TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

Thứ hai - 13/09/2021 21:44 | Tác giả bài viết: Nt. Maria Antôn Quỳnh Thoại |   1023
Thiên Chúa đã tác động lên đời sống con người như thế nào?
Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 20: NHỮNG NGÀY LỄ TRUYỀN TIN CỦA CUỘC ĐỜI

Câu hỏi:

Thiên Chúa đã tác động lên đời sống con người như thế nào?

Trả lời:

1. Đức Maria mang thai

Đang yên đang lành, tự dưng… có bầu! Lý do là: “Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần!” Nghe có vẻ rất mầu nhiệm, khó chấp nhận.

Truyền tin xong, Thiên Thần từ biệt cô gái làng Nazarét. Rồi biệt tăm, không thấy trở lại. Cô thiếu nữ Maria một mình trong hoảng sợ. Chưa chồng mà chửa, tội này lôi ra ném đá chứ bộ giỡn!

Còn chàng thợ mộc Giuse, sau khi biết tin vị hôn thê có bầu, liền hoang mang tột độ, buồn rầu rồi âm thầm bỏ đi. Túm lại, cuộc sống cặp đôi này bị đảo lộn hoàn toàn.

Rối nùi! Khủng hoảng! Những lời bàn ra, tán vào vẫn cứ xì xào từ đầu làng cuối thôn…

Rồi Thiên Thần lại hiện ra báo mộng cho chàng thợ mộc. Mọi việc sáng tỏ. Hai người về chung nhà. Kết thúc tập một có hậu.

Đó là chuyện xảy ra hơn hai ngàn năm trước. Chuyện ngày xửa ngày xưa…

2. Chuyện đau lòng

Còn bây giờ. Ngày nãy ngày nay. Cũng ngay ngày lễ truyền tin, nó đi dự lễ khấn của 2 người bạn nhỏ. Đường không xa nhưng vì lần đầu tiên nên nó hơi hồi hộp. Lạc đường hoặc đi nhầm địa chỉ là chuyện không xa lạ gì với nó. May quá! Lần này nó đi đúng nơi cần đến.

Khuôn viên nhà dòng thật đẹp, có nhiều cây cối. Người bạn nhỏ ra đón nó với nụ cười y chang: khoe cả hàm răng và mắt thì chỉ còn thấy hai dấu gạch ngang.

Rồi nó được dẫn đi tham quan một vòng… Xa xa có hai thầy, một già, một trẻ đang trao đổi gì đó. Rồi nó thấy thầy trẻ khóc, khóc như một đứa trẻ… Thì ra trên đường từ chỗ làm vườn lên nhà nguyện thầy nhận được tin: mẹ thầy qua đời! Một hung tin. Một thoáng ngậm ngùi, nhiều giờ khóc thương!

Thêm nữa, ngay giữa tâm bão virus Corona, em nhận được tin con trai mới chập chững biết đi là nạn nhân tiếp theo của cơn đại dịch. Trái tim người cha vốn dĩ mạnh mẽ, giờ như bị ngàn mũi dao đâm thấu, bất lực nhìn con đang đòi được bồng bế qua tấm cửa kính của phòng cách ly.[1] Một tờ giấy báo bệnh làm người ngoài cuộc như nó cũng không khỏi chạnh lòng. Đau và thương!

… Và ngoài kia còn bao nhiêu “ngày truyền tin” kiểu như thế! Có người gào lên trước những hung tin: “Liệu niềm tin có còn trên mặt đất?” (Lc 18,8).

3. Niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng

Suy ngẫm về những biến cố truyền tin như thế, nó bắt gặp hai luồng chuyển động, một từ Thiên Chúa và một từ con người. Hai luồng chuyển động này gặp gỡ nhau trong đối thoại, được thể hiện qua thái độ đáp trả trước nhu cầu của nhau: Thiên Chúa mời gọi và con người đáp trả.

Đầu tiên, nó suy nghĩ về thái độ của Mẹ Maria:

Chuyện này chắc người Công Giáo nào cũng biết, cả Giáo Hội đều biết! Mọi người vui mừng vì… thông tin trọng đại này! Nhưng có mấy ai hiểu được những ngổn ngang trong lòng Mẹ Maria lúc ấy. Tuy nhiên, Mẹ không phó thác cuộc đời mình cho Chúa một cách hờ hững, nông cạn. Mẹ chuyển động. Sự chuyển động đầu tiên là biết ngạc nhiên. Điều này nó kết nhất nơi Mẹ. Và nó kết những ai còn biết ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra chung quanh mình. Vì sao?

Vì sự ngạc nhiên lôi hút trí tò mò của con người về điều mà chúng ta chưa thể lĩnh hội được. Do đó, họ muốn biết rõ hơn và nhìn sâu hơn. Sự chuyển động thứ hai còn có giá trị hơn nhiều đối với nó; đó là, Mẹ nói với Sứ Thần tình trạng của mình. Nhiều và rất nhiều lần nó phớt lờ đi hay không dám đối mặt với tình trạng của bản thân mình. Mẹ Maria thì khác. Mẹ nói với Chúa về tình trạng “độc thân” của mình: “Làm sao mà một cô gái chưa chồng như con lại có thể mang thai được?”

Nó lại khoái cái khí chất này của Mẹ: Mẹ chủ động và có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Hoang mang đó, nhưng không ủy mị, lý trí vẫn cùng con tim hợp tác vui vẻ. Kết quả là Mẹ đặt trọn niềm tín thác vào lời mời gọi của Thiên Chúa. Và chính sự tín thác đó là mảnh đất màu mỡ để ân sủng của Thiên Chúa được tự do tác động. Nói cách khác, Mẹ đã đón nhận Thiên Chúa là nguồn trợ lực cho quyết định cuối cùng của mình. Vâng theo Thánh Ý Chúa là một quyết định tuy liều lĩnh nhưng hết sức “Kitô Giáo”. Đó là đặt trọn niềm tín thác vào Thánh Ý Chúa. Tiếng “Fiat” – Xin Vâng, là một sự chuyển động không bao giờ ngưng nghỉ nơi Mẹ. (x. Lc 1,38).

Thái độ của Thầy trẻ trên đây:

Thầy trẻ vẫn đứng khóc, nhưng không như một đứa con nít, mà là một người đang can đảm nhận lãnh lời truyền tin. Chỉ có nó, là đang rối bời. Nó không biết phải nói gì, bao nhiêu vốn liếng từ vựng về chia sẻ và cảm thông, giờ bay đi đâu hết trơn, hết trọi… Nó chỉ biết nguyện thầm cho thầy, một người vừa nhận hung tin. Nó cũng thấy mắt mình cay cay…

Người theo Chúa, thưa xin vâng không khó. Cái khó là sống trọn vẹn và ý nghĩa từng giây phút hai tiếng XIN VÂNG là cả một thách đố và hy sinh. Điều đó đòi hỏi mỗi người một sức mạnh nội tại để vượt qua những giới hạn của phận người.

Thầy trẻ gạt nước mắt, rồi đi vào trong khoảng lặng của nỗi buồn mồ côi, mất mẹ. Nó đoán chắc thầy về phòng, gọi điện liên hệ với người thân hoặc chuẩn bị hành lý về chịu tang? Nó lầm to. Thầy vẫn dự lễ, vẫn giúp chiếu máy, vẫn tiếp khách dự tiệc, những giọt nước mắt mất mát người thân tạm nhường chỗ để hòa chung niềm vui của anh em mình và những người xung quanh… Thông điệp thầy nhận được dù vui hay buồn vẫn không cản trợ thầy hiện diện trong cộng đoàn như một quà tặng và một sự hiến thân. Nó cho đó là lời xin vâng đau đớn nhất và cũng đẹp nhất trong đời hiến dâng.

Còn thái độ người cha có đứa con nhỏ trong cơn đại dịch:

Em đau khi nhìn đứa con bé bỏng của mình phải cách ly. Báo chí chẳng nói thêm gì về em, nhưng nó tin chắc em sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Em sẽ làm tất cả để vượt qua cùng con, mong chờ tin vui và hy vọng vào ngày đoàn tụ. Nó có luôn đặt hy vọng vào Chúa giữa những thách đố tưởng chừng quá sức chịu đựng không? Đâu là động lực để nó tiếp tục hy vọng?

Còn Thiên Chúa, Người đã chuyển động như thế nào cuộc đời của Mẹ Maria, nơi thầy trẻ và em? Nói cách khác, Thiên Chúa đã tác động lên đời sống con người như thế nào, trong những trường hợp cụ thể trên?

Nó lại ngồi ngẫm nghĩ và thấy lòng ấm áp. Thiên Chúa hay thật! Người yêu thương tất cả mọi người, nhưng luôn có kế hoạch cho từng người. Người không “bốc thăm” ngẫu nhiên, trúng ai thì người đó làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Người chọn lựa và mời gọi con người tự do cộng tác. Người không phải là Thiên Chúa “muốn làm gì thì làm”.

Như trong trường hợp của Mẹ Maria, nói theo kiểu ngôn ngữ bây giờ là “tốn không ít năng lượng để trấn an và giải thích”. Cuối cùng sứ thần mới thuyết phục được trái tim và lý trí của Mẹ. Cũng từ đó, Mẹ chung chia cuộc sống mình trong kế hoạch Yêu Thương của Thiên Chúa. Nó thiết nghĩ, Thiên Chúa đâu lúc nào cũng có thể “phán một lời liền có mọi sự” (x. St 1,1-8). Nhưng Thiên Chúa hành động không giống như những gì con người thường nghĩ. Thiên Chúa tâm lý và dễ thương vô cùng. Người chuyển động nhẹ nhàng và bền bỉ như chờ đợi được gặp gỡ con người, loài thọ tạo cần thời gian để hiểu và đón nhận Thánh Ý.

Nó tạm ví sự chuyển động trên như dòng sông chứa đầy phù sa, không ồn ào náo động nhưng ấp ôm nhân gian bằng những cưu mang. Nếu không phải vậy, sao Mẹ Maria lại dám liều lĩnh đi vào Mầu Nhiệm Cứu Độ với biến cố truyền tin? Không phải do ơn Chúa, sao thầy trẻ lại có đủ bình tĩnh để chờ đợi chuyến bay sớm nhất vào hôm sau để về gặp mẹ lần cuối? Và nếu không có Chúa, liệu niềm hy vọng của em có đủ để chờ đợi phép màu y khoa cho đứa con trai bé bỏng của mình?

Con người ngày nay nhiều khi rất vội vàng đưa ra câu hỏi: Tại sao Chúa im lặng? Sao Chúa lại để những điều tồi tệ xảy ra trong cuộc sống này? Nó thấy bất công cho Chúa và nó muốn bênh vực cho Người. Thiên Chúa không hề im lặng, nhưng vì con người chúng ta không đủ bình tĩnh trước những khó khăn, hay những bất toàn trong cuộc sống.

Bản thân nó cũng vậy. Nhiều lần và rất nhiều lần, nó chỉ nhìn thấy vấn đề của mình mà quên mất sự hiện diện của Chúa. Nó đã từng tập trung toàn bộ năng lượng, giác quan của mình cho những vấn đề gặp phải và giải quyết chúng một mình. Nó quên lời hứa của Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28).

Phù sa vẫn âm thầm nuôi tôm, nuôi cá, nuôi cả cuộc đời bao kiếp người nổi trôi, nhưng mấy ai lại nhắc đến nó. Không khí vẫn phủ khắp nơi để nuôi sống con người, mấy ai quan tâm về nó. Chúng ta quả là rất mau quên đi những ân tình!

Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta biết noi gương khiêm nhường của Mẹ, để lắng nghe và suy ngẫm Thánh Ý Chúa trong lòng và trong cả cuộc đời.

Xin biến cố truyền tin năm xưa luôn nhắc nhở nó về một Thiên Chúa: khiêm hạ, bước xuống nhân gian để chung chia phận người với con người. Thiên Chúa ấy biết khóc, biết cười, biết nóng giận, biết xót thương… và nhất là luôn chuyển động trong mỗi biến cố lớn nhỏ.

Xin cho mỗi người tinh tế nhận ra tiếng Chúa nơi Lời của Người, nơi các Bí Tích, nơi những anh chị em chung quanh. Được như thế, chắc người ta không còn hoài nghi về sự hiện diện của Chúa trong đời mình nữa. Vậy trong mọi biến cố vui buồn: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118).

Thân ái!

Nt. Maria Antôn Quỳnh Thoại

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (14.9.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây