình yêu chịu thử thách khi khó khăn chồng chất và đau khổ dường như làm cho hy vọng tan biến. Dẫu vậy, ngài vẫn viết: “Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra hy vọng” (Rm 5,3-4). Đối với vị Tông đồ, gian nan và đau khổ là tình trạng thường hằng của những người rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh bị hiểu lầm và bách hại (x. 2 Cr 6,3-10). Trong những hoàn cảnh này, ta nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối. Ta khám phá được sức mạnh từ thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô đã nâng đỡ việc truyền giáo như thế nào. Điều này dẫn đến việc phát triển một nhân đức gắn liền với hy vọng: tính kiên nhẫn. Trong một thế giới lúc nào cũng hối hả, chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín.

Hơn nữa, trong thời đại internet, nơi không gian và thời gian bị cái “ở đây và lúc này” thống trị, kiên nhẫn chẳng có giá trị gì. Nếu chúng ta vẫn còn khả năng nhìn ngắm thiên nhiên với thái độ ngỡ ngàng thán phục, chúng ta có thể hiểu được kiên nhẫn có tính quyết định như thế nào. Chờ đợi mùa màng cùng với các hoa trái của nó biến đổi; quan sát cuộc sống của động vật và chu kỳ tăng trưởng của chúng; có cái nhìn đơn sơ của Thánh Phanxicô, như trong Bài ca tạo vật được sáng tác cách nay đúng 800 năm, ngài đã coi các thụ tạo như một đại gia đình và gọi mặt trời là “anh” và mặt trăng là “chị”.[2] Việc tái khám phá sự kiên nhẫn mang lại nhiều lợi ích cho chính mình và cho người khác. Thánh Phaolô thường vận dụng sự kiên nhẫn để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì và tin tưởng vào những gì Thiên Chúa đã hứa với chúng ta, nhưng trên hết thánh nhân làm chứng rằng Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta, chính Người là “nguồn kiên nhẫn và an ủi” (Rm 15,5). Sự kiên nhẫn, cũng là hoa trái của Thánh Thần, nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như một nhân đức và một lối sống. Vì thế, chúng ta hãy học cách thường xuyên xin ơn kiên nhẫn, vốn vừa là con đẻ của hy vọng lại vừa nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Một con đường hy vọng

5. Từ mối liên hệ giữa niềm hy vọng và sự kiên nhẫn, có thể thấy rõ rằng đời sống Kitô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như người bạn đồng hành không thể thay thế, cho ta thoáng thấy mục tiêu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Tôi thích nghĩ rằng việc công bố Năm Thánh đầu tiên năm 1300 đã khởi đi từ một con đường ân sủng do lòng đạo đức bình dân thúc đẩy. Thật vậy, chúng ta không thể quên những hình thức khác nhau qua đó ơn tha thứ đã được tuôn đổ dồi dào trên Dân Thiên Chúa thánh thiện và trung thành. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại “ơn tha thứ” lớn lao mà Thánh Celestinô V có ý ban cho những ai đến viếng Vương cung Thánh đường Thánh Maria Collemaggio ở L’Aquila, vào ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1294, sáu năm trước khi Đức Giáo hoàng Bonifaciô VIII thiết lập Năm Thánh. Vì thế Giáo hội đã có được cảm nghiệm về ân sủng của lòng thương xót trong Năm Thánh rồi. Và ngay cả trước đó nữa, vào năm 1216, Đức Giáo hoàng Hônôriô III đã chấp thuận lời thỉnh cầu của Thánh Phanxicô, xin cho những ai đến viếng Portiuncula vào hai ngày đầu tiên của tháng Tám được hưởng ân xá. Tương tự như vậy với cuộc hành hương đến Santiago de Compostela: vào năm 1122, Đức Giáo hoàng Calixtô II đã cho phép cử hành Năm Thánh tại thánh đường này mỗi khi lễ kính Thánh Tông đồ Giacôbê trùng với một Chúa nhật. Thật là tốt đẹp khi phương thức cử hành Năm Thánh “mở rộng” này vẫn tiếp tục, để sức mạnh ơn tha thứ của Thiên Chúa nâng đỡ và đồng hành trong cuộc hành hương của các cộng đoàn và các cá nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu. Năm tới, một lần nữa, những người hành hương của hy vọng sẽ không bỏ lỡ việc bước đi trên những con đường cổ xưa và hiện đại để sống kinh nghiệm Năm Thánh một cách mãnh liệt. Tại chính thành phố Rôma cũng sẽ có các tuyến đường đức tin, ngoài các tuyến đường truyền thống là các hầm mộ và bảy nhà thờ. Khi đi từ nước này sang nước khác như thể biên giới đã bị xóa nhòa, khi đi từ thành phố này sang thành phố khác để chiêm ngưỡng thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật, chúng ta có thể tận dụng những trải nghiệm và các nền văn hóa đa dạng để đón nhận cái đẹp. Cái đẹp ấy hòa quyện với lời cầu nguyện sẽ dẫn đến tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm. Các nhà thờ trong Năm Thánh, dọc theo các tuyến đường và ở kinh thành Rôma, sẽ là những ốc đảo thiêng liêng, tại đó chúng ta có thể canh tân đời sống đức tin và thỏa cơn khát nơi nguồn hy vọng, trước hết bằng cách đến với bí tích Hòa giải, là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực. Tại các Giáo hội địa phương, cần phải đặc biệt chú ý đến việc chuẩn bị cử hành bí tích Hoà giải của các linh mục và của các tín hữu cũng như việc lãnh nhận bí tích này dưới hình thức cá nhân.

Trong cuộc hành hương này, tôi muốn gửi lời mời đặc biệt đến các tín hữu của các Giáo hội Đông phương, đặc biệt đến những ai đã hiệp thông trọn vẹn với Đấng kế vị Thánh Phêrô. Họ là những người đã chịu quá nhiều đau khổ – thường đến nỗi phải chết – vì lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội; họ phải cảm nhận được sự đón tiếp cách đặc biệt tại Rôma này, vốn cũng là Mẹ của họ và là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm về sự hiện diện của họ. Giáo hội Công giáo, được phong phú nhờ các nền phụng vụ rất cổ xưa của họ, nhờ nền thần học và linh đạo của các Giáo phụ, các tu sĩ và các nhà thần học, muốn bày tỏ cách biểu trưng khi đón tiếp họ, cũng như các anh chị em Chính thống giáo, trong khi sống cuộc hành hương Via Crucis [đàng thánh giá] thường bị buộc phải rời bỏ quê hương, rời bỏ miền đất thánh của mình vì bị bạo lực và bất ổn săn đuổi, để đến những quốc gia an toàn hơn. Đối với họ, cảm nghiệm được một Giáo hội yêu thương, không bỏ rơi họ nhưng theo họ đến bất cứ nơi nào họ đến, làm cho dấu chỉ Năm Thánh càng trở nên mạnh mẽ hơn.

6. Năm Thánh 2025 tiếp nối những sự kiện ân sủng trước đó. Trong Năm Thánh thường lệ trước, chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ hai kể từ sau Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Thế rồi, vào ngày 13 tháng 3 năm 2015, tôi đã công bố Năm Thánh ngoại thường với mục đích biểu lộ và giúp mọi người gặp được “dung nhan lòng thương xót” của Thiên Chúa,[3] là lời loan báo trọng tâm của Tin Mừng cho mọi người ở mọi thời đại. Nay đã đến lúc công bố một Năm Thánh mới, để một lần nữa Cửa Thánh lại được rộng mở hầu mang lại cảm nghiệm sống động về tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu khơi dậy trong tâm hồn niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ nơi Chúa Kitô. Đồng thời, Năm Thánh này sẽ dẫn chúng ta hướng tới một lễ kỷ niệm nền tảng khác cho mọi Kitô hữu. Vào năm 2033, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm hai ngàn năm ơn cứu chuộc được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, chúng ta sắp bước vào một cuộc hành trình được ghi dấu bằng những sự kiện lớn, trong đó ân sủng của Thiên Chúa đi trước và đồng hành với những người nhiệt thành bước đi trong đức tin, hành động trong đức ái và kiên trì trong đức cậy (x. 1 Tx 1,3).

Dựa trên truyền thống lâu đời này và xác tín rằng Năm Thánh này sẽ là một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội, tôi quyết định khai mạc Năm Thánh thường lệ bằng việc mở Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 24 tháng 12 năm nay, 2024. Chúa nhật tiếp theo, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tôi sẽ mở Cửa Thánh Nhà thờ chính toà Gioan Latêranô của tôi; Nhà thờ này sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày 9 tháng 11 cùng năm. Sau đó, vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Cuối cùng, vào Chúa nhật 5 tháng 1, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Ba Cửa Thánh cuối cùng này sẽ được đóng lại muộn nhất là vào Chúa nhật 28 tháng 12 cùng năm.

Ngoài ra, tôi quyết định rằng vào Chúa nhật 29 tháng 12 năm 2024, tại tất cả các Nhà thờ chính tòa và Nhà thờ đồng chính toà, các giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Năm Thánh, theo Nghi thức sẽ được soạn riêng cho dịp này. Tại Nhà thờ đồng chính tòa, một vị đại diện được chỉ định đặc biệt có thể thay thế giám mục để cử hành thánh lễ này. Một cuộc hành hương, bắt đầu từ một nhà thờ được chọn để tập họp rồi đi tới Nhà thờ chính toà, sẽ là dấu chỉ của con đường hy vọng, được Lời Chúa soi sáng, hợp nhất các tín hữu. Trong khi đi hành hương, sẽ đọc các đoạn văn trong tài liệu này, và công bố Ân xá Năm Thánh, ân xá này có thể được lãnh nhận theo những quy định trong cùng Sách Nghi thức Cử hành Năm Thánh nói trên tại các Giáo hội địa phương. Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa nhật 28 tháng 12 năm 2025 tại các Giáo hội địa phương. Trong thời gian Năm Thánh, phải lo liệu sao cho Dân Chúa tham dự đầy đủ việc đón nhận lời loan báo niềm hy vọng về ân sủng của Thiên Chúa cũng như đón nhận những dấu chỉ chứng tỏ hiệu quả của ân sủng này.

Năm Thánh thường lệ sẽ kết thúc bằng việc đóng Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 6 tháng 1 năm 2026, Lễ Chúa Hiển Linh. Ước gì ánh sáng hy vọng Kitô giáo chiếu giãi toàn thể nhân loại như sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa gửi đến mọi người! Mong sao Giáo hội là chứng nhân trung thành cho lời loan báo này ở mọi nơi trên thế giới!

Những dấu chỉ của hy vọng

7. Ngoài việc kín múc niềm hy vọng nơi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi khám phá lại niềm hy vọng đó trong những dấu chỉ của thời đại mà Chúa ban cho chúng ta. Như Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Lúc nào Giáo hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy.”[4] Do đó, chúng ta phải lưu tâm đến tất cả những điều thiện hảo hiện diện trên thế giới, để không rơi vào cơn cám dỗ nghĩ rằng mình bị sự ác và bạo lực lấn át. Nhưng những dấu chỉ của thời đại, trong đó có nỗi khát vọng của tâm hồn con người, vốn cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, đòi phải được biến đổi thành những dấu chỉ của niềm hy vọng.

8. Dấu chỉ hy vọng đầu tiên phải thành hiện thực là hòa bình, vì thế giới một lần nữa lại chìm trong thảm kịch chiến tranh. Bởi vì nhân loại đã quên đi những bi kịch trong quá khứ, nên phải đối mặt với một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị bạo lực đàn áp dã man. Còn điều gì mà những dân tộc này đã không phải gánh chịu? Làm sao lời kêu cứu tuyệt vọng của họ lại không thúc đẩy các nhà lãnh đạo các quốc gia chấm dứt quá nhiều xung đột trong khu vực, khi thấy rằng những hậu quả có thể xảy ra ở cấp độ toàn cầu? Có quá đáng không khi ước mơ rằng vũ khí sẽ im tiếng và không còn đem lại chết chóc và hủy diệt? Năm Thánh phải nhắc nhở chúng ta rằng ai “xây dựng hòa bình” sẽ được “gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Nhu cầu hòa bình chất vấn mọi người và đòi hỏi phải theo đuổi những kế hoạch cụ thể. Với lòng can đảm và sáng tạo, giới ngoại giao phải tiếp tục cam kết tạo ra những không gian đàm phán nhằm đạt được hòa bình lâu dài.

9. Nhìn về tương lai với niềm hy vọng cũng đòi hỏi phải có lòng nhiệt thành với cuộc sống và sẵn sàng chia sẻ cuộc sống. Bất hạnh thay, chúng ta phải buồn bã nhìn nhận rằng, trong nhiều tình huống, chúng ta đã không có cái nhìn này. Hậu quả đầu tiên là không còn muốn truyền sinh. Tại nhiều quốc gia, chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm đáng lo ngại về tỷ lệ sinh, do nhịp sống điên cuồng và mối lo sợ về tương lai, do thiếu bảo đảm về nghề nghiệp và bảo vệ thích đáng về mặt xã hội, do những mô hình xã hội ở đó việc tìm kiếm lợi nhuận mới quyết định chương trình nghị sự chứ không phải sự quan tâm đến các mối tương quan. Trái lại, ở những nơi khác, việc “đổ lỗi cho sự gia tăng dân số chứ không phải chủ nghĩa tiêu thụ quá mức và có chọn lọc của một số người, là một cách để không phải đối mặt với các vấn đề”.[5]

Việc mở ra đón nhận sự sống với vai trò làm cha, làm mẹ có trách nhiệm là chương trình mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc trong trái tim và thân xác của người nam người nữ, là sứ mạng Chúa đã giao phó cho các đôi vợ chồng và tình yêu của họ. Điều cấp bách là, ngoài cam kết của các quốc gia về phương diện pháp lý, họ còn phải được sự trợ giúp đầy sức thuyết phục của mọi thành phần trong các cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân sự, bởi vì mong ước của người trẻ muốn sinh thêm con như dấu chỉ tình yêu phong phú của họ sẽ mang lại tương lai cho bất kỳ xã hội nào. Đây là vấn đề của niềm hy vọng vì nó được nảy sinh từ hy vọng và tạo ra hy vọng.

Cộng đồng Kitô giáo phải là những thành phần đầu tiên ủng hộ một liên minh xã hội vì niềm hy vọng, một liên minh mang tính đón nhận và phi ý thức hệ, hoạt động hướng tới một tương lai tràn ngập tiếng cười của nhiều trẻ em sẽ lấp đầy biết bao chiếc nôi trống rỗng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng trong thực tế, mỗi người cần tìm lại niềm vui sống bởi vì con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26), không thể bằng lòng với việc chỉ sống cho qua ngày, khi chấp nhận chỉ hài lòng với thực tại vật chất mà thôi. Những điều này giam hãm chúng ta vào chủ nghĩa cá nhân và làm xói mòn niềm hy vọng, gây nên nỗi buồn trong tâm hồn và khiến nó trở nên cay đắng và bất bao dung.

10. Trong Năm Thánh, chúng ta được mời gọi trở nên những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng. Tôi nghĩ đến những tù nhân bị tước đoạt tự do, hằng ngày, ngoài nỗi khắc nghiệt của việc bị cô lập và thiếu thốn tình cảm, còn bị áp đặt những hạn chế và nhiều khi không được tôn trọng. Trong Năm Thánh này, tôi đề nghị các chính phủ thực hiện những sáng kiến khôi phục niềm hy vọng; các hình thức ân xá hoặc giảm án nhằm giúp người thụ án lấy lại niềm tin vào bản thân và xã hội; lộ trình tái hòa nhập cộng đồng cùng với cam kết cụ thể về việc tôn trọng pháp luật.

Yêu cầu thực hiện những hành vi khoan dung và giải phóng cho phép người ta bắt đầu lại như vậy là một yêu cầu có từ xa xưa, xuất phát từ Lời Chúa và có giá trị khôn ngoan trường cửu: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó” (Lv 25,10). Luật Môsê được ngôn sứ Isaia nhắc lại: “Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, chữa lành những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-2). Đây là những lời mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình lúc khởi đầu sứ vụ khi tuyên bố rằng “năm hồng ân của Chúa” đã được thực hiện nơi chính Người (x. Lc 4,18-19).

Khắp nơi trên trái đất, các tín hữu, đặc biệt là các mục tử, phải là những người biểu đạt những yêu cầu này, cùng lên tiếng để can đảm đòi những điều kiện xứng đáng cho những người đang bị cầm tù, sự tôn trọng nhân quyền và trên hết là việc bãi bỏ án tử hình, một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo và triệt tiêu mọi hy vọng về tha thứ và đổi đời.[6] Để đem đến cho các tù nhân một dấu hiệu gần gũi cụ thể, tôi muốn chính mình mở một Cửa Thánh trong một nhà tù và đây sẽ là một biểu tượng mời gọi họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng và với quyết tâm đổi mới cuộc đời.
11. Cũng phải đem lại những dấu chỉ hy vọng cho các bệnh nhân, ở nhà hay ở bệnh viện. Phải xoa dịu những đau khổ của họ bằng cách thăm nom trong tình yêu thương và sự gần gũi. Những nghĩa cử của lòng thương xót cũng là những nghĩa cử của niềm hy vọng sẽ khơi lên tâm tình biết ơn trong lòng. Và cũng phải biết ơn tất cả những nhân viên y tế, trong những điều kiện thường là vất vả, họ vẫn quan tâm chăm sóc các bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương nhất.

Ước mong chúng ta quan tâm đầy đủ đến những người vì hoàn cảnh hết sức nhọc nhằn mà phải sống thấp kém, nhất là còn mắc phải các căn bệnh hoặc bị khuyết tật khiến cho việc tự chủ bản thân bị hạn chế rất nhiều. Việc chăm sóc họ là một bài ca tán dương phẩm giá con người, một bài ca hy vọng kêu gọi hành động hài hòa từ toàn thể xã hội.

12. Những người là hiện thân của niềm hy vọng cũng cần đến dấu chỉ hy vọng: đó là giới trẻ. Đáng buồn thay, họ thường thấy ước mơ của mình sụp đổ. Chúng ta không được làm họ thất vọng: tương lai được xây dựng trên nhiệt huyết của họ. Thật đẹp khi thấy họ tràn đầy năng lượng, chẳng hạn như khi họ xắn tay áo tự nguyện dấn thân vào những nơi đang chịu thảm họa và bất ổn xã hội. Nhưng thật đáng buồn khi thấy những người trẻ không có niềm hy vọng. Khi tương lai bấp bênh và ước mơ không thành, khi việc học không có lối ra, khi tình trạng thiếu việc làm hoặc thiếu việc làm ổn định khiến những mộng ước có nguy cơ tan vỡ, họ bắt buộc phải sống hiện tại trong u sầu và buồn chán. Ảo tưởng của ma túy, nguy cơ phạm pháp và việc tìm kiếm những gì chóng qua khiến người trẻ dễ nhầm lẫn hơn những người khác, và không thấy được vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống, từ đó họ trượt vào vực thẳm tăm tối và bị thôi thúc thực hiện những hành động hủy hoại bản thân. Vì thế Năm Thánh phải là một dịp để Giáo hội truyền cảm hứng cho họ. Với niềm say mê mới mẻ này, chúng ta hãy cùng chăm sóc các bạn trẻ, các sinh viên, các đôi bạn trẻ sắp kết hôn, các thế hệ trẻ! Chúng ta hãy gần gũi với người trẻ, là niềm vui và hy vọng của Giáo hội và thế giới!

13. Cũng phải có những dấu chỉ hy vọng cho những người di cư phải rời bỏ quê hương mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Mong sao những kỳ vọng của họ không sụp đổ bởi những thành kiến và sự khép kín; mong sao việc mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người vì phẩm giá của họ, cũng đi kèm với một cam kết rằng không ai bị tước đoạt quyền xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều người lưu vong, di tản tị nạn buộc phải chạy trốn do các sự kiện quốc tế gây tranh cãi nhằm tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt đối xử; họ phải được bảo đảm về an ninh cũng như được học hành và làm việc, là những yếu tố cần thiết để hội nhập vào bối cảnh xã hội mới.

Cộng đồng Kitô giáo phải luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế nhất. Mong sao cộng đồng mở rộng cửa quảng đại đón nhận họ để niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn không bao giờ làm ai phải thất vọng. Ước gì lời Chúa nói trong dụ ngôn về cuộc phán xét cuối cùng luôn vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Ta là khách lạ, các con đã tiếp đón Ta”, vì “điều các con đã làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,35.40).

14. Những người cao tuổi cũng xứng đáng được có những dấu chỉ hy vọng, những người này thường trải qua nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự có trách nhiệm trân trọng kho báu là chính người cao tuổi, trân trọng kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan và những đóng góp của họ. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự được kêu gọi cùng nhau cộng tác để xây dựng mối liên kết giữa các thế hệ.

Tôi đặc biệt nghĩ đến các bậc ông bà, là những người đầy đức tin và trải nghiệm sống để trao lại cho các thế hệ trẻ. Mong sao họ được nâng đỡ với lòng biết ơn của con cháu, những người tìm thấy nơi họ một chỗ dựa, sự cảm thông và khích lệ.

15. Tôi tha thiết cầu xin cho hàng tỷ người nghèo có được niềm hy vọng. Họ thường thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Trước những làn sóng bần cùng hóa mới ập đến, người ta có nguy cơ trở nên quen với cái nghèo và cam chịu. Nhưng chúng ta không thể làm ngơ trước những tình huống bi thảm mà chúng ta đang gặp ở khắp nơi, không chỉ ở một số khu vực trên thế giới. Hằng ngày chúng ta gặp những người nghèo hoặc cận nghèo mà đôi khi có thể là những người ngay cạnh chúng ta. Họ thường không có nhà ở hoặc không có đủ thức ăn hằng ngày. Họ phải chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ của nhiều người. Thật là tai tiếng khi thế giới có nguồn tài nguyên dồi dào và chủ yếu được dành cho vũ khí, thì “đại đa số lại là người nghèo […], hàng nghìn triệu người. Ngày nay, trong các cuộc tranh luận về chính trị và kinh tế quốc tế, người ta vẫn nói đến người nghèo, nhưng dường như các vấn đề của họ thường chỉ được nêu ra như một phần phụ, như một vấn đề được thêm vào gần như do bắt buộc phải thế hay theo kiểu chuyện bên lề, nếu không muốn nói là coi chúng như những thiệt hại phụ. Thực tế, khi nói đến hành động cụ thể, họ thường xuyên bị đẩy xuống vị trí cuối cùng”.[7] Chúng ta đừng quên: hầu như người nghèo luôn luôn là nạn nhân chứ không phải thủ phạm.

Lời kêu gọi hy vọng

16. Vọng lại lời các ngôn sứ xưa đã nói, Năm Thánh nhắc nhở chúng ta rằng của cải trên Trái đất không dành cho một số ít người có đặc quyền, mà cho tất cả mọi người. Những người có của phải quảng đại nhận ra khuôn mặt của anh em mình đang cần giúp đỡ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người thiếu nước và lương thực: nạn đói là một vết thương đáng hổ thẹn trong thân thể nhân loại chúng ta và là lời mời gọi mọi người hãy thức tỉnh lương tâm. Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi rằng “với nguồn tài chính đổ vào vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ toàn cầu để triệt để xóa bỏ nạn đói và giúp cho các nước nghèo nhất phát triển; có như thế, người dân ở đó mới không phải tìm đến các giải pháp bạo lực hoặc gian dối và cũng không cần phải rời bỏ đất nước mình đi tìm một cuộc sống xứng đáng hơn ở nơi khác.”[8]

Tôi muốn gửi một lời mời khẩn thiết khác nhân dịp Năm Thánh: lời này dành cho các quốc gia giàu có nhất để họ nhận thức tầm quan trọng của nhiều quyết định đã được đưa ra cùng với quyết định xoá nợ cho những quốc gia sẽ chẳng bao giờ có khả năng hoàn trả. Đây là vấn đề công lý hơn là vấn đề hào phóng, mà ngày nay càng trở nên trầm trọng hơn bởi một hình thức bất bình đẳng mới mà chúng ta đã nhận ra: “Quả thế, có một “món nợ môi sinh” thật sự, đặc biệt giữa Bắc phần với Nam phần của địa cầu, liên quan đến việc mất cân bằng thương mại với những hậu quả về sinh thái, cũng như việc một số quốc gia sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thời gian dài.[9] Như Thánh Kinh dạy, trái đất là của Thiên Chúa và tất cả chúng ta là những khách trọ và ngoại kiều (x. Lv 25,23). Nếu thực sự muốn dọn đường cho hòa bình thế giới, chúng ta hãy dấn thân giải quyết những nguyên nhân sâu xa của bất công, hãy xóa những khoản nợ bất công không thể trả nổi và hãy cho những người đói khát được no thoả.

17. Trong Năm Thánh sắp tới có một ngày kỷ niệm rất quan trọng đối với các Kitô hữu. Đó là kỷ niệm 1700 năm diễn ra Công đồng đại kết đầu tiên, Công đồng Nicêa. Cần nhớ rằng, từ thời các tông đồ, các mục tử đã nhiều lần nhóm họp hội nghị để bàn về các vấn đề giáo lý và kỷ luật. Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều công nghị được tiến hành cả ở phương Đông lẫn phương Tây, làm nổi bật tầm quan trọng của việc duy trì sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa và lòng trung thành với việc loan báo Tin Mừng. Năm Thánh có thể là một cơ hội quan trọng để cụ thể hóa hình thức hiệp hành này, vốn được cộng đồng Kitô hữu ngày nay coi là một biểu hiện ngày càng cần thiết để đáp ứng tốt hơn trước tính cấp bách của việc truyền giáo: tất cả những người đã được rửa tội, mỗi người với đặc sủng và nhiệm vụ của mình, đều có trách nhiệm trở nên những dấu chỉ hy vọng minh chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới.

Công đồng Nicêa, do Hoàng đế Constantinô triệu tập vào ngày 20 tháng 5 năm 325, với khoảng ba trăm giám mục có mặt, quy tụ trong cung điện hoàng gia, có sứ mệnh duy trì sự hiệp nhất đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu Kitô và bản tính đồng bản thể của Người với Chúa Cha. Nhờ ơn Thánh Thần, sau nhiều tranh luận, tất cả các vị đều đồng thuận về Kinh Tin kính mà ngày nay chúng ta vẫn tuyên xưng trong thánh lễ Chúa nhật. Các nghị phụ Công đồng đã muốn bắt đầu Kinh Tin kính này bằng cách lần đầu tiên sử dụng kiểu nói “Chúng tôi tin”,[10] để nói lên rằng trong danh xưng “Chúng tôi”, tất cả các Giáo hội đều hiệp thông với nhau và tất cả các Kitô hữu đều tuyên xưng cùng một đức tin.

Công đồng Nicêa là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Giáo hội. Kỷ niệm Công đồng là dịp mời gọi các Kitô hữu cùng nhau ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi và đặc biệt là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, “đồng bản thể với Chúa Cha”,[11] Đấng đã mạc khải mầu nhiệm tình yêu này cho chúng ta. Nhưng Công đồng Nicêa cũng đưa ra lời mời gọi tất cả các Giáo hội và các cộng đoàn Hội thánh tiếp tục con đường hướng tới sự hiệp nhất hữu hình, không mệt mỏi tìm kiếm những hình thức thích hợp để đáp lại trọn vẹn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Công đồng Nicêa cũng thảo luận về ngày lễ Phục sinh. Về vấn đề này, ngày nay vẫn còn những lập trường khác nhau ngăn cản việc cử hành biến cố khai sinh đức tin vào cùng một ngày. Do những hoàn cảnh được Chúa quan phòng, đây là điều sẽ diễn ra đúng vào năm 2025. Điều này phải là lời kêu gọi tất cả các Kitô hữu ở phương Đông và phương Tây hãy thực hiện một bước quyết định hướng tới sự hiệp nhất quanh một ngày lễ Phục sinh chung. Cũng nên nhắc lại rằng nhiều người không biết rằng trong quá khứ đã có những tranh cãi và họ không hiểu tại sao những chia rẽ về vấn đề này vẫn tồn tại.

Hy vọng vững vàng

18. Đức cậy cùng với đức tin và đức mến kết thành bộ ba “nhân đức đối thần”, diễn tả điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu (x. 1 Cr 13,13; 1 Tx 1,3). Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, hy vọng định hướng, chỉ ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Đúng vậy, chúng ta phải “tràn đầy niềm hy vọng” (x. Rm 15,13) để làm chứng một cách khả tín và hấp dẫn về đức tin và tình yêu trong lòng chúng ta; nhờ đó chúng ta vui tươi trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến; sao cho mỗi người có thể trao đi dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ thân tình, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành, một sự phục vụ vô vị lợi, vì biết rằng, trong Thần Khí của Chúa Giêsu, điều này có thể trở thành hạt giống trổ sinh hy vọng nơi những ai đón nhận. Nhưng nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta là gì? Để hiểu được điều này, cần suy tư về “những lý do khiến chúng ta hy vọng” (x. 1 Pr 3,15).

19. “Tôi tin sự sống đời đời”:[12] chúng ta tuyên xưng đức tin như thế. Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng nơi những lời này. Thật vậy, đó là “nhân đức đối thần mà qua đó chúng ta mong muốn đạt được hạnh phúc […] là sự sống vĩnh cửu”.[13] Công đồng Vatican II quả quyết: “Nếu thiếu nền tảng là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ sẽ không có lời giải đáp, như thế, con người sẽ thường rơi vào tuyệt vọng.”[14] Mặt khác, nhờ niềm hy vọng được cứu độ, khi nhìn thời gian trôi qua, chúng ta tin chắc rằng lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi người không đi vào ngõ cụt hoặc vực thẳm tăm tối, nhưng hướng tới cuộc gặp gỡ với Đức Chúa hiển vinh. Vì vậy, chúng ta hãy sống trong niềm mong đợi Người trở lại và hy vọng được sống mãi mãi trong Người. Chính trong tinh thần này mà lời khẩn cầu cảm động của các Kitô hữu đầu tiên, cũng là lời kết thúc Kinh Thánh, trở thành lời cầu của chính chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20).

20. Chúa Giêsu đã chết và sống lại là trung tâm đức tin của chúng ta. Chỉ với bốn động từ, Thánh Phaolô đã phát biểu ngắn gọn để truyền đạt lại nội dung “cốt lõi” về niềm hy vọng của chúng ta như sau: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Phêrô, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,3-5). Đức Kitô đã chết, đã được mai táng, đã trỗi dậy, đã hiện ra. Người đã vượt qua bi kịch cái chết vì chúng ta. Tình yêu của Chúa Cha đã phục sinh Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, biến nhân tính của Người thành hoa quả đầu mùa vĩnh cửu cho phần rỗi của chúng ta. Niềm hy vọng Kitô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Kitô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi”,[15] mãi mãi. Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Kitô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh.

Và nếu trước cái chết, một sự chia ly đau đớn buộc chúng ta phải xa lìa những người thân yêu nhất, mà chằng có lời nào an ủi được, thì Năm Thánh sẽ mang lại cho chúng ta cơ hội tái khám phá, với lòng biết ơn sâu sắc, món quà sự sống mới đã nhận được nơi bí tích Rửa tội, có khả năng biến đổi bi kịch này. Điều quan trọng là phải ngẫm lại xem, trong bối cảnh Năm Thánh, mầu nhiệm này đã được hiểu như thế nào từ thời kỳ đầu của Giáo hội. Chẳng hạn, trong một thời gian dài, các Kitô hữu đã xây dựng các giếng rửa tội theo hình bát giác, và cả đến ngày nay, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nhiều giếng rửa tội cổ xưa vẫn giữ hình dạng này, như tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô ở Rôma. Điều này cho thấy rằng, tại các giếng rửa tội, ngày thứ tám đã được khơi mào, ngày của sự phục sinh, ngày vượt ra khỏi nhịp điệu thông thường hằng tuần để mở ra chu kỳ thời gian cho chiều kích vĩnh cửu, cho sự sống tồn tại mãi mãi. Đó là mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong cuộc hành hương trần thế của mình (x. Rm 6,22).

Các vị tử đạo cho chúng ta chứng từ thuyết phục nhất về niềm hy vọng này. Nhờ lòng tin kiên vững vào Chúa Kitô phục sinh, các ngài sẵn sàng từ bỏ cuộc sống trần thế chứ không phản bội Chúa của mình. Thời nào cũng có các vị tuyên xưng rằng sự sống không hề chấm dứt, và có nhiều vị sống trong thời đại chúng ta, có lẽ còn nhiều hơn bao giờ hết. Chúng ta cần lưu giữ chứng tá của các ngài để làm cho niềm hy vọng của chúng ta sinh hoa kết quả.

Những vị tử đạo thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau này cũng là những hạt giống hiệp nhất vì họ diễn tả tinh thần đại kết bằng máu. Đó là lý do tại sao tôi tha thiết mong ước sẽ có một cuộc cử hành đại kết trong Năm Thánh, để làm nổi bật chứng tá phong phú của các vị tử đạo này.

21. Vậy điều gì sẽ xảy ra với chúng ta sau khi chết? Với Chúa Giêsu, bên kia ngưỡng cửa sự chết, có sự sống vĩnh cửu, đó là hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, chiêm ngưỡng và tham dự vào tình yêu vô biên của Người. Những gì ngày nay chúng ta hy vọng, ngày đó chúng ta sẽ thấy trong thực tại. Thánh Augustinô đã viết về chủ đề này như sau: “Khi con hoàn toàn nên một với Chúa, thì chẳng còn đau đớn nữa, chẳng còn vất vả nữa; đời con sẽ hoàn toàn sống động, hoàn toàn tràn ngập Chúa”.[16] Vậy đặc điểm của sự hiệp thông trọn vẹn này là gì? Là được hạnh phúc. Hạnh phúc là ơn gọi của con người, là mục tiêu thiết thân với mỗi người.

Nhưng thế nào là hạnh phúc? Chúng ta chờ đợi và mong muốn hạnh phúc nào? Không phải là niềm vui mau qua, là sự thỏa mãn nhất thời mà một khi đã đạt được thì lại luôn đòi hỏi nhiều hơn nữa trong vòng xoáy dục vọng; nơi đó tâm hồn con người chẳng bao giờ được thỏa mãn mà ngày càng thêm trống rỗng. Chúng ta cần một thứ hạnh phúc đạt được một lần và mãi mãi trong điều làm chúng ta tăng triển, nghĩa là trong tình yêu, để từ nay trở đi chúng ta có thể nói: Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu; và tôi sẽ luôn hiện hữu trong Tình yêu không làm tôi thất vọng. Không có gì và cũng chẳng có ai có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu ấy. Một lần nữa chúng ta hãy nhắc lại lời của thánh Tông đồ: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

22. Một thực tại khác liên quan đến sự sống đời đời là việc Thiên Chúa phán xét, khi chúng ta qua đời cũng như lúc thời gian kết thúc. Nghệ thuật thường cố gắng diễn tả sự kiện ấy – theo quan niệm thần học của thời đại và đem đến cho người xem một cảm giác sợ hãi – chẳng hạn như kiệt tác của Michelangelo ở Nhà nguyện Sistine. Nếu việc dọn mình cho thời điểm tổng kết cuộc đời một cách ý thức và nghiêm túc là đúng đắn, thì đồng thời cũng phải luôn làm như vậy với đức cậy, một nhân đức đối thần nâng đỡ đời sống và không để chúng ta phải lo sợ. Sự phán xét của Thiên Chúa tình yêu (x. 1 Ga 4,8.16), chỉ có thể dựa trên tình yêu, đặc biệt dựa trên cách chúng ta đã hoặc không thực thi tình yêu đối với những người khốn khó nhất mà Chúa Kitô, chính là Đấng Thẩm phán, đang hiện diện nơi họ (x. Mt 25,31-46). Vì thế, đây là một sự phán xét khác với phán xét của con người và của các tòa án trần thế. Nó phải được hiểu như một mối tương quan giữa chân lý với Thiên Chúa-tình yêu và với chính mình trong mầu nhiệm khôn dò của lòng Chúa thương xót. Về vấn đề này Kinh Thánh khẳng định: “Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối. […] và chúng con phải trông cậy vào lòng thương xót của Ngài khi bị Ngài xét xử” (Kn 12,19.22). Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Vào lúc chung thẩm chúng ta cảm nghiệm và đón nhận sự thống trị này của tình yêu Chúa trên tất cả sự dữ trong thế giới và trong chúng ta. Đau khổ của tình yêu trở nên ơn cứu rỗi và niềm vui của chúng ta.”[17]

Vì thế, sự phán xét liên quan đến ơn cứu độ mà chúng ta mong đợi và Chúa Giêsu đã giành được cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Người. Và nó sẽ mở ra cho chúng ta cơ hội gặp gỡ cuối cùng với Người. Và vì, trong bối cảnh này, chúng ta không được nghĩ rằng điều xấu đã phạm vẫn còn giấu kín, nên nó cần phải được thanh tẩy để giúp chúng ta dứt khoát đi vào tình yêu của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta hiểu rằng cần phải cầu nguyện cho những người đã hoàn tất cuộc hành trình trần thế, hiểu rằng lời chuyển cầu có tính liên đới, hữu hiệu nhờ sự hiệp thông của các thánh và mối liên kết chung nối kết chúng ta trong Chúa Kitô, Trưởng tử mọi tạo vật. Như vậy, nhờ lời cầu nguyện, ân xá Năm Thánh đặc biệt dành cho những người đi trước chúng ta để họ được hưởng lòng thương xót trọn vẹn.

23. Thật vậy, ân xá giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn đến mức nào. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời xưa, thuật ngữ “lòng thương xót” và thuật ngữ “ân xá” có thể dùng thay thế cho nhau, chính xác bởi vì thuật ngữ này có ý diễn tả sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, một sự tha thứ không giới hạn.

Bí tích Hòa giải bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta. Những lời Thánh vịnh đầy sức mạnh an ủi: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà […] Chúa là Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương […] Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103,3-4.8.10-12). Bí tích Hòa giải không chỉ là một ân huệ thiêng liêng tuyệt diệu mà còn là một bước quyết định, thiết yếu và không thể thiếu trên hành trình đức tin của mỗi người. Chính ở đó chúng ta để cho Chúa tẩy xóa tội lỗi của chúng ta, chữa lành tâm hồn chúng ta, nâng chúng ta lên và ôm lấy chúng ta, cho chúng ta biết được khuôn mặt dịu dàng và nhân ái của Người. Thật vậy, không có cách nào tốt hơn để biết Thiên Chúa hơn là để cho mình được Người hòa giải (x. 2 Cr 5,20), hưởng ơn Người tha thứ. Do đó, chúng ta đừng từ khước đi xưng tội, nhưng hãy tái khám phá vẻ đẹp của bí tích chữa lành và niềm vui, vẻ đẹp của ơn tha thứ tội lỗi!

Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân cho chúng ta biết, tội “để lại dấu vết”, tội gây ra những hậu quả: không chỉ là những hậu quả bên ngoài theo nghĩa là hậu quả của sự ác đã phạm, mà còn cả hậu quả bên trong, theo nghĩa là “mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ, đều kéo theo nó một sự quyến luyến lệch lạc với các thụ tạo, nên cần được thanh tẩy, hoặc ngay ở đời này, hoặc sau khi chết, trong tình trạng được gọi là luyện ngục.”[18] Vì thế, trong nhân tính yếu đuối của chúng ta vốn bị điều xấu lôi kéo, “những hậu quả còn sót lại của tội lỗi” vẫn còn đó. Những điều này được loại bỏ nhờ ân xá, luôn bắt nguồn từ ơn của Chúa Kitô, Đấng là “sự ân xá của chúng ta”, như Thánh Phaolô VI đã viết.[19] Tòa Ân giải Tối cao sẽ ban hành những quy định cho phép lãnh nhận ân xá Năm Thánh và làm cho việc thực hành này mang lại hiệu quả.

Kinh nghiệm được tha thứ như vậy nhất thiết sẽ mở rộng tâm trí để sẵn sàng tha thứ. Tha thứ không thay đổi quá khứ, không sửa chữa được những gì đã xảy ra. Nhưng tha thứ cho phép chúng ta thay đổi tương lai và sống khác đi, không oán hận, không căm phẫn và không báo thù. Tương lai được tha thứ soi sáng sẽ cho phép chúng ta đọc quá khứ bằng đôi mắt khác, an nhiên hơn, ngay cả khi mắt vẫn còn đẫm lệ.

Trong Năm Thánh ngoại thường vừa qua, tôi đã đặt các vị Thừa sai Lòng Thương Xót để tiếp tục hoàn thành một sứ vụ quan trọng. Mong rằng họ cũng thi hành thừa tác vụ của mình trong Năm Thánh sắp tới, khôi phục niềm hy vọng và ban ơn tha thứ mỗi khi có tội nhân mở rộng cõi lòng và ăn năn sám hối đến gặp họ. Mong sao họ tiếp tục là công cụ hòa giải và giúp chúng ta nhìn về tương lai với niềm hy vọng tha thiết phát xuất từ lòng thương xót của Chúa Cha. Tôi mong rằng các giám mục sẽ tận dụng được sự phục vụ quý báu của họ, đặc biệt bằng cách gửi họ đến những nơi mà niềm hy vọng bị thử thách nghiêm trọng, chẳng hạn như nhà tù, bệnh viện và những nơi mà phẩm giá con người bị xâm phạm, trong các hoàn cảnh thiếu thốn và tuyệt vọng nhất, để ai cũng có cơ hội đón nhận ơn tha thứ và an ủi của Thiên Chúa.

24. Chứng tá hùng hồn nhất của đức cậy ở nơi Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng đức cậy không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống. Cũng như bất kỳ người mẹ nào, mỗi khi nhìn Con, Mẹ nghĩ đến tương lai của Con, và chắc chắn trong lòng Mẹ vẫn khắc ghi những lời ông Simêon đã nói với Mẹ ở Đền thờ: “Này đây, Hài nhi này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35). Và dưới chân thập giá, khi nhìn Chúa Giêsu vô tội phải đau đớn và phải chết, mặc dù đang khổ đau tột cùng, Mẹ vẫn lặp lại tiếng “xin vâng” mà không đánh mất niềm trông cậy cũng như niềm tin tưởng vào Chúa. Khi làm như thế, Mẹ đã vì chúng ta mà cộng tác nhằm thực hiện những gì Con của Mẹ đã nói khi loan báo rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết, và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Và trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của đức cậy. Không phải ngẫu nhiên mà lòng đạo đức bình dân vẫn cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris, một tước hiệu diễn tả niềm hy vọng chắc chắn rằng, trong những thăng trầm giông bão của cuộc đời, Mẹ Thiên Chúa đến trợ giúp chúng ta, nâng đỡ chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng và tiếp tục cậy trông.

Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico đang chuẩn bị để năm 2031 sẽ mừng kỷ niệm 500 năm ngày Đức Trinh Nữ hiện ra lần đầu tiên. Qua Juan Diego, Mẹ Thiên Chúa đã trao một sứ điệp hy vọng mang tính cách mạng mà ngày nay Mẹ vẫn lặp lại với tất cả những người hành hương và các tín hữu: “Không phải có Ta là Mẹ của con đang ở đây hay sao?”[20] Sứ điệp ấy cũng được khắc ghi nơi các tâm hồn tại nhiều Đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới, nơi biết bao khách hành hương đến phó thác cho Mẹ Thiên Chúa những lo lắng, u sầu và hy vọng của họ. Trong Năm Thánh này, các Đền thánh phải là nơi thánh để tiếp đón và là nơi dành riêng để khơi dậy niềm hy vọng. Tôi mời gọi những người hành hương Rôma hãy đến cầu nguyện tại các Đền thánh Đức Mẹ trong thành phố, để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ che chở. Tôi chắc chắn rằng tất cả mọi người, nhất là những người đau khổ và phiền muộn, sẽ cảm nghiệm được sự gần gũi của Mẹ Maria, người mẹ trìu mến nhất trong các người mẹ. Mẹ không bao giờ bỏ rơi con cái mình, Mẹ là “dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi” cho Dân Thánh của Thiên Chúa.[21]

25. Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,18-20). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta, và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa.

Hình ảnh chiếc mỏ neo gợi lên sự ổn định và an toàn mà chúng ta có được giữa dòng nước xao động của cuộc đời nếu chúng ta nương tựa vào Chúa Giêsu. Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời.

Vì thế, Năm Thánh sắp tới sẽ là một Năm Thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Ước mong Năm Thánh này cũng giúp chúng ta lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo hội và vào xã hội, vào các mối tương quan liên vị, vào các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng thiên nhiên. Ước gì chứng tá đức tin của chúng ta trở thành men hy vọng đích thực cho thế giới, trở thành lời loan báo trời mới đất mới (x. 2 Pr 3,13), nơi chúng ta sẽ sống trong công lý và hòa hợp giữa các dân tộc, chờ ngày lời Chúa hứa nên thành tựu.

Từ hôm nay chúng ta hãy để cho niềm hy vọng này thu hút chúng ta, và qua chúng ta lan toả đến những ai khao khát niềm hy vọng ấy. Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy nơi Chúa” (Tv 27,14). Ước gì sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi.

Ban hành tại Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 9 tháng 5, Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Lên Trời, năm 2024, năm thứ mười hai trong triều Giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ


 [1] Bài giảng 198 augm, 2.
[2] X. Fonti Francescane, 263, 6.10.
[3] Misericordiae Vultus, Sắc lệnh Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót, 1-3.
[4] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 4.
[5] Thông điệp Laudato si’, 50.
[6] X. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2267.
[7] Thông điệp Laudato si’, 49.
[8] Thông điệp Fratelli tutti, 262.
[9] Thông điệp Laudato si’, 51.
[10] Kinh Tin kính Nicêa: H. Denzinger – A. Schönmetzer, Enchiridion Symbolorum definitionum et declarationum de rebus fidei et morum, 125.
[11] Ibid.
[12] Kinh Tin kính Nicêa: H. Denzinger – A. Schönmetzer, Enchiridion Symbolorum definitionum et declarationum de rebus fidei et morum, 30.
[13] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáoo, 1817.
[14] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 21.
[15] Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền tụng I Thánh lễ cầu cho tín hữu qua đời.
[16] Tự thuật, X, 28.
[17] Thông điệp Spe salvi, 47.
[18] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1472.
[19] Tông thư Apostolorum limina, 23/5/1974, II.
[20] Nican Mopohua, 119.
[21] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, 68.


 

Bản dịch Việt ngữ của Vatican News tiếng Việt.
Hiệu đính một phần của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.




TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO
_____________


SẮC LỆNH VỀ BAN ÂN XÁ
TRONG NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ 2025
ĐƯỢC CÔNG BỐ BỞI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 
“Giờ đã đến lúc cho một Năm Thánh mới, trong đó việc mở Cửa Thánh một lần nữa mang lại kinh nghiệm sống động về tình yêu của Thiên Chúa” (Spes non confundit, 6). Trong sắc chỉ công bố Năm Thánh thường lệ năm 2025, vào thời điểm lịch sử hiện tại, trong đó “quên đi những bi kịch trong quá khứ, nhân loại phải chịu một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực” (Spes non confundit, 8), Đức Thánh Cha mời gọi mọi Kitô hữu trở thành những người hành hương của niềm hy vọng. Đây là một nhân đức cần được tái khám phá trong các dấu chỉ của thời đại, bao hàm “sự khao khát của tâm hồn con người, cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Những dấu chỉ ấy xin được biến đổi thành dấu chỉ của niềm hy vọng” (Spes non confundit, 7), vốn trước hết phải được rút ra từ ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót trọn vẹn của Người.
           
Ngay trong sắc chỉ công bố Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng Ân xá có “một tầm quan trọng đặc biệt” trong bối cảnh đó (Misericordiae vultus, 22), vì lòng thương xót của Thiên Chúa “trở thành ân xá của Chúa Cha, Đấng, qua Hiền Thê của Chúa Kitô, đến với tội nhân được tha thứ và giải thoát họ khỏi mọi tàn dư của hậu quả tội lỗi” (ibid.). Tương tự như vậy, ngày nay Đức Thánh Cha tuyên bố rằng hồng ân của Ân xá “giúp chúng ta khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời cổ đại, thuật ngữ “lòng thương xót” có thể thay thế bằng thuật ngữ “ân xá”, chính bởi vì nó có nghĩa là bày tỏ sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, vốn là điều không có ranh giới” (Spes non confundit, 23). Vì thế, Ân xá là một ân sủng Năm Thánh.
           
Do đó, cũng nhân dịp Năm Thánh thường lệ năm 2025, theo ý muốn của Đức Thánh Cha, “Tòa án Lòng thương xót” này, nơi chịu trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc ban và sử dụng Ân xá, có ý khuyến khích các linh hồn của các tín hữu mong muốn và nuôi dưỡng lòng đạo đức mong muốn nhận Ân xá như một ơn sủng, cụ thể và đặc thù của mỗi Năm Thánh và thiết lập các quy định sau đây, giúp các tín hữu có thể theo “các quy định để có thể nhận được và thực hiện hiệu quả việc thực hành Ân xá Năm Thánh” (Spes non confundit, 23).

           
Trong Năm Thánh thường lệ năm 2025, mọi Ân xá khác được ban vẫn có hiệu lực. Tất cả các tín hữu thực sự sám hối, loại trừ mọi ham muốn tội lỗi (xem Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 20, § 1) và được thúc đẩy bởi tinh thần bác ái và, trong Năm Thánh, đã được thanh tẩy nhờ bí tích Sám hối và được Rước lễ, cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha, từ kho tàng của Giáo hội, họ sẽ có thể nhận được ơn Toàn xá, sự giải thoát và tha thứ tội lỗi của mình; những điều này có thể được áp dụng cho các linh hồn trong Luyện ngục dưới hình thức cầu bầu:


I.- Trong các cuộc hành hương
           
Các tín hữu, những người hành hương của niềm hy vọng, sẽ có thể nhận được Ân xá Năm Thánh do Đức Thánh Cha ban nếu họ thực hiện một cuộc hành hương đạo đức:

           
- đến bất kỳ địa điểm thánh nào của Năm Thánh: ở đó bằng cách sốt sắng tham dự Thánh lễ (bất cứ khi nào các quy tắc phụng vụ cho phép, trên hết là Thánh lễ dành riêng cho Năm Thánh hoặc Thánh lễ ngoại lịch: cho sự hòa giải, cho sự tha tội, cho việc cầu xin nhân đức bác ái và sự hòa hợp giữa các dân tộc); trong một Thánh lễ nghi thức để ban các bí tích khai tâm Kitô giáo hoặc Xức dầu bệnh nhân; trong việc cử hành Lời Chúa; trong Giờ Kinh Phụng vụ (kinh sách, kinh sáng, kinh chiều); trong buổi ngắm Đàng Thánh Giá; trong Kinh Mân Côi; trong buổi thánh ca Akathistos; trong việc cử hành sám hối, kết thúc bằng việc xưng tội cá nhân của hối nhân, như được thiết lập trong nghi thức Sám hối (mẫu II);

           
- tại Rôma: đến ít nhất một trong bốn Vương cung Thánh đường lớn của Giáo hoàng: Thánh Phêrô ở Vatican, Đấng Cứu Thế Cực Thánh ở Laterano, Đức Bà Cả, Thánh Phaolô Ngoại Thành;

           
- tại Thánh Địa: ít nhất một trong ba vương cung thánh đường: Mộ Thánh ở Giêrusalem, Giáng Sinh ở Bêlem, Truyền Tin ở Nazareth;

           
- tại các địa điểm khác của giáo hội: đến nhà thờ chính tòa hoặc các nhà thờ khác và những nơi linh thánh do Bản quyền địa phương chỉ định. Các Giám mục sẽ tính đến nhu cầu của các tín hữu cũng như cơ hội để giữ nguyên vẹn ý nghĩa của cuộc hành hương với tất cả sức mạnh biểu tượng của nó, có khả năng bày tỏ nhu cầu tha thiết của việc hoán cải và hòa giải;


II.- Trong các cuộc viếng các địa điểm Năm Thánh
           
Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân xá nếu, cá nhân hoặc theo nhóm, sốt sắng đến viếng bất kỳ địa điểm Năm Thánh nào và ở đó, trong một khoảng thời gian thích hợp, thực hành việc tôn thờ và suy niệm Thánh Thể, kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin dưới bất kỳ hình thức hợp pháp nào và những lời cầu khẩn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để trong Năm Thánh này mọi người “sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi trìu mến nhất của những người mẹ, những người không bao giờ bỏ rơi con cái của mình” (Spes non confundit, 24).

           
Vào dịp đặc biệt của Năm Thánh, ngoài những địa điểm hành hương nổi bật nói trên, những nơi thánh khác cũng sẽ có thể được viếng thăm với những điều kiện tương tự:

           
- tại Rôma: Vương cung Thánh đường Santa Croce ở Gerusalemme, Vương cung Thánh đường San Lorenzo al Verano, Vương cung Thánh đường San Sebastiano (được gọi là viếng thăm đạo đức “đến bảy nhà thờ”, rất được Thánh Filippo Neri yêu quý), Đền Thánh Divino Amore, Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia, Nhà thờ San Paolo alle Tre Fontane, nơi Thánh Tông đồ Tử đạo, Các hang toại đạo Kitô giáo; các nhà thờ trên các con đường Năm Thánh dành riêng cho Iter Europaeum và các nhà thờ kính các Nữ Bổn mạng của Châu Âu và các Tiến sĩ của Giáo hội (Nhà thờ Santa Maria sopra Minerva, Santa Brigida ở Campo de’ Fiori, Nhà thờ Santa Maria della Vittoria, Nhà thờ Trinità dei Monti, Vương cung Thánh đường Santa Cecilia ở Trastevere, Vương cung Thánh đường Sant’Agostino ở Campo Marzio);

           
- tại những nơi khác trên thế giới:
hai tiểu Vương cung Thánh đường của Giáo hoàng ở Assisi, San Francesco và Santa Maria degli Angeli; các Vương cung Thánh đường Giáo hoàng Madonna di Loreto, Madonna di Pompeii, Sant’Antonio di Padova; bất kỳ tiểu vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa, nhà thờ đồng chính tòa, đền thánh Đức Mẹ cũng như, vì lợi ích của các tín hữu, bất kỳ đền thánh hoặc nhà thờ kinh sĩ nổi bật nào được chỉ định bởi mỗi giám mục giáo phận hoặc giáo phận đông phương, cũng như các đền thánh quốc gia hoặc quốc tế, “các nơi thánh chào đón và những không gian đặc hữu để tạo nên hy vọng” (Spes non confundit, 24), được các Hội đồng Giám mục chỉ định.

           
Những tín hữu thực sự sám hối, nhưng không thể tham gia vào các buổi cử hành long trọng, các cuộc hành hương và các cuộc viếng thăm đạo đức vì những lý do nghiêm trọng (như trước hết là các đan sĩ ẩn tu, người bệnh, người bị giam giữ, cũng như những người phục vụ liên tục cho người bệnh trong các bệnh viện hoặc những nơi chăm sóc khác), sẽ nhận được Ân xá Năm Thánh, với cùng những điều kiện nếu, hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những thời điểm những lời của Đức Giáo hoàng hoặc các Giám mục giáo phận được truyền tải qua các phương tiện truyền thông; tại nhà của họ hoặc ở bất cứ nơi nào mà họ buộc phải hiện diện (ví dụ: trong nhà nguyện của đan viện, bệnh viện, viện dưỡng lão, nhà tù…), họ sẽ đọc Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin dưới bất kỳ công thức hợp pháp nào và những lời cầu nguyện khác phù hợp với mục đích của Năm Thánh, dâng lên những đau khổ hoặc khó khăn trong cuộc sống của họ;


III.-Trong cử hành lòng thương xót và sám hối
           
Hơn nữa, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân xá Năm Thánh nếu, với tâm hồn đạo đức, họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo bình dân, linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ huấn luyện về các tài liệu của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, được tổ chức tại một nhà thờ hoặc một nơi nào khác thích hợp, theo ý của Đức Thánh Cha.

           
Bất chấp quy định về việc chỉ được lãnh một ơn toàn xá mỗi ngày (xem Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 18, § 1), các tín hữu thực thi hành động bác ái vì lợi ích các linh hồn trong Luyện ngục, nếu lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần thứ hai trong cùng một ngày một cách hợp pháp, thì họ sẽ có thể lãnh ơn Toàn xá hai lần trong cùng một ngày, chỉ dành cho những người đã qua đời (điều này được hiểu là trong bối cảnh cử hành Thánh Thể; xem điều 917 và Ủy ban Giáo hoàng giải thích có thẩm quyền về Giáo luật, Trả lời cho sự nghi ngờ, 1, 11 tháng 7 năm 1984). Qua việc trao hiến kép này, tín hữu thực hiện một hành động đức ái siêu nhiên đáng ca ngợi, vì mối liên kết qua đó các tín hữu còn lữ hành trên trần thế được kết hợp với Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô, cùng với những người đã hoàn tất cuộc hành trình của mình, nhờ thực tế là “ân xá Năm Thánh, bởi sức mạnh của lời cầu nguyện, được dành một cách đặc biệt cho những người đi trước chúng ta, để họ có thể nhận được lòng thương xót trọn vẹn” (Spes non confundit, 22).

           
Nhưng, một cách đặc biệt hơn, chính “trong Năm Thánh, chúng ta sẽ được mời gọi trở thành những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn” (Spes non confundit, 10): Do đó, Ân xá cũng được đi kèm với các công việc của lòng thương xót và sám hối, qua đó thực hiện việc hoán cải. Các tín hữu, theo gương và mệnh lệnh của Chúa Kitô, được khuyến khích thực hiện các công việc bác ái hoặc lòng thương xót thường xuyên hơn, chính yếu là để phục vụ những anh chị em đang bị đè nặng bởi nhiều nhu cầu khác nhau. Một cách cụ thể hơn, họ tái khám phá “các việc của lòng thương xót thể xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, tiếp đón người lạ, giúp đỡ người bệnh, thăm tù nhân, chôn cất kẻ chết” (Misericordiae vultus, 15) và cũng tái khám phá “các việc của lòng thương xót thiêng liêng: khuyên nhủ kẻ ngờ vực, dạy dỗ kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, tha thứ kẻ xúc phạm, chịu đựng kẻ làm phiền, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết” (ibid.).

           
Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân xá nếu họ đến thăm vào một khoảng thời gian thích hợp những anh chị em đang gặp khó khăn hoặc túng thiếu (người bệnh, tù nhân, người già cô đơn, người khuyết tật...), như thể thực hiện một cuộc hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ (xem Mt 25,34-36) và tuân theo các điều kiện thiêng liêng, bí tích và cầu nguyện thông thường. Chắc chắn, các tín hữu sẽ có thể lặp lại những chuyến viếng thăm này trong Năm Thánh, nhận được ơn toàn xá cho mỗi cuộc viếng thăm, thậm chí hàng ngày.

           
Ơn Toàn xá Năm Thánh cũng có thể nhận được thông qua các sáng kiến thực hiện một cách cụ thể và quảng đại tinh thần sám hối như tinh thần của Năm Thánh, đặc biệt là tái khám phá giá trị sám hối của ngày Thứ Sáu: tiết độ, trong tinh thần sám hối, ít nhất là trong suốt một ngày, khỏi những phân tâm vô ích (thực cũng như ảo, chẳng hạn do phương tiện truyền thông và mạng xã hội gây ra) và khỏi sự tiêu dùng dư thừa (ví dụ bằng cách ăn chay hoặc kiêng thịt theo các quy tắc chung của Giáo hội và các quy định của các Giám mục), cũng như bằng cách quyên góp một khoản tiền tương ứng cho người nghèo; hỗ trợ các công việc có tính chất tôn giáo hoặc xã hội, đặc biệt là ủng hộ việc bào chữa và bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn và chất lượng cuộc sống, của trẻ em bị bỏ rơi, thanh thiếu niên gặp khó khăn, người già neo đơn hoặc túng thiếu, người di cư từ nhiều quốc gia khác nhau “những người rời bỏ vùng đất của mình để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình của họ” (Spes non confundit, 13); dành một phần hợp lý thời gian rảnh của mình cho các hoạt động tình nguyện được cộng đồng quan tâm hoặc cho các hình thức dấn thân cá nhân tương tự khác.

           
Tất cả các Giám mục giáo phận hoặc giáo phận Đông phương và những người có thẩm quyền tương đương theo luật, vào ngày thích hợp nhất của thời gian  Năm Thánh này, nhân dịp cử hành chính tại nhà thờ chính tòa và tại các nhà thờ Năm Thánh riêng lẻ, sẽ có thể ban Phép lành Giáo hoàng với ơn toàn xá kèm theo, mà tất cả các tín hữu sẽ nhận được Phép lành này theo những điều kiện thông thường.

           
Để thuận tiện về mặt mục vụ việc lãnh nhận bí tích Hòa giải và nhận sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ “năng quyền Chìa khóa”, các Đấng Bản quyền địa phương được mời gọi trao cho các kinh sĩ và linh mục, những người ngụ tại các Nhà thờ Chính tòa và Nhà thờ được chỉ định cho Năm Thánh, có thể lắng nghe xưng tội của các tín hữu, những năng quyền giới hạn ở toà trong, trong đó, đối với các tín hữu của các Giáo hội Đông phương, theo giáo luật số 728, § 2 của Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông Phương, và trong trường hợp dành riêng, theo giáo luật số 727, ngoại trừ, như thấy rõ, các trường hợp được xem xét tại số 728, § 1; trong khi đối với các tín hữu của Giáo hội Latinh, các năng quyền được nói đến trong số 508, § 1 của Bộ Giáo luật.

           
Về vấn đề này, Tòa Ân giải này mời gọi tất cả các linh mục sẵn sàng quảng đại và cống hiến hết mình khả năng rộng rãi nhất để các tín hữu được hưởng từ các phương tiện cứu rỗi, qua việc dành và công bố các khoảng thời gian cho việc giải tội, với sự đồng ý của các linh mục giáo xứ hoặc giám quản của các nhà thờ lân cận, qua việc tạo thuận tiện cho việc tìm nơi xưng tội, qua việc lên kế hoạch cử hành sám hối một cách cố định và thường xuyên, đồng thời cũng qua sự sẵn sàng rộng rãi của các linh mục, những người đã đến tuổi giới hạn, không có vai trò mục vụ nhất định. Tùy theo khả năng, cũng nên nhớ, theo Tự sắc Misericordia Dei, cơ hội mục vụ của việc nghe xưng tội trong thời gian Thánh lễ đang được cử hành.

           
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của các cha giải tội, Tòa Ân Giải, theo lệnh của Đức Thánh Cha, quy định rằng các linh mục đồng hành hoặc tham gia các cuộc hành hương Năm Thánh bên ngoài Giáo phận của họ có thể sử dụng các năng quyền tương tự mà họ đã được ban trong Giáo phận của họ bởi Thẩm quyền hợp pháp. Kế đến, Tòa Ân Giải sẽ trao các năng quyền đặc biệt cho các cha giải tội của các vương cung thánh đường giáo hoàng ở Rôma, cho các cha giải tội kinh sĩ hoặc cho các cha giải tội giáo phận được thiết lập trong các địa hạt giáo hội riêng.

           
Các cha giải tội, sau khi đã yêu thương hướng dẫn các tín hữu về mức độ nghiêm trọng của các tội, vốn kèm một sự dành riêng hoặc một vạ, sẽ xác định, với lòng bác ái mục vụ, các hình thức đền tội thích hợp theo bí tích, chẳng hạn để dẫn họ đến sự sám hối lâu dài bao nhiêu có thể và, tùy theo tính chất sự việc mà mời họ sửa chữa những tai tiếng và thiệt hại.

           
Cuối cùng, Tòa Ân Giải nồng nhiệt mời gọi các Giám mục, với tư cách là những người giữ ba nhiệm vụ về giảng dạy, dẫn dắt và thánh hóa, quan tâm giải thích rõ ràng những điều khoản và nguyên tắc được đề xuất ở đây để thánh hóa các tín hữu, có tính đến hoàn cảnh, văn hóa địa phương và truyền thống. Một bài giáo lý phù hợp với đặc điểm văn hóa xã hội của mỗi dân tộc sẽ có thể giới thiệu Tin Mừng và toàn bộ sứ điệp Kitô giáo một cách hiệu quả, làm đâm rễ sâu hơn vào tâm hồn lòng khao khát hồng ân độc nhất này, nhờ trung gian của Giáo hội.

           
Sắc lệnh này có hiệu lực cho Năm Thánh thường lệ năm 2025, bất chấp những quy định trái ngược.

           
Ban hành tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải, ngày 13 tháng 5 năm 2024, Lễ Nhớ Đức Trinh Nữ Maria Fatima.


 
Đức Hồng y Angelo De Donatis
Chánh Toà Ân giải Tối cao
 
Đức cha Krzysztof Nykiel
Phó Toà Ân giải

 
Bản dịch Việt ngữ của Vatican News tiếng Việt.
Hiệu đính một phần của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.



 

NGHI THỨC KHAI MẠC NĂM THÁNH
TẠI CÁC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG


Lời mở đầu


Đây là Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 tại các Hội Thánh địa phương liên quan đến các Hội Thánh theo nghi lễ Rôma. Nếu muốn, các Hội Thánh Đông phương có thể soạn thảo một nghi thức khai mạc phù hợp với các quy định phụng vụ riêng, chỉ cần giữ lại định hướng cơ bản và thiết yếu của nghi thức này.

1. Ngày cử hành

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc Spes non confundit, đã ấn định: Năm Thánh sẽ bắt đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngày Lễ Chúa Giáng sinh, với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican. Chúa Nhật sau đó, ngày 29 tháng 12 năm 2024, lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, Năm Thánh sẽ được khai mạc tại các Hội Thánh địa phương.

2. Nơi cử hành

Nghi thức khai mạc trọng thể Năm Thánh sẽ được cử hành trong Thánh Lễ do Giám mục giáo phận chủ sự tại Nhà thờ Chính tòa, mẹ của tất cả các nhà thờ trong giáo phận. Chỉ cử hành một Thánh lễ khai mạc duy nhất tại Nhà thờ Chính tòa. Tuy nhiên, nếu trong giáo phận có một nhà thờ đồng chính tòa theo giáo luật, thì cũng có thể cử hành Thánh lễ khai mạc tại đó. Khi Nghi lễ được cử hành tại nhà thờ đồng chính tòa, giám mục có thể chỉ định một vị đại diện thay thế ngài. Không được tổ chức lễ khai mạc tại nhà thờ nào khác trong giáo phận, kể cả các đền thánh hoặc nhà thờ nổi tiếng.

3. Nghi thức cử hành

Cử hành Thánh Thể theo thể thức Thánh lễ đại triều (x. Cæremoniale Episcoporum, 120). Tất cả các linh mục đồng tế với giám mục; các phó tế, giúp lễ, đọc sách và các thừa tác viên khác thi hành phận vụ của mình (x. Sacrosanctum Concilium, 26-28; Cæremoniale Episcoporum, 119). Chương trình cử hành phải được thông báo cho toàn thể các tín hữu.

4. Trong khung cảnh của việc cử hành Thánh Thể, dấu chỉ đặc biệt của lễ khai mạc trọng thể Năm Thánh là đoàn hành hương theo sau Thánh giá long trọng tiến vào ngôi Thánh đường của giáo phận, vào Nhà thờ Chính tòa nơi vị mục tử của giáo phận thi hành huấn quyền, chủ sự các nhiệm tích thánh, cử hành phụng vụ ca ngợi và cầu nguyện, và hướng dẫn giáo đoàn.

5. Cuộc rước diễn ra theo ba giai đoạn:

– Tụ họp ở một nhà thờ gần đó hoặc tại một địa điểm thích hợp khác;
– khởi sự hành hương;
– tiến vào thánh đường.

6. Tụ họp

Dân Chúa qui tụ tại một nhà thờ mang một ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đoàn giáo phận, đủ điều kiện để cử hành nghi thức Nhập lễ và có khoảng cách thích hợp cho một cuộc hành hương thực sự.

7. Trong khi tụ họp: hát tiền xướng hoặc bài ca nhập lễ, lời chào, lời mời gọi chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa, lời hướng ý, lời cầu nguyện, công bố Tin Mừng và đọc một số trích đoạn trong Tông sắc ấn định Năm Thánh thường lệ 2025.

8. Hành hương đến thánh đường

Đoàn hành hương đến Nhà thờ Chính tòa để cử hành Chúa nhật Lễ Thánh Gia và khai mạc Năm Thánh, được đón nhận như một món quà từ Thiên Chúa. Cuộc rước này là dấu chỉ của con đường hy vọng, trên đó những người hành hương đang bước theo sau Thánh Giá Chúa Kitô, như được thể hiện trong logo của Năm Thánh. “Trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và thụt lùi, Thánh giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và trung tín.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung, 21.9.2022). Đây là con đường của Gia đình thánh, trong Hội Thánh ngày nay, đang tiến tới Giêrusalem trên trời.

9. Vì thế, để dẫn đầu đoàn hành hương, nên chọn một cây Thánh Giá mang ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với giáo phận, hoặc mang tính cách lịch sử và nghệ thuật, hoặc gắn liền với lòng đạo đức bình dân. Thánh giá phải được trang trí cách xứng hợp, và nếu là Thánh giá khá lớn, nên lưu tâm đến cách thức di chuyển. Thánh Giá sẽ được đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh để các tín hữu tôn kính: thật vậy, “trong tấm Bánh bẻ ra, có Thánh Giá của Chúa Giêsu, hy tế vâng phục của Người vì tình yêu dành cho Chúa Cha” (Desiderio Desideravi, 7).

10. Phó tế mang Sách Tin Mừng, kho tàng Lời hằng sống của Đấng Phục Sinh, giống như cột lửa đi trước dân Israel trong cuộc Xuất Hành (x. Xh 13,21-22), Đấng là ánh sáng và là người dẫn đường cho các môn đệ, đặc biệt là trong năm hồng ân này.

11. Trong khi hành hương, cộng đoàn hát “thánh vịnh hành hương” hoặc “thánh vịnh lên đền”, chẳng hạn thánh vịnh 14 (15) (“Lạy Chúa, ai được ở trong lều của Chúa?”), thánh vịnh 23 (24) (“cả thế giới và sự giàu có là của Chúa”), Tv 83 (84) (“Con yêu chuộng biết bao những nơi Chúa ngự”), Tv 94 (95) (“Hãy đến, chúng ta hãy reo mừng Chúa”), Tv 117 (118),  các câu 19, 20, 27 nói đến một cuộc rước, Tv 121 (122) (“Vui chừng nào khi người ta bảo tôi”) và Tv 135 (136) (“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân lành”). Theo truyền thống, cũng có thể hát Kinh cầu các Thánh.

12. Bước vào thánh đường
Dân Chúa tiến vào Nhà thờ Chính tòa qua cửa chính, dấu chỉ của Chúa Kitô (x. Ga 10,9). Khi đến ngưỡng cửa, giám mục giơ cao Thánh Giá, hướng về cộng đoàn, xướng lời tung hô tôn kính “gỗ cây Thánh Giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian” (Thánh thi Thứ Sáu Tuần Thánh “Ecce lignum Crucis, in quo salus mundi pependit”).

13. Sau khi qua cửa, Giám mục đi cùng các thừa tác viên đến Giếng rửa tội, cùng với các tín hữu cử hành việc tưởng nhớ Bí tích Thánh Tẩy. Cử hành này có thể tùy nghi thực hiện tại cung thánh. Sau đó, giám mục, các thừa tác viên và cộng đoàn tín hữu đến vị trí đã được xếp sẵn. Nghi thức rảy nước thánh nhắc lại cách sống động bí tích Thánh Tẩy, là cửa dẫn vào các bí tích khai tâm và gia nhập Hội Thánh. Thánh Tẩy là “bí tích đầu tiên của Giao ước mới, nhờ đó con người được liên kết với Chúa Kitô trong đức tin, nhận được Thần khí nghĩa tử, được gọi và thực sự là con Thiên Chúa, sau khi trải nghiệm sự chết và sự phục sinh giống như Chúa Kitô, được tháp nhập vào thân thể của Người (x. Ep 5, 30; 1Cr 12, 27; Rm 12, 5), được xức dầu Thánh Thần và trở nên đền thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr 3, 16-17; 6, 19; 2Cr 6, 16; Ep 2, 21-22), đồng thời trở nên thành viên của Hội Thánh, là dòng dõi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện và đoàn dân được cứu chuộc” (1Pr 2, 9). (Sách Chúc Phúc, 832).

14. Nếu Nhà Rửa tội được xây bên ngoài nhà thờ, nghi thức nhắc nhớ lại bí tích Thánh Tẩy được cử hành trước nghi thức bước vào thánh đường.

15. Cử hành Thánh Thể

Việc cử hành Thánh Lễ là chóp đỉnh của nghi thức khai mạc Năm Thánh. “Việc cử hành Thánh lễ, xét như là hành động của Chúa Kitô và của dân Thiên Chúa được tổ chức theo phẩm trật, là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô hữu, cho Hội Thánh toàn cầu, cũng như Hội Thánh địa phương, và cho từng tín hữu. Quả thật, Thánh lễ chính là cao điểm của việc Thiên Chúa thánh hóa thế gian trong Chúa Kitô, đồng thời cũng là đỉnh cao của việc phụng tự nhân loại dâng lên để tôn thờ Chúa Cha nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa và trong Chúa Thánh Thần.” (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, 16). Thánh Lễ được cử hành như thường lệ, với bản văn lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Phải quan tâm chuẩn bị đầy đủ những gì liên quan đến việc cử hành Nghi thức: các vật dụng cần thiết, phận vụ của các thừa tác viên, các bài thánh ca, lời nguyện tín hữu, dâng lễ vật và những lời dẫn ý ngắn gọn.

16. Tại phòng thánh của nhà thờ, nơi khởi hành của cuộc hành hương

Tại phòng thánh của nhà thờ, nơi khởi hành của cuộc hành hương đến thánh đường, sắp xếp chuẩn bị:
lễ phục cho giám mục, linh mục đồng tế, phó tế và các thừa tác viên khác;
– áo choàng cho giám mục;
– Thánh Giá - nến cao;
– Sách Tin Mừng;
– Hương - lửa;
– Đuốc, đèn hoặc các vật dụng theo phong tục địa phương, dành cho các tín hữu, trong trường hợp cử hành diễn vào giờ chiều tối.


Nghi thức khởi sự

17.   Ngày 29 tháng 12, lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, vào giờ đã định, các tín hữu tập trung tại một nhà thờ hoặc một nơi thích hợp, gần Nhà thờ Chính tòa. Nếu tụ họp sau khi mặt trời lặn, có thể dùng đuốc hoặc đèn thắp sáng.

18.   Các thừa tác viên mặc áo trắng. Giám mục mặc áo choàng.

19.   Trong khi giám mục và các thừa tác viên tiến đến vị trí đã được xếp sẵn, có thể hát Bài ca Năm Thánh hoặc một thánh ca khác phù hợp.

20.   Giám mục:
Nhân danh Cha và Con + và Thánh Thần.
Cộng đoàn:
Amen.
Giám mục:
Xin Thiên Chúa của niềm hy vọng,
Đấng ngự trong Ngôi Lời nhập thể,
ban cho chúng ta tràn đầy niềm vui
và bình an trong đức tin,
nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần,
luôn ở cùng anh chị em.
Cộng đoàn:
Và ở cùng cha.

21.   Giám mục mời gọi mọi người chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa:
Tv 32 (33), 20-22

X. Tâm hồn chúng con cậy trông nơi Chúa.
     Chính Người nâng đỡ, là khiên thuẫn chở che.
Đ. Chúc tụng Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
X. Tâm trí chúng con vui mừng trong Chúa,
     đặt trọn niềm tin tưởng Thánh Danh.
Đ. Chúc tụng Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
X. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
     như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
Đ. Chúc tụng Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
Hoặc:

X. Chúc tụng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngôi Lời của Người đến để trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng và bí tích cứu chuộc nhân loại.
Đ. Chúc tụng Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
X. Chúc tụng Chúa Con, Đấng đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Người đã mở cho chúng ta cánh cửa hy vọng về một cuộc sống mới.
Đ. Chúc tụng Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
X. Chúc tụng Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã dùng bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở nên những người thừa kế niềm hy vọng được sống đời đời.
Đ. Chúc tụng Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.

22.   Giám mục:
Anh chị em thân mến,
mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô

Đấng cứu chuộc chúng ta,
được bảo toàn trong sự hiệp thông đầy yêu thương
của Thánh Gia Nazareth,
đã đem lại cho chúng ta niềm vui sâu xa và lòng trông cậy vững vàng.

Hiệp thông với Hội Thánh hoàn vũ,
để tôn vinh tình yêu của Chúa Cha
được thể hiện trong thân xác của Ngôi Lời Nhập Thể
và trong dấu chỉ Thánh Giá là mỏ neo của ơn cứu độ,
chúng tôi long trọng khai mạc Năm Thánh
của Hội Thánh chúng ta tại …… đây.

Nghi thức được cử hành hôm nay,
sẽ khai mở cho chúng ta một trải nghiệm phong phú
về ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa,
giúp chúng ta sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai
chất vấn về lòng trông cậy của chúng ta,
đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh và bất an như hiện nay.
Nguyện xin Chúa Kitô,
sự bình an và niềm trông cậy của chúng ta,

luôn đồng hành với chúng ta
suốt trong năm đầy ân sủng và an ủi này.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần,
Đấng hôm nay muốn khởi sự công cuộc cứu độ của Người
trong chúng ta và với chúng ta,
sẽ hoàn tất vào ngày của Chúa Giêsu Kitô.

23.   Huấn dụ xong và sau vài giây thinh lặng ngắn,
Giám mục đọc lời cầu nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Chúa là nguồn cậy trông không bao giờ làm thất vọng,
là khởi nguyên và cùng tận của mọi loài,
trong thời gian ân sủng này,
xin chúc phúc cho việc chúng con khởi đầu
cuộc hành hương bước theo Thánh Giá vinh quang của Con Cha;
xin băng bó vết thương của những trái tim tan vỡ,
tháo gỡ những xiềng xích đang trói buộc chúng con
làm nô lệ cho tội lỗi và làm tù nhân của hận thù,
và xin ban niềm vui của Chúa Thánh Thần cho dân Ngài,
để họ làm mới lại lòng trông cậy,
và tiến bước đến với Đấng họ vẫn hằng khát mong,
là Đức Kitô, Con Cha và là Chúa chúng con,
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Cộng đoàn:
Amen.

24.   Sau đó, phó tế công bố Tin Mừng:
Tin Mừng  (Ga 14,1-11)
Các con tin vào Thiên Chúa, cũng hãy tin vào Thầy;
Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lòng các con đừng xao xuyến: các con tin vào Thiên Chúa, cũng hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, sao Thầy lại nói với các con là ‘Thầy đi để chuẩn bị chỗ cho các con’? Và nếu Thầy đi và chuẩn bị chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ lại đến và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường đi ấy.” Tôma thưa với Người: “Lạy Chúa, chúng con không biết Ngài đi đâu, làm sao chúng con có thể biết được đường đi ấy?” Đức Giêsu nói với ông: “Thầy là đường đi, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha nếu không nhờ Thầy. Nếu các con biết Thầy, các con sẽ biết Cha của Thầy; và từ bây giờ, các con biết Người và đã thấy Người rồi.”

Philipphê nói với người: “Thưa Ngài, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con.” Đức Giêsu nói với ông: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu mà con không biết Thầy sao? Ai đã thấy Thầy là đã thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha’? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Những lời Thầy nói cho các con không phải tự chính Thầy nói, nhưng Cha, Đấng ở trong Thầy, làm những việc của Người.  Các con hãy tin Thầy, vì Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy; còn nếu không, các con hãy tin nhờ các việc đó.”
Đó là Lời Chúa.
Cộng đoàn: Lạy Chúa Giêsu, ngợi khen Chúa.

25.   Sau bài Tin Mừng, giữ thinh lặng giây lát. Sau đó, thừa tác viên đọc một trong những đoạn sau đây trong Tông sắc mở Năm Thánh thường lệ 2025:

Trích Tông Sắc mở Năm Thánh Thường lệ 2025
Spes non confundit (1; 3; 7; 25)

1. Spes non confundit. “Đức trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5). Với dấu chỉ hy vọng, Tông đồ Phaolô đã khích lệ cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma. Đức trông cậy cũng là sứ điệp trọng tâm của Năm Thánh sắp tới mà theo truyền thống cổ xưa, Đức Giáo hoàng công bố 25 năm một lần. Tôi nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rôma để sống Năm Thánh, và nghĩ đến tất cả những ai dù không thể đến được Thành phố của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng cũng sẽ cử hành Năm Thánh tại các Hội Thánh địa phương của họ. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Hội Thánh có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người.

Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng.

3. Quả thế, niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá: “Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5,10). Và sự sống của Người được biểu lộ nơi đời sống đức tin của chúng ta, khởi đầu bằng Phép Rửa, tăng triển trong sự mở lòng trước ân sủng của Thiên Chúa, được sinh động bởi niềm hy vọng luôn được làm mới lại và nên vững mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Hội Thánh lữ hành để chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên các tín hữu: Ngài giữ cho ánh sáng ấy luôn cháy như một ngọn đuốc không bao giờ tắt để nâng đỡ và ban sinh lực cho chúng ta. Thật vậy, đức trông cậy Kitô giáo không lừa dối cũng không làm thất vọng vì dựa trên niềm xác tín rằng không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

7. Ngoài việc kín múc niềm hy vọng nơi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi khám phá lại niềm hy vọng đó trong những dấu chỉ của thời đại mà Chúa ban cho chúng ta. Như Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Lúc nào Hội Thánh cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy.” Do đó, chúng ta phải lưu tâm đến tất cả những điều thiện hảo hiện diện trên thế giới, để không rơi vào cơn cám dỗ nghĩ rằng mình bị sự ác và bạo lực lấn át. Nhưng những dấu chỉ của thời đại, trong đó có nỗi khát vọng của tâm hồn con người, vốn cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, đòi phải được biến đổi thành những dấu chỉ của niềm hy vọng.

25. Từ hôm nay chúng ta hãy để cho niềm hy vọng này thu hút chúng ta, và qua chúng ta lan toả đến những ai khao khát niềm hy vọng ấy. Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy nơi Chúa” (Tv 27,14). Ước gì sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi.

26.   Sau bài đọc, Giám mục bỏ hương và phó tế mời gọi cộng đoàn bắt đầu cuộc rước:

Anh chị em thân mến,
chúng ta hãy lên đường nhân danh Chúa Kitô:
Người là Con Đường dẫn đến Chúa Cha,
là Sự Thật giải phóng chúng ta,
và là Sự Sống đã chiến thắng sự chết.

27.   Hành hương đến thánh đường. Người cầm lư hương đi trước Thánh Giá và các thừa tác viên cầm nến cháy đi hai bên Thánh Giá; phó tế mang Sách Tin Mừng, giám mục và sau ngài là các linh mục, các thừa tác viên khác và các tín hữu cầm đuốc hoặc đèn được thắp sáng. Đang khi đi, ca đoàn và giáo dân hát Kinh cầu các Thánh hoặc các bài thánh ca thích hợp hoặc một số thánh vịnh (xem Phụ lục) với những điệp ca sau đây hoặc những điệp ca khác thích hợp:

Điệp ca                  Đức Giêsu Kitô, hôm qua và hôm nay, vẫn là một,
Dt 13,8.21             Người hằng hữu muôn đời.
                             Danh dự và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.

Hoặc:

Điệp ca                  Hãy ca hát và vui mừng, hỡi thiếu nữ Sion:
Za 2, 14                 từ nơi ngươi Đức Kitô đã được sinh ra,
                             Người là mặt trời công chính;
                             nhờ ngươi ơn cứu rỗi thế gian đã tỏa sáng.

Hoặc:

Điệp ca                  Lạy Chúa là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ,
Kh 15, 3                Kỳ công của Chúa thật vĩ đại và tuyệt vời.
                             Lạy Vua các dân tộc,
                             Đường lối của Chúa thật chính trực công minh.

28.   Đến nhà thờ, đoàn rước đi qua cửa chính. đến ngưỡng cửa, giám mục đón lấy Thánh Giá, giơ cao lên và mời gọi dân chúng tôn vinh Thánh Giá bằng lời sau đây hoặc tương tự:
Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con.

Cộng đoàn:
Chúng con trông cậy nơi Thánh Giá Chúa,
chúng con sẽ không bao giờ thất vọng.


Sau đó, giám mục trao lại cây thánh giá và cùng với các thừa tác viên đi đến Giếng rửa tội nơi ngài chủ sự nghi thức nhắc nhớ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu đến trước Giếng. Giám mục mời gọi cộng đoàn cầu nguyện bằng những lời sau đây hoặc tương tự:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
thương làm phép nước này để rảy trên chúng ta,
để tưởng niệm bí tích Rửa tội chúng ta đã lãnh nhận.
Xin Chúa thương ban ơn phù trợ,
giúp chúng ta luôn trung thành với Chúa Thánh Thần.

Sau vài giây thinh lặng cầu nguyện, giám mục giang tay đọc tiếp:
Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng,
Chúa là nguồn mạch sự sống của cả xác hồn.
Chúng con nài xin Chúa
ban phúc lành + cho nước này
mà chúng con tin tưởng sử dụng
để kêu cầu Chúa tha thứ tội lỗi và bảo vệ chúng con
khỏi các bệnh tật và mưu chước ma quỷ.
Lạy Chúa, xin đoái thương làm cho dòng nước thánh này
không ngừng tuôn trào ơn cứu độ,
để chúng con có thể đến gần Chúa với tâm hồn trong sạch,
và thoát khỏi mọi nguy hiểm xác hồn.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

29.   Giám mục rảy nước thánh trên mình, sau đó rảy trên các vị đồng tế, các thừa tác viên và giáo dân, trên Sách Tin Mừng và Thánh Giá. Trong lúc đó, hát đối ca sau đây hoặc một bài thánh ca thích hợp:

Điệp ca                  Lạy Chúa xin dùng cành hương thảo rảy nước trên con,
Tv 50, 9                 con sẽ được tẩy sạch, xin rửa con,
                             con sẽ được trắng hơn tuyết.

Hoặc:

Điệp ca                  Chúa phán: Ta sẽ đổ nước trong sạch trên các ngươi,
Ez 36, 25-26          và các ngươi sẽ được tẩy sạch mọi vết nhơ.
                             Ta sẽ ban cho các ngươi trái tim mới.

Trở lại Giếng rửa tội, giám mục chắp tay đọc:
Xin Thiên Chúa toàn năng thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi,
và nhờ việc cử hành bí tích Thánh Thể này,
xin Người làm cho chúng ta nên xứng đáng
thông phần vào bàn tiệc trong Nước Ngài. 

Cộng đoàn: Amen.

30.   Giám mục đi đến cung thánh, cởi áo choàng và mặc áo lễ. Phó tế đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Thánh Giá được đặt gần bàn thờ, nơi dễ thấy, và được đặt tại đó trong suốt Năm Thánh để dân Chúa tôn kính.
Cần lưu ý rằng, tại cung thánh, chỉ để một cây Thánh Giá duy nhất. Giám mục hôn bàn thờ, xông hương bàn thờ và Thánh Giá rồi đi đến tòa. Trong lúc này, sau khi hát thánh ca hoặc điệp ca lúc rảy nước thánh, cộng đoàn hát một bài thánh ca Giáng sinh hoặc một thánh ca thích hợp hoặc dạo đàn.

Nếu nhà Rửa tội được xây bên ngoài thánh đường, nghi thức nhắc lại bí tích Thánh Tẩy sẽ được cử hành trước khi cộng đoàn đi vào nhà thờ. Nếu không thể cử hành nghi thức nhắc lại bí tích Thánh Tẩy, giám mục và các thừa tác viên đi đến cung thánh đang khi các tín hữu đến vị trí của mình trong nhà thờ. Phó tế đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Thánh Giá được đặt cạnh bàn thờ.

Khi đến cung thánh, giám mục cởi áo choàng và mặc áo lễ. Ngài hôn bàn thờ, xông hương bàn thờ và Thánh Giá, rồi đi đến tòa. Thừa tác viên mang bình nước đến, giám mục chúc lành và rảy nước thánh trên cộng đoàn.

Trở lại cung thánh, giám mục đọc:
Xin Thiên Chúa toàn năng thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi
và qua việc cử hành Bí tích Thánh Thể này,
làm cho chúng ta xứng đáng tham dự bàn tiệc
trong vương quốc của Ngài, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta.
Cộng đoàn:
Amen.

31.   Sau đó hát thánh thi Vinh Danh. Thánh lễ tiếp tục như thường lệ với bản văn lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse.
 
Bản văn phụng vụ trong Năm Thánh 2025: từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến ngày 6 tháng 1 năm 2026
do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn ngày 13/5/2024 (Prot. n. 276/24).
Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.




NGHI THỨC BẾ MẠC NĂM THÁNH
TẠI CÁC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG
 
Lời mở đầu
 
Đây là Nghi thức bế mạc Năm Thánh 2025 tại các Hội Thánh địa phương liên quan đến các Hội Thánh theo nghi lễ Rôma.
Nếu muốn, các Hội Thánh Đông phương có thể soạn thảo một nghi thức khai mạc phù hợp với các quy định phụng vụ riêng, chỉ cần giữ lại định hướng cơ bản và thiết yếu của nghi thức này.

1. Ngày cử hành
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc Spes non confundit, đã ấn định: Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa nhật 28 tháng 12 năm 2025, ngày lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse.

2. Nơi cử hành
Nghi thức bế mạc Năm Thánh sẽ được cử hành trong Thánh lễ do Giám mục giáo phận chủ sự tại Nhà thờ Chính tòa, mẹ của tất cả các nhà thờ trong giáo phận. Chỉ cử hành một Thánh lễ bế mạc duy nhất tại Nhà thờ Chính tòa. Tuy nhiên, nếu trong giáo phận có một nhà thờ đồng chính tòa theo giáo luật, thì cũng có thể cử hành Thánh lễ bế mạc tại đó. Khi Nghi lễ được cử hành tại nhà thờ đồng chính tòa, giám mục có thể chỉ định một vị đại diện thay thế ngài. Không được tổ chức lễ bế mạc tại nhà thờ nào khác trong giáo phận, kể cả các đền thánh hoặc nhà thờ nổi tiếng.

3. Nghi thức cử hành
Vẫn cử hành Thánh Thể theo thể thức Thánh lễ đại triều (x. Cæremoniale Episcoporum, 120). Tất cả các linh mục đồng tế với giám mục; các phó tế, giúp lễ, đọc sách và các thừa tác viên khác thi hành phận vụ của mình (x. Sacrosanctum Concilium, 26-28; Cæremoniale Episcoporum, 119). Chương trình cử hành phải được thông báo cho toàn thể các tín hữu. Thánh lễ được cử hành để tạ ơn Chúa về tất cả những gì Người đã thực hiện trong năm cầu nguyện và hoán cải đặc biệt này.

Khi cử hành nghi thức, cần lưu ý đặc biệt đến:
– vị trí trung tâm của cây Thánh Giá Năm Thánh;
– lời nguyện tín hữu;
– dâng lễ vật;
– hiệp lễ dưới hai hình;
– bài thánh ca tạ ơn;
– lời nguyện trên dân chúng hoặc phép lành trọng thể;
– giải tán cộng đoàn.

4. Thánh Giá Năm Thánh
Trang trí cách xứng hợp cây Thánh giá đã được rước trong nghi thức khai mạc và được đặt cạnh bàn thờ trong suốt Năm Thánh.

5. Lời nguyện tín hữu
Tiếp nối những lời khen ngợi và khẩn cầu của mọi người dâng lên Thiên Chúa trong Năm Thánh, lời nguyện tín hữu chứa đựng những ý hướng của cộng đoàn cùng cầu nguyện cho Hội Thánh và toàn thể thế giới. Tuy có mẫu chung được đề xuất, nhưng mỗi cộng đoàn nên dọn lời nguyện tín hữu với những ý hướng dựa theo trải nghiệm thiêng liêng của cộng đoàn đã sống trong Năm Thánh. Phó tế xướng ý cầu nguyện; sau vài giây thinh lặng, một thừa tác viên đọc lời cầu nguyện và cộng đoàn đáp lại.

6. Dâng lễ vật
Lễ vật được dâng là bánh và rượu dành cho nghi thức hiệp lễ của các tín hữu. Theo tinh thần Năm Thánh, trong ý hướng chia sẻ tất cả các nguồn lực kinh tế để không ai bị thiếu thốn, nên thể hiện thái độ quan tâm đến người nghèo bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đoàn về những hành động bác ái thiết thực, vẫn tiếp tục sau khi Năm Thánh kết thúc, vì thế nên có những lễ vật dành cho việc giúp đỡ người nghèo (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, 73).

7. Hiệp lễ dưới hai hình
Nên cho cộng đoàn hiệp lễ dưới hai hình. “Với cách thức này, dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể được sáng tỏ hơn. Ý Thiên Chúa muốn thiết lập Giao Ước mới và vĩnh cửu trong Máu Thánh Chúa Kitô cũng được biểu lộ rõ ràng hơn. Đồng thời, mối tương quan giữa bữa tiệc Thánh Thể và bữa tiệc cánh chung trong nước Chúa Cha được diễn tả minh bạch hơn” (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, 281).

8. Bài ca tạ ơn
Sau lời nguyện hiệp lễ, trước khi xướng bài ca tạ ơn, Giám mục mời gọi các tín hữu chúc tụng Chúa vì ân sủng Năm Thánh và những Ân xá đã lãnh nhận.

9. Lời nguyện trên dân chúng, hoặc phép lành trọng thể và lời giải tán cộng đoàn
Thánh lễ kết thúc với lời nguyện trên dân chúng hoặc phép lành trọng thể, nhắc lại các chủ đề của Năm Thánh và khẩn cầu ơn phù trợ của Thiên Chúa để, sau khi đã có những cảm nghiệm đặc biệt về ơn tha thứ trong Năm Thánh, nay trở lại nhịp sống thường ngày, cộng đoàn được đổi mới nhờ ân sủng đã lãnh nhận trong thời gian đặc biệt dành cho việc cầu nguyện và gặp gỡ Chúa.



Nghi thức bế mạc Năm Thánh

Sử dụng bản văn Lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse.
10.   Khi giáo dân đã tập trung tại Nhà thờ Chính tòa, giám mục, các vị đồng tế, các phó tế, mặc lễ phục trắng, lập thành đoàn rước tiến vào thánh đường, trong khi cộng đoàn hát Bài ca Năm Thánh hoặc một thánh ca thích hợp.
11.   Giám mục hôn bàn thờ và xông hương như thường lệ, sau đó đến tòa và chào cộng đoàn:
Nhân danh Cha và Con + và Thánh Thần.
Cộng đoàn:
Amen.
Giám mục:
Nguyện xin Thiên Chúa của lòng trông cậy,
ban cho anh chị em được tràn đầy bình an trong đức tin
và xin Chúa luôn ở cùng anh chị em.
Cộng đoàn:
Và ở cùng cha.
12.   Giám mục:
Anh chị em thân mến,
chúng ta đã cùng nhau trải qua Năm Thánh
(với cao điểm là cuộc hành hương của giáo phận chúng ta đến Rôma).
Như một dân tộc duy nhất,
chúng ta đã dâng lên Thiên Chúa những lời ca tụng,
tạ ơn và cầu xin, khi liên kết với những người,
nhiều khi không thể lên tiếng trước mặt người đời,
nhưng lại được Chúa Cha lắng nghe
và công nhận là con yêu dấu của Ngài,
đó là các bệnh nhân, người già, tù nhân và người nghèo.

Với nguồn Ân xá trong Năm Thánh,
Chúa đã cho tuôn chảy cả một dòng sông ân sủng và phúc lành,
đã trao cho tất cả mọi người niềm hy vọng và ơn bình an;
Ngài ban sức mạnh cho những bàn tay rã rời,
làm vững lại những đầu gối yếu nhược;
Ngài nói với mỗi người chúng ta: hãy can đảm lên, đừng sợ!

Sau khi đã được củng cố bởi cảm nghiệm về lòng thương xót
và được đổi mới qua cuộc gặp gỡ với Ngài,
hôm nay, cộng đoàn giáo phận chúng ta, mục tử và đoàn chiên,
khi tôn vinh sự thánh thiện của Gia đình Nazareth,
chúng ta nhìn nhận tội lỗi và xin ơn tha thứ
trước khi cử hành nhiệm tích Thánh Thể.
Sau một lúc thinh lặng, phó tế hoặc một thừa tác viên mời gọi thống hối:
X. Lạy Chúa là Đấng khơi dậy đức tin:
     Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô là Đấng trao ban đức cậy:  
     Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa là Đấng thông truyền đức mến:
     Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Hoặc:
X. Lạy Chúa là Con Thiên Chúa,
     là người được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria,
     Chúa đã trở thành người Anh của chúng con:
     Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Con của loài người,
     Chúa biết và hiểu sự yếu hèn của chúng con:
     Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa là Con của Chúa Cha,
     Chúa quy tụ chúng con trong cùng một Gia đình:
     Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Giám mục:
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội
và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Cộng đoàn: Amen.
Hát thánh thi Vinh danh. Thánh lễ tiếp tục như thường lệ.

Lời nguyện cộng đoàn hay “lời nguyện tín hữu”
13.   Sau phút thinh lặng cuối bài giảng, đọc Kinh Tin Kính. Tiếp đó, đọc Lời nguyện cộng đoàn như sau hoặc tương tự:
Anh chị em thân mến, sau khi nghe Lời cứu rỗi,
chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, nhờ Chúa Con.

Đ. Lạy Chúa là niềm trông cậy của chúng con,
     xin Chúa nhậm lời chúng con.

Phó tế:
Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh.
Sau giây lát thinh lặng, một thừa tác viên đọc lời cầu nguyện:
Xin cho Hội Thánh, trong phận vụ bảo toàn công cuộc cứu rỗi,
biết dùng lời nói và hành động để rao giảng cho mọi người
niềm tin vào Chúa Phục sinh.
Đ.

Phó tế:
Chúng ta cùng cầu nguyện cho toàn thế giới:
Sau giây lát thinh lặng, một thừa tác viên đọc lời cầu nguyện:
Xin cho toàn thể thế giới được lôi cuốn
bởi tình yêu của Ngôi Lời nhập thể,
biết làm tắt đi âm thanh của vũ khí chiến tranh,
và làm vang lên lời ca êm dịu của hòa thuận và hòa bình.
Đ.

Phó tế:
Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ:
Sau giây lát thinh lặng, một thừa tác viên đọc lời cầu nguyện:
Xin cho những người đang đau khổ không nản lòng thất vọng,
nhưng biết khám phá niềm hy vọng Kitô giáo
ngay trong trái tim mình.
Đ.


Phó tế:
Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình:
Sau giây lát thinh lặng, một thừa tác viên đọc lời cầu nguyện:
Xin cho các gia đình biết noi gương Thánh Gia Nazareth,
luôn ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Thiên Chúa,
Đấng hàng ngày vẫn kêu gọi các gia đình
trải nghiệm nét mới mẻ của tình yêu.
Đ.

Phó tế:
Chúng ta cùng cầu nguyện cho cộng đoàn giáo phận:
Sau giây lát thinh lặng, một thừa tác viên đọc lời cầu nguyện:
Xin cho Giáo phận chúng ta,
khi đã được hồi sinh nhờ sức mạnh của ơn tha thứ
và được đổi mới nhờ ân sủng trong Năm Thánh,
luôn tiến bước trên đường sống theo Tin Mừng.
Đ.

Giám mục dang tay đọc lời cầu nguyện kết thúc:
Lạy Chúa, trong Năm Thánh này,
Chúa đã mở rộng cho Hội Thánh con đường cứu rỗi,
và đong đầy nơi đoàn con Chúa nhân đức cậy trông.
Xin thương nhận những ý nguyện và niềm khao khát của chúng con
muốn quy hướng cuộc sống về Chúa,
để trở thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng.

Với ân sủng của Chúa Thánh Thần,
xin dẫn chúng con tiến bước trong niềm hy vọng hồng phúc,
được hưởng Tôn Nhan Chúa nơi Giêrusalem trên trời,
khi Vương quyền của Chúa nên trọn vẹn và hoàn hảo,
khi mọi sự được thực hiện trong Đức Kitô Con Chúa,
Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Cộng đoàn:
Amen.

Nghi thức Hiệp lễ
14.   Giám mục mời gọi cộng đoàn hát Kinh Lạy Cha và tiếp tục cử hành nghi thức Hiệp lễ.

Bài ca tạ ơn
15.   Sau Lời nguyện Hiệp lễ, Giám mục mời gọi cộng đoàn:
Anh chị em thân mến,
trong ngày cuối Năm Thánh,
chúng ta muốn cùng với toàn thể Hội Thánh,
đồng thanh dâng lời ca tạ ơn Chúa
vì những ân huệ Chúa đã thương ban.

Qua các bí tích, những cuộc hành hương,
lời cầu nguyện và việc bác ái,
chúng ta đã cảm nghiệm thật sâu sắc về lòng thương xót của Chúa:
Chúa rửa sạch tội lỗi và ban tràn đầy ân sủng cho chúng ta.
Trong năm nay chúng ta đã hiệp thông
trong đức tin, đức cậy và đức mến,
với tất cả mầu nhiệm Chúa Kitô, 
được cử hành trong suốt chu kỳ của năm phụng vụ.
Giờ đây, khi đã được đổi mới nhờ ơn hoán cải,
chúng ta trở lại với nhịp sống thường ngày.
Như các môn đệ xưa đã nhìn thấy mặt Chúa,
chúng ta hãy nhớ lại niềm vui khi được gặp Chúa
và hãy giữ vững chứng tá của lòng trông cậy,
vì Đấng đã ban lời hứa chính là Thiên Chúa tín thành.
Cộng đoàn hát Thánh thi Te Deum hoặc một bài hát tạ ơn khác.

Lời nguyện trên dân chúng
16.   Cuối bài thánh thi, giám mục giang tay trên dân chúng và đọc lời nguyện:
Lạy Chúa, xin ban tràn đầy ân sủng
và phúc lộc dồi dào cho gia đình Chúa đây:
xin ban cho các tín hữu một đức tin có thể chuyển núi dời non,
một đức cậy không làm thất vọng,
một đức mến nhẫn nại và dịu hiền;
xin cho họ luôn biết dâng lời cảm tạ
vì bao hồng ân Chúa đã thương ban,
và không bao giờ rời xa thánh ý Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Cộng đoàn: Amen.
Giám mục:
Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng,
là Cha + và Con + và Thánh Thần +,
xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.
Cộng đoàn: Amen.

Hoặc:
Chúc lành trọng thể
17.   Cuối bài thánh thi, giám mục ban phép lành trọng thể:
Thiên Chúa Cha sai Con của Ngài đến,
không phải để lên án nhưng để cứu rỗi thế giới,
xin Ngài giải thoát anh chị em khỏi mọi sự dữ
và ban cho anh chị em lòng ước mong làm điều thiện hảo.
Cộng đoàn: Amen.
Giám mục:
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa,
đã kêu gọi tất cả những ai đang lao nhọc và gánh nặng,
hãy đến với Ngài, xin Ngài ban cho anh chị em
được nghỉ ngơi và bình an,
để anh chị em luôn tin tưởng đợi chờ ngày Chúa lại đến.
Cộng đoàn: Amen.

Giám mục:
Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ trên anh chị em
tràn đầy ân sủng của Ngài trong Năm Thánh này:
xin Ngài giúp anh chị em thực hiện trong cuộc sống hàng ngày
những gì anh chị em tuyên xưng trong đức tin.
Cộng đoàn: Amen.
Giám mục:
Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng,
là Cha + và Con + và Thánh Thần +,
xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.
Cộng đoàn: Amen.
18.   Sau đó phó tế giải tán cộng đoàn:
Anh chị em hãy đi bình an,
hãy phụng thờ Chúa trong tâm hồn,
và hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai
chất vấn về niềm hy vọng của anh chị em.
Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.

Bản văn phụng vụ trong Năm Thánh 2025: từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến ngày 6 tháng 1 năm 2026
do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn ngày 13/5/2024 (Prot. n. 276/24).

Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.


THÁNH LỄ TRONG NĂM THÁNH
Thánh lễ trong Năm Thánh được cử hành với lễ phục phù hợp với ngày hoặc mùa phụng vụ bất cứ khi nào có các Lễ đặc biệt được tổ chức vào dịp Năm Thánh, ngoại trừ các ngày Lễ Trọng, các Chúa nhật và Lễ Kính, các ngày trong Tuần Thánh, Tam Nhật Thánh, các ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh, các ngày trong tuần của Mùa Vọng từ ngày 17 tháng 12 đến hết ngày 24 tháng 12, các ngày trong Tuần Bát nhật Giáng sinh, Lễ cầu cho Các Tín hữu đã qua đời và Thứ Tư Lễ Tro.

A

Ca nhập lễ      Tv 27 (26),14
Hãy trông đợi Chúa; hãy mạnh mẽ;
hãy can đảm, và hãy trông đợi Chúa (MPS. Alleluia.)!


Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
trái tim con người luôn khao khát Chúa,
xin đoái nhìn đến đoàn dân Chúa
là những người đang hành hương trong năm đầy ân sủng này,
xin cho chúng con luôn liên kết với Chúa Kitô, là tảng đá cứu độ,
để hân hoan đạt đến đích điểm của đức cậy trông.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô
Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.


Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương chấp nhận
hiến lễ của gia đình Chúa đây,
để nhờ có Chúa che chở
chúng con không đánh mất những gì đã lãnh nhận,
nhưng đạt đến hồng ân vĩnh cửu muôn đời.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Kinh Tiền tụng: Chúa Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng con.
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Đ. Thật là chính đáng.

Lạy Chúa là Cha chí thánh,
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo
và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Chúng con ca ngợi Chúa là Đấng cao cả.
Vì trong thời gian ân sủng này,

Chúa quy tụ con cái Chúa thành một gia đình,
để khi được soi sáng bởi Lời ban Sự Sống,
họ vui mừng cử hành mầu nhiệm Con Chúa
chịu khổ hình và sống lại.

Người là ơn cứu độ, luôn được cầu khẩn và mong đợi,
Người kêu mời mọi người đến dự bàn tiệc của Người,
chữa lành các vết thương thể xác và tinh thần,
ban niềm vui cho những người đau khổ.

Qua tất cả những dấu chỉ của lòng Chúa yêu thương,
chúng con được tái sinh với đức tin sống động,
hướng đến một đức cậy vững vàng hơn,
và hiến dâng chính mình
để yêu thương phục vụ anh chị em chúng con,
đang khi chúng con mong đợi Người trở lại.

Nhờ Người, cùng với các Thiên thần và toàn thể các Thánh,
chúng con hát ca ngợi khen Chúa,
và không ngừng tung hô rằng:

Thánh, Thánh, Thánh . . .


Ca hiệp lễ       x. Lc 4,18-19
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi,
Người sai tôi đi rao giảng tin vui cho người nghèo khó,
công bố năm hồng ân của Chúa (MPS. Alleluia.).


Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa tái tạo chúng con bởi cùng một tấm Bánh
và nâng đỡ chúng con bằng một niềm trông cậy,
xin cũng ban sức mạnh cho chúng con nhờ ân sủng Chúa,
để khi trở nên một thân thể và một tinh thần trong Chúa Kitô,
chúng con được cùng Người sống lại vinh quang.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


Phép lành trọng thể
Xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em.
Đ. Amen.

Xin Người chiếu sáng tôn nhan Người trên anh chị em
và tỏ lòng thương xót anh chị em.
Đ. Amen.

Xin Người ghé mắt nhìn đến anh chị em
và ban bình an cho anh chị em.
Đ. Amen.

Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng
là Cha và Con
+ và Thánh Thần,
xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.

Đ. Amen.


 
Bản văn phụng vụ trong Năm Thánh 2025: từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến ngày 6 tháng 1 năm 2026
do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn ngày 13/5/2024 (Prot. n. 276/24).

Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.

 
THÁNH LỄ TRONG NĂM THÁNH

Thánh lễ trong Năm Thánh được cử hành với lễ phục phù hợp với ngày hoặc mùa phụng vụ bất cứ khi nào có các Lễ đặc biệt được tổ chức vào dịp Năm Thánh, ngoại trừ các ngày Lễ Trọng, các Chúa nhật và Lễ Kính, các ngày trong Tuần Thánh, Tam Nhật Thánh, các ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh, các ngày trong tuần của Mùa Vọng từ ngày 17 tháng 12 đến hết ngày 24 tháng 12, các ngày trong Tuần Bát nhật Giáng sinh, Lễ cầu cho Các Tín hữu đã qua đời và Thứ Tư Lễ Tro.

B

Ca nhập lễ      x. Tv 90 (89),1-2
Lạy Chúa, Chúa là nơi ẩn náu của chúng con,
từ đời nọ đến đời kia;
từ đời nọ đến đời kia, Chúa luôn hiện hữu. (MPS. Alleluia.).


Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, khi thời gian viên mãn,
Chúa đã sai Con Chúa đến thế gian
làm Đấng Cứu Độ chúng con,
xin cho chúng con, khi lữ hành qua dòng lịch sử,
được ánh sáng mầu nhiệm vượt qua của Người
dẫn đưa chúng con đến gặp Chúa
là niềm hy vọng duy nhất của chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô
Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.


Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa,
xin thương nhận hiến lễ chúng con dâng trên bàn thờ
khi hân hoan cử hành Năm Thánh,
để chúng con được thông phần
vào sự sống vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng con, Đấng đã dùng cái chết của Người
mà cứu chúng con khỏi sự chết,
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


Kinh Tiền tụng: Chúa Kitô, niềm hy vọng đích thực của chúng con.
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Đ. Thật là chính đáng.

Lạy Chúa là Cha chí thánh,
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo
và đem lại ơn cứu độ cho chúng con,

nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Người là Con Chúa, được sinh ra trước mọi thời gian,
đã được Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh trong thời gian,
và được xức dầu bởi Thánh Thần,
đã nhân danh Chúa công bố một năm hồng ân,
mang lại an ủi cho người đau khổ,
giải thoát cho kẻ bị giam cầm,
ơn cứu rỗi và bình an cho toàn thể nhân loại.

Người là niềm hy vọng đích thực duy nhất,
vượt trên mọi hy vọng của con người,
tỏa sáng trong mọi thời đại.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,
chúng con ca ngợi Chúa và không ngừng tung hô rằng:

Thánh, Thánh, Thánh . . .


Ca hiệp lễ       Tt 2,12-13
Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức trong thời đại này,
đang khi mong đợi niềm hy vọng hồng phúc
và sự xuất hiện của vinh quang Thiên Chúa (MPS. Alleluia.).


Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bàn tiệc thánh,
xin thánh hóa chúng con,
và qua mầu nhiệm Hội Thánh Chúa,
xin cho tất cả các quốc gia
được vui mừng đón nhận ơn cứu rỗi
đã được hoàn tất trên Thánh Giá của Con Một Chúa,
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


Phép lành trọng thể
Lạy Chúa, xin ở gần những ai kêu cầu Chúa,
và nhân từ bảo vệ những ai trông cậy vào lòng Chúa xót thương,
để họ trung thành trong nếp sống thánh thiện,
và được no đầy ân lộc trên đời tạm này,
họ cũng nên người thừa hưởng trọn vẹn
lời hứa của Chúa cho đến muôn đời.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ. Amen.

Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng
là Cha và Con
+ và Thánh Thần,
xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.

Đ. Amen.
 
Bản văn phụng vụ trong Năm Thánh 2025: từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến ngày 6 tháng 1 năm 2026
do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn ngày 13/5/2024 (Prot. n. 276/24).

Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.



THÁNH LỄ TRONG NĂM THÁNH
 
Thánh lễ trong Năm Thánh được cử hành với lễ phục phù hợp với ngày hoặc mùa phụng vụ bất cứ khi nào có các Lễ đặc biệt được tổ chức vào dịp Năm Thánh, ngoại trừ các ngày Lễ Trọng, các Chúa nhật và Lễ Kính, các ngày trong Tuần Thánh, Tam Nhật Thánh, các ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh, các ngày trong tuần của Mùa Vọng từ ngày 17 tháng 12 đến hết ngày 24 tháng 12, các ngày trong Tuần Bát nhật Giáng sinh, Lễ cầu cho Các Tín hữu đã qua đời và Thứ Tư Lễ Tro.

C

Ca nhập lễ      Tt 3, 5.7
Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta qua phép rửa tái sinh
và đổi mới trong Thánh Thần,
để khi được nên công chính nhờ ân sủng của Người,
chúng ta trở thành những người thừa hưởng niềm hy vọng
được sống đời đời. (MPS. Alleluia.).


Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, qua người Con Một của Chúa,
Chúa ban cho nhân loại
phương dược cứu rỗi và hồng ân sự sống vĩnh cửu,
xin cho tất cả những ai đã được tái sinh trong Chúa Kitô
biết ước muốn và có khả năng thực hiện
những điều Chúa truyền dạy,
để đoàn dân được gọi vào Vương quốc của Chúa
luôn vững vàng trong đức tin, vui mừng trong đức cậy
và nhiệt thành trong đức mến.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô
Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.


Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô,
niềm hy vọng duy nhất của chúng con,
Đấng đã nộp mình làm giá chuộc cho muôn dân,
để nhờ Người, từ khi mặt trời mọc lên cho đến khi lặn xuống,
Danh Chúa được tôn vinh giữa các dân tộc
và ở khắp nơi,
một hiến lễ duy nhất được dâng lên Chúa uy linh.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.


Kinh Tiền tụng: Chúa Kitô, là Thiên Chúa và là con người, là Đấng cứu độ mọi người
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Đ. Thật là chính đáng.

Lạy Chúa là Cha chí thánh,
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo
và đem lại ơn cứu độ cho chúng con,

nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Vì nơi Người, những lời Chúa hứa từ xưa đã được ứng nghiệm,
bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng,
thế giới được tái sinh và nhân loại được tái tạo.

Qua cuộc hiến tế một lần duy nhất trên Thánh giá,
Người muốn đoàn con Chúa đang tản mác khắp nơi,
được quy tụ tất cả trong cùng một gia đình.
Người là trưởng tử giữa muôn người,
và khi được đưa lên cao trong vinh quang,
Người đặt trước mặt chúng con
niềm hy vọng về niềm vui vĩnh cửu.

Vì thế, lạy Chúa, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,
chúng con tạ ơn Chúa, và hân hoan tung hô rằng:

Thánh, Thánh, Thánh . . .


Ca hiệp lễ       Mt 28,20
Chúa phán: Này, Ta ở cùng các con
mọi ngày cho đến tận thế (MPS. Alleluia.).


Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con đã được mạnh sức nhờ Bánh từ trời,
xin cho chúng con luôn gắn kết với Tin Mừng sự sống,
để trở thành chất men mang lại sự sống
và nên phương tiện cứu rỗi cho gia đình nhân loại.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.


Phép lành trọng thể
Nguyện xin bình an của Thiên Chúa,
sự bình an vượt trên mọi trí hiểu,
giữ tâm trí anh chị em trong sự nhận biết
cũng như trong tình yêu của Thiên Chúa,
và của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Đ. Amen.

Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng
là Cha và Con
+ và Thánh Thần,
xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.

Đ. Amen.


 
Bản văn phụng vụ trong Năm Thánh 2025: từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến ngày 6 tháng 1 năm 2026
do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn ngày 13/5/2024 (Prot. n. 276/24).

Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.



THÁNH LỄ TRONG NĂM THÁNH

Trong Mùa Vọng, Giáng sinh, Mùa Chay và Phục sinh, sử dụng các bài đọc của ngày trong tuần cho  phần Phụng vụ Lời Chúa.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Mùa Thường niên)

 
Bài đọc I (tùy chọn)
A  Is 61,1-3a, 6a, 8b-9
Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo tin vui cho những người bé mọn,
và trao cho họ dầu hân hoan.

Bài đọc trích từ Sách Ngôn sứ Isaia
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu cho tôi;
Người sai tôi đi loan báo tin vui cho những người bé mọn,
chữa lành những tâm hồn tan vỡ,
công bố lệnh ân xá cho những người bị giam cầm
và giải thoát cho các tù nhân,
loan báo một năm hồng ân của Chúa
và ngày báo thù của Thiên Chúa chúng ta,
để an ủi tất cả những ai than khóc;
để đặt trên những người đang than khóc ở Sion
một vương miện thay cho tro bụi,
trao đến họ dầu vui mừng thay cho than khóc,
chiếc áo choàng vinh quang thay cho tinh thần sầu muộn.

Chính các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Chúa,
là thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta.

Ta sẽ thưởng công xứng đáng cho chúng,
Ta sẽ lập giao ước bền vững với chúng.
Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các quốc gia,
và con cháu chúng sẽ được biết đến nơi các dân tộc;
Mọi người thấy chúng sẽ nhìn nhận chúng
là giống nòi được Chúa chúc phúc.
Đó là Lời Chúa.

HOẶC B  Rm 5, 5-11
Tình yêu của Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta.
Bài đọc trích từ Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma
Anh chị em thân mến,
Đức trông cậy không làm chúng ta thất vọng,
vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta
nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta.
Vì ngay khi chúng ta còn yếu đuối, vào thời đã định,
Đức Kitô đã chết vì những người có tội.
Hiếm có ai chết vì người công chính,
họa chăng mới có người dám chết vì một người tốt lành.
Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta,
là trong khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.
Bây giờ, chúng ta đã được nên công chính
nhờ máu huyết của Người,
thì trong tương lai, cũng chính nhờ Người
chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ.
Vì khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Thiên Chúa,
chúng ta đã được giao hòa với Người nhờ cái chết Con của Người,
thì hơn thế nữa, khi đã được hòa giải,
chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người.
Không những thế, chúng ta cũng vui mừng trong Thiên Chúa
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
nhờ Người mà hiện nay chúng ta đã nhận được sự giao hòa.
Đó là Lời Chúa.


Thánh vịnh đáp ca                Tv 89 (88),21-22, 25.27
Đ. Lạy Chúa, đời đời con ca tụng tình thương Chúa,
     luôn mãi qua ngàn muôn thế hệ.

Ta đã tìm thấy Đavid, nghĩa bộc ta
đã tấn phong người bằng dầu thánh.
Chính tay Ta sẽ đỡ nâng người
tay uy hùng của Ta sẽ làm người mạnh sức. Đ.

Ta dành cho người lòng thành tín xót thương
Nhờ Danh Ta, người sẽ nên vinh hiển
Người sẽ thưa cùng Ta: “Chính Ngài là thân phụ
là Chúa của con, là núi đá cứu độ đời con.” Đ.


Tung hô Tin Mừng               Is 61,1 (trích trong Lc 4,18)
Alleluia, alleluia.
Thần Khí Chúa ngự trên tôi;
vì Người đã sai tôi đi loan báo tin vui cho người nghèo khó.
Alleluia.

Tin Mừng       Lc 4,16-21
Người sai tôi đi công bố năm hồng ân của Chúa.
+ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Khi ấy, Đức Giêsu về Nazareth là nơi Người đã được dưỡng dục
và như thường lệ, Người vào hội đường ngày Sabbat
và đứng lên đọc sách.
Người ta trao cho Người cuộn sách ngôn sứ Isaia.
Mở cuộn sách ra, Người thấy nơi chép rằng:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Người đã xức dầu cho tôi,
để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.
Người sai tôi đi công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm,
cho người mù được thấy,
kẻ bị áp bức được tự do,
và công bố một năm hồng ân của Chúa.

Người đóng cuộn sách lại,
rồi trao cho người giúp việc hội đường và ngồi xuống.
Ánh mắt mọi người trong hội đường chăm chú nhìn Người.
Người bắt đầu nói với họ:
“Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh các ông vừa nghe.”
Đó là Lời Chúa.


THÁNH LỄ TRONG NĂM THÁNH
 
Hành động thống hối


I

Lạy Chúa là Đấng khơi dậy đức tin:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Lạy Chúa Kitô là Đấng trao ban đức cậy:
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Lạy Chúa là Đấng thông truyền đức mến
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.


II

Lạy Chúa, Chúa mở mắt người mù và giải thoát các tù nhân:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Lạy Chúa Kitô, Chúa hứa ban trời mới đất mới:
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

III

Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng xua tan bóng tối:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa là cánh cửa đưa đến ơn cứu rỗi:
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng không bao giờ chấm dứt:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

IV

Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của chúng con:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con:
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là sự sống của chúng con:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

V

Lạy Chúa, Chúa là Đấng bênh vực người nghèo:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa Kitô, Chúa là nơi ẩn náu cho người yếu đuối:
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của tội nhân:
Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
 

THÁNH LỄ TRONG NĂM THÁNH

Các lời nguyện chung theo ý cộng đoàn.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

I

Lời mở đầu
Thiên Chúa là Chúa của sự sống và lịch sử,
đã ban Chúa Thánh Thần để phù trợ những người hành hương, giúp họ nhận ra những lối đường dẫn đến điều thiện
và thúc đẩy họ tuyên xưng: “Đức Giêsu là Chúa.”
Với lòng trông cậy vững vàng,
chúng ta cùng khẩn cầu Cha trên trời.

Cộng đoàn
Đ. Lạy Cha, xin nhậm lời chúng con.

Lời nguyện kết
Lạy Cha chúng con, xin nghe lời chúng con cầu nguyện,
xin cho mọi người nhận biết Cha,
là Thiên Chúa chân thật và duy nhất,
và Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô, Con Cha.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Đ. Amen.


II

Lời mở đầu
Anh chị em thân mến,
chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha,
Đấng đã mở ra cánh cổng hy vọng
và sự sống cho mọi người trong Đức Kitô.

Cộng đoàn
Đ. Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót của Chúa cho chúng con.

Lời nguyện kết
Lạy Cha, Cha ban cho chúng con niềm vui
được ở trong nhà Cha để ca hát ngợi khen danh Cha
và nhận được sức mạnh từ tình yêu của Cha;
xin ban Thánh Thần soi sáng cuộc đời chúng con
và làm cho chúng con trở thành chứng nhân
cho niềm hy vọng của Tin Mừng.
Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ. Amen. 


III
Lời mở đầu
Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe,
là nền tảng của đức tin, là lương thực của đức cậy,
và là men của đức ái huynh đệ,
chúng ta cùng cầu nguyện cho những nhu cầu của thế giới.

Cộng đoàn
Đ. Lạy Chúa, xin soi sáng và nâng đỡ chúng con trên đường trần thế.

Lời nguyện kết
Lạy Chúa là Cha chúng con,
trong Đức Kitô, Chúa ban cho chúng con chân lý để soi sáng,
con đường để bước theo, và sự sống luôn đổi mới chúng con;
xin nâng đỡ chúng con bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần,
để càng ngày chúng con càng thăng tiến
trong tình yêu của Chúa và trong niềm hy vọng
hướng về Nước Trời.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ. Amen.


IV
Lời mở đầu
Trong tâm tình tín thác và hợp nhất,
chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha,
Đấng đã kêu gọi chúng con tham dự vào niềm vui
trong Vương quốc của Người.

Cộng đoàn
Đ. Lạy Chúa, xin củng cố lòng trông cậy nơi chúng con.

Lời nguyện kết
Lạy Chúa là Cha chúng con,
Chúa đồng hành và nâng đỡ Hội Thánh
trên đường lữ thứ trần gian;
Xin ban ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần,
để khơi dậy nơi chúng con niềm hy vọng sống động,
giúp chúng con nhận ra những dấu chỉ
về sự hiện diện của Chúa
trong các biến cố của thế giới ngày nay.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ. Amen.

 
NHỮNG LỜI NGUYỆN Hành hương


thánh vịnh

Thánh vịnh 15
Thánh vịnh của vua Đavid.

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa
ai được ở trên núi thánh của Ngài?

Ấy là kẻ bước đi trọn lành
luôn làm điều ngay thẳng
bụng nghĩ sao nói vậy.

Không khoa lưỡi đặt điều,
không gây ác hại cho người
không làm ai phải hổ ngươi bao giờ.

Người ấy coi khinh ác nhân
trọng những ai kính sợ Đức Chúa,
đã thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời.

Người ấy không cho vay ăn lãi
không nhận quà hối lộ để hại kẻ ngay lành.
Ai người làm những điều này
sẽ không nao núng chuyển lay bao giờ.


Thánh vịnh 24
Thánh vịnh của vua Đavid.

Chúa là chủ trái đất cùng muôn loài muôn vật
là chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.

Người dựng nền móng địa cầu trên biển
thiết đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.

Ai là người được lên núi Chúa?
ai được đứng trong nơi Thánh của Người?

Ấy là kẻ tay sạch lòng thanh
lòng chẳng hề hướng lên ngẫu tượng
chẳng thề dối thề gian.
Người sẽ nhận phúc lành từ Đức Chúa
nhận đức công minh từ Thiên Chúa cứu độ.

Này là dòng dõi của những kẻ kiếm tìm
kiếm tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Hỡi cổng đền hãy ngẩng đầu lên
cất cao lên, hỡi cửa đền cổ kính!
Cho Đức Vua vinh hiển ngự vào.

Đức Vua vinh hiển ấy là ai?
là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng
Đức Chúa oai hùng xuất trận.

Hỡi cổng đền hãy ngẩng đầu lên
cất cao lên, hỡi cửa đền cổ kính!
Cho Đức Vua vinh hiển ngự vào.

Đức Vua vinh hiển ấy là ai?
Là Chúa các đạo binh
Chính Người là Đức Vua vinh hiển.


Thánh vịnh 84
Phần nhạc trưởng. Hoạ đàn thành Gittith.
Của gia tộc Corah. Thánh vịnh.


Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh
cung điện Ngài xiết bao khả ái!

Linh hồn con mòn mỏi khát khao
mong được vào khuôn viên nhà CHÚA,
cả trí lòng, cả tấm thân con
hướng lên Chúa Trời hằng sống mà reo vui hớn hở.

Ngay chim sẻ còn tìm được tổ ấm
và cánh nhạn cũng có chỗ đặt con
gần bên bàn thờ Chúa,
Lạy Chúa các đạo binh
là Đức Vua, là Thiên Chúa của con.
Phúc thay những ai hằng ngụ nơi nhà Chúa
Họ sẽ luôn luôn đàn hát mừng Ngài.
Phúc thay người lấy Chúa làm sức mạnh
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.

Dù phải qua lũng đầy nước mắt
họ biến nó thành mạch suối nước nguồn
phủ kín bằng mưa ân phúc chứa chan.
Họ tiến bước, càng ngày càng mạnh sức
đến diện kiến Chúa Trời trên núi Xion.

Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh
xin thương nghe lời con khẩn nguyện
xin lắng tai, lạy Chúa nhà Giacóp.
Lạy Thiên Chúa là khiên thuẫn chở che
xin đoái thương nhìn đến
gương mặt Đấng được Chúa xức dầu.

Một ngày ở khuôn viên nhà Chúa
quý hơn cả ngàn ngày,
thà làm kẻ giữ cổng Đền nhà Chúa
còn hơn được ở trong doanh trại ác nhân.

Lạy Chúa là Thiên Chúa,
là mặt trời soi chiếu, là khiên thuẫn chở che
Chúa tặng ban ân sủng với vinh quang
Chúa chẳng bao giờ từ chối ơn lành
Cho những ai sống đời trọn hảo.

Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh
phúc thay người cậy tin nơi Chúa!


Thánh vịnh 95

Nào hãy đến, ta reo hò mừng Chúa
tung hô Người, núi đá cứu độ ta.
Vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ
tung hô Người, tấu nhạc hoà ca.

Vì Đức Chúa là Chúa Trời cao cả
là vua vĩ đại trên hết mọi chư thần.
Trong tay Người, bao vực sâu lòng đất
thuộc về Người, muôn ngọn núi vút cao.
Thuộc về Chúa, này đại dương chính Chúa tạo thành
và cả lục địa do tay Người nhào nắn.

Nào hãy đến, ta cúi mình phủ phục
quỳ trước Nhan Thánh Chúa, Đấng đã dựng nên ta.
Vì chính Người là Thiên Chúa của ta
còn ta là dân Người, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa.
Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mêribah
như ngày ở Massah trong sa mạc.
Nơi tổ tiên các ngươi đã từng thách thức      
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những kỳ công Ta làm.

Bốn mươi năm trường, thế hệ ấy làm Ta chán ngán
Ta đã nói: đây là dân tâm hồn lầm lạc
chẳng chịu biết gì về đường lối của Ta.
Nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ
họ sẽ chẳng được vào chốn an nghỉ của Ta”.


Thánh vịnh 118

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân lành
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Israel hãy nói lên rằng:
tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Nhà Aharon hãy nói lên rằng:
tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng:
tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Trong gian truân tôi kêu cầu lên Chúa
Chúa đã đáp lời và mở lối cho tôi.
Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng hãi sợ gì
hỏi phàm nhân làm chi tôi được?
Chúa ở cùng tôi, giữa những người bênh đỡ
nên tôi dám nhìn thẳng những kẻ ghét ghen tôi.

Đặt niềm cậy tin nơi Chúa
thì hơn tin tưởng ở người trần.
Đặt niềm cậy tin nơi Chúa
thì hơn tin tưởng kẻ chức trọng quyền cao.

Hết thảy chư dân bủa vây tôi
nhờ Danh Chúa, tôi đã trừ diệt họ.
Họ bủa vây tôi, vâng họ bủa vây tôi
nhờ Danh Chúa, tôi đã trừ diệt họ.
Họ bủa vây tôi như thể bầy ong
rồi như lửa bụi gai tắt lịm
nhờ Danh Chúa, tôi đã trừ diệt họ.

Các người xô đẩy tôi, hòng làm tôi quỵ ngã
nhưng Chúa đã thương phù trợ tôi.
Chúa là sức mạnh, là bài ca của tôi
Chính Người là ơn cứu độ đời tôi.
Tiếng reo hò mừng ơn cứu độ
trong lều trại những kẻ chính nhân
tay hữu Chúa đã ra oai thần lực.

Tay hữu Chúa đã giương cao
tay hữu Chúa đã ra oai thần lực.
Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống
và kể lại bao kỳ công Chúa làm.
Sửa phạt tôi, Chúa đã sửa phạt tôi
nhưng đã chẳng để tôi phải chết.

Cửa công chính, xin hãy mở cho tôi
tôi sẽ tiến vào tạ ơn Đức Chúa.
Đây chính là cửa nhà Đức Chúa
Những kẻ công chính sẽ được bước vào.
Con xin tạ ơn Chúa, vì Chúa đã đáp lời
vì Chúa là nguồn ơn cứu độ của con.

Viên đá bị thợ xây loại bỏ
đã trở nên đá đỉnh góc tường.
Đây chính là công trình của Chúa
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đây là ngày Chúa đã làm ra
nào ta hãy mừng vui hoan hỷ.

Lạy Chúa, con khấn xin Ngài thương cứu độ
Lạy Chúa, khấn xin Ngài thương giúp thành công.
Nguyện Chúa ban phúc lành,
cho người tiến vào đây nhân Danh Chúa
tự nhà Chúa, tôi chúc lành cho hết thảy anh em.
Đức Chúa là Thiên Chúa, Người giãi sáng trên ta.

Hãy tiến dâng lễ vật, đến bên cạnh bàn thờ.
Chính Ngài là Thiên Chúa của con
con xin cảm tạ Ngài,
lạy Thiên Chúa của con, con xin tán dương Ngài.
Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân lành
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.


Thánh vịnh 122
Ca khúc lên Đền của Đavid

Tôi vui mừng khi nghe nói với tôi:
“Nào ta trẩy lên Đền Thánh Chúa!”
Và giờ đây chân ta đã đứng
trong cửa thành ngươi, hỡi Giêrusalem.

Giêrusalem được xây như đô thị
hợp nhất nên nguyên khối vẹn toàn.
Mọi chi tộc, chi tộc của Chúa
hướng về thành thánh trẩy hội lên Đền.
Như lệnh đã truyền cho Israel  
để dâng lời tạ ơn Danh Chúa.
Chính tại nơi thành đặt ngai xét xử
ngai vàng của vương triều Đavid.

Hãy cầu chúc Giêrusalem thái bình:
“Nguyện thân hữu của thành luôn thịnh đạt
Trong tường thành luôn được thái bình
và lâu đài dinh thự mãi an ninh”.

Vì anh em, vì bao bằng hữu
tôi nguyện chúc thành đô mãi thái bình.
Vì Đền Thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta
nguyện chúc thành muôn sự an lành.



Thánh vịnh 136

Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân lành
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Hãy tạ ơn Thần các thần
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Hãy tạ ơn Chúa các chúa
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Chỉ mình Người làm nên những kỳ công vĩ đại
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa tạo dựng trời cao cách khôn ngoan
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa đặt trái đất trên làn nước thẳm
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Chúa tạo ra những đèn trời to lớn
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Cho thái dương cai quản ban ngày
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Đặt trăng sao cai quản ban đêm
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.


Chúa sát hại các con đầu lòng Aicập
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Dẫn Israel ra khỏi xứ họ
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Giang cánh tay mạnh mẽ oai hùng
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Chúa phân rẽ nước Biển Đỏ làm đôi
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Cho Israel băng qua lối giữa
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa lật nhào Pharaô cùng binh tướng giữa lòng Biển Đỏ
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa sát hại bao thủ lãnh hùng cường
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa tiêu diệt bao quân vương mạnh mẽ
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Này Sikhôn, vua của dân Amôri
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Này vua Og, trên toàn cõi Basan
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.

Đất đai họ, Chúa ban làm gia sản
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Gia sản cho dân Người là Israel
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa nhớ đến ta giữa cảnh cơ cùng
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa giải thoát ta khỏi tay kẻ thù
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Chúa ban lương thực cho hết thảy chúng sinh
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.
Hãy tạ ơn Chúa cả trên trời
vì tình thương Chúa đến muôn đời muôn thuở.



kinh cầu các thánh

Có thể thêm vào kinh cầu một số tên các thánh, đặc biệt là thánh tước hiệu nhà thờ hoặc bổn mạng của Giáo hội địa phương.

Xin Chúa thương xót chúng con.                            Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.                   Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.                            Xin Chúa thương xót chúng con.



Chúa Kitô nghe cho chúng con.                              Chúa Kitô nghe cho chúng con.
Chúa Kitô nhậm lời chúng con.                              Chúa Kitô nhậm lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời
            là Đức Chúa Trời thật.                                  Thương xót chúng con.
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế
            là Đức Chúa Trời thật.                                 Thương xót chúng con.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.     Thương xót chúng con.
Ba ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.                     Thương xót chúng con.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời,                          Cầu cho chúng con.
Thánh Micae,                                                             Cầu cho chúng con.
Các Thánh thiên thần của Thiên Chúa,                  Cầu cho chúng con.



Thánh Gioan Tẩy Giả,                                              Cầu cho chúng con.
Thánh Giuse,                                                             Cầu cho chúng con.



Thánh Phêrô và thánh Phaolô,                                Cầu cho chúng con.
Thánh Anrê,                                                              Cầu cho chúng con.
Thánh Gioan,                                                            Cầu cho chúng con.
Các Thánh Tông đồ và Thánh Sử của Thiên Chúa,          Cầu cho chúng con.


Thánh nữ Maria Mađalêna,                                     Cầu cho chúng con.
Các Thánh môn đệ của Chúa,                                 Cầu cho chúng con.


Thánh Stêphanô,                                                       Cầu cho chúng con.
Thánh Ignaxiô thành Antiôkia,                               Cầu cho chúng con.
Thánh Laurensô,                                                       Cầu cho chúng con.

Thánh nữ Perpêtua và Fêlicita,                               Cầu cho chúng con.
Thánh nữ Anê                                                           Cầu cho chúng con.
Các Thánh Tử đạo của Chúa Kitô,                         Cầu cho chúng con.


Thánh Grêgôriô,                                                       Cầu cho chúng con.
Thánh Augustinô,                                                     Cầu cho chúng con.
Thánh Athanasiô,                                                     Cầu cho chúng con.
Thánh Basiliô,                                                           Cầu cho chúng con.
Thánh Martinô,                                                         Cầu cho chúng con.
Thánh Bênêđictô,                                                     Cầu cho chúng con.



Thánh Phanxicô,                                                       Cầu cho chúng con.
Thánh Đôminicô,                                                      Cầu cho chúng con.

Thánh Phanxicô Xaviê,                                           Cầu cho chúng con.
Thánh Philipphê Nêri,                                              Cầu cho chúng con.

Thánh Gioan Maria Vianney,                                 Cầu cho chúng con.
Thánh nữ Catarina thành Siênna,                           Cầu cho chúng con.
Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu,                                 Cầu cho chúng con.
Các Thánh tử đạo Việt Nam                                    Cầu cho chúng con.
Các Thánh nam nữ của Thiên Chúa,                      Cầu cho chúng con.


Xin Chúa rủ lòng thương xót,                                 Xin Chúa giải thoát chúng con.
Xin giải thoát chúng con khỏi sự dữ,                     Xin Chúa giải thoát chúng con.
Xin giải thoát chúng con khỏi tội lỗi,                     Xin Chúa giải thoát chúng con.

Xin giải thoát chúng con khỏi chết đời đời,          Xin Chúa giải thoát chúng con.
Vì Chúa đã nhập thể,                                                Xin Chúa giải thoát chúng con.
Vì Chúa đã chịu chết và sống lại,                           Xin Chúa giải thoát chúng con.
Vì Chúa đã cho Chúa Thánh Thần xuống,             Xin Chúa giải thoát chúng con.



Chúng con là kẻ có tội.                                            Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xin Chúa an ủi và soi sáng Hội Thánh Chúa.      Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xin Chúa bảo vệ Đức Giáo hoàng,
            các giám mục và tất cả
            các thừa tác viên của Tin Mừng Chúa.      Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xin Chúa sai thêm nhiều thợ mới
            vào vườn nho của Chúa.                              Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xin Chúa ban công lý và hòa bình
            cho toàn thể thế giới.                                    Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xin Chúa nâng đỡ và an ủi tất cả những ai
            đang chịu thử thách và đau khổ.                 Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xin Chúa gìn giữ và củng cố tất cả
            những người đã được thánh hiến
            trong việc phụng sự Chúa.                          Xin Chúa nghe lời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,                                                       Lạy Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa hằng sống,                                    Con Thiên Chúa hằng sống,
xin nghe lời chúng con cầu nguyện.                      xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

 

Bản dịch Thánh vịnh của Ủy ban Kinh Thánh | HĐGMVN.
Bản dịch Kinh Cầu Các Thánh của Ủy ban Phụng tự | HĐGMVN.


Tài liệu 1: Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025
Tài liệu 2: Ban Ân Xá
Tài liệu 3: Nghi thức Khai mạc Năm Thánh 2025
Tài liệu 4: Nghi thức Bế Mạc Năm Thánh 2025
Tài liệu 5: Thánh lễ trong Năm Thánh 2025
Tài liệu 6: Hành hương Năm Thánh 2025

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây