TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng lên mặt với các bậc tiền nhân

Thứ bảy - 04/09/2021 22:02 | Tác giả bài viết: |   612
Khi đọc Cựu ước, đừng cho rằng nó sai lầm chỉ vì có những điểm không tương đồng với cảm thức đương đại.
Đừng lên mặt với các bậc tiền nhân

ĐỪNG LÊN MẶT VỚI CÁC BẬC TIỀN NHÂN CỦA BẠN!

WGPQN (31.8.2021) - Khi đọc Cựu ước, đừng cho rằng nó sai lầm chỉ vì có những điểm không tương đồng với cảm thức đương đại.

Cựu ước chứa đựng nhiều luật lệ khác nhau, nhưng chúng lại không phù hợp với cảm thức hiện nay và có thể gây ra những trở ngại cho việc đọc Kinh thánh. Có một số cách để giải quyết chuyện này.

Đầu tiên, đừng cho rằng Cựu ước sai lầm chỉ vì một số lập trường của nó không tương đồng với cảm thức đương đại. Quan niệm rằng tư tưởng của chúng ta ngày nay tự động vượt trội so với tư tưởng của thế giới cổ đại, phản ánh một hình thức của lỗi ngụy biện dựa vào cái mới; cần phải chất vấn: liệu những tư tưởng hiện đại có vấn đề hay không?

So với những người thời xưa, chúng ta hưởng một cuộc sống rất nhẹ nhàng và thoải mái, vì thế thật hợp lý để chất vấn: liệu một số những quan điểm của chúng ta có thể trở nên phi thực tế hay thậm chí là suy đồi hay không?

Tiếp nữa, chúng ta cần thừa nhận rằng, một số các luật lệ bị đặt vấn đề đều nằm trong bộ Ngũ thư (các sách từ Sáng thế đến Đệ Nhị luật) và như thế, chúng phản ánh về tình trạng sơ khai của một mặc khải tiệm tiến. Chính Đức Giêsu khẳng định rằng: Môsê đưa ra một số luật lệ cho dân Israel chỉ vì họ lòng chai dạ đá (Mc 10,5). Thiên Chúa sẵn lòng khoan thứ cho một số thực hành nhất định của dân Israel trong một thời gian, cuối cùng, Người mới mặc khải toàn bộ thánh ý của Người qua Đức Kitô. Vì lẽ ấy, sự khó hiểu do một luật lệ cụ thể mang lại, thực ra lại thể hiện việc Thiên Chúa đã khoan thứ vì dân Israel chưa đạt đến tình trạng tiến triển hơn về văn hóa và tâm linh.

Thứ ba, việc đọc cẩn trọng những bản văn luật cho thấy rằng, thay vì hàm ý một sự cho phép, lề luật thực ra đang cố gắng hạn chế thiệt hại xảy ra trong một tình huống. Chẳng hạn, một số người cảm thấy bị sốc bởi những quy định nói về điều mà đàn ông Israel có thể làm khi họ bắt giữ được phụ nữ trong giao chiến và muốn cưới họ (Đnl 21,10-14), tuy nhiên, mục đích của luật này thật ra là để kiềm chế những hành vi khác của nam giới và cung cấp những sự bảo vệ cho các tù nhân nữ.

Theo đó, người đàn ông không được phép cưới người phụ nữ ngay lập tức. Có một giai đoạn chờ đợi mà người phụ nữ được ăn vận kém hấp dẫn và để tang cho cha mẹ mình, khoảng thời gian này giúp người đàn ông có cơ hội xem xét lại (Đnl 21,12-13). Bản văn cảnh báo người đàn ông, người vẫn cố muốn cưới người phụ nữ này, rằng anh ta đã “làm nhục cô ấy” (Đnl 21,14), và nếu anh ta quyết định ly dị, thì cô ta có quyền đi bất cứ đâu mình muốn, bao gồm việc quay trở lại nhà mình. Người đàn ông không được phép bán hay đối xử với cô ta như một nô lệ. Do đó, bản văn có mục đích hạn chế cách mà những người Israel đối xử với tù nhân nữ.

Thứ tư, chúng ta cần hiểu về những nguyên tắc mà lề luật đặt nền tảng trên đó. Chẳng hạn, nhiều người thời nay phê phán những tuyên bố gây ấn tượng khắc nghiệt của Cựu ước, như việc cho phép chuyện “mắt đền mắt, răng đền răng”. Tuy nhiên, hiểu cách chính xác, những đoạn văn này diễn tả về nguyên tắc công bằng và hướng đến việc tăng triển ích chung.

Ba đoạn văn đề cập đến nguyên tắc “mắt đền mắt” gồm: Xuất hành 21,22-25; Lêvi 24,17-21 và Đệ Nhị luật 19,16-21. Đoạn văn thứ nhất giải quyết tình huống những người đàn ông đánh nhau và vô tình gây thương tổn cho một phụ nữ có mang, làm cô ta sẩy thai. Đoạn văn thứ hai giải quyết việc một người đàn ông tấn công và làm thương tật người khác. Bản văn thứ ba giải quyết trường hợp một người làm chứng gian ở tòa để hãm hại người vô tội. Mỗi bản văn đều xuất hiện một qui tắc chung: “Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng,  mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,23-25).

Lưu ý rằng những đoạn văn này có mục đích để tòa án sử dụng khi một tội ác đã được thực hiện. Chúng không phải là những chỉ dẫn dạy người ta trả thù cá nhân. Mục đích của việc có một hệ thống tòa án là để ngăn con người thực hiện những hành vi này bằng cách đảm bảo cho công lý được thực thi khi bên vô tội bị làm hại.

Nếu con người tự trả thù, họ thường thực hiện điều đó cách thái quá. Chẳng hạn, một người bị gây thương tích hay nhìn thấy người mình yêu thương bị thương tổn có thể sẽ sát hại thủ phạm. Các tòa án và luật lệ tồn tại, để giữ cho điều này không diễn ra. Để thực hiện đúng vai trò của mình, các tòa án cần thực thi luật pháp cách công bằng. Nếu họ quá khoan nhượng, mọi người có thể giải quyết vấn đề theo cách của riêng mình. Do đó mới có những đoạn về “mắt đền mắt”. Chúng hướng dẫn cho các tòa án đưa ra hình phạt phù hợp với tội phạm, đây là một nguyên tắc nền tảng của công lý. Nguyên tắc này thúc đẩy công ích và trật tự xã hội bằng cách ngăn cản người khác tự tiện trả thù.

Trong một thế giới không có hệ thống nhà tù với số lượng lớn, điều này có thể được hiểu theo nghĩa đen là “mắt đền mắt”, dù nó không luôn là như vậy. Sách Dân số 35,31 định rõ: không một khoản tiền chuộc nào được chấp nhận trong trường hợp giết người. Điều này ám chỉ rằng: trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, bên phạm tội có thể trả một khoản bồi thường. Như vậy, một người có thể tránh “mắt đền mắt” nếu trao trả một khoản bồi thường thích đáng cho bên bị hại.

Công lý cũng có thể được lòng thương xót tôi luyện theo những cách khác. Vì lẽ đó mà Đức Giêsu đã khuyên các cá nhân “hãy giơ má kia nữa” thay vì cứ bám sát vào thứ công lý “mắt đền mắt” (Mt 5,38-39).

Tác giả: Jimmy Akin
 Chuyển ngữ: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Từ: 
catholic.com (11.8.2021) 

Nguồn: gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây