TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khi khoa học tái khám phá Thiên Chúa

Thứ sáu - 23/07/2021 11:41 |   989
Những khám phá khoa học mang tính cách mạng của thế kỷ 20 đã thay đổi cái nhìn của chúng ta về thế giới: chúng tạo “sự tái phấn khởi của thế giới,” cho phép khoa học và tôn giáo tái hợp sau hai thế kỷ xa cách
Khi khoa học tái khám phá Thiên Chúa

Khi khoa học tái khám phá Thiên Chúa

Ảnh, Tạo dựng ông Adong, The Creation of Adam, Michelangelo, Wikipedia

fr.aleteia.org, Jean Staune, 2021-07-14

Những khám phá khoa học mang tính cách mạng của thế kỷ 20 đã thay đổi cái nhìn của chúng ta về thế giới: chúng tạo “sự tái phấn khởi của thế giới,” cho phép khoa học và tôn giáo tái hợp sau hai thế kỷ xa cách.

Năm 2000 khi thay đổi thế kỷ, 200 nhà khoa học được hỏi, họ sẽ nhớ gì về thế kỷ 20, họ trả lời: thứ nhất, con người đặt chân lên mặt trăng; thứ hai, hạt nhân, thứ ba, con người chứng minh về sự tồn tại của sự không phân tách lượng tử (nghịch lý EPR, tên tắt của Einstein-Podolsky-Rosen); thứ tư, Thế chiến thứ hai, Stalin, Hitler và 50 triệu người chết. Làm thế nào người ta có thể nghĩ một một thí nghiệm vật lý trong bóng tối, ít người biết đến lại có thể đánh dấu nhân loại nhiều hơn cái chết của 50 triệu người? Tuy nhiên, đây là những gì đã xảy ra trong quá khứ: năm 1348, trận dịch hạch đen đã giết chết hơn một phần ba dân số châu Âu trong vài năm (1348-1352), và thế giới đã quên nó, nhưng thế giới lại biết tên của Copernicus và Galileo. Vụ Galileo có vẻ chỉ liên quan đến các chuyên gia, nhưng nó có tác động lớn gấp trăm lần so với sự biến mất của một phần ba dân số. Bài học mà chúng ta cần rút ra từ điều này là, về lâu dài, những cuộc cách mạng thực sự duy nhất là những thay đổi về quan điểm của thế giới.

Một “sỉ nhục gấp ba của con người”

Theo Freud: “Với Copernicus con người không còn ở trọng tâm thế giới, mà ở trên một hành tinh xoay chung quanh một ‘ngôi sao ngoại ô’, nằm ở 2/3 bán kính của một thiên hà bị mất trong số hàng tỷ thiên hà. Với Darwin, con người không còn là trọng tâm của thiên nhiên, đó là con khỉ đã được cải thiện phần nào. Với tôi, Freud, con người không còn là trọng tâm của chính mình nữa, vì vô thức quan trọng hơn ý thức”. Sự sỉ nhục gấp ba lần này của con người đến từ khoa học, kiến thức, những thứ cũng đã cung cấp cho chúng ta vắc xin, điện, mức sống hiện tại của chúng ta, v.v. Bạn không thể bác bỏ tiến bộ hay khoa học, nhưng đây là nguyên nhân của chủ nghĩa duy vật ở phương Tây, và tôi thách thức bạn tìm ra những nguyên nhân nào đóng một vai trò lớn hơn vai trò này.

Cái nhìn của nhà khoa học

Chúng ta không nên tìm kiếm nơi khác những nền tảng của chủ nghĩa duy vật, sự bỏ quên Chúa và sự đánh mất ý nghĩa của xã hội phương Tây, vì những khám phá khoa học có tác động to lớn đến những ý tưởng thống trị thế giới. Tác động này thường bị trì hoãn cho đến khi xã hội nhận ra ý nghĩa triết học của những khám phá này, nhưng đó là một tác động cực kỳ sâu sắc, không giống bất kỳ tác động nào khác, và đó là lý do tại sao ngày nay điều quan trọng là phải nhận ra những tiến bộ khoa học của thế kỷ 20 trong mọi lĩnh vực của kiến thức, đã cải tổ lại các lá bài và thay đổi hoàn toàn các dữ liệu của vấn đề về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo.

Sự vỡ mộng của thế giới đến từ chính kiến thức.

Theo quan điểm cổ điển của “nhà khoa học”, vũ trụ có thể hoàn toàn xác định được và giải thích được. Nó không có bắt đầu, cũng không có kết thúc, nó hoàn toàn có thể xác định được và có thể giải thích được. Đó là vũ trụ của nhà toán học thế kỷ 18, Pierre-Simon Laplace, một bộ máy vĩ đại có khả năng tự cung tự cấp. Hoàng đế Napoléon hỏi: “Còn Chúa trong tất cả những điều này?” Laplace trả lời: “Thưa Ngài, tôi không cần tiền đề này.” Trong lãnh vực sự sống, các đột biến và chọn lọc tự nhiên có thể giải thích một cách hoàn hảo sự xuất hiện và phát triển sự sống. Ý thức, trí tưởng tượng có thể được giải thích là các quá trình hóa học và thuật toán. Sự vỡ mộng của thế giới đến từ chính kiến thức.

Charles Percy Snow, nhà văn lớn người Anh đã nói: “Có một hố sâu giữa hai nền văn hóa,” văn hóa mang ý nghĩa, văn hóa truyền thống và tôn giáo, và văn hóa khoa học kỹ thuật, mà chúng ta không thể bỏ qua. Theo nhà sinh học phân tử  François Crick, “giả thuyết đáng kinh ngạc là bạn, niềm vui và nỗi buồn của bạn, các kỷ niệm và tham vọng của bạn, ý thức rằng bạn có bản sắc và có ý chí tự do, không gì khác hơn là hành vi của một tập hợp lớn các tế bào thần kinh và các phân tử kết nối. Như nhân vật Alice trong tiểu thuyết của Lewis Caroll nói: “Bạn không gì khác ngoài một bó tế bào thần kinh” (Giả thuyết kinh ngạc, L’hypothèse stupéfiante, nxb. Plon, 1995)

Quên Chúa

Chúng ta cũng không nên tìm nơi khác những nền tảng của chủ nghĩa duy vật, sự bỏ quên Chúa. Vì sao con người không còn tin Chúa nữa?

Chúng ta luôn có đau khổ, chúng ta luôn gặp bất công: không có nguyên nhân nào quan trọng hơn cho việc mất đức tin ở phương Tây cho bằng cái nhìn về con người và về thế giới được hiện đại và khoa học đưa ra, thể hiện một cách hoàn hảo bằng những từ như: “Tương lai chờ con người là tương lai của cậu bé đua robot của tương lai” (Marvin Minsky); “Cuộc sống là một vật liệu tự quản lý” (Henri Caillavet); “Con người không thể tự lừa bởi hy vọng mình sẽ tham dự vào bất cứ điều gì vượt quá mình. Cuối cùng, con người biết con người chỉ một mình trong cái dửng dưng bao la vô tận của vũ trụ mà nó xuất hiện một cách tình cờ ” (Jacques Monod trong Tình cờ và Cần thiết, Le Hasard et la Nécessité, nxb. Le Seuil, 1970); “Chúng ta càng hiểu nhiều về thế giới thì với chúng ta, dường như nó càng trở nên vô nghĩa” (Ba phút đầu tiên của vũ trụ, Les trois premières minutes de l’Univers, Steven Weinberg, nxb. Le Seuil, 1978).

Những người ủng hộ toàn bộ trường phái tư tưởng về sự vỡ mộng của thế giới, về sự phá hoại con người đều cuối cùng nói với chúng ta, con người không là gì và vũ trụ không là gì cả, họ tự nhận ra vào cuối con đường, chỉ có tuyệt vọng tuyệt đối, nhưng họ nói, chúng ta phải có sáng suốt để chấp nhận nó. “Tôi có khuynh hướng tin rằng chúng ta chẳng là gì ngoài những mảnh gỗ vụn trôi trên mặt biển” (Jim Peebles, được Steven Weinberg trích dẫn, Giấc mơ của một lý thuyết tối thượng, Le Rêve d’une théorie ultime, Odile Jacob, 1997). Khi chúng ta đã đạt đủ tiến bộ để giải thích cho chúng ta hiểu bằng các thuật ngữ máy móc này, kết quả mà chúng ta phải đối diện có thể không dễ dàng chấp nhận. Do đó, có vẻ thích hợp để kết thúc quyển sách này cũng như khi nó bắt đầu, với lời tiên đoán u tối của nhà văn Albert Camus:

“Một thế giới có thể được giải thích, được hợp nhất vì những lý do sai lầm, là một thế giới quen thuộc. Nhưng ngược lại, trong một thế giới không có ảo tưởng và ánh sáng, con người cảm thấy mình là người xa lạ. Sự lưu đày của con người là không thể cứu vãn, vì con người bị tước đi ký ức về ngôi nhà đã mất hay về hy vọng của một đất hứa. Thật không may, điều này là chính xác, nhưng chúng ta vẫn còn khoảng một trăm năm.” (Môn Sinh học Xã hội, La sociobiologie, Edward Wilson, nxb. Éditions du Rocher, 1987).

“Chủ nghĩa nhân văn duy vật chỉ có thể thất bại”, Saint-Exupéry nói một cách trực giác, nhưng chúng ta không bám rễ vào xác tín này mà không dựa trên nhãn quan hợp lý và khoa học giúp cho việc chứng minh sự phù hợp giữa khoa học và tôn giáo. Đây là vấn đề cơ bản. Nếu mọi người tin rằng cuộc sống chỉ là một vật chất để quản lý, rằng chúng ta giống như những mảnh gỗ trôi dạt trên biển, thì tất cả những gì chúng ta có thể biện hộ sẽ trôi qua tâm trí như nước đổ là môn. Nó sẽ không thể bắt rễ.

 Một giới hạn tuyệt đối cho kiến thức

Trong lĩnh vực vật chất, vật lý lượng tử đã quét đi tuyên bố của nhà toán học Laplace và những người theo chủ nghĩa thực chứng khi tưởng tượng mình có thể giải thích mọi thứ bằng một mô hình xác định luận và duy vật: ngày nay chúng ta biết theo nguyên lý bất định của vật lý gia Werner Heisenberg, có một giới hạn tuyệt đối với kiến thức mà chúng ta có thể có về thế giới xung quanh (chúng ta không thể xác định chính xác vừa tốc độ và vị trí của một hạt), và qua kinh nghiệm, chúng ta biết giao tiếp tức thời của hai hạt ở xa nhau (không thể tách rời, hoặc Nghịch lý EPR) thì có một thực tại ngoài không-thời gian: vũ trụ không thể tự giải thích được, nó không đủ bản thể học.

Bằng cách thể hiện đặc tính phi bản thể học của mức độ thực tại của chúng ta, các kinh nghiệm như kinh nghiệm không thể tách rời đã mở lại những con đường triết học mà chúng ta nghĩ đã đóng cửa.

Vật chất là gì? Cơ sở của nó là gì? Năm 1926, vật lý gia Werner Heisenberg đã chứng minh, nếu chúng ta biết chính xác vị trí của một hạt thì chúng ta không thể biết được tốc độ của nó, và ngược lại. Có một sự không chắc chắn cơ bản liên quan đến từng hạt của vũ trụ: nó hoàn toàn ngược lại với những gì nhà toán học Laplace nghĩ, đã ước tính theo quan điểm xác định của ông, rằng nếu chúng ta có thể biết tất cả các vị trí của tất cả các hạt và tất cả các quy luật khiến chúng tương tác, chúng ta có thể suy ra toàn bộ tương lai của vũ trụ. Từ lâu, nhà bác học Einstein đã nghi ngờ cuộc cách mạng của khái niệm này: “Chúa không chơi trò xúc xắc” nhưng các kinh nghiệm đã xác nhận cuộc cách mạng này.

Sự tồn tại của một thực tại vượt thời gian và không gian

Thử nghiệm Aspect ở Orsay (A. Aspect và P. Grangier, G. Roger, các nhà vật lý Âu châu, thư  49, 91 – 1982), và tất cả những thử nghiệm được thực hiện sau đó, có thể xác minh rằng nếu chúng ta khởi động một hệ thống gồm hai hạt tương quan theo hai hướng ngược nhau, phép đo của hạt này ngay lập tức làm nhiễu động hạt kia, như thể các hạt đang giao tiếp ngay lập tức. Nhưng thuyết tương đối của Einstein cấm đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng… Đâu là mối liên hệ kết nối chúng? Trên thực tế, chủ nghĩa hình thức của vật lý lượng tử dạy chúng ta, hai hạt tạo thành một thực thể duy nhất bất kể khoảng cách chia cách chúng! Do đó, hai hạt này tạo thành một hệ thống vượt thời gian và không gian. Đây là hiện tượng đầu tiên được chứng minh bằng thực nghiệm vượt thời gian, không gian, năng lượng và vật chất nhưng vẫn có hậu quả trong thế giới của chúng ta. Như giáo sư Nicolas Gisin, giám đốc khoa vật lý tại Đại học Geneva nói: “Các mối tương quan phi cục bộ đến từ bên ngoài không gian-thời gian bởi vì không có mô tả nào nằm bên trong không gian-thời gian có thể được thực hiện” (Có các hiệu ứng lượng tử đến từ Bên ngoài Không gian-thời gian? Tính phi định cư, ý chí tự do và “không có nhiều thế giới” trong Suarez A. và Adams P. (eds) Khoa học có tương thích với Ý chí tự do không? Springer, 2012).” (Nicolas Gisin, Are There Quantum Effects Coming from Outside Space-time? Nonlocality, free will and ‘no many-worlds’, dans Suarez A. and Adams P. (eds) Is Science compatible with Free Will? Springer, 2012).

Khoa học tự nó chứng minh giới hạn của chính nó

Những tầm nhìn truyền thống khẳng định sự tồn tại các cấp độ khác của thực tại (thiên thần, linh hồn, tổ tiên). Sự hiện đại đã làm cho những niềm tin như vậy trở nên lỗi thời, đối với nó mọi thứ tồn tại đều có thể dò tìm và đo lường được. Nhưng bằng cách chứng minh đặc tính phi bản thể học của mức độ thực tại, nơi vũ trụ của chúng ta định vị, các kinh nghiệm như kinh nghiệm không thể phân tách được mô tả ở trên đã mở lại những con đường triết học bị cho là đã khép lại. Và điều rất quan trọng là chính bản thân khoa học chứng minh giới hạn của chính nó chứ không phải triết học hay siêu hình học (như B. d’Espagnat đã chứng minh trong “Lý thuyết lượng tử và thực tế, Théorie quantique et réalité”, Pour la Science, 1980 và trong Tìm kiếm Thực tế của Gauthier Villars, 1979, Dunod tái bản năm 2015). Điều này tạo nên một thay đổi trong thế giới quan có thể so sánh với sự xuất hiện của khoa học hiện đại bốn thế kỷ trước với Copernicus, Kepler và Galileo.

Ý tưởng về một nguyên tắc sáng tạo

Trong lãnh vực Vật lý thiên văn, ý tưởng về một Vũ trụ vĩnh cửu đã bị xóa bỏ bởi sự phát hiện ra Vụ nổ lớn, điều này cũng đặt ra câu hỏi về Chúa, vì có một thời điểm không có thời gian và không gian (Vũ trụ đến từ đâu?) và bởi vì chúng ta đã có thể tính toán, nếu sự sống là có thể xảy ra, thì chỉ vì do mười lăm hằng số và các quy luật vật lý chi phối Vũ trụ được điều chỉnh một cách cực kỳ tốt (ai đã điều chỉnh?). Vào thế kỷ 20, chúng ta khám phá vũ trụ có một lịch sử và nó được thiết lập để sự sống có thể xuất hiện. Thời gian và không gian không còn là tuyệt đối nữa: chúng là tương đối. Vì vậy, chúng có thể không phải lúc nào cũng vậy. Lý thuyết Vụ nổ lớn cho chúng ta biết, khi chúng ta quay trở lại nguồn gốc, toàn bộ vũ trụ mà chúng ta quan sát được ngày nay tập trung trong một khoảng không gian 10-33 cm có nhiệt độ 1032 độ, 10-43 giây sau thời gian bắt đầu. Và nói về một “trước đây” là không có ý nghĩa, vì thời gian không tồn tại. Sau đó, có một kim tự tháp phức tạp được phát triển, từ vụ nổ lớn đến bộ não con người, vật thể phức tạp nhất của vũ trụ được biết đến.

Bây giờ câu hỏi về Chúa trở nên câu hỏi của khoa học.

Làm thế nào để giải thích điều này? Vũ trụ được điều chỉnh bởi mười lăm hằng số cơ bản và các định luật vật lý được điều chỉnh một cách cực kỳ tinh tế và nếu điều này không xảy ra với tất cả sự sống, thì mọi sự phức tạp sẽ là không thể. Nhà Vật lý thiên văn phật tử Trịnh Xuân Thuận từ đó nảy ra ý tưởng về một “nguyên tắc sáng tạo”, một nguyên tắc không thuộc văn hóa của ông, vì sự điều chỉnh này và khả năng có một sự sống rất thấp (xem sách của ông: Giai điệu bí ẩn, La Mélodie secrète, Fayard, 1988, và Hỗn độn và hài hòa, Le Chaos et l’Harmonie, Fayard, 1998): 1 cơ hội trong 10 đến lũy thừa 60, có nghĩa bao nhiêu cơ hội bắn trúng mục tiêu có kích thước một cm vuông ở đầu kia của vũ trụ bằng cách bắn một mũi tên một cách ngẫu nhiên, nếu chỉ có một vũ trụ. Để làm được điều này mà không có nguyên tắc sáng tạo, chúng ta phải giả định có vô số vũ trụ song song với chúng ta, mỗi vũ trụ có những bối cảnh khác nhau, nghĩa là chính các nhà duy vật bây giờ phải công nhận những thực thể không thể quan sát được! Sự đảo ngược khoa học luận đáng kinh ngạc.

Khoa học dám đặt câu hỏi về Chúa

Trong hai thế kỷ, người ta nói với những người tin Chúa, rằng Chúa là một giả định không cần thiết và người ta có thể giải thích một cách hoàn hảo thế giới không có Chúa. Jacques Monod, nhà sinh hóa học nói, vấn đề cùng đích bị cấm vĩnh viễn trong khoa học, nhưng 10 năm sau khi ông qua đời, khoa học đã đặt lại vấn đề này. Bây giờ câu hỏi về Chúa trở nên câu hỏi của khoa học. Người ta không nói khoa học chứng minh Chúa, nhưng câu hỏi về một đấng sáng tạo lại trở thành một câu hỏi khoa học, câu trả lời vẫn thuộc về từng cá nhân (người ta có thể chọn sự tồn tại của vô số vũ trụ song song). Đó là một cái gì hoàn toàn kinh ngạc và gần như mang tính cách mạng so với khoa học cổ điển. Nhưng, hơn nữa, nguyên tắc “Rasoir d’Ockham”  (đặt ưu tiên cho những giải thích đơn giản nhất, không thêm những giả thuyết không cần thiết), gần như ngày nay đứng về phía những người tin vì những người vô thần buộc phải xác định ý tưởng về vô số vũ trụ song song để tránh đặt vấn đề về một nguyên tắc sáng tạo.

Tôi có giảm thiểu nghiêm ngặt các quá trình diễn ra trong não của tôi hay không? Bởi vì nếu chúng ta bị đồng hóa vào các quy trình tái sản xuất bằng máy móc, chúng ta sẽ bị thay thế bằng máy móc.

Ý thức và tế bào thần kinh

Trong lãnh vực thần kinh học, quan điểm của một người chỉ bị điều kiện hóa bởi các tế bào thần kinh và chất hóa học của bộ não, từ đó ý thức xuất hiện và được đặt thành vấn đề. Theo các quan niệm phổ biến nhất, và đặc biệt là của ông Jean-Pierre Changeux, người vô thần, chúng ta tin vào bản sắc của tế bào thần kinh và tâm thần: nếu tôi biết hoàn toàn trạng thái não của bạn, tôi sẽ biết bạn đang nghĩ gì vào lúc này, và thậm chí những gì bạn sẽ nghĩ trong một phút sắp tới. Kiến thức đầy đủ về trạng thái của các tế bào thần kinh trong não sẽ cho phép chúng ta biết được kinh nghiệm của đối tượng. Điều này dựa trên giả định, ý thức của chúng ta có thể hoàn toàn rút gọn được các quá trình thần kinh. Một số thí nghiệm đã cho thấy chức năng não tinh tế hơn, và các trường hợp cận tử cũng vậy. Bản chất con người là vấn đề then chốt của thế kỷ 21. Đây là cuộc tranh luận hoàn toàn có trọng tâm về văn hóa: tôi có phải là người hoàn toàn chỉ tuyền các quá trình diễn ra trong não của tôi hay không? Bởi vì nếu chúng ta bị đồng hóa vào các quy trình tái sản xuất bằng máy móc, chúng ta sẽ bị thay thế bằng máy móc. Đó là cá độ của những người như ông Ray Kurzweil, nhà nghiên cứu Mỹ, ông cho rằng trí thông minh của máy móc sẽ không chỉ bắt kịp mà còn vượt quá con người. Tuy nhiên, có những lập luận cho rằng con người có nhiều thứ hơn là khoa học thần kinh có thể tìm thấy ở đó.

Tự do không thể đo lường được

Các kinh nghiệm cho thấy bộ não đã hoạt động vài phần trăm giây trước khi đưa ra quyết định: liệu vô thức của chúng ta có quan trọng hơn ý thức của chúng ta không? Nhưng có một quyết định theo kiểu phủ quyết là dừng hoặc bỏ qua các quy trình đã được khởi xướng một cách vô thức. Khoa học gia Benjamin Libet nói với chúng ta: “Chúng ta tự do, ít nhất là khi phủ quyết” (Tinh thần vượt ngoài các tế bào thần kinh, một cuộc khám phá về ý thức và tự do, L’Esprit au-delà des neurones, une exploration de la conscience et de la liberté, Dervy, 2012). Ở điểm này, chúng ta có thể mặc định “tâm trí” sẽ lấy quyền kiểm soát của bộ não. Nó giống như trọng tài trong trận bóng đá, người không làm gì, không bao giờ chạm vào quả bóng, nhưng là người đưa ra quyết định vào lúc cần quyết định, có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến kết quả của trận đấu. Tại tòa, nếu thân chủ của tôi giết cha của anh ta, tôi không thể lập luận anh ta quyết định chuyện này: vì một vài giây trước khi giết cha mình, ông đã có thể không làm như vậy. Các kinh nghiệm khác như kinh nghiệm của ông Jean-François Lambert với các nhà sư Tây Tạng khi họ thiền cho thấy, người ta có thể biết trạng thái thần kinh mà không biết đến trạng thái tinh thần của chủ thể.

Cho đến ngày nay, chúng ta không có một khái niệm nào rõ ràng về việc xuất hiện của ý thức. Ngày nay có rất nhiều lý thuyết để giải thích làm thế nào ý thức có thể xuất hiện từ các tế bào thần kinh, cũng như có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này… điều đó chứng minh, bất chấp những tiến bộ to lớn được thực hiện trong lĩnh vực này, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi cơ bản này, câu hỏi về bản chất của chính chúng ta! Tất cả các lý thuyết này đều dựa trên giả định, não bộ tạo ra ý thức. Và nếu chúng ta đi tìm sai hướng? Nếu nó hoạt động như một đài phát thanh, không tạo ra âm nhạc nhưng cần thiết để phát âm? Một số kinh nghiệm “thoát khỏi cơ thể” khi “chết lâm sàng” dường như gợi ý điều này (Bằng chứng của Thiên đàng, La Preuve du Paradis, Eben Alexander, nhà xuất bản Guy Trédaniel, 2013).

Trong lãnh vực tiến hóa, tình cờ được định hướng

Theo nhà cổ sinh vật học Simon Conway Morris, trong lĩnh vực Khoa học Đời sống, việc phát hiện ra các trường hợp có khả năng tái tạo của quá trình tiến hóa, như việc tạo các yếu tố con mắt “máy ảnh” như con mắt chúng ta, ở các loài động vật mà tổ tiên chung của chúng không hề có mắt, áp đặt một ý tưởng về một kênh tiến hóa đối với các dạng chức năng đã được “tiền quyết định trước vụ nổ lớn”. Nếu bạn ném những hòn bi từ đỉnh đồi xuống, bạn sẽ biết trước những con đường mà mà các hòn bi này có thể đi. Nó cũng giống như điều chúng ta thấy trong lãnh vực tiến hóa: ý tưởng ngẫu nhiên đã được đóng khung. Học thuyết Darwin nói ngược lại, “không gian của các khả năng” là khổng lồ, là kết quả của hàng tỷ tỷ tỷ đột biến liên tiếp, với mỗi lần được sắp xếp theo chọn lọc tự nhiên, và trong trường hợp này, theo thống kê, xác suất có hai sinh vật giống hệt nhau trong vũ trụ gần như không thể. Khi bộ phim Avatar ra mắt, một người theo thuyết Darwin viết đùa, trong Thế Giới mà nhà đạo diễn James Cameron đã làm “một tội ác chống lại chủ nghĩa Darwin” vì cư dân của Pandora quá giống con người, và tôi đã trả lời theo cùng giọng điệu của ông, nhưng ngược lại, vì quan niệm của ông là quan niệm của một khoa sinh học mới, cái gọi là nhà cấu trúc luận, trong đó những gì liên quan đến các cấu trúc lớn của sinh vật bắt nguồn từ các quy luật của vũ trụ chứ không phải từ chọn lọc tự nhiên.

Những tiến bộ khác cho chúng ta thấy, thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng: trong bộ gen của con người, người ta khám phá có ít gen hơn trong gen hạt gạo.

Một thực tế phức tạp hơn các bề ngoài

Những tiến bộ khác cho chúng ta thấy, thực tế phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây: trong bộ gen con người, người ta đã phát hiện có ít gen hơn trong gen hạt gạo; DNA không hoạt động như kế hoạch lắp ráp của một chiếc Boeing 747; khoa biểu sinh cho thấy, các gen tự biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh của chúng: di truyền không phải là tất cả; ngẫu nhiên bị giới hạn phạm vi: nó làm tốt công việc giải thích cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch chẳng hạn, nhưng trong nhiều trường hợp khác, phải dùng các khái niệm khác,

Sự xuất hiện của chúng ta không phải là một hiện tượng biểu sinh, nó được ghi trong quy luật vũ trụ. Sự thích nghi là chiếc mặt nạ, mà đằng sau là cấu trúc chung của nhiều sinh vật. Kích thước cổ của hươu cao cổ là quá trình hoàn toàn theo thuyết Darwin, nhưng cấu trúc của động vật có bốn chân thì không. Tất cả các tinh thể tuyết đều khác nhau, nhưng chúng có cấu trúc sáu nhánh. Có một mặt nạ thích ứng mà đằng sau mặt nạ này là các nguyên mẫu. Sự tiến hóa tuân theo các quy luật tự nhiên và không chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên ngờ các đột biến được lựa lọc bởi chọn lọc tự nhiên. Với tầm nhìn này, chúng ta đã vượt xa Darwin. Sự sống tương ứng với những nguyên mẫu cơ bản được lưu giữ trong các quy luật tự nhiên, đây không phải là thuyết sáng tạo hay thuyết Darwin, nhưng là một tiến hóa hướng tới những cấu trúc ngày càng phức tạp được xác định trước. Trong quan điểm như vậy về tiến hóa, những sinh vật như chúng ta phải xuất hiện ngày này hay ngày khác, trên hành tinh này hay hành tinh khác. Do đó, nhà sinh hóa học Christian de Duve giải thích, “Chúa chơi xúc xắc vì Ngài chắc chắn mình thắng”. Nói cách khác, “sự sống là mệnh lệnh của vũ trụ” hay thậm chí “các quy luật sinh hóa tạo ra những ràng buộc nghiêm ngặt đến mức ngẫu nhiên được chuyển hóa và sự xuất hiện của sự sống và thậm chí của suy nghĩ có ý thức trở thành một nghĩa vụ trong vũ trụ và điều này thấy trong nhiều trường hợp” (Bụi của sự sống, Poussière de vie, nxb. Fayard, 1996).

Ý tưởng về sự hội tụ, một cuộc cách mạng thay đổi tất cả

Ý tưởng về sự hội tụ là rất quan trọng. Qua hội tụ, chúng tôi muốn nói đến trường hợp một sinh vật mang một cơ quan và một sinh vật khác mang cùng một cơ quan, nhưng tổ tiên chung của chúng không có: ví dụ, mắt của con người; mắt của côn trùng rất khác nhau nhưng có một loài ốc biển có mắt giống chúng ta, một loài nhện cũng vậy và thậm chí cả một loài sứa, điều này chẳng giúp nó gì: thậm chí nó không có não… Một trong những nhà cổ sinh vật học vĩ đại nhất hiện nay, Simon Conway Morris, trong quyển sách về sự tiến hóa của sự sống, cho chúng ta thấy ít nhất 70 ví dụ về loại này (Giải pháp của cuộc sống, Life’s solution, Simon Conway-Morris, Cambridge University Press, 2003). Chính xác ông nêu lên:

“Đối với những người theo thuyết Darwin cổ điển, rất khó có khả năng những người cư ngụ ở một hành tinh này có thể giống với những người cư ngụ ở hành tinh khác. Hiện tượng hội tụ tiến hóa chỉ ra rằng, ngược lại, số lượng các lựa chọn thay thế bị giới hạn nghiêm ngặt. Một chương trình nghiên cứu như vậy có thể đưa ra một mức độ sinh học sâu hơn, trong đó sự tiến hóa theo Darwin vẫn là một khái niệm trọng tâm, nhưng ở đó các hình thức chức năng có thể được tiên định từ vụ nổ lớn” (Life’s Solution).

Tiến sĩ sinh hóa Michael Denton và các tác giả khác hỗ trợ ý tưởng, sự tồn tại của các hội tụ dẫn đến các kết quả giống hệt nhau theo các con đường khác nhau, rằng các dạng cấu trúc phức tạp được tạo ra bởi các quy luật tự nhiên chứ không phải bởi chọn lọc tự nhiên (Michael Denton, Craig Marshall, Michael Legge, “Protein gấp lại dưới dạng platonic: hỗ trợ mới cho quan niệm tiền-Darwin về sự tiến hóa theo quy luật tự nhiên” (The protein folds as platonic forms : new support for the pre Darwinian conception of evolution by natural laws, Journal of Theoritical Biology, 2002)

Các dạng chức năng tiên định

Từ hai thế kỷ nay, những người chống Darwin đã nói, con mắt là một hiện tượng quá phức tạp để có thể cho rằng đó là do ngẫu nhiên. Nhưng cũng có thể chứng minh tất cả các giai đoạn tồn tại giữa đôi mắt cực kỳ sơ khai không có thủy tinh thể cho đến con mắt hoàn hảo như con mắt của chúng ta. Nếu học thuyết Darwin không hoạt động tốt, đó là vì con mắt tồn tại quá nhiều! Ý tưởng về sự hội tụ tiến hóa đưa ra, số lượng các lựa chọn thay thế bị giới hạn nghiêm ngặt, có nghĩa là con đường được dồn về một hướng. Học thuyết Darwin giải thích nhiều điều, nhưng các cấu trúc lớn, như cấu trúc của các loài linh trưởng được tuân theo các quy luật tự nhiên. Đó là lý do vì sao nhà cổ sinh vật học Simon Conway Morris, có thể viết một câu khiêu khích như câu sau: “Các dạng chức năng đã được tiên định trước kể từ Vụ nổ lớn”, điều này có nghĩa là sự tiến hóa không chỉ xảy ra một cách tình cờ: nó được dồn về hướng các dạng đã được tiên định, và điều đó thay đổi rất nhiều thứ.

Sự thật và khả năng chứng minh

Cuối cùng, trong lĩnh vực toán học, định lý Gödel áp đặt một cái nhìn mới về thế giới, chứng minh mọi hệ thống lôgic chặt chẽ nào của con người chắc chắn là không hoàn chỉnh và khái niệm sự thật thì rộng hơn khái niệm về khả năng chứng minh, vì thế hướng về sự tồn tại của một “thế giới của các đối tượng toán học” qua đó tinh thần con người có thể tiếp xúc.

Con người vượt trội hơn máy tính vì con người có thể vào được thế giới của các khái niệm toán học. “Theo Platon, các khái niệm và chân lý toán học tồn tại trong một thế giới thực không có bất kỳ một khái niệm nào về định vị hóa không gian-nhất thời. Tuy nhiên, tinh thần chúng ta trực tiếp vào đó được nhờ kiến thức tức thời của các hình thức toán học và nhờ khả năng suy luận về các hình thức này. Chính tiềm năng kiến thức ngay lập tức về các khái niệm toán học và khả năng tiếp cận trực tiếp với thế giới Platon này đã mang lại cho tâm trí một sức mạnh lớn hơn bất kỳ thiết bị nào mà hoạt động của nó chỉ dựa trên tính toán” (Các bóng của Tinh thầnLes Ombres de l’esprit, Roger Penrose, Interéditions, 1995).

Toán học tồn tại trước con người

Nhà toán học Alain Connes, người theo thuyết bất khả tri, ủng hộ luận điểm toán học là một lục địa tồn tại từ trước và con người khám phá ra, giống như Châu Phi. Khái niệm này trái ngược với ý tưởng phát minh ra toán học và một số nhà vô thần như Jean-Pierre Changeux đã chống lại ông. Đối với họ, việc ủng hộ một luận điểm như vậy tạo nên một sự phản bội thực sự đối với lý trí, với thế tục và với tinh thần của thời Khai sáng. Nhưng bất chấp áp lực của Changeux đặt lên mình, nhà toán học Connes vẫn phản đối: đúng, toán học đã có từ trước khi con người khám phá ra nó. Đây là cách ông trả lời Changeux: “Khi nó diễn ra, sự khai sáng bao gồm một phần tình cảm đáng kể, đến mức con người không thể thụ động hoặc thờ ơ. Lần hiếm hoi điều này thực sự xảy ra với tôi, tôi không kìm được nước mắt. Tôi thường quan sát thấy những điều sau đây: một khi giai đoạn chuẩn bị đầu tiên được bước qua, chúng ta đụng phải một bức tường. Sai lầm không được mắc phải, đó là trực diện giải quyết khó khăn này (…). Kinh nghiệm cho thấy nếu chúng ta trực tiếp giải quyết một vấn đề, chúng ta rất nhanh chóng cạn kiệt mọi nguồn lực của ‘tư duy trực tiếp’, lý trí (…). Điều đáng chú ý là tầm quan trọng, khi tôi nói về tiến trình gián tiếp, của khoảng cách rõ ràng giữa vấn đề ban đầu và lĩnh vực điều tra hiện tại (…). Hiển nhiên nhà toán học phải có đủ thanh thản.

Do đó, chúng ta có thể đạt được một trạng thái chiêm niệm không liên quan gì đến sự tập trung của một sinh viên suy nghĩ khi thi toán” (Chất liệu để suy nghĩ, Matière à pensée, Jean-Pierre Changeux và Alain Connes, nxb. Odile Jacob, 1989). Không phải là nhà thần nghiệm trong tu viện nói như thế, đó là nhà toán học bất khả tri vĩ đại đã mô tả cách ông thực hiện công việc của mình như một nhà toán học, có nghĩa là cách ông khám phá ra sự thật… trong toán học. Vị trí này được nhà toán học Anh Andrew Wiles chia sẻ, người đã chứng minh định lý Fermat mà tôi đã gặp ở đại học Princeton. Các nhà toán học tiếp xúc với một thế giới khác. Các nhà thần nghiệm cũng cho rằng họ tiếp xúc với một thế giới khác. Tất nhiên, nó không cùng một thế giới. Nhưng nếu chúng ta tin vào các nhà toán học, thì vì sao chúng ta không cho các nhà thần nghiệm một chút uy tín nào trong các khẳng định của họ?

Định lý Gödel về sự không hoàn chỉnh tính không đầy đủ

Người ta luôn nghĩ lô-gích là phải dựa trên chính nó, vì toàn học dựa trên các bài toán và các bài toán dựa trên lô-gích; nếu lô-gích dựa vào chính nó, thì do đó hệ thống sẽ tự đóng lại trên chính nó: nó hoàn chỉnh và mạch lạc. Đó là một phần của dự án lớn mà nhà toán học David Hilbert gọi là “giải pháp cuối cùng” (dĩ nhiên là trước chủ nghĩa quốc xã!) cho vấn đề lô-gích. Nếu dự án này thành công, chúng ta đã có thể nói “nó đúng hoặc sai” trước bất kỳ mệnh đề lô-gích nào. Nhưng định lý Gödel cho thấy, bất kỳ hệ thống lô-gích nào (kể cả toán học) nếu nó là mạch lạc thì đều không đầy đủ. Đó là một định lý có những hệ quả triết học vô cùng lớn.

Laplace nói rằng ông không cần Chúa, Hilbert tìm kiếm “giải pháp cuối cùng”, xây dựng trên lô-gích một cách không phản bác được, Changeux khẳng định căn tính của nơ-ron và tâm trí: tất cả những quan niệm này đều sụp đổ.

Khái niệm về sự không hoàn chỉnh này đã được trải nghiệm như một cái gì đó tiêu cực, nhưng ngược lại nó là động lực, vì ở đây có một thách thức trong hệ thống mà sự làm chủ không hoàn chỉnh và một câu chuyện là có thể xảy ra. Chúng ta muốn có một thế giới hoàn chỉnh, nhưng ý tưởng cơ bản và sáng tạo về sự không hoàn chỉnh này là chìa khóa để hiểu được tầm nhìn mới về thế giới, như Cha Thierry Magnin đã viết (Kinh nghiệm của không hoàn chỉnh, l’Expérience de l’incomplétude, nxb. Lethielleux-DDB, 2011). Một hệ quả khác của định lý Gödel là có những chân lý mà chúng ta có thể nhận thức được khi chúng không thể chứng minh được trong một hệ thống đã có. Trong bất kỳ hệ thống lô-gích nào, nhất định phải có một cái gì đó đúng nhưng không thể chứng minh được trong hệ thống liên quan. Vậy làm thế nào để chúng ta biết điều này là đúng? Chắc chắn nhờ nhận thức kiểu Platon, như khả năng tiếp cận chân lý trong toán học.

Một cuộc cách mạng khái niệm nhờ khoa học

Việc xã hội chúng ta dần dần đồng hóa những khám phá cơ bản, dù đó là những nguyên tắc không chắc chắn, không thể hiểu được, không lường trước được này sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng ta về thế giới: một cuộc cách mạng khái niệm do chính khoa học áp đặt đang được tiến hành và qua cách mở ra “lãnh vực của những khả năng”, nó có khả năng dẫn đến một sự tái phấn khởi của thế giới, có thể có một tác động vô cùng lớn trên vận mệnh xã hội chúng ta. Con người của khoa học phải quyết tâm từ bỏ tầm nhìn cổ điển của mình, vì con người muốn đặt mình vào vị trí của Thượng đế. Nhà toán học Laplace nói ông không cần Thượng đế, Hilbert tìm kiếm “giải pháp cuối cùng” tạo một lô-gích một cách không thể chối cãi được, Changeux khẳng định căn tính của thần kinh và tinh thần: tất cả các khái niệm này bị sụp đổ. Một cuộc cách mạng khái niệm thực sự đã quét sạch tất cả các lĩnh vực này. Có một tầm nhìn cổ điển nổi bật, do con người muốn đặt mình vào vị trí của Chúa: đó là viễn cảnh của Laplace, Hilbert, thậm chí của Changeux. Điều này cho thấy đây là ảo tưởng, duy nhất chỉ vì lý do khoa học, chính khoa học mang phương pháp khắc phục cho vấn đề nó tạo ra, đó là sự vỡ mộng của thế giới. Sau đó, có những cách giải thích triết học được triển khai, nhưng chính từ bản thân khoa học mới tạo ra sự thay đổi.

Một cuộc cách mạng triệt để đang được tiến hành

Thế kỷ 20 chứng kiến một cuộc cách mạng phi thường trong hầu hết các lĩnh vực kiến thức: chúng ta đi từ thời gian và không gian tuyệt đối của Newton đến thuyết tương đối của không gian và thời gian của Einstein, điều này dẫn đến lý thuyết Vụ nổ lớn; chúng ta đã đi từ thuyết xác định của Laplace, vốn không cần đến Chúa, sang nguyên lý bất định của Heisenberg, nguyên lý tạo ra tính không phân tách lượng tử bí ẩn, vượt ra ngoài không gian và thời gian; chúng ta đi từ “giải pháp cuối cùng” được Hilbert hy vọng liên quan đến tính hoàn chỉnh của lô-gích sang định lý về sự không thể hoàn chỉnh của Gödel, định lý phủ nhận nó một cách dứt khoát; chúng ta đi từ chọn lọc tự nhiên của Darwin sang những ý tưởng về khả năng tái tạo của quá trình tiến hóa dưới ảnh hưởng của các dạng cơ bản đã được tiên định ngay cả trước Vụ nổ lớn; chúng ta đã đi từ phân tích sự cân bằng của hóa học cổ điển thời Berthelot đến việc phân tích sự không cân bằng và lý thuyết về sự hỗn loạn; Chúng ta đi từ con người thần kinh của Changeux đến khẳng định về con người mang ý chí tự do nơi Benjamin Libet (Sự tồn tại của chúng ta có một ý nghĩa không? Notre existence a-t-elle un sens?, J. Staune, Presses de la Renaissance, 2007,

Các hệ quả triết học

Các hệ quả triết học của cuộc cách mạng này là như sau: vượt ra ngoài chủ nghĩa giản lược, con người thì hơn là một tập hợp các cơ quan, thiên nhiên thì hơn là các nguyên liệu thô được khai thác, tổng thể thì nhiều hơn là tổng số các bộ phận; các giới hạn của thuyết tất định trong thế giới của chúng ta; kết thúc của sự khép lại khái niệm về Thế giới, theo đó, mọi thứ xảy ra trong cấp độ thực tại của chúng ta đều phải có nguyên nhân của nó trong cùng cấp độ này. Thế giới chúng ta không thể tự nó giải thích được!

Sự không chắc chắn, sự không hoàn chỉnh, sự không tiên liệu được: những “không” này cho dấu hiệu: nó mang tính xây dựng chứ không phá hoại, và mang lại sự khiêm tốn. Bác bỏ chủ nghĩa giáo điều (tôi có sự thật và tôi sẽ dạy sự thật này cho các bạn) và chủ nghĩa tương đối (tất cả các ý kiến đều có giá trị), nó phù hợp với khẳng định, theo đó có một sự thật mà không một người hay một nhóm nào có thể chiếm hữu sự thật này, chỉ có thể tiếp cận nó ít nhiều tùy theo các trường hợp, điều này đưa chúng ta trở lại huyền thoại về hang động…

Các hệ quả thần học

Tóm lại, có ba quan điểm thần học về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Thứ nhất, quan điểm của thuyết tách biệt. Được Galileo thành lập để giải quyết các vấn đề với Tòa Thánh: “Khoa học nói làm thế nào đi đến trời, tôn giáo nói làm thế nào đi lên trời.” Trên thực tế nghe có vẻ hợp lý, nhưng về lâu dài nó sẽ tạo kết quả tai hại cho các tôn giáo. Đó là cái bẫy chết người, vì như thế có nghĩa tôn giáo không có gì để nói về cái thực, không có gì để nói về bản chất của ý thức con người, không có gì để nói về bản chất của vũ trụ, vì vậy cuối cùng, các tôn giáo bị mất uy tín vì những người theo chủ nghĩa duy vật, họ có điều gì đó để nói về tất cả những điểm này. Nếu các tôn giáo ẩn mình trong các đạo đức và giá trị, thì chúng không còn có chỗ đứng trên thế giới. Ý tưởng về Huấn quyền không lấn nhau (NOMA, Non Overlapping Magisterium) là rất nguy hiểm vì nó bao hàm ý nghĩa: tôn giáo lo đạo đức, còn tôi, khoa học, tôi là người duy nhất có thể cho bạn biết con người là ai, đâu là thực, v.v..

Kế đó, vị trí của thiết kế thông minh, theo đó sự phức tạp của vũ trụ và của những sinh vật sống chứng minh sự tồn tại của một Nhà thiết kế. Nó đi quá xa về mặt khoa học và nó còn gây tranh cãi về mặt thần học, vì là tín hữu kitô, tôi tin Chúa để tôi tự do không tin ở Ngài. Nếu tôi có bằng chứng khoa học về sự tồn tại của Chúa bằng cách phân tích các hệ thống sống, tôi sẽ rất buồn chán, bởi vì nó sẽ đặt câu hỏi về quan niệm của tôi có về Chúa! Cuối cùng, lập trường của sự không hoàn chỉnh, có vẻ là quan điểm đúng vì khoa học ngày nay tự nó (không phải triết học hay thần học) cho thấy sự tồn tại của một cái vượt ra ngoài khoa học, mà nó không thể nói lên điều gì ngoại trừ việc nó tồn tại, vốn bác bỏ thuyết giản lược và đặc tính tự đủ về mặt bản thể học của thế giới chúng ta.

Một uy tín mới cho diễn từ tôn giáo

Mô hình khoa học mới khôi phục uy tín lớn cho khái niệm tôn giáo. Từ nhiều thế kỷ nay, tất cả các tôn giáo đều nói, có một cấp độ thực tại khác ngoài không gian, thời gian và vật chất, và rằng tinh thần con người được kết nối với cấp độ khác này. Tính Hiện đại đã làm cho một khái niệm như vậy thành phi lý: đối với nó, không có gì khác ngoài thế giới vật chất. Nhưng mô hình khoa học mới bất ngờ khôi phục lại uy tín cho khái niệm tôn giáo này.

Khoa học ngày nay trả lời “có” cho bốn câu hỏi thiết yếu: Có một cấp độ thực tại nào khác ngoài không gian và thời gian không? Liệu tinh thần con người có thể tiếp xúc với một mức độ khác của thực tế không? Liệu ý chí tự do có tồn tại không? Một nguyên tắc người sáng tạo có đáng tin cậy ở cấp độ hợp lý không? Ngày nay, chúng ta có thể trả lời có cho tất cả những câu hỏi này và điều này đã làm thay đổi mọi chuyện. Như nhà bác học Pasteur đã nói, “một chút khoa học làm xa Chúa, nhưng rất nhiều khoa học mang Chúa đến”. Do đó, một sự tổng hợp mới giữa khoa học và tâm linh có thể xảy ra và nó dẫn đến một hấp dẫn cho thế giới. Chúng ta có hy vọng này cho thế kỷ 21: lấp khoảng trống giữa hai nền văn hóa, khoa học và tôn giáo, đồng thời khôi phục tầm nhìn về thế giới được hưởng lợi từ hơi thở mà tính siêu việt mang lại và sự vững chắc mà lý trí mang lại.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2021/07/21/khi-khoa-hoc-tai-kham-pha-thien-chua/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây