TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chủ ơi! Xin gặp em ở tâm dịch... nhé!

Thứ năm - 22/07/2021 22:23 | Tác giả bài viết: PM. Cao Huy Hoàng |   794
Quả thực, con người ắt tử, sự chết là chắc chắn, mà giờ chết thì bất ngờ. Vì thế, Chúa bảo hãy “tỉnh thức và sẵn sàng” để đón Người đến.
Một nữ tu chuẩn bị vào vùng dịch
Một nữ tu chuẩn bị vào vùng dịch

Chủ ơi, nếu có về, xin gặp em ở tâm dịch

Với các Ki-tô hữu Công Giáo, sống là để chuẩn bị cho cái chết và sự sống lại, để được sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Vì thế, chết chưa phải là chấm dứt đời người, nhưng lại là bước chuyển tiếp quan trọng: đó là đón Chúa đến để đưa con người vào sự sống mới. Chết là một phần quý giá trong hành trình, vì nếu không chết, sẽ không có sống lại, và chẳng có đời sau! Có người nói vui rằng: cái chết đáng quý, vì nếu không có nó, thế giới này loạn ngay, con người còn mãi ác!

Quả thực, con người ắt tử, sự chết là chắc chắn, mà giờ chết thì bất ngờ. Vì thế, Chúa bảo hãy “tỉnh thức và sẵn sàng” để đón Người đến. Tỉnh thức không phải là hoang mang, bàng hoàng, lo sợ, nhưng là nhận biết sự chết là có thật, không tránh khỏi. Sẵn sàng là chuẩn bị cho sự chết, cho giờ Chúa đến, cho chuyến đi xa. Đã tỉnh thức thì phải sẵn sàng. Nói tỉnh thức mà không sẵn sàng là người liều lĩnh đánh mất ý nghĩa quý giá của sự chết, và chứng tỏ không tha thiết gì với sự sống lại và sự sống đời sau trong Nước Thiên Chúa.

Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mt 24,42-51 cho chúng ta biết sẵn sàng là luôn luôn chu toàn việc của chủ đã giao phó là: “phân phát lương thực cho đời”.

Những ngày này, Covid hoành hành trên khắp cả nước, mà trọng điểm là TP Sài Gòn! Có người bảo tỉnh thức và sẵn sàng là phải chuẩn bị tylenol, dầu gió, chanh gừng sả mật ong, mì gói, rau củ quả, gạo mắm dầu ăn đường tiêu bột ngọt… Hóa ra có vẻ như không phải chuẩn bị cho cái chết, cho Chúa đến, mà là chuẩn bị cho sự sống còn trong hồi sinh tử.

Có câu chuyện ở nhà quê rằng: Hai ông già tập thể dục trong sân nhà mình. Ông cố của bà sơ, đứng phía bên sân nhà nói qua: “Hôm qua, có 430 tu sĩ Công Giáo tình nguyện tham gia chăm sóc bệnh nhân covid ở các bệnh viện. Có bà sơ con út tui nữa. Lo quá lo. Sợ quá sợ. Bệnh viện là ổ dịch đó”. Ông già bên này, nghe vậy, ngẫm một tí, rồi trả lời: “Ông ơi, nếu có soeur nào dính covid mà phải mất mạng, thì phúc cho soeur ấy biết dường nào, vì ông chủ về nhìn thấy soeur ấy ‘đang ban phát lương thực cho đời’, ‘đang ban phát tình thương cho bệnh nhân covid’. Bà sơ út con ông là nhất rồi, biết chửa?”. “À há….!”.  Ông cố của bà sơ chân thấp chân cao, chấm phảy bước vào nhà. Lòng tự nhủ, nghe, mà thương út quá!

Hóa ra, tỉnh thức không phải là lo sợ, là sợ chết, là sợ nhiễm covid, nhưng tỉnh thức là bình thản tín thác, và sẵn sàng chu toàn bổn phận mà ông chủ đã giao. Bổn phận ấy là “ban phát lương thực cho tôi trai, tớ gái, là yêu người, là lo cho người có cái ăn, cái sống, cái yêu thương, cái an ủi, cái hy vọng, nhất là trong phút sinh tử này.

Vâng, sẵn sàng là luôn làm việc yêu người, luôn ở trong tình trạng ban phát, sẻ chia, cho đi lòng thương của Thiên Chúa:

- cho đi một chút chạnh lòng với những con người cùng khổ chúng quanh ta

- cho đi một cái khẽ chạm xuống những thương tích cuộc đời hôm nay, nợ nần, thất nghiệp, đói khát, thiếu thốn

- cho đi một ánh nhìn thông cảm những ai lỡ lầm lạc bước, chán nản, trách móc kêu trời khóc đất

- cho đi một nụ cười hy vọng nơi những tâm hồn buông xuôi mất phương hướng thất vọng ê chề

- cho đi một chén nước cầm hơi, một bó rau, một gói mì, một ổ bánh, một viên thuốc cho những người đang cách ly rất gần mà như xa vời vợi

- cho đi một nhiệt tình chăm sóc những bệnh nhân trên giường bệnh, đã không tự lo được cho mình, mà còn lo lắng cho cả nhà ngoài kia buồn thúi ruột vì chẳng thấy tăm hơi tin tức của mình

- cho đi những giọt mồ hôi nước mắt lắng lo, cầu mong cho người kịp có thuốc men, có máy thở mà qua cơn nguy kịch

- cho đi một lời nguyện thầm cho người hấp hối nấc nghẹn những hơi thở cuối đời trước mắt những người thân mà cả đời mình chưa hề quen biết

- cho đi cái vuốt mắt tiễn đưa người đi với lời cầu xin thượng lộ bình an về đến bến bờ vĩnh cửu

- cho đi… cho đi… cho đi…

- cho đi lời nguyện xin Chúa khoan hồng đại lượng thứ tha và đón nhận linh hồn người vào cung lòng xót thương của Thiên Chúa.

Chủ ơi! nếu có về, xin gặp em ở tâm dịch… nhé!

Lạy Chúa, xin cho các gia đình, cho mọi người luôn tín thác, bình an, sống yêu thương, và chia sẻ sự sống cho người, cho đời. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 22/07/2021

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 24, 42-51).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Nguồn: https://www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây